You are here

Lâm Thanh Bình - nhạc sĩ của cộng đồng Chăm

Tác giả: 
Nguyễn Đăng Khoa

Nhạc sĩ Lâm Thanh Bình, hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, là người có nhiều năm gắn bó mật thiết với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng Chăm Islam ở An Giang. Phần lớn sáng tác của anh mang âm hưởng của âm nhạc Chăm và đây cũng là mảnh đất làm nên tên tuổi của vị nhạc sĩ này.

Thắm đậm tình cảm vào trong từng tác phẩm

Nhạc sĩ Lâm Thanh Bình từng là cán bộ văn hóa rồi sau đó là Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện An Phú - Tỉnh An Giang, vì vậy mảnh đất của cộng đồng Chăm nơi đây đã thắm đậm tình cảm vào trong từng tác phẩm của anh. Cũng bằng chính tác phẩm âm nhạc, anh đã dựng nên chiếc cầu đưa phụ nữ Chăm nơi đây bước ra khỏi cấm cung để hòa nhập vào cộng đồng một cách êm dịu nhất, làm nhẹ nhàng đi sự hà khắc của luật định đang áp vào đời sống của người Chăm.

Từ năm 1982, tập tục cấm cung phụ nữ Chăm đã bắt đầu nới lỏng, dần dần người phụ nữ được hòa nhập với xã hội. Khơi nguồn cho việc phá bỏ tục lệ này chính là công sức của nhạc sĩ Lâm Thanh Bình trong công tác vận động cộng đồng Chăm chấp nhận cho con gái tham gia vào đội văn nghệ của xã Châu Phong. Việc làm này trải qua một thời gian từ 1980 - 1982, với sự vận động và thuyết phục bắt đầu từ những người có uy tín trong đạo, rồi tiến thêm một bước là việc thuyết phục gia đình của các cô gái. Từ đó, xã hội Chăm ở đây có cái nhìn thông thoáng hơn và đánh giá vai trò tham gia xã hội của người phụ nữ cao hơn cho nên đã từ bỏ việc cấm cung phụ nữ. Đây là một bước tiến vào đời sống xã hội hết sức ấn tượng cho phụ nữ Chăm ở An Giang.

Năm cô gái Chăm đầu tiên bước lên sân khấu đã tạo nên nhiều làn sóng mạnh mẽ tác động đến bản thân các cô, gia đình của họ và cả cộng đồng Chăm của An Giang. Với sự ủng hộ ít, phản đối nhiều hơn đã làm cho các cô và những nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ lúc bấy giờ đối diện với không ít khó khăn và nao núng. Tuy nhiên, đội văn nghệ này lại được sự cổ vũ, tán thưởng nhiệt tình của người Việt bởi yếu tố lạ trong trang phục, giọng hát, thang âm của âm nhạc Chăm nên dần dần họ đã đứng vững và đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc hội thi các cấp khác nhau. Năm cô gái ấy có tên là: Azizah, Asiah, Rohimah, Fatimah, Aysah được ví như 5 viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngôi nhà bình đẳng giới ở xã hội Chăm Islam.

Đưa phụ nữ Chăm Islam hòa nhập vào xã hội bằng chiếc cầu âm nhạc

Nhạc sĩ Lâm Thanh Bình kể lại hồi ức về những khó khăn ban đầu ấy: Để tuyển giọng hát từ các cô gái Chăm, người được thử giọng hát thực ra không phải là hát mà chỉ là hình thức ngồi trang nghiêm theo đúng nghi thức tôn giáo và xướng lên những đoạn kinh Co-ran. Qua giọng xướng kinh, nhạc sĩ mới thẩm định và tuyển chọn người. Bởi vì trong cộng đồng Chăm Islam khi ấy, ngoài xướng Thánh kinh thì không có các hình thức hát xướng khác. Khi có được ca sĩ rồi thì một khó khăn mới được đặt ra, đó là tìm đâu ra bài hát phù hợp với màu sắc, tính cách dân tộc cho họ hát. Để giải quyết vấn đề này, nhạc sĩ Lâm Thanh Bình vận động nhiều người đang hoạt động văn nghệ ở khu vực gần đó cùng tham gia sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân tộc Chăm để phục vụ công tác văn nghệ.

Thành công nhất và cũng là nét định hình của nhạc sĩ Lâm Thanh Bình trong sáng tác có âm hưởng dân tộc Chăm chính là Tổ khúc Karim và Nurisa. Tổ khúc này gồm: Vầng trăng, Trái táo và Chia xa. Tổ khúc này như một bản ballad kể về chuyện tình của Karim và Nurisa, hai người yêu nhau nhưng không được đến với nhau, mỗi khi nhớ nhau họ gửi đến nhau khúc tự tình. Tổ khúc này đã đạt được giải Nhất trong cuộc thi “An Giang – Đất nước và con người” và sau đó thành công vang dội trong các cuộc thi văn nghệ cấp khu vực và toàn quốc. Tiếp theo, đã được Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ dựng thành phim ca nhạc với tên “Khăn Matơra của em”. Trong lòng của cộng đồng Chăm, tổ khúc này đã thật sự nói lên nội tâm của những người yêu nhau nhưng bị luật tục ngăn cấm, nó đã được cộng đồng trân quí nhắc đến.

Có thể nói, trên mảnh đất dân ca Chăm, nhạc sĩ Lâm Thanh Bình đã gieo hạt âm nhạc thành công. Những tác phẩm của anh đã thật sự có sự sống riêng, có tiếng nói riêng đối với người thưởng thức. Thành công của anh không phải dễ dàng đến mà thật sự là một sự dấn thân, bền chí và phải đấu tranh với nhiều thử thách, trở ngại từ những luật tục của cộng đồng. Chỉ có lòng yêu mến con người, yêu mến cuộc sống thiết tha mới có thể làm được thành công như vậy. Cái bề nổi thành công ở mặt âm nhạc của anh đã lớn, nhưng thật sự còn tảng băng chìm của thành công không dễ nhận diện đó chính là việc đưa người phụ nữ Chăm ra khỏi cấm cung, bằng con đường âm nhạc, đưa họ hòa nhập với cộng đồng và xóa bỏ bất bình đẳng giới trong thế giới người Chăm Islam ở An Giang. Họ đã được đi học, hòa vào mọi hoạt động xã hội như nam giới. Vì thế, hiện nay trong cộng đồng này đã có rất nhiều phụ nữ thành đạt và đã quay về giúp đỡ cộng đồng ngày càng hòa nhập với các dân tộc khác và ngày phát triển hơn.

(Nguồn: langvietonline.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.