You are here

Kỷ niệm 99 năm ngày sinh giáo sư Trần Văn Khê

Tác giả: 
Mai Nhật

Nghệ sĩ Kim Cương sẽ ôn kỷ niệm về cố giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê trong chương trình kỷ niệm 99 năm sinh nhật ông.

Kim Cương cùng nhà thiết kế Sĩ Hoàng tham gia buổi tọa đàm Những bài học văn hóa từ Giáo sư Trần Văn Khê, diễn ra từ 9h đến 16h ngày 24/7 tại hội trường Trịnh Công Sơn, Đại học Văn Lang. Tại không gian sự kiện còn có triển lãm nhiều trang phục ông mặc khi diễn thuyết, dự đại hội âm nhạc quốc tế, sách, băng dĩa, nhạc cụ... và 99 ảnh chân dung cố nhạc sĩ.

Từ phải qua: NSƯT Huỳnh Khải, nhà thiết kế Sĩ Hoãng, đạo diễn Thanh Hiệp chuẩn bị cho sự kiện 99 năm ngày sinh Trần Văn Khê. Ảnh: Thanh Hiệp.

Cùng ngày, nghệ sĩ Huỳnh Khải cùng các môn sinh của giáo sư Trần Văn Khê sẽ biểu diễn âm nhạc dân tộc, gồm những tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc như tranh, sáo, bầu, kìm, guitar phím lõm...

Nhà báo Thanh Hiệp - đạo diễn chương trình - cho biết sự kiện là dịp các nghệ sĩ, nghệ nhân đờn ca tài tử cùng tề tựu tưởng nhớ Trần Văn Khê. Trong ký ức của Thanh Hiệp, anh nhớ những buổi nói chuyện chuyên đề về âm nhạc dân tộc của cố giáo sư, về cách chơi đàn tranh của người Việt khác người Trung Quốc ra sao; ý nghĩa của chiếc áo dài của người Việt với 5 chiếc nút - đại diện cho 5 đức tính: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hay cách giáo sư giới thiệu về nhạc cụ Song Lang của người Việt.

Đạo diễn nói: "Tôi vẫn nhớ lời thầy dặn hãy cố gắng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, áo dài, những điệu hát ru con... Thầy đã xây dựng lại giá trị riêng của âm nhạc dân tộc nước nhà". Chương trình là bước đệm chuẩn bị cho sự kiện công bố thành lập Quỹ Trần Văn Khê - dự kiến đầu năm 2021, và kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trần Văn Khê vào tháng 7/2021.

Giáo sư Trần Văn Khê (1921-2015) sinh ra trong gia đình có bốn đời là nhạc sĩ truyền thống tại Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang). Năm sáu tuổi, ông đã biết đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Gia đình ông có nhiều nhân vật là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng, như: ông nội Trần Quang Diệm, cha là ông Trần Quang Chiêu và cô của ông là Trần Ngọc Viện - người sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ Ban.

Giáo sư Trần Văn Khê sinh thời. Ảnh: Nguyễn Á.

Trần Văn Khê sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6/1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris).

Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức. Có 43 nước trên thế giới đã mời Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ sinh sống và làm việc ở nước ngoài, giáo sư Khê luôn đau đáu việc làm thế nào giữ gìn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Những hoạt động giảng dạy, diễn thuyết không ngừng nghỉ của ông suốt hơn 50 năm góp nhiều công sức đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đi vào bản đồ âm nhạc thế giới. Cho đến khi quay về Việt Nam sống, ở tuổi hơn 90, ông vẫn miệt mài tiếp tục công việc này.

Giáo sư Trần Quang Hải, con trai ông, cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng.

(Nguồn: https://vnexpress.net/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.