You are here

Jussi Bjorling

Tác giả: 
Huy Phúc (tổng hợp)

Trong rất nhiều cuộc bình chọn danh hiệu “Giọng ca xuất sắc nhất thế kỉ 20” do các tạp chí âm nhạc lớn trên thế giới tiến hành, Jussi Bjorling thường xuyên đứng đầu. Bjorling là một giọng tenor nổi tiếng người Thuỵ Điển và là một trong số những nghệ sĩ không phải là người Latinh nhưng lại thống trị được giới Opera Ý. Bjorling được ngưỡng mộ với giọng tenor tuyệt đẹp, nhạc cảm nhạy bén, kĩ thuật hát tuyệt vời và khả năng hát những nốt cao chắc nịch, sáng chói. Bjorling được biết đến là “Caruso người Thuỵ Điển”. Dù không phải là một ca sĩ opera có khả năng diễn xuất đặc biệt; nhưng vào thời của Bjorling, khi diễn xuất chưa phải là một yếu tố đặc biệt quan trọng thì giọng hát trời phú của ông đã luôn cuốn hút được mọi tầng lớp người yêu nhạc trên thế giới. Và cho đến nay, chất giọng đặc trưng ấy vẫn luôn đuợc người yêu nhạc yêu mến và ngưỡng mộ.

Không thể nói đến sự nghiệp của Jussi Bjorling mà không nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp của người cha của ông, David Bjorling – một người có ảnh hưởng rất lớn đến sự mở đầu sự nghiệp của Jussi. Gia đình Bjorling có nguồn gốc lâu đời xuất xứ từ thành phố Dalarna, miền trung Thuỵ Điển. Dòng họ Bjorling có truyền thống trong nghề rèn và nhiều thế hệ ông cha của Bjorling đều là thợ rèn trong ngôi làng Halsingland phía bắc Dalarna. Cha của Jussi, David, đã cùng cha mẹ đến sống nhiều năm ở Phần Lan. 20 tuổi, David quay lại Thuỵ Điển và theo bước các thế hệ trước làm thợ rèn trong những công xưởng ở Stockholm và Borlange, Thuỵ Điển. Năm 1899, David quyết định sang Mỹ để lập nghiệp và tìm kiếm vận may nơi miền đất hứa. Và những cố gắng của ông đã được đền đáp. Là một người đặc biệt yêu ca hát, David đã được nhận vào học ở trường đào tạo opera của nhà hát opera danh tiếng Metropolitan, New York. Giọng hát của David, với âm sắc Scandinavia góc cạnh đặc trưng, đã thu hút được những giáo sư âm nhạc hàng đầu của Mỹ. Trở về Thuỵ Điển, David trở nên nổi tiếng và với sự giúp đỡ của đức vua Oscar II, David có được những hợp đồng biểu diễn với những nhà hát hàng đầu Thuỵ Điển. Nhưng vốn là một người tính khí nóng nảy, David đã thường xuyên gây chiến với giám đốc nhà hát opera Stockholm và đã không bao giờ hát ở đó. Bù lại, ông quyết định trở thành một giáo viên thanh nhạc và nghệ sĩ lưu diễn. Năm 1909, David cưới Ester Sund, người làng Stora Tuna (nay là thành phố Borlange ở Thuỵ Điển) và định cư tại đây. Ngày 5 tháng 2 năm 1911, Johan Jonatan Bjorling, với biệt danh là Jussi, ra đời trong một ngôi nhà trên phố Magsingatan ở thành phố Bjorling, trong một gia đình có nền tảng âm nhạc vững chãi từ người cha, David Bjorling.

Theo ước muốn của cha mình, Jussi Bjorling được học hát từ rất sớm. David cho rằng một giọng hát đẹp phải được rèn luyện từ rất sớm và đã viết một cuốn sách về kĩ thuật thanh nhạc với tựa đề “How to sing” (hát như thế nào). David đã dạy cho 3 anh em Jussi Bjorling cách hát dựa trên chính những điều ông đã được học ở Mỹ. Và Jussi hồi tưởng lại rằng mình “biết đọc nốt nhạc trước khi biết chữ”. David cho các con trai mình hát trong hợp xướng nhà thờ từ rất sớm. Lần đầu tiên Jussi cùng những người anh của mình biểu diễn chính thức trước công chúng là vào tháng 12 năm 1915 ở nhà thờ Thánh Trinity ở thành phố Orebro, nơi David là một giáo viên thanh nhạc. Mới 4 tuổi, Jussi đã được bố cho hát cùng các học trò lớn của mình. Sau buổi ra mắt gây ấn tượng đặc biệt, David cùng 3 anh em Jussi Bjorling đã thành lập nhóm “Tứ tấu Bjorling” và lưu diễn trong nước.

Tháng 4 năm 1917, một tai hoạ giáng xuống gia đình Bjorling. Mẹ Jussi chuẩn bị sinh cho cậu một người em trai; nhưng căn bệnh lao phổi đã lấy đi mạng sống của bà chỉ vài ngày sau khi đứa con thứ 4 của gia đình Bjorling ra đời. Nguời con trai cuối cùng của gia đình Bjorling, Karl Bjorling, đuợc giao cho những người họ hàng chăm sóc. Tứ tấu Bjorling tiếp tục đi lưu diễn. Sau khi David qua đời, Karl sẽ cùng những người anh của mình hát trong tứ tấu Bjorling trong một thời gian nữa.

Năm 1919, David Bjorling quay lại Mỹ để biểu diễn cùng 3 người con trai của mình trong tứ tấu Bjorling. Gia đình Bjorling chủ yếu lưu diễn ở những bang có cộng đồng người Thuỵ Điển trong khoảng 1 năm rưỡi. Sau khi trở về Thuỵ Điển, gia đình Bjorling định cư lại ở Dalarna. Đầu năm 1926, nhóm tứ tấu gia đình tiếp tục lưu diễn chủ yếu ở Scane, phía nam Thuỵ Điển. David bắt đầu mang bệnh và phải nhập viện một thời gian vì bị u loét. Sau đợt điều trị, gia đình Bjorling tiếp tục lưu diễn thêm một thời gian ở Vastervik, đông nam Thuỵ Điển và David lại phải nhập viện vì viêm ruột thừa. Nhưng lần này ông đã không qua khỏi và qua đời ở Vastervik vào ngày 13 tháng 8 năm 1926. Tứ tấu Bjorling tiếp tục biểu diễn thêm một thời gian ngắn với sự góp mặt của người em út Karl Bjorling và sự đóng góp của những người bạn của gia đình Bjorling nhưng đã không có được những thành công tương tự. Tứ tấu gia đình sớm giải thể. Jussi đến giúp việc trong một cửa hàng ở Ystad, thành phố Skane để kiếm sống. Sự nghiệp âm nhạc của cậu tưởng chừng như đã chấm dứt. Nhưng những gì cậu đã đạt được vẫn để lại ấn tượng trong lòng nhiều người. Dược sĩ và giọng bass nghiệp dư Salomon Smith, vẫn nhớ về tứ tấu gia đình Bjorling, đã giới thiệu Jussi đến với giọng baritone nổi tiếng John Forsell, giám đốc nhà hát nhạc kịch Stockholm, nơi cha của Jussi từng thẳng thừng chấm dứt hợp đồng. Năm 1928, Forsell đã nghe Jussi biểu diễn trong một cuộc thi vào nhà hát. Giọng hát tuyệt đẹp mà Jussi thừa hưởng từ người cha của mình cũng như tính tình dễ chịu, hiền lành của Jussi đã làm John Forsell hết sức khâm phục. Forsell đã viết cho ban lãnh đạo nhà hát về Jussi Bjorling: “Mới 17 tuổi. Một tài năng phi thường, một hiên tượng đặc biệt. Nên được chú ý. Có thể trở thành một cái gì đó”. Và mùa xuân năm 1928, Jussi có được buổi trình diễn đầu tiên của mình trên sóng radio dưới sự chỉ đạo của Forsell. Jussi được nhận vào học ở cả Nhạc viện và nhà hát nhạc kịch Stockholm. Là một học trò được Forsell đặc biệt ưu ái. Vậy là sau những biến cố trong gia đình và một thời gian phải ngừng công việc biểu diễn, sự nghiệp biểu diễn của Jussi Bjorling chính thức bắt đầu.

Thông minh và nhanh nhẹn, Jussi Bjorling học tập rất nhanh dưới sự dẫn dắt của John Forsell. Không phải là một người xa lạ gì với sân khấu, Jussi nhanh chóng có lại được những vai diễn trên sân khấu opera. Ngày 21 – 7 – 1930, Jussi xuất hiện trong một vai nhỏ (người thắp đèn) trong Manon Lescaut của Puccini. Cũng năm đó, vào ngày 20 – 8, Jussi Bjorling lần đầu tiên có buổi ra mắt trong một vai chính – Don Ottavio trong vở Don Giovanni của Mozart. Cũng trong năm 1930, Jussi đã tiếp tục với vai Arnold trong Guillaume Tell của Rossini và Jonathan trong Saul và David của Nielsen. Năm 1931 là năm Jussi Bjorling kết thúc những buổi ra mắt mang tính thủ tục và chính thức có được hợp đồng với nhà hát nhạc kịch Stockholm vào tháng 5 năm 1931. Ngày 29 tháng 7 năm đó, Bjorling có một buổi biểu diễn cá nhân đặc biệt thành công và gây tiếng vang lớn ở nhà hát Tivoli, Copenhagen và ông thường xuyên quay lại nhà hát này, nơi ông được khán giả Đan Mạch đặc biệt yêu mến. Những năm tiếp theo đó, Jussi hát thêm nhiều vai mới ở nhà hát nhạc kịch Stockholm và liên tục gặt hái được những thành công mới: Năm 1931 với vai Almaviva (Il barbiere di Siviglia của Rossini); năm 1932 với vai bá tước Mantua (Rigoletto – Verdi), Nemorino (L’elisir d’amore – Donizetti). Năm 1933 Bjorling xuất hiện trong vai Alfredo (La Traviata – Verdi), Romeo trong (Romeo et Giulietta – Gounod) và Mario Cavaradossi (Tosca – Puccini). Năm 1934 là vai Riccardo trong Un ballo in maschera của Verdi, Faust trong vở cùng tên của Gounod và Rodolfo trong vở La Bohème của Puccini – một vai diễn đặc biệt gắn liền với Jussi Bjorling. Năm 1935, ông vào vai Turiddu trong Cavalleria rusticana, Manrico trong Il Trovatore (Verdi) và Radames trong Aida (Verdi). Trong những năm biểu diễn đặc biệt thành công này ở nhà hát quê hương ông, Jussi Bjorling cũng thường xuyên có những chuyến lưu diễn đến những nuớc Bắc Âu láng giềng như Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Latvia. Năm 1935 là lần đầu tiên Jussi Bjorling biểu diễn ở một quốc gia Trung Âu: trong một buổi hoà nhạc Thuỵ Điển ở triển lãm quốc tế ở Brussels, Bỉ. Trong mọi chuyến lưu diễn Bjorling đều để lại ấn tượng đẹp với khán giả nhờ chất giọng tuyệt đẹp cũng như âm sắc Scandinavia đặc trưng hiếm có của mình.

Tháng 6 năm 1935, Jussi Bjorling cưới Anna-Lisa Berg, một ca sĩ soprano mà ông gặp trong thời gian học ở nhạc viện Stockholm. Hai người có 3 người con: Anders, Lars và Ann-Charlotte. Jussi cũng có một người con gái ngoài cuộc hôn nhân với Anna-Lisa và hai nguời cũng đã nhận cô con gái này. Hai người con út của hai người đã theo nghiệp cha mẹ trở thành ca sĩ biểu diễn chuyên nghiệp. Những năm đầu của cuộc hôn nhân, Anna-Lisa đã hy sinh sự nghiệp ca hát của mình để dành thời gian cho việc chăm sóc gia đình. Đến những năm 1940 Anna-Lisa đã trở lại sân khấu âm nhạc và thường xuyên giúp đỡ hoặc thậm chí biểu diễn cùng chồng mình trong những chuyến lưu diễn.

Đạt được những thành công vang dội trên sân khấu âm nhạc Thuỵ Điển và Bắc Âu nhưng phải đến năm 1936 và 1937 thì sự nghiệp biểu diễn trên các sân khấu lớn nước ngoài của Jussi Bjorling mới thực sự bắt đầu. Tháng 6 năm 1939, Bjorling xuất hiện trong những recital ở Vienna và có các vai diễn opera ở Prague. Những vai diễn opera trên sân khấu Vienna và Prague của Bjorling đều gây được tiếng vang đáng kể. Bjorling tiếp tục có những vai diễn mới trên sân khấu Stockholm: Canio trong Pagliacci (Leoncavallo), Pinkerton trong Madama Butterfly (Puccini) và Tonio trong La Fille du Régiment (Donizetti). Một số vai diễn của Bjorling vào giai đoạn đầu sự nghiệp của ông trên sân khấu Stockholm được biểu diễn bằng tiếng Thuỵ Điển thay vì những ngôn ngữ nguyên bản.

Năm 1937, Bjorling tiếp tục cộng tác với các nhà hát nhạc kịch ở Vienna và cũng hát cho các nhà hát của Đức và Budapest (Hungary). Vào mùa thu năm 1937, Jussi Bjorling chuẩn bị cho một chuyến lưu diễn sẽ là bước ngoặt trong sự nghiệp biểu diễn của ông: một chuyến lưu diễn đến Mỹ và trên đường đến Mỹ ông dừng lại ở Anh để hát trong một buổi biểu diễn cá nhân thành công rực rỡ ở London. Trước chuyến đi này, Bjorling cũng đóng một vai chính trong một bộ phim Thuỵ Điển “Fram for framgang” (Hướng đến thành công).

Chuyến lưu diễn đến Mỹ của Jussi Bjorling là một thành công rực rỡ. Đã từng lưu diễn đến Mỹ từ nhỏ trong tứ tấu Bjorling, Jussi cũng không quá xa lạ với sân khấu và khán giả Mỹ. Chuyến lưu diễn năm 1937 này đã đưa Bjorling đến với 3 lần biểu diễn được phát sóng và cũng đánh dấu sự ra mắt của Bjorling trên sân khấu opera của Mỹ với 2 vai bá tước Mantua (Rigoletto) và Rodolfo (La Boheme). Thành công mở màn này đã chuẩn bị cho sự cộng tác trong tương lai của Bjorling với nhà hát danh tiếng Metropolitan, New York. Bjorling kí một hợp đồng dài hạn với Met bắt đầu từ năm 1938 và lần công diễn đầu tiên của ông ở nhà hát này với vai Rodolfo đuợc xem là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông. Quay trở về Thuỵ Điển sau chuyến lưu diễn Mỹ 1938, Bjorling đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng với nhà hát nhạc kịch Stockholm. Nhưng khác với cha mình, Jussi vẫn hàng năm hát cho nhà hát này dưới cương vị khách mời cho đến những năm cuối đời của ông và vẫn luôn là một cái tên đặc biệt gắn bó với nhà hát này. Vai diễn cuối cùng dưới hợp đồng cũ của Bjorling tại nhà hát Stockholm là trong vai Vasco de Gama trong vở L’ Africaine vào năm 1938.

Năm 1939 Bjorling biểu diễn ra mắt ở nhà hát Convent Garden, London trong vai Manrico trong Il Trovatore (Verdi). Ông cũng cộng tác với nhạc trưởng danh tiếng Arturo Toscanini trong một lần biểu diễn và ghi âm bản Requiem của Verdi tại festival âm nhạc Lucerne. Chuyến lưu diễn tiếp theo đến Mỹ của Jussi Bjorling vào những năm 1939-1940 đã mở ra cho Jussi những hợp đồng ghi âm với những hãng đĩa nổi tiếng. Trong thời gian này Bjorling cũng có những chuyến lưu diễn đến Canada và Cu Ba. Sự nghiệp ghi âm của Jussi Bjorling thực ra cũng đã bắt đầu từ lâu trên quê hương Thuỵ Điển của ông. Bjorling đã thực hiện những ghi âm với các hãng ghi âm Thuỵ Điển chủ yếu cùng nhạc truởng chính của nhà hát Stockholm là Nils Grevillius.

Những sự kiện chính trị diễn ra vào những năm 1940 đã cản trở đến những chuyến lưu diễn đến Mỹ của Bjorling. Vì những lý do liên quan đến Thế Chiến II và giao thông qua Đại Tây dương bị chặn đứng, Bjorling phải tạm ngừng các chuyến lưu diễn và biểu diễn của mình một thời gian. Trước đó ông đã có buổi ra mắt ở San Francisco và đã mở đầu mùa công diễn 1940-1941 tại nhà hát Met trong vở Un ballo in maschera của Verdi. Trong thời gian diễn ra đại chiến, Bjorling chủ yếu biểu diễn ở Thuỵ Điển, nhiều khi hát trên chiến trường. Trong thời gian này Bjorling vẫn có một vài chuyến lưu diễn lẻ tẻ đến Đan Mạch và Phần Lan và ra mắt ở Florence, Ý trong vở Il Trovatore (Verdi). Cũng trong thời kì này, Bjorling cho xuất bản cuốn hồi kí “Cổ họng là hành lý của tôi”.

Tháng 10 năm 1945, Bjorling quay lại lưu diễn ở Mỹ, thực hiện nhiều buổi biểu diễn ở Met và ghi âm hoặc phát sóng radio. Tuy đã thiết lập một mối quan hệ mật thiết và hiệu quả với những nhà hát và hãng ghi âm của Mỹ nhưng Jussi Bjorling vẫn thường xuyên quay về quê hương Thuỵ Điển của mình để biểu diễn cũng như nghỉ ngơi. Từ năm 1945, thường thì Bjorling ở lại Mỹ trong những mùa công diễn thu-đông và quay lại ngôi nhà của mình ở Siaro, Stockholm để nghỉ ngơi thư giãn vào mùa hè. Trong thời gian nghỉ ở Stockholm, Bjorling thường xuyên có những buổi biểu diễn ngoài trời cho khán giả của quê hương ông. Trong thời kì biểu diễn này ở Mỹ, Bjorling tiếp tục mở rộng danh mục biểu diễn của mình với những vai chính trong các vở Manon Lescaut (Puccini) và Don Carlo (Verdi) vào những năm 1949, 1950. Bjorling bắt đầu sự cộng tác của mình với Rudolf Bing, giám đốc của Met kể từ đầu những năm 1950.

Trên sân khấu châu Âu, Bjorling cũng được đánh giá rất cao nhưng không có được những thành công vang dội tương tự như ở Mỹ. Trong những năm 1950, Bjorling chủ yếu biểu diễn trên quê hương Thuỵ Điển của ông. Ông cũng thỉnh thoảng lưu diễn đến các quốc gia Bắc Âu láng giềng và cũng có nhiều buổi biểu diễn cá nhân ở nước Anh. Bjorling không biểu diễn nhiều trên đất Ý, chỉ xuất hiện với cương vị khách mời ở Milan vào năm 1946 (trong Rigoletto) và vào năm 1951 (trong Un ballo in maschera). Mùa công diễn 1954/1955, thay vì đến Mỹ thì Bjorling đã có chuyến lưu diễn đến Nam Phi. Năm 1955, Bjorling quay lại Mỹ và biểu diễn trên sân khấu Chicago, nơi ông sẽ quen và có một sự cộng tác ngắn ngủi với Maria Callas, một giọng ca khác xứng đáng làm đối thủ của ông trong cuộc bình chọn ca sĩ xuất sắc nhắt thế kỉ 20.

Sự nghiệp của Bjorling bắt đầu gặp nhiều khó khăn kể từ cuối những năm 1950 vì lý do sức khoẻ. Bjorling bị bệnh tim và trong thời gian này thường xuyên phải nhập viện, một phần vì công việc biểu diễn quá nặng, một phần vì thói quen nghiện rượu của ông. Bất chấp sức khoẻ suy giảm, Bjorling vẫn tiếp tục lưu diễn. Tháng 3 năm 1960, trên sân khấu Convent Garden, Bjorling bị đau tim lúc bắt đầu hát vai Rodolfo nhưng vẫn cố gắng hoàn thành vai diễn của mình thành công. Ông cũng bất chấp tình trạng sức khoẻ của mình để hát Faust và Manrico ở San Francisco. Cuối năm 1959 Bjorling có những lần biểu diễn cuối cùng của mình ở nhà hát Met. Vai diễn cuối cùng của Jussi Bjorling trên sân khấu opera Stockholm quê hương ông là vai Manrico trong Il Trovatore của Verdi, nơi mà ông đã bắt đầu sự nghiệp của mình trước đó hơn 30 năm. Cũng trong năm 1960, Bjorling cũng không quên trình diễn những buổi công diễn ngoài trời thường niên của mình trên đất Thuỵ Điển. Vào đêm ngày mùng 9 tháng 9 năm 1960, một cơn đau tim dữ dội trong lúc ngủ đã lấy đi mạng sống của một trong những giọng tenor xuất sắc nhất thế kỉ 20. Ông mất trên quê hương Thuỵ Điển của mình, tại ngôi nhà nghỉ hè của ông ở Siaro. Khi đó ông mới 49 tuổi.

Giọng hát của Jussi Bjorling là một giọng tenor rất đẹp và mang đậm cái chất góc cạnh và âm sắc đặc trưng của nguời Bắc Âu. Đó là một giọng hát với nhạc cảm trời phú và khả năng truyền cảm đặc biệt, giúp ông thể hiện những vai như Rodolfo, Manrico hay Des Grieux (trong Manon Lescaut) đặc biệt xuất sắc. Chất giọng của Bjorling không phải là chất giọng tròn trịa, nuột nà của các giọng tenor Ý mà mang những màu sắc rất đặc trưng, bản thân âm sắc có màu sắc hơi buồn gần giống với chất giọng của Victoria de los Angeles. Giọng hát của Bjorling cũng đặc biệt với lối nhả chữ rõ, hát legato rất đạt. Đầu sự nghiệp của mình, Bjorling thuờng hát các vai opera bằng tiếng Thuỵ Điển và hay gặp rắc rối về phát âm, nhưng đã được nhanh chóng khắc phục. Có thể nói, sinh thời Bjorling có chất giọng tenor đặc trưng và ấn tượng nhất, vuợt qua tất cả các giọng tenor cùng thời. Bjorling thể hiện nhân vật rất vừa phải, chỉ nhập vai bằng giọng hát chứ không có lối phô diễn thái quá như những tiếng gào thét hay khóc nức nở để đạt hiệu quả kịch tính. Dorothy, goá phụ của huyền thoại Enrico Caruso đã từng nói với Jussi Bjorling: “Cậu là người duy nhất xứng đáng tiếp tục đội chiếc vương miện của Rico (tên thân mật của Enrico Caruso)”. Kĩ thuật xuất sắc của Bjorling cho phép ông thể hiện thành công những vai rất khó và nặng ngay cả khi sức khoẻ không được ổn định, và nhạc cảm của ông thực sự là một nhạc cảm dồi dào trời phú, nhờ nó lúc nào Bjorling cũng dễ hoá thân vào nhân vật mà cần rất ít diễn tập (sinh thời Jussi là một người rất ngại diễn tập!). Kurt Bendix, một nhạc truởng thường biểu diễn với Bjorling ở nhà hát Stockholm nói rằng Bjorling “không biết mắc lỗi” và là “một tài năng mà đời người chỉ gặp một lần.” Nhà soạn nhạc Sibelius gọi Bjorling là một thiên tài thực sự. Còn Nils Grevillius, nhạc trưởng Thuỵ Điển đặc biệt gắn bó với Bjorling như đã nói ở trên, nói rằng khả năng điều khiển giọng hát của Bjorling như “Kreisler trên cây vĩ cầm và Casals trên cây Cello”. Giọng tenor người Anh Joseph Hislop, một người thầy đã giúp Bjorling tập hát các nốt cao, kể lại: “Bjorling trong một buổi học được nhiều bằng một người thường học trong 6 tháng”. Về những nốt cao, Bjorling thực sự xuất sắc. Các nốt cao như c2 hay thậm chí là d2 của ông đều chắc nịch, sáng và rất ấm áp. Một người bạn của Bjorling, Gosta Kjellertz, nhắc đến “kĩ thuật coloratura siêu đẳng” của Bjorling. Anna-Lisa Berg, trong cuốn hồi kí viết về chồng mình, có nhắc đến một lần Bjorling hát lên đền G2 và từng một lần dùng giả thanh để hát hộ một aria cho một giọng soprano bị khản giọng!

Sự nghiệp ghi âm của ông bắt đầu từ rất sớm và kéo dài đến hết những năm cuối đời ông. Những bản thu của Bjorling trong những vai Manrico, Rodolfo, Radames, Des Grieux, Lensky, Calaf, Cavaradossi đều mang những màu sắc đặc biệt và rất đáng nhớ. Bjorling là bạn thân với nhiều nghệ sĩ như Victoria de los Angeles hay Robert Merrill. Bản ghi duet “Au fond du temple saint”, duet tuyệt đẹp ca ngợi tình bạn trong vở Les Pecheurs De Perles (Những người mò ngọc trai) của Bizet qua giọng hát của Bjorling và Merrill đuợc xem là một trong những đỉnh cao của lịch sử ghi âm thanh nhạc cổ điển. Bjorling cũng đuợc nhớ đến như một con người với tính cách giản dị, hiền lành và nhút nhát, yêu thương gia đình và là một người đồng nghiệp hào phóng, cởi mở. Tất cả những điều này đều được ghi lại trong cuốn hồi kí của Anna-Lisa Berg về Jussi Bjorling với sự giúp đỡ của một số người bạn. Jussi Bjorling thực sự là một giọng ca đặc biệt đáng nhớ và xứng đáng với những danh hiệu mà giới yêu nhạc đã luôn đặt cho ông.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.