You are here

Lệ Giang, cháy bỏng một tình yêu với đàn Bầu

Tác giả: 
Gia Linh

Câu chuyện chúng tôi chuyển tải tới độc giả hôm nay là câu chuyện của một nghệ sĩ trẻ gắn bó với cây đàn Bầu trong nhiều năm. Chị đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng cũng như nhiều lần lưu diễn quốc tế để giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè năm châu qua tiếng đàn Bầu – Nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Thị Lệ Giang.

Nghệ sĩ đàn Bầu Lệ Giang hiện đang là giảng viên Khoa Âm nhạc truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.


Lệ Giang thăng hoa với cây đàn bầu. Ảnh: NVCC

 - Xin chào Lệ Giang, là một nghệ sĩ trẻ nhưng lại gắn bó với cây đàn Bầu, một nhạc cụ dân tộc. Xin chị cho biết lý do chị lựa chọn gắn bó với cây đàn Bầu? 

Về lý do lựa chọn, mình đến với đàn Bầu như một lẽ tự nhiên bởi mình sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc dân tộc và bản thân mẹ mình cũng là một nghệ sĩ đàn Tranh. Vì vậy mà ngay từ nhỏ Lệ Giang đã được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống và suốt ngày được theo chân mẹ tới xem các cô chú biểu diễn. Âm nhạc truyền thống đã thấm vào Lệ Giang từ lúc nào không hay, tựa như cơm ăn nước uống hàng ngày. Bên cạnh sự yêu thích, việc Lệ Giang gắn bó với cây đàn Bầu cũng một phần được sự định hướng từ mẹ

- Đàn Bầu đã trở thành người bạn thân thiết của Lệ Giang. Chị có câu chuyện, kỷ niệm nào liên quan tới cây đàn Bầu?

Mình gắn bó với đàn Bầu đến giờ đã được 30 năm. Từ lúc mình còn bé xíu, đàn Bầu với mình đã trải qua rất nhiều kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm mình nhớ nhất đến giờ, kỷ niệm mà Lệ Giang không thể nào quên được là lúc mình bắt đầu biết tới cây đàn.

Người thầy cho mình tiếp cận với cây đàn Bầu và dạy mình những nốt nhạc đầu tiên không phải mẹ mình mà là một người chú họ. Chú cho mình một cây đàn rất thô sơ - cây đàn mộc. Trước đây, đàn không được cải tiến như giờ, thậm chí mẹ mình còn lấy ống bơ sữa bò để thay bầu đàn cho mình tập nhạc. Âm thanh của nó khác hẳn cây đàn điện bây giờ, tiếng đục hơn nhưng rất đặc trưng của cây đàn mộc. Cho đến bây giờ mình vẫn nhớ như in hình ảnh của cây đàn và tiếng đàn đặc biệt ấy và đó là kỷ niệm mình không bao giờ quên.


Nghệ sĩ Lệ Giang. Ảnh: NVCC​

 - Đàn Bầu đã trở thành “người bạn” của Lệ Giang, vậy chị có gặp khó khăn gì khi học và biểu diễn đàn Bầu?

Mình thấy mình rất may mắn, bởi từ khi tiếp cận với cây đàn đến nay quá trình học tập, biểu diễn của mình diễn ra rất suôn sẻ, thuận lợi. Lúc nhỏ thì được sự chỉ dạy tận tình của các thầy, cô giáo. Lớn lên lại được đi biểu diễn ở nhiều nơi, gặp gỡ nhiều khán giả và tiếp tục được truyền đam mê với cây đàn Bầu nói riêng cũng như âm nhạc truyền thống nói chung tới các em học sinh, tương lai nền âm nhạc nước nhà. Với mình, như thế đã là hạnh phúc.

- Gắn bó với đàn Bầu, Lệ Giang có thể chia sẻ cho độc giả những giải thưởng, thành tựu mà bạn đã đạt được với cây đàn? 

Gần đây nhất, trong năm 2017 mình vừa đạt giải vàng độc tấu trong Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Thanh Hóa do Bộ VHTTDL tổ chức. Trong đó, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi mình đang công tác cũng là đơn vị đứng đầu trong cuộc thi với nhiều giải thưởng và thành tích vượt trội.

- Lệ Giang đã cùng cây đàn Bầu biểu diễn tại nhiều quốc gia. Trong nhiều chuyến lưu diễn tại nước ngoài, đàn Bầu được khán giả quốc tế đón nhận như thế nào? 

Mình cũng có may mắn được mang tiếng đàn bay cao, bay xa tới với bạn bè quốc tế. Ở hơn 50 quốc gia mình đã lưu diễn, khán giả quốc tế đón nhận cây đàn Bầu một cách nồng nhiệt. Họ truyền cho mình thêm cảm hứng, thêm lòng yêu nghề. Bởi mỗi lần biểu diễn với sự cổ vũ rất nhiệt tình của khán giả, người nghệ sĩ cảm thấy rất thăng hoa trên sân khấu và thấy yêu nghề hơn, yêu đàn hơn.

Những lúc như vậy, mình thầm cảm ơn nền nghệ thuật truyền thống nước nhà và cây đàn Bầu đã mang lại cho mình những giây phút được tự hào mình là người Viêt Nam, được tự hào mình là người giới thiệu truyền thống văn hóa Việt nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng tới khán giả quốc tế.

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, mình hiểu hơn về đất nước, con người của bạn và điều quan trọng nhất là mình ý thức được trọng trách giới thiệu, quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam tới với bạn bè quốc tế.

- Hiện nay, có ý kiến cho rằng dòng nhạc dân tộc gần như bị lấn át bởi dòng nhạc thị trường. Là một giảng viên, đồng thời là một nghệ sĩ đàn bầu, xin Lệ Giang chia sẻ những cảm nhận của mình về vấn đề này? 

Khi nói đến câu chuyện hiện nay dòng nhạc dân tộc không được đón nhận như dòng nhạc thị trường, không phù hợp với thị hiếu của số đông, thực sự cá nhân Lệ Giang cũng không khỏi chạnh lòng. Sân chơi dành cho chúng mình quá hiếm. Ngay cả trong các chương trình truyền hình thực tế, gameshow những chương trình nghệ thuật truyền thống nói chung và kênh nhạc cụ dân tộc nói riêng còn quá ít ỏi, gần như không có, do đó để công chúng tiếp cận và phổ cập gần như quá thiếu. Vì vậy cũng không thể trách được các bạn trẻ thế hệ 9x, 10x… gần như không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống. Đó là câu hỏi lớn.

Lệ Giang cho rằng ngay cả trong giáo dục phổ thông cũng nên phổ cập âm nhạc truyền thống, phải có rất nhiều hình thức để lớp trẻ được tiếp cận, tìm hiểu tới âm nhạc, nhạc cụ truyền thống, bởi khi hiểu họ mới yêu và xa hơn là câu chuyện gìn giữ và phát triển nghệ thuật dân tộc Việt. Tất cả chúng ta phải bắt tay vào hành động chứ không chỉ những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp như chúng tôi.

(Nguồn: http://cinet.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.