You are here

Kết quả Liên hoan Ca nhạc tuổi thơ 2014 “Thiếu nhi đàn và hát dân ca”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Đêm 31 tháng 5 năm 2014, tại Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán sứ, Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Liên hoan Ca nhạc tuổi thơ 2014 “Thiếu nhi đàn và hát dân ca”. Cuộc thi do Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí VOV3 Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong, Quỹ học bổng Vừ A Dính phối hợp tổ chức, nhân chào mừng kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2014), 64 năm ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6/1950 - 1/6/2014), 60 năm thành lập Báo Thiếu niên Tiền phong (1954 – 2014), 15 năm Quỹ học bổng Vừ A Dính (1999 – 2014), 57 năm chương trình Ca nhạc Thiếu nhi Đài Tiếng nói Việt Nam và những ngày lễ lớn trong năm 2014.

Đây là Liên hoan lần đầu tiên được tổ chức, nhằm phản ánh phong trào ca hát rộng khắp của thiếu nhi cả nước, phát hiện và giới thiệu những mầm non tài năng âm nhạc, đồng thời tạo sân chơi trong sáng và bổ ích cho thiếu nhi. Từ đó, góp phần giáo dục nhân cách, tình yêu quê hương đất nước, gia đình, thầy cô và bạn bè cho các em. Đối tượng tham gia Liên hoan là thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 7 đến 15 tuổi ở các Nhà thiếu nhi cấp tỉnh, thành phố, quận huyện… Các đoàn tham gia dự thi các bài dân ca hoặc sáng tác mới mang âm hưởng dân ca phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Hình thức trình bày là đơn ca, song ca, tốp ca, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Hội đồng Giám khảo gồm: Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng, và các thành viên: NS Trần Nhật Dương – Phó giám đốc Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí VOV3; Nhà báo Nguyễn Trân Châu – Phó Tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong; NSND Thanh Tâm - nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); NSƯT Hoàng Thanh.

Từ khi phát động đầu tháng 4/2014, đã có 22 đơn vị trên khắp cả nước gửi băng đĩa tham gia vòng sơ khảo. Ban giám khảo đã lựa chọn được 12 đơn vị với 169 thí sinh, cùng 35 tiết mục tham gia tranh tài trong đêm chung khảo 30/5.

Tại đêm trao giải, Ban tổ chức đã trao:

05 GIẢI VÀNG

1. Nhóm Kơ Tia - Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi Đắc Lắc

- Hòa tấu “Vũ khúc các chàng trai” - Dân ca Ê Đê.

2. Hợp xướng Sol Art (Hà Nội)

- Hợp xướng “Gà gáy le te” - Dân ca Cống Khao (Nhạc sĩ: Hoàng Lương chuyển soạn).

3. Vi Nguyệt Hạ (Cung thiếu nhi Lạng Sơn)

- “Trường em” - Dân ca Nùng.

4. Phạm Minh Trang (Nhà thiếu nhi Hải Dương)

- “Ghi nhớ ơn thầy” - Ca trù (Viết lời: Ngọc Cuông)

5. Nguyễn Hà Nhật Anh (Nhà thiếu nhi Kim Đồng- Cao Bằng)

- “Mãi mãi nhớ ơn thầy cô” – (Đặt lời: A Dính)

10 GIẢI BẠC:

1. Trương Thị Phương Anh (Lớp năng khiếu chùa Phật Tích - Bắc Ninh)

- “Gọi đò” - Dân ca Quan họ.

2. Tốp ca (Đài PTTH Khánh Hòa)

- “Lý ba con ngựa” - Dân ca Nam Trung Bộ.

3. Văn Tuấn Anh (Nhà thiếu nhi tỉnh Hải Dương)

- Độc tấu sáo trúc “Bèo dạt mây trôi” - Dân ca Quan họ.

4. Tốp ca Đài PTTH Quảng Ngãi

- “Dung dăng dung dẻ”, (Sáng tác của Trần Xuân Tiên dựa trên chất liệu dân ca Quảng Ngãi)

5. Tốp ca Lớp năng khiếu chùa Phật Tích - Bắc Ninh

- “Vốn liếng em có ba mươi đồng” - Dân ca Quan họ.

6. Nguyễn Hà Nhật Anh - Trần Phương Trang (Nhà thiếu nhi Kim Đồng - Cao Bằng)

- “Ngắm trăng”, (Tác giả: Vương Hùng)

7. Lương Hồng Khánh An (Đài PTTH Khánh Hòa)

- Lý thiên thai - Dân ca Nam Trung Bộ.

8. Vũ Thị Thùy Dương (Nhà thiếu nhi Hải Dương)

- “Mùa xuân ơn Bác” (Hát văn), Tác giả: Ngọc Cuông và Ngọc Hải.

9. Nguyễn Khánh Chi - Trần Nguyễn Diệp Anh (Nhà thiếu nhi tỉnh

Sơn La)

- “Đàn cá bên sàn”, (Nhạc sĩ: Hoàng Lân)

10. Vũ Lan Nhi (Bắc Ninh)

- “Tình quê quan họ” - Dân ca quan họ.

9 GIẢI ĐỒNG:

1. Phạm Minh Trang - Nguyễn Xuân Hiếu (Nhà thiếu nhi Hải Dương)

- “Chung một niềm tin” - Song tấu đàn nguyệt.

2. Nguyễn Thị Thanh Trúc (Đài PTTH Quảng Ngãi)

- “Ngủ ngoan em nhé”, (Sáng tác của nhạc sĩ Trần Xuân Tiên dựa trên chất liệu dân ca Nam Trung Bộ).

3. Tốp ca Trung tâm văn hóa Quận Ba Đình, Hà Nội.

- “Trống cơm” - Dân ca Quan họ.

4. Tốp nghệ thuật măng non, Cung thiếu nhi Lạng Sơn

- “Cáy tót” (Tác giả: NSƯT Thúy Tiên).

5. Tam ca H’Phương Hoa - Nguyễn Đức Tuyết Nhi - Vương Hoa Trà (Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Đắc Lắc).

- “Ru em” - Dân ca Mơ Nông.

6. Hoàng Hải Yến - Hà Khánh Huyền - Nguyễn Thu Huyền (Nhà thiếu nhi tỉnh Sơn La)

- “Soi bóng bên hồ” - Dân ca Dáy.

7. Tốp ca Nhà văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Đắc Lắc

- “Ru em mùa tuốt lúa” - Dân ca Ê Đê.

8. Đỗ Thái Nguyên Hà và nhóm phụ họa (Nhà văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Đắc Lắc)

- “Hò lên núi đá đen” - Dân ca.

9. Nguyễn Hoàng Huệ Anh (Đài PTTH Lạng Sơn)

- “Ứ Nọong nòn” - Dân ca Tày lời cổ.

8 GIẢI KHUYẾN KHÍCH:

1. Tốp ca Trung tâm Văn hóa Quận Ba Đình

- Liên khúc: “Lý dĩa bánh bò, Lý ngựa ô, Lý kéo chài”

2. Đào Khánh Uyên (Cung thiếu nhi Lạng Sơn)

- “Gọi mặt trời”, (Sáng tác: Vũ Ngọc Toán).

3. Hà Minh Thúy (Cung thiếu nhi Lạng Sơn)

- “Cái bống”, (Sáng tác: NS Phạm Tuyên).

4. Vi Hoàng Anh (Cung thiếu nhi Lạng Sơn)

- “Cô giáo em là hoa Ê Ban”, (Sáng tác: Hình Phước Liên).

5. Hà Thùy Trang (Đài PTTH Lạng Sơn)

- “Miếu Nọong” - Dân ca Tày.

6. Tốp ca (Lớp năng khiếu chùa Phật Tích- Bắc Ninh)

- “Dệt gấm” - Dân ca Quan họ.

7. Đỗ Lan Anh (Lớp năng khiếu chùa Phật Tích - Bắc Ninh)

- “Ngồi tựa mạn thuyền” - Dân ca Quan họ.

8. Phạm Thu Hương (Nhà thiếu nhi Hải Dương)

- “Cửu khúc” - Dân ca Bắc Bộ.

GIẢI TOÀN ĐOÀN:

1 Giải nhất: Nhà văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Đắc Lắc.

1 Giải nhì: Nhà thiếu nhi tỉnh Hải Dương.

2 Giải ba: Cung thiếu nhi Lạng Sơn và Lớp năng khiếu chùa Phật tích.

7 Giải khuyến khích:

- Trung tâm Văn hóa quận Ba Đình, Hà Nội.

- Đài PTTH Khánh Hòa.

- Hợp xướng Sol Art (Hà Nội)

- Đài PTTH Lạng Sơn.

- Đài PTTH Quảng Ngãi.

- Nhà thiếu nhi Sơn La.

- Nhà thiếu nhi Kim Đồng - Cao Bằng.

Và tặng bằng khen cho đội Nghi thức Nhà thiếu nhi Hải Dương đã có thành tích đóng góp cho Liên hoan.

Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã có nhận xét: “Tham gia vòng chung khảo lần này có 12 đoàn với 33 tiết mục đặc sắc gồm các loại hình: đơn ca, song ca, tốp ca, độc tấu, song tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Các tiết mục được trình bày đã đi đúng với tiêu chí của Liên hoan đề ra: Đó là những bài dân ca các dân tộc (Tày, Nùng, Ê Đê, Ba Na, M’Nông, Dáy, Cống Khao...) các vùng miền (Quan họ, dân ca liên khu V, dân ca Nam Bộ ...) và các giai điệu dân ca được chuyển soạn cho nhạc cụ dân tộc (như: “Bèo dạt mây trôi”, “Vũ khúc các chàng trai Ê Đê”, “Chung một niềm tin”) và các bài hát mới sáng tác trên âm hưởng dân ca như: “Ngủ ngoan em nhé”, “Dung dăng dung dẻ” của Trần Xuân Tiên, “Cô giáo em là hoa Ê Ban” của Hình Phước Liên, “Cái bống” của Phạm Tuyên ...

Nội dung nhiều bài hát đặt lời mới ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Bác Hồ, thiếu niên chăm học chăm làm, nhớ ơn thầy cô... Có nhiều giọng ca thể hiện rõ phong cách và mầu sắc âm nhạc các dân tộc như: Em Vi Nguyệt Hạ (Cung thiếu nhi Lạng Sơn) hát dân ca Nùng, em Khánh An (Đài PTTH Khánh Hòa) hát “Lý thiên thai” - dân ca Nam Trung Bộ, em Đỗ Lan Anh (lớp năng khiếu chùa Phật Tích) hát dân ca quan họ bài “Ngồi tựa mạn thuyền” hay em Nhật Anh (Nhà thiếu nhi Kim Đồng - Cao Bằng) hát dân ca Tày. Nhiều giọng ca nhỏ tuổi nhưng hát rất truyền cảm, mạnh dạn, tự tin. Nhiều tiết mục dàn dựng công phu, trang phục đẹp, múa phụ họa sinh động.

Ban Giám khảo đặc biệt chú ý và đánh giá cao những tiết mục dân tộc cổ truyền như: “Mùa xuân ơn Bác” theo điệu chầu văn do em Thùy Dương trình bày, “Ghi nhớ ơn thầy” theo làn điệu và hình thức diễn tấu ca trù do em Minh Trang (Nhà thiếu nhi Hải Dương) thể hiện. Hoặc các tiết mục quan họ lời cổ do lớp năng khiếu chùa Phật Tích - Bắc Ninh trình bày. Việc hướng dẫn và truyền dậy đàn và hát các bài bản vốn cổ cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng là việc làm cần thiết và đúng đắn. Các em được tắm mình trong những làn điệu dân ca ngay từ thuở nhỏ thì mai sau lớn lên dù làm nghề gì, sống ở đâu tiếng hát dân ca mãi theo các em trong cuộc đời và chính các em trong số hôm nay biết đâu sẽ trở thành những nghệ sĩ, ca sĩ trong tương lai, góp phần giữ gìn và phát huy kho báu dân ca dân nhạc mà cha ông để lại.

Ban Giám khảo cũng xin chỉ ra một vài điểm để chúng ta cần lưu ý:

Việc sử dụng cây đàn organ đã trở thành phổ biến trong các nhà thiếu nhi và trong sinh hoạt âm nhạc hàng ngày. Cây đàn tổng hợp này có nhiều tiện ích và tác dụng. Nhưng khi đưa tiết tấu và âm sắc điện tử vào đệm cho dân ca thì cần hết sức thận trọng và có liều lượng. Nếu lạm dụng thì sẽ gây phản cảm. Phần nhạc, đặc biệt là tiết tấu bộ gõ sẽ lấn át, phá giai điệu dân ca, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của những làn điệu dân tộc.

Một vài bài hát mới sáng tác dựa trên âm hưởng dân ca hoặc một vài tiết mục được dàn dựng theo phong cách mới (nhất là phần phối khí và soạn bè cho giai điệu) cần có liều lượng hơn để đáp ứng tiêu chí đàn và hát dân ca (khác với liên hoan ca múa nhạc thông thường). Cần luôn sưu tầm và đổi mới các tiết mục biểu diễn để tránh dàn dựng lại những tiết mục cũ đã có từ nhiều năm trước. Một số bài dân ca chưa thật phù hợp với lứa tuổi, giọng và tâm lý biểu diễn của các em. Đó là những bài ca, làn điệu dành cho người lớn.

Chúng tôi hy vọng rằng, với kết quả thắng lợi của Liên hoan lần này các nhà thiếu nhi, các Đài PTTH, các Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca trong cả nước sẽ tiếp tục phong trào sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn, đàn hát nhiều tiết mục mới, chương trình mới hay hơn nữa nhằm góp phần nhỏ bé của thiếu niên nhi đồng cả nước xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xin chúc mừng các em- những chủ nhân tương lai của đất nước nhân ngày thiếu nhi Quốc tế 1 tháng 6 và hẹn gặp lại các em tại Liên hoan “Thiếu nhi đàn và hát dân ca” lần sau”.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.