You are here

Tổ khúc cho đàn phím của Bach - Thấm đậm chất Thiền

Tác giả: 
Nguyễn Như Dũng

Trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của Johann Sebastian Bach (1685 – 1750) cho đàn phím, các tổ khúc chiếm một vị trí trang trọng vì vẻ đẹp thiền định mặc dù về kỹ thuật chúng cũng có thể khó chơi.

The English Suites BWV 806-811, là tập 6 tổ khúc của Johann Sebastian Bach cho đàn phím (harpsichord) và được cho là đã ra mắt sớm nhất trong số 19 tổ khúc của Bach cho loại đàn này. Những tổ khúc khác là 6 French Suites, BWV 812-817, 6 Partitas, BWV 825-830 và Ouverture theo phong cách Pháp, BWV 831.

Các tổ khúc Anh, BWV 806 - 811

Sáu tổ khúc Anh cho đàn phím (tiếng Anh – harpsichord, tiếng Đức - cembalo, tiếng Pháp - clavecin) được cho là tập tổ khúc sớm nhất mà Bach đã sáng tác. Thời gian Bach sáng tác những tổ khúc này từng được cho là từ 1718 đến 1720 nhưng những nghiên cứu gần đây lại cho rằng có khả năng Bach đã viết các tổ khúc này trước đó, vào khoảng năm 1715 khi nhà soạn nhạc sống và phụng sự âm nhạc ở Weimar.

Các tổ khúc Anh của Bach phản ánh ít hấp lực tới phong cách Baroque của đàn phím Anh hơn là các tổ khúc Pháp tới phong cách Baroque của đàn phím Pháp. Tên của chuỗi tổ khúc Anh được cho là xuất phát từ nhà viết tiểu sử Bach tên là Johann Nikolaus Forkel đưa ra vào thế kỷ 19. Forkel nói rằng những tác phẩm này có thể đã được sáng tác cho một quý tộc người Anh nhưng không có bằng chứng nào chứng minh cho điều này. Nó cũng được cho rằng tên người cụ thể này là Charles Dieupart nổi tiếng nhất khi ở Anh và sáu tổ khúc Anh của Bach đã được viết trên cơ sở dành cho người này.

Đặc điểm bề mặt của các tổ khúc Anh rất giống của các tổ khúc Pháp và các Partita của Bach, đặc biệt là trong cơ cấu tổ chức tuần tự các vũ điệu và sử dụng lối thực hành hoa mĩ. Những tổ khúc Pháp cũng giống các tác phẩm Baroque Pháp dành cho đàn phím đặc trưng của thế hệ các nhà soạn nhạc bao gồm Jean-Henri d’Anglebert và các truyền thống vũ điệu của các nghệ sĩ đàn lute Pháp có từ trước đó.

Trong các tổ khúc Anh, quan hệ của Bach với âm nhạc dành cho đàn lute của Pháp thể hiện bằng cách ông dùng khúc dạo đầu (Prelude) cho mỗi tổ khúc, không theo truyền thống của các tổ khúc Pháp tiến triển tương đối nghiêm ngặt theo trật tự của các vũ điệu (Allemande, Courante, Sarabande và Gigue) và không có Prelude mở màn. Không giống các prelude tự do không đo được của đàn lute hay đàn phím Pháp, các Prelude của Bach trong các tổ khúc Anh được cấu tạo bởi thước đo nghiêm ngặt.

1. Suite in A Major, BWV 806: Prelude, Allemande, Courante I, Courante II, Double I, Double II, Sarabande, Bourrée I, Bourrée II, Gigue. Suite in A Major không bình thường vì có 2 Courante, 2 Double.

2. Suite in A minor, BWV 807: Prelude, Allemande, Courante, Sarabande, Bourrée I, Bourrée II, Gigue.

3. Suite in G minor, BWV 808: Prelude, Allemande, Courante, Sarabande, Gavotte I, Gavotte II, Gigue.

4. Suite in F Major, BWV 809: Prelude, Allemande, Courante, Sarabande, Menuet I, Menuet II, Gigue.

5. Suite in E minor, BWV 810: Prelude, Allemande, Courante, Sarabande, Passepied I, Passepied II, Gigue.

6. Suite in D minor, BWV 811: Prelude, Allemande, Courante, Sarabande, Double, Gavotte I, Gavotte II, Gigue.

Các tổ khúc Pháp, BWV 812 - 817

Đó là sáu tổ khúc mà Bach đã viết cho Harpsichord giữa những năm 1722 và 1725. Mặc dù các Suites 1 - 4 thường được cho là có niên đại năm 1722, chúng có thể đã được viết phần nào trước đó. Các suites này sau đó đã được đặt tên là French Suite (sử dụng lần đầu bởi Friedrich Wilhelm Marpurg năm 1762). Tương tự, các tổ khúc Anh - The English Suite cũng nhận được tên gọi về sau này. Tên gọi này được phổ biến rộng rãi bởi người viết tiểu sử của Bach Johann Nikolaus Forkel, người đã viết vào năm 1802 một cuốn tiểu sử Bach.

Mọi người thường nhầm lẫn cho rằng các tổ khúc Pháp được gọi là French Suite vì chúng được viết theo lối Pháp. Tuy nhiên, thông tin này là không chính xác vì chúng được Bach viết chủ yếu theo một quy ước của Italia. Không có bản thảo cuối cùng nào của các tổ khúc tồn tại đến ngày nay và lối trình bày hoa mĩ đã thay đổi cả về loại hình và mức độ. Các Courante ở tổ khúc đầu tiên (cung Rê thứ) và tổ khúc thứ ba (cung si thứ) đã được viết theo phong cách Pháp; các Courante của 4 tổ khúc khác đều viết theo phong cách Italia.

Trong bất kỳ tình huống nào, Bach cũng sẵn sàng sử dụng vũ điệu dù là hoàn toàn của nước ngoài so với phong cách Pháp (như Polonaise của tổ khúc số 6). Thông thường, các chương 2 ở nhịp nhanh của các tổ khúc sau chương đầu Allemande được đặt tên theo một trong hai cách, hoặc Courante (theo phong cách Pháp) hoặc Corrente (theo phong cách Italia). Trong tất cả các tổ khúc Pháp, các chương 2 đều được đặt tên Courante, theo sách “Danh mục Bach”. Điều này hỗ trợ các ý kiến cho rằng các tổ khúc là “Pháp” (chứ không phải “Italia”). Một số các bản thảo đã đến được với chúng ta ngày nay có tiêu đề “Suites Pour Le Clavecin”. Đó là những gì có thể dẫn đến truyền thống gọi chúng là tổ khúc Pháp (French Suite).

Hai tổ khúc bổ sung, một là La thứ (BWV 818), một là Mi giáng trưởng (BWV 819) được liên kết đến sáu trong một số bản thảo quen thuộc. Các Ouverture theo phong cách Pháp, BWV 831, mà Bach công bố như là phần thứ hai của Clavier-Übung (bài tập cho đàn phím), là một bộ theo phong cách Pháp nhưng không kết nối với các tổ khúc Pháp. Một số bản thảo không được tìm thấy trong các bản sao khác có lẽ là giả.

1. Suite in D minor, BWV 812: Allemande, Courante, Sarabande, Menuet I / II, Gigue.

2. Suite in C minor, BWV 813: Allemande, Courante, Sarabande, Air, Menuet, Menuet - Trio (trong BWV 813a), Gigue.

3. Suite in B minor, BWV 814: Allemande, Courante, Sarabande, Anglaise - ban đầu, Bach đặt tựa cho chương này là Gavotte (một điệu nhảy rất giống với Anglaise), Menuet, Trio, Gigue.

4. Suite in E-Flat major, BWV 815: Allemande, Courante, Sarabande, Gavotte, Air, Menuet, Gigue.

5. Suite in G major, BWV 816: Allemande, Courante, Sarabande, Gavotte, Bourrée, Loure, Gigue.

6. Suite in E major, BWV 817: Allemande, Courante, Sarabande, Gavotte, Polonaise, Bourrée, Menuet, Gigue.

Các Partita cho đàn phím

Các Partita, BWV 825-830, là tập hợp sáu tổ khúc cho đàn phím của Bach, xuất bản trong các năm 1726-1730 và là lần đầu tiên tác phẩm của Bach được công bố. Những Partita cho đàn phím được Bach sáng tác với các kỹ thuật khắt khe nhất trong ba bộ tổ khúc ("Anh", "Pháp" và Partita). Chúng được sáng tác từ năm 1725 đến 1730 hoặc 1731. Như với các tổ khúc Pháp và các tổ khúc Anh, bản thảo gốc của các Partita không còn tồn tại.

Để phù hợp với truyền thống đặt tên trong thế kỷ XIX với tập tổ khúc đầu tiên của Bach là các tổ khúc Anh và tập tổ khúc thứ hai là các tổ khúc Pháp, các Partita của Bach đôi khi còn được gọi là các tổ khúc Đức. Tuy nhiên, đó chỉ là một cách gọi đơn giản thuận tiện cho việc xuất bản còn không có gì đặc biệt về phương diện Đức trong các Partita. So với hai bộ tổ khúc trước, các Partita lỏng lẻo về cấu trúc nhất. Không giống như các tổ khúc Anh, trong đó mỗi tổ khúc được mở màn với một Prelude nghiêm ngặt, các Partita có một số tính năng mở khác nhau, bao gồm cả một Ouverture có tính trang trí và một Toccata.

Mặc dù mỗi Partita được công bố riêng, chúng được thu thập thành một khối duy nhất vào năm 1731 và được biết đến như là Keyboard Practice I (Thực hành đàn phím I) mà Bach đã chọn để dán nhãn Opus 1. Không giống các bộ tổ khúc trước, Bach ban đầu dự định xuất bản bảy Partitas như ông quảng cáo vào mùa xuân năm 1730 khi công bố bản Partita thứ năm là sẽ thêm hai Partita như vậy.

1. Partita in B-flat major, BWV 825: Praeludium, Allemande, Corrente, Sarabande, Menuet I, Menuet II, Gigue.

2. Partita in C minor, BWV 826: Sinfonia, Allemande, Courante, Sarabande, Rondeaux, Capriccio.

3. Partita in A minor, BWV 827: Fantasia, Allemande, Corrente, Sarabande, Burlesca, Scherzo, Gigue.

4. Partita in D major, BWV 828: Ouverture, Allemande, Courante, Aria, Sarabande, Menuet, Gigue.

5. Partita in G major, BWV 829: Praeambulum, Allemande, Corrente, Sarabande, Tempo di Minuetto, Passepied, Gigue.

6. Partita in E minor, BWV 830: Toccata, Allemande, Corrente, Air, Sarabande, Tempo di Gavotta, Gigue.

Ouverture theo phong cách Pháp, BWV 831

Ouverture này [1] có tiêu đề gốc “Ouverture nach Französischer Art”, còn được gọi là Ouverture Pháp và xuất bản như là một nửa thứ hai của Keyboard Practice II năm 1735 (kết hợp với Concerto Italia), là một tổ khúc ở điệu Si thứ cho harpsichord của Bach. Một phiên bản trước đó của tác phẩm này tồn tại, trong khóa biểu Đô thứ (BWV 831a); tác phẩm đã được chuyển dịch thành Si thứ để hoàn thành vòng lặp của âm điệu trong Phần Một và Phần Hai của Keyboard Practice.

Ouverture đề cập đến thực tế là tổ khúc này bắt đầu với một chương overture, và là một cái tên chung cho cả bộ Ouverture Pháp (tổ khúc cho dàn nhạc của Bach cũng đã được đặt tên tương tự). Chương Ouverture này thay thế cho Allemande thường thấy trong các tổ khúc cho đàn phím khác của Bach. Ngoài ra, có những vũ điệu trước và sau Sarabande. Chương bắt buộc chỉ có sau Sarabande. Tất cả ba vũ điệu tùy chọn được thể hiện theo cặp, với vũ điệu đầu tiên lặp lại sau vũ điệu thứ hai. Và cũng là một điều bất thường vì tác phẩm lại có thêm một chương phụ sau vũ điệu Gigue. Đó là chương Echo (có nghĩa là “tiếng vọng”) để khai thác các động lực to lớn và mềm mại của harpsichord hai bàn phím. Các chương khác cũng có chỉ dẫn độ động (piano and forte – nhỏ và to) không thường thấy ở các tác phẩm dành cho đàn phím thời Baroque và chỉ dẫn cách sử dụng trên cả hai bàn phím của Harpsichord. Với 11 chương, Ouverture Pháp là tổ khúc dành cho đàn phím dài nhất từng được sáng tác bởi Bach. Nó có thời lượng khoảng 30 phút nếu tất cả các đoạn lặp trong mỗi chương đều được biểu diễn đủ.

Phong cách sáng tác Ouverture Pháp của Bach gợi nhớ tới sáng tác của những nhạc sĩ Pháp như François Couperin, người đã xuất bản các tác phẩm ở định dạng suite như thế này. Những tổ khúc đó đã được sáng tác cho cả hai nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc. Với Bach, mặc dù ông sáng tác chỉ dành cho một harpsichord độc tấu nhưng đã đạt được âm thanh đầy đủ hơn so với sáng tác của nhà soạn nhạc Pháp.

Thấm đậm chất thiền

Các tổ khúc cho đàn phím của Bach có một sức hút kỳ lạ, nghe đi nghe lại không chán. Điểm kỳ lạ nhất là bạn có thể nghe một lượt nhiều giờ tất cả các tổ khúc nói trên của Bach thì sau khi nghe xong, nếu người nghe đã quen với âm nhạc phức điệu, họ sẽ hoàn toàn không mệt mà còn cảm thấy thoải mái, thư thái. Đó là do nhạc Bach nói chung, các tổ khúc của Bach nói riêng đều hoàn hảo, có chung chất thiền (медитация - meditation), thấm đậm chất thiền. Đây cũng là yếu tố giúp cho nhạc Bach trường tồn và ngày càng lan xa, thấm sâu.

Một tác phẩm của Bach dù ngắn, dài khác nhau một khi đã được tấu lên thì người nghe lập tức nhận diện, không biết nó đã được kêu từ khi nào và bao giờ sẽ kết thúc. Khi nó kết thúc, người nghe cũng không hề cảm thấy ngỡ ngàng vì nó như một sự tất yếu và là để nhường diễn đàn cho tác phẩm tiếp theo của Bach lại được tấu lên. Đặc biệt nhất là tính tự nhiên của từng tác phẩm của Bach. Chúng như đã tồn tại từ rất lâu trong tự nhiên và Bach chỉ việc ghi lại để truyền tới mọi người, hậu thế. Cho nên, mỗi tác phẩm của Bach đều là hiển nhiên – trời định, không thể bàn cãi, phủ nhận về mọi thứ liên quan đến nó.

Nhạc Bach có đặc điểm là chứa rất nhiều thông tin nên dù là với người mới nghe hay đã nghe nhiều, các tổ khúc của Bach như luôn mới mẻ, “vừa quen vừa lạ" đối với họ, kể cả phần trình bày này là của cùng một nghệ sĩ, cùng một bản ghi âm hoàn toàn không có gì thay đổi. Cho nên, nếu có thời gian, người nghe có thể nghe “không bao giờ hết” các tổ khúc này, nhất là khi họ còn có những lựa chọn nghe các nghệ sĩ và bản ghi âm khác nhau. Khác với các tác phẩm của các nhạc sĩ khác, nhạc của Bach, nhất là với kỹ thuật fugue bất hủ, luôn có sức thu hút đặc biệt, khiến người nghe muốn dõi theo các dòng nhạc tuôn chảy như vô tận. Khi đã quen nghe dòng nhạc cổ điển, nghe nhạc Bach là sướng nhất.

Bach viết các tổ khúc cho đàn phím nhưng những cây đàn này có một thời gian dài (sau khi Bach qua đời) vắng bóng trên thị trường âm nhạc. Đến tận thế kỷ 19, harpsichord mới được khôi phục phục vụ việc trình tấu các tác phẩm của thời Baroque. Thời gian mà Harpsichord vắng bóng, Piano là cây đàn thay thế chúng. Piano sinh ra khi Bach còn sống và ông rất ngại nó như một cỗ máy tối tân sẽ phá hỏng âm nhạc. Các nghệ sĩ piano đã chơi các tổ khúc của Bach cho đàn phím cho đến ngày nay. Sang thế kỷ 20, đàn phím lấy lại phong độ nên thế giới có 2 nhóm lựa chọn lớn để nghe các tác phẩm dành cho đàn phím của Bach. Harpsichor hay Piano đều diễn đạt tốt các tổ khúc của Bach cho đàn phím.

Tác phẩm và người chơi

JS Bach English Suites BWV 806-811, Alan Curtis;

JS Bach French Suites BWV 812-817, Alan Curtis;

J.S.Bach - Six Partitas, Karl Richter;

J.S. Bach - French Ouverture for Harpsichord in b-minor, BWV 831. CD: Box 160 CD Bach Edition (Briliant Classic, 2000) – Keyboard Works.

Nghe từ Youtube:

Phần cứng dĩ nhiên có gì dùng nấy nhưng cấu hình tương đương như sau rất phù hợp:

Máy tính để bàn iMAC nối mạng Internet, dây ADL USB B;

CDP Denon DCD 3300, dây tín hiệu Analysis Plus Chocolate Oval;

USB DAC Furutech GT40a, dây tín hiệu Analysis Plus Chocolate Oval;

Ampli đèn tích hợp Rogue Audio Cronus Magnum KT90, dây loa Analysis Plus Oval 12;

Loa Infinity Studio Monitor 150, Cục đạn điều âm loa Totem Beak.


[1] Ouverture theo phong cách Pháp, BWV 831: Ouverture, Courante, Gavotte I / II, Passepied I / II, Sarabande, Bourrée I / II, Gigue, Echo.

(Nguồn: http://dongtac.hncity.org)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.