You are here

HOT – HIT: 2 khái niệm và 1 cuộc tráo đổi mang tên ảo tưởng

Tác giả: 
B.N

Có HIT chắc chắn sẽ HOT nhưng đừng lầm tưởng rằng, ca khúc HOT chắc chắn thành HIT.

Ca khúc Hit và ca khúc Hot là gì?

Theo quan điểm của nhà sản xuất, DJ Slim V: "bản hit là một bài hát mà chỉ cần nghe những nốt đầu tiên đã biết chắc chắn đó là ca sĩ nào".

Với nhạc sĩ Khắc Hưng: "bản hit là một ca khúc có sức sống, giống như một hạt mầm quý mỗi khi mình gieo, mình tin nó sẽ đem lại cái gì đó có giá trị".

Riêng ca sĩ Tùng Dương lại cho rằng: "Có 2 loại hit: hit tức tốc và hit bền. Hit tức tốc – giống mù tạt, ào ạt cay xè xong rồi hết. Hit bền – giống cơm rau hàng ngày, ăn lúc nào cũng được, thỉnh thoảng xào nấu, gia giảm thêm gia vị có khi lại gây nghiện".

Đơn giản hơn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định: "đã là Hit thì phải hay và nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của khán giả".

Tổng kết lại, hiểu một cách đơn giản nhất, ca khúc Hit trước hết phải được số đông biết đến, số đông công nhận, nó có thể nóng tại một thời điểm nhất định nhưng ít nhất phải có giá trị nghệ thuật, giá trị văn hoá, đồng thời tạo nên dấu ấn riêng cho nhạc sĩ sáng tác, cho ca sĩ thể hiện, thậm chí có những Hit đi cùng năm tháng mà dẫu "cha đẻ" của nó đã nằm xuống, người ta vẫn cứ nhớ đến và tôn vinh.

Với ca khúc Hot, nó đảm bảo được yếu tố nóng ngay tại giai đoạn ấy nhưng không chắc chắn "sống" được về lâu về dài. Và ở một khía cạnh nào đó thì ca khúc Hot cũng có nét tương đồng với Hit tức tốc trong quan niệm của Divo Tùng Dương: khiến người nghe cay xè, ám ảnh trong một vài ngày, sau đó thì hết.

Đã là Hit chắc chắn sẽ Hot nhưng chiều ngược lại không đúng 100%

Ở vế đầu tiên, thực tế làng nhạc Việt đã chứng minh tất cả bởi muốn thành hit, trước hết bản nhạc đó phải hot. Chỉ khi hot, khán giả mới đào sâu tìm tòi xem tầng ý nghĩa của nó ra sao, cảm hứng tạo ra nó thế nào và liệu nó có giá trị gì về mặt văn hoá. Trường hợp này không khó để tìm đại diện tiêu biểu, nhất là với những ca khúc tiền chiến, nhạc đỏ, nhạc vàng nhưng chúng tôi chỉ lấy ví dụ điển hình hit đã theo Mỹ Tâm suốt gần 20 năm qua, có thể kể đến "Ước gì", 'Hoạ mi tóc nâu", "Tình thôi xót xa",…

Ở vế ngược lại, tôi nghĩ bài hát Hot cũng như một ca khúc hiện tượng, nóng sốt, lạ vị nhưng dễ ngán và ngay khi có một hiện tượng khác nổ ra, nó lập tức thất thế. Điều này đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cảnh báo như sau: "ca khúc hiện tượng chỉ đơn thuần là 1 ca khúc lạ, khác biệt, chưa chắc nó đã hay, nó chỉ là ca khúc Hot thôi, nhưng nó rất có tiềm năng trở thành 1 ca khúc Hit nếu nó hay". Chiếu theo định nghĩa của tác giả "Nhật kí của mẹ", giữa Hit và Hot đang cách nhau một khoảng khá xa mà muốn kéo gần được khoảng cách này không đơn thuần chỉ cần vài chục triệu view, vài trăm triệu lượt nghe, nó đòi hỏi cái “chất” của một người nghệ sĩ chân chính hay hiểu đơn giản nhất là phải đáp ứng được yêu cầu hay - không chỉ trong giai điệu mà còn ở ca từ.

Một khi nhận thấy sự khác biệt giữa Hit và Hot, hẳn khán giả cũng ngộ ra được nhiều ca khúc hot hiện nay đang bị lầm tưởng là hit. Ví dụ như "Nóng", như "Đừng quên tên anh", "Ngắm hoa lệ rơi", "HongKong1", "Tuý âm", "Cô gái M52",…

Vì sao ư?

Trước hết, phải công nhận đây là những ca khúc được nhiều người biết đến vì bắt tai, vì trend nhưng để phân tích giá trị của nó xem hay ở chỗ nào thì dường như nó mới chỉ đảm bảo được yếu tố thị trường – dễ nhớ, dễ thuộc và cũng dễ quên. Hay theo cách nói của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thì "nó quá bình thường về giai điệu và ca từ và nhất là những bài như vậy chỉ thoả mãn gu nhạc của những khán giả dễ tính, không có 1 giá trị nhân văn nào trong bài hát, không có 1 sự tác động mạnh mẽ nào vào cảm xúc và suy nghĩ người khác và không truyền tải được những thông điệp sống tích cực cho người nghe, chỉ đơn thuần là những câu chuyện chia ly bình thường trong tình yêu". Chính vì không đáp ứng được thông điệp nhân văn nên nó rất dễ trôi tuột, Hot này chìm thì Hot khác xuất hiện. Chỉ buồn một nỗi là đôi khi các fan "ảo tưởng" quá lớn nên tự mặc định thần tượng mình nhiều hit hoặc có khi chỉ dựa vào lượng view trên Youtube mà hiểu nhầm thành hit lớn của idol.

Nói vậy là để thấy, đôi khi sự dễ dãi của khán giả trẻ đang chiều hư tâm lý muốn có hit của ca sĩ mới bởi một số người vẫn nghĩ rằng, chỉ cần đạt chục triệu view, trăm triệu view hay lọt top trending Youtube là đã có hit. Trong khi họ quên mất rằng, giá trị của một bản hit đi cùng năm tháng không nằm ở bề nổi view, like và cũng quên mất rằng từ Hot đến Hit phải trải qua hành trình khá xa với vấn đề cốt lõi là sự công nhận của số đông công chúng, từ năm này qua năm khác.

Hit quan trọng thế nào?

Với tôi, đã làm nhạc sĩ, ca sĩ mà không có hit cũng như con người sống mà không có giấy khai sinh vậy, không có đặc điểm, dấu hiệu gì để nhận diện.

Trước đó, nhà báo Chu Minh Vũ cũng khẳng định: "ca sĩ không có bản Hit, giống cuộc đua không có đích, như đi lạc vào rừng không tìm được lối ra, trước sau họ cũng kiệt sức". Ngoài ra, Slim V tiếp tục bổ sung: "với ca sĩ, bản Hit đánh dấu bước thành công trong sự nghiệp. Với nghệ sĩ mới, bản Hit sẽ đưa họ tới gần công chúng, nghệ sĩ đã có thành tựu, bản Hit giúp người đó khẳng định được vị trí/ sức ảnh hưởng đối với công chúng".

Nói theo cách thực tế nhất, hit giúp ca/nhạc sĩ nở rộ tên tuổi, tăng giá cát-xê và rút ngắn con đường thăng hạng. Trường hợp này từng ứng vào Soobin Hoàng Sơn khi rõ ràng anh có nền tảng tốt từ show thực tế Ngôi sao Việt nhưng phải đến năm 2016 – thời điểm "Phía sau một cô gái" ra mắt, cái tên Soobin mới thực sự được biết đến và 2 năm sau thì vươn lên thành một trong những ca sĩ nam đắt show nhất làng giải trí Việt.

May mắn hơn có Sơn Tùng M-TPOrange,… khi mới debut đã có ngay hit đầu tay. Tuy nhiên, điều mà họ từng phải đối mặt cũng chính là vấn đề nan giải của nhiều ca sĩ hiện nay: chỉ có một hit duy nhất trong sự nghiệp.

Nhược điểm của bản hit là gì – "Là... bài tiếp theo chả biết làm gì để vượt qua". Nhà báo Chu Minh Vũ có nói về hạn chế của hit như vậy. Có hit rồi, nỗi đau đầu lớn nhất của nhạc sĩ, ca sĩ là sợ cái bóng quá lớn từ nó bởi khán giả hiện nay thường có xu hướng so sánh hit này với hit kia, ca khúc trước với ca khúc sau, một phần để tìm ra dấu hiệu đạo nhái nhưng chủ yếu là xem người nghệ sĩ có lặp lại chính mình hay không? Lúc này, one hit wonder chính là câu lạc bộ mà họ phải gia nhập.

Làm gì để có hit?

Theo nhận định phía trên thì công thức đơn giản nhất của một bản hit chính là: HOT + HAY = HIT nhưng để Hot được thì không phải cứ muốn là có.

Dễ thấy, hầu hết các ca khúc hiện tượng hiện nay đều đáp ứng được yếu tố đầu tiên, đó là lạ. Đó có thể là một bản ballad xuất hiện giữa thời điểm EDM "lộng hành", đó có thể là một ca khúc kết hợp rap và hát với đoạn "key" tạo trend, đó cũng có thể là một vài đề tài chưa từng được khai thác… Nhìn chung, chỉ cần khác với số đông chắc chắn được chú ý.

Thế nhưng, yếu tố lạ chỉ là bề nổi vừa đủ để giúp ca khúc thành HOT, vấn đề quan trọng – HAY không chỉ dựa vào may mắn mà nó phải được tích luỹ từ sự nhạy bén với thời cuộc, bản lĩnh dám làm mới cùng kinh nghiệm và vốn sống phong phú của một người nhạc sĩ.

Theo nghiên cứu của giới chuyên môn, một bản Hit cần 40% ý tưởng của nhà sản xuất, 60% còn lại thuộc về sáng tác, ca sĩ, thu âm. Nghĩa là muốn có hit thì trước hết phải tìm được đề tài, đề tài hay thì may ra mới gây chú ý, còn chuyện hiện thực nó ra sao lại là chuyện của giai đoạn sau.

Nhạc sĩ Khắc Hưng từng tiết lộ, lúc anh sáng tác "Sau tất cả" – ca khúc làm nên tên tuổi của Erik là giai đoạn EDM rất thịnh hành, do hiệu ứng từ The Remix. St.319 có đề nghị anh làm gì đó theo hướng EDM cho mốt nhưng nhạc sĩ trẻ lại quyết đi ngược. Anh tìm đến thể loại ballad nhưng không phải buồn bã, bi luỵ mà hướng đến hi vọng. "Sau tất cả" cứ thế ra đời. Anh còn biết gia giảm ca từ để nó vẫn có chiều sâu nhưng không nặng nề quá và sau vài lần như thế, Khắc Hưng rèn thêm được cả khả năng, nghe, đọc vài câu đã đoán được bài hát sẽ chết non hay già. Điều này có nghĩa là nhà sản xuất, nhạc sĩ hoàn toàn có thể tính toán được phần trăm "con đẻ" của họ thành hit nhưng… họ không đảm bảo được tất cả các sáng tác của mình Hot, Hit như vậy.

Còn nhớ, rất nhiều khán giả đã nhận xét "Gửi cô ấy và anh" là một sáng tác thất bại của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận bởi ca từ ở đây vừa lộn xộn, vừa vô nghĩa nhưng nhờ giọng hát nội lực của Hương Tràm, nó đã được nâng lên một tầm cao mới. Ngoài Hương Tràm, Vpop cũng tồn tại những ca sĩ có khả năng biến "thảm hoạ" thành hit như: Hà Anh Tuấn, Bùi Anh Tuấn, Mỹ Tâm,… Trong trường hợp này, thực lực của họ chiếm đến 60% khả năng thành bại của một ca khúc.

Tổng kết lại, công thức tạo hit không giống công thức toán học, nó không cố định mà thay đổi và phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh. Chỉ có một điều khẳng định được chắc nịch là ca sĩ – nhạc sĩ càng hiểu nhau, càng đồng cảm thì cơ hội tạo được hit càng lớn.

(Nguồn: https://tinnhac.com/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.