You are here

Lan man một vài suy nghĩ: thị tấu

Tác giả: 
Đặng Hữu Phúc

Kiên trì rồi cũng đến đích, tôi vừa thị tấu xong toàn bộ 32 bản Sonata viết cho piano solo của Beethoven, vì vướng cái Tết nên cũng phải mất tới nửa tháng.

Nói chung không có vấn đề gì về kỹ thuật, trừ những bản như: No 29, No 31, No 32 có các chương Final viết theo hình thức Fuga có tốc độ nhanh.

*Nhìn chung những tác phẩm của các nhạc sỹ từ sau Bach đến Tchaikosky (khoảng 200 năm, từ 1700 đến 1900) đều được viết ra với kỹ thuật sáng tác cổ điển, kỹ thuật này được hoàn thiện, và tiếp tục phát triển từ thời Beethoven đến hết thời kỳ lãng mạn.

*Đó là khúc thức với câu nhạc vuông 4 nhịp, hình thức 1,2,3 đoạn đơn, 3 đoạn phức, sonate, variation, rondo. 

*Đó là hoà thanh cổ điển đều xây dựng trên cơ sở gam trưởng và gam thứ với các hợp âm (nguyên vị hay thể đảo) 3 trưởng, 3 thứ, 7 át, 7 giảm,( bậc II 6). Các nét chạy đều dựa trên chạy gam và chạy rải arpège.

*Đó là kỹ thuật viết fuga, mà Bach vẫn là đỉnh cao nhất.

Tóm lại cả một giai đoạn huy hoàng nhất của lịch sử âm nhạc châu Âu đã được xây dựng trên cùng một nền tảng lý thuyết. 
*Tất cả các nhạc sĩ thời đó đều cùng làm phong phú thêm, làm sâu sắc thêm những kỹ thuật của chung, coi nó như mặc định. Vì vậy thị tấu các tác phẩm cổ điển cũng không có gì khó khi ta đã giải quyết xong chương trình học kỹ thuật piano với tất cả các gam cùng các biến thể của nó. Các tác phẩm cổ điển đều được xây dựng trên cùng một “nguyên vật liệu” giống nhau. Có thể ví như các toà nhà, lâu đài tuy khác nhau nhưng đều cùng được xây dựng bằng một chất liệu như nhau.

*Bước ngoặt rõ ràng nhất trong lịch sử âm nhạc có lẽ từ Debussy (1862-1918). Ông đã đi tìm những chất liệu riêng để thoát ra khỏi hệ thống gam trưởng và thứ, vì vậy nững nét chạy, những hợp âm của ông không còn là những nét chạy, những hợp âm quen thuộc nữa..

Tuy tác phẩm của ông vẫn còn nhiều điểm chung với âm nhạc thời đó. Ông tìm cách thoát ra nhưng chưa thoát hẳn.
Rồi tiếp tục là Ravel, Bartok, Stravinsky, Arnold Schoenberg… Tất cả đã thoát dần khỏi cái đại lộ lớn mà tất cả đã đi hàng trăm năm, tìm những con đường riêng của mình.

Rồi dần dần, điểm chung ít dần, mỗi người một con đường và bây giờ thì… lạc nhau hoàn toàn.

*Âm nhạc trước kia thiên về trái tim, nay thiên về cái đầu, dần dần chỉ còn cái đầu, trái tim biến mất.

*Cùng một trò chơi, cùng một luật chơi, ai chơi hay chơi dở thì có thể so sánh. Mỗi người (hoặc một nhóm người) chơi một trò thì ai biết trò của người nấy thôi.

*Hầu như tất cả các giai điệu đẹp (theo quan niệm chung) đều xây dựng trên điệu thức gam trưởng - thứ, khái niệm âm nhạc gần như gắn liền với gam.

*Thoát khỏi gam (ví dụ dodecaphony) có thể coi như đi ra ngoài âm nhạc theo nghĩa thông thường.

*Gam ngũ cung sức hút của chủ âm ít hơn, trưởng - thứ cũng không phân biệt rõ ràng nên được khai thác nhiều hơn từ Debussy.

*Nhiều bản nhạc phải chơi đúng tốc độ của tác giả ghi mới thấy được hiệu quả (nội dung) mà tác giả muốn nói, ví dụ những etude của Chopin. Vì vậy, nếu thị tấu chơi chậm lại thì cũng không ra được hiệu quả. Trong trường hợp này ta phải tìm nghe bản nhạc đó trước với một pianist chuẩn.

*Tự mình chơi thì có thể “nhấm nháp” được những chuyển động hoà thanh của các bè, hoặc chơi đi chơi lại những đoạn mình thấy thú vị. Điều này không thể có nếu chỉ nghe người khác chơi.

Mỗi năm tôi thường thị tấu toàn bộ 2 tập Bình quân luật của Bach một lần, như đọc sách vậy. Ngoài Bach, năm 2016 tôi còn thị tấu:

1. Sáu tập Mikrocomos của Bartok

2. Toàn bộ 19 sonata cho piano của Mozart

3. Toàn bộ 9 bản giao hưởng của Beethoven chuyển ra cho piano (từ số 6 đến số 9 do Liszt chuyển)

4. Toàn bộ 58 Mazurka của Chopin

5. Toàn bộ 15 bản Sonata của Schubert

6. Vài tác phẩm đơn lẻ

Cũng là một trò chơi, thể dục bộ não khỏi trì trệ và để có cái nhìn tổng thể tiến trình phát triển âm nhạc cổ điển châu Âu.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.