You are here

Làng tôi và những điều tồn nghi

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Nhạc sĩ Văn Cao

Cùng với “Ngày mùa”, “Làng tôi” là một trong những ca khúc đánh dấu giai đoạn chuyển hướng trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao. Vì, đóng vai trò chuyển hướng, nên ở ca khúc này thể hiện tính chất thừa tiếp dòng nhạc Lãng mạn, đồng thời mở ra khuynh hướng mới. Xét về tính chất, âm nhạc của “Làng tôi” và kể cả “Ngày mùa” chưa hề chuyển vào khu vực trung tâm của dòng nhạc Cách mạng, giống như các tác phẩm: “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Bắc Sơn”, “Tiến về Hà Nội”, “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch”... mà vẫn lưu luyến dòng nhạc Lãng mạn. “Làng tôi”, “Ngày mùa” giống như hai bức tranh xinh đẹp viết về làng quê Việt Nam bằng âm nhạc. Ở đây, tài năng tổng hợp giữa thi ca, âm nhạc và hội họa ở tác giả đã phát huy cao độ. Chúng liên thông với nhau nhằm tạo nên những tuyệt phẩm bất hủ.

“Làng tôi” viết trên nền điệu Valse truyền thống châu Âu, nếu bỏ đi lời ca, chẳng ai lần ra dấu vết “đấu tranh cách mạng” của nó. Vốn xuất thân từ trào lưu âm nhạc Lãng mạn, nên cho dù đã chuyển hướng sáng tác, cách thức thể hiện của Văn Cao vẫn đong đầy chất thi ca, ngôn ngữ giàu hình ảnh, không gian đa chiều, đa sắc. Giai điệu của “Làng tôi” giản dị, nhẹ nhàng, sang trọng, ca từ sử dụng nhiều hình ảnh giàu chất biểu trưng, biểu cảm, như: “bóng tre”, “bóng cau”, “con thuyền”, “dòng sông”,  “nhà thờ”, “đồng quê”…

Như ở “Ngày mùa”, tuy xuất hiện: “giáo với gươm”, “súng” và “liềm”, nhưng đặt trong bối cảnh “đầy đồng giáo với gươm”, “súng tỳ tay anh đứng, em ngừng liềm trông sang” tình tứ, lãng mạn, những sự vật vô tri trở thành nét chấm phá tạo thêm sức sống cho cảnh đồng quê ngày mùa. Và ở Làng tôi, tác giả quay “ống kính” thị giác vào những hình ảnh vừa cụ thể, vừa tượng trưng với góc nhìn biểu cảm, chủ quan, chứ không hề đặc tả theo quan điểm hiện thực. Nói cách khác, hiện thực chỉ là một cái cớ, còn nội dung ẩn hiện đằng sau là những hoài niệm về dĩ vãng, một khuynh hướng điển hình của thi ca, âm nhạc Lãng mạn. Chiếu theo thực tại lịch sử, ca khúc ẩn chứa nhiều tồn nghi, thậm chí gây hiểu nhầm. Vì sự nổi tiếng của nó, nên nhất thiết cần có sự giải thích nhằm tránh hiểu lầm đáng tiếc, như từng xảy ra ở “Tiến về Hà Nội”.

Ca khúc “Tiến về Hà Nội”, Văn Cao từng viết: “Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về”. Chi tiết này đã gây rất nhiều ngộ nhận, thậm chí kể cả người sống lâu năm, gắn bó thân thiết với mảnh đất thu đô lịch sử. Họ cứ ngỡ rằng Hà Nội chỉ có năm cửa ô. Nhà sử học Lê Văn Lan từng hỏi nhạc sĩ Văn Cao về sự kiện đó. Ông trả lời: nhìn thấy lá cờ tổ quốc in hình năm cánh sao, tôi liên tưởng đến năm cửa ô. Đó là sự liên tưởng giàu hình ảnh thị giác hơn là sự thật. Trong nghệ thuật thường xảy ra hiện tượng: “Vô lý nhi diệu”, sự kỳ diệu của những điều nghịch lý. Trên thực tế, sự kỳ diệu ấy vẫn cần được cắt nghĩa, giải thích lại cho phù hợp với bối cảnh và cách thức tiếp cận tác phẩm. Ở ca khúc “Làng tôi”, chi tiết phi lịch sử xuất hiện ở tình huống: “Từ khi quân Pháp sang, chiều vắng tiếng chuông ngân, phá tan nhà thờ xưa.” Qua câu hát trên, người nghe dễ lầm tưởng rằng, quân Pháp đã phá nhà thờ!

Trong quá trình truyền bá Phúc âm, người Pháp huy động đến cả đại bác. Vào thời kỳ nhà Nguyễn, Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine) có quan hệ mật thiết với vua Gia Long, cưu mang cho hoàng tử Cảnh, nhằm mục đích sau này, nếu hoàng tử kế vị sẽ là một đức vua ủng hộ Cơ đốc giáo. Như vậy, việc thực dân Pháp xâm lược nước ta có cả lý do bảo hộ cho việc truyền bá tín ngưỡng Cơ đốc giáo. Ở Sài Gòn, thực dân Pháp từng cho phá hủy làng xã, đình, chùa, miếu… để xây dựng công sở, đồn bốt, nhà ở, nhà thờ, như trường hợp đền Hiến Trung, Văn Miếu, Miếu Hội đồng, Đàn Xã tắc, Đàn Thần Nông, chùa Kim Cương, chùa Tứ Ân… ở làng Tân Khai, phủ Gia Định sau khi trở thành Sài Gòn phố thị thuộc trung tâm quận 1 thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Trong ca khúc “Làng tôi” cũng có đoạn viết: “Ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn”. Xét về tình tiết, cũng như những sự kiện liên quan tới lịch sự, câu hát trên có khả năng đã phản ánh đúng sự thực. Còn “Từ khi quân Pháp sang” và biến cố “phá tan nhà thờ xưa” có liên quan đến việc giặc Pháp tàn phá nhà thờ hay không lại là một chuyện khác. Vì, chủ thể của hành động “phá tan nhà thờ xưa” trong trường hợp này không thể là thực dân Pháp.

Mở đầu: “Dương sự thủy mạt” chép: “Mùa xuân, tháng hai, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), hai thuyền chiến của Tây vào bến Đà Nẵng, có năm, sáu cố đạo đeo giá chữ thập đi theo”. Tư liệu này biện minh cho cuộc xâm lược Việt Nam bằng quân sự của thực dân Pháp tiến hành song song với việc truyền bá Phúc âm. Sau Hòa ước năm nhâm tuất (1862) triều đình nhà Nguyễn nhường ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho thực dân Pháp, Hiệp ước giáp tuất năm 1874 công nhận chủ quyền của Pháp ở Nam Kỳ và Hiệp ước giáp thân năm 1884 chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Trên căn cứ đó hàng loạt cơ sở tín ngưỡng Cơ đốc giáo có quy mô lớn được xây dựng ở đất nước ta, như: Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn năm 1880, Nhà thờ Bùi Chu, Nam Định năm 1884, Nhà thờ Lớn Hà Nội 1887, Nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình năm 1898, Nhà thờ Sapa năm 1895… Vậy, chẳng có lý do nào thực dân Pháp lại phá những công trình do chính mình cho khởi công xây dựng, đồng thời đóng vai trò biểu tượng thiêng trong văn hóa Cơ đốc. Theo lời ca: “Chiều khi quân Pháp qua, chiều vắng tiếng chuông ngân, phá tan nhà thờ xưa”. Câu hát này đã mở ra hai chiều thời gian và không gian cho ca khúc nhằm liên hệ với sự kiện: “Làng tôi theo đoàn quân du kích, cướp ngay súng quân thù trả thù xưa”, chứ không hề chỉ việc quân Pháp qua để “phá tan nhà thờ xưa”.

Nhạc sĩ lãng mạn nói chung không quan tâm đến ngoại cảnh mà rọi điểm nhìn vào chiều sâu tâm cảnh. Đối với họ, hiện thực là đáng quay lưng và hình ảnh “chiều vắng tiếng chuông ngân” dường như xuất phát từ tư duy mỹ cảm chủ quan đặc thù của trào lưu Lãng mạn. Từ trong bản chất, lãng mạn là những ước mơ, hy vọng, mong muốn vượt lên trên thực tế. Vì vậy, tư tưởng thẩm mỹ lãng mạn dẫn người sáng tạo đi theo hai hướng: một là hướng thượng, hướng lên những “tinh cầu giá lạnh”; hai là hướng tâm bằng hoài niệm, tiếc nuối dĩ vãng. Hình ảnh trong ca khúc lãng mạn thường mang giá trị biểu trưng, đong đầy tính chất chủ quan, phản ánh những viễn tượng xa xôi … Xuất phát từ cảm thức đó, dù nhiều nhạc sĩ lãng mạn đã chuyển hướng sáng tác, nhưng vẫn để ý tưởng mang theo hình ảnh phóng dụ của tâm len lỏi vào tác phẩm. Nếu mổ xẻ tác phẩm lãng mạn theo tư duy hiện thực rất dễ làm sai lệch chỉ báo thẩm mỹ dẫn tới ngộ nhận, đồng thời càng không thể chạm vào được góc khuất bí hiểm của tác giả. Tác phẩm nghệ thuật là một thực thể phức hợp, cần chiếu rọi từ nhiều phía khác nhau nhằm tìm ra thông điệp cốt lõi.

Ca khúc “Làng tôi” được Văn Cao sáng tác năm 1947. Đây là một trong những sáng tác mở đầu cho phong trào âm nhạc cách mạng. Nếu hỏi chất “cách mạng” của “Làng tôi” nằm ở đâu? Câu trả lời nằm ở chính nội dung phản ánh trong lời ca của nó. Nhưng, tại điểm này, tư duy thẩm mỹ lãng mạn đã làm mờ đi làn ranh giữa hiện thực và ý niệm. Hình ảnh nhà thờ lởn vởn quanh ca khúc, như “chiều vắng tiếng chuông ngân”, “Từng tiếng chuông ban chiều”, “Phá tan nhà thờ xưa”… song, nội dung chẳng hề có chi tiết nào trực chỉ thực dân Pháp đã phá tan nhà thờ. Theo tâm sự của Văn Giao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao, ca khúc này gắn liền với bối cảnh vùng thánh địa Nam Định, căn cứ quan trọng để loan báo Tin mừng. Nhà thờ là một thiết chế quan trọng trong văn hóa Cơ đốc giáo. Nhà thờ vừa là nhà của Chúa, vừa là cơ sở vật chất cung cấp không gian cho hoạt động Thánh. Vì vậy, xét cả chức năng lẫn ý nghĩa biểu trưng, Nhà thờ là một biểu tượng thiêng liêng của văn hóa Cơ đốc, thậm chí còn cao hơn giá trị tổ quốc. Vậy, chẳng có lý nào thực dân Pháp lại phá hoại nhà thờ?

Như trên đã đề cập, lời ca ở ca khúc lãng mạn nói riêng và ca khúc nói chung không nhất thiết chứa đựng nội hàm theo nghĩa đen, giống như văn bản chứa đựng nội dung cụ thể. Bên cạnh đó, trong âm nhạc, ca từ đóng vai trò phương tiện biểu hiện của nghệ thuật. Phương tiện đó có thể bộc lộ ý đen hay nghĩa bóng, nhưng vượt lên trên hết, nó thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc với tính chất tạo hình về giai điệu, tiết tấu, hình ảnh và âm thanh biểu cảm.

Ca khúc “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao đã sớm vượt khỏi biên giới, lãnh thổ Việt Nam, chuyển dịch lời ca sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm trước hết và sau cùng đều nằm trọn vẹn ở ngôn ngữ âm nhạc. Một vài chi tiết dù thực hư thế nào vẫn không làm thay đổi được giá trị nghệ thuật ở tác phẩm. Xét cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sự kiện “chiều vắng tiếng chuông ngân”, “phá tan nhà thờ xưa” đã đi vào tác phẩm bằng phương cách của nghệ thuật thẩm mỹ. Giữa hai dữ liệu thị giác và thính giác, những bổ sung tương ứng về lịch sử thật cần thiết cho việc thưởng thức vươn tới cảnh giới thuần khiết của nghệ thuật âm thanh lấy tình cảm làm chỗ dựa căn bản để tâm hồn chơi vơi giữa hai miền thực tại và hư cấu mênh mang.  

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.