You are here

Leif Ove Andsnes: Mỗi dự án cổ điển là một món quà

Tác giả: 
Hugo Shirley (Ngọc Anh dịch)

Trong quãng thời gian COVID ngự trị thế giới âm nhạc, nghệ sĩ piano Leif Ove Andsnes đã dành thời gian nghiền ngẫm dự án Mozart Momentum của mình với hãng Sony Classical và phát hiện ra những điều kỳ diệu.

Nghệ sĩ Leif Ove Andsnes. Nguồn: theatrechampselysees.fr

Berlin đầu tháng 11/2020. Mới chỉ vài ngày kể từ khi các phòng hòa nhạc và các nhà hát opera của thành phố buộc phải đóng cửa khi Đức – như hầu hết các quốc gia còn lại của châu Âu – tiến tới một đợt phong tỏa mới. Các dự án và kế hoạch lại một lần nữa bị xếp lại, ví dụ như chuyến lưu diễn vào mùa xuân năm 2020 của Leif Ove Andsnes, nghệ sĩ piano người Na Uy, người lên kế hoạch thu âm dự án Mozart Momentum đúng vào thời điểm đại dịch.

Khác với khi anh thực hiện ‘Hành trình Beethoven’ (2012-2015) khi kết hợp các hoạt động lưu diễn rộng rãi cùng các buổi thu âm. “Nói không hề phóng đại thì dự án Mozart Momentum là một ca sinh khó”, nghệ sĩ piano thừa nhận. Những khó khăn đó đã bắt đầu trước khi Covid làm thế giới đảo lộn. “Một năm rưỡi trước chúng tôi lẽ ra đã có chuyến lưu diễn đầu tiên và tôi bị viêm phổi. Tôi đã phải nhập viện chỉ vài ngày trước khi bay. Cứ như tôi là sự tiên tri về đại dịch vậy!”

Rồi một kế hoạch thay thế cho ba buổi hòa nhạc cộng với các buổi thu âm đã được ấp ủ. “Có vẻ như nó sẽ thực sự diễn ra,” Andsnes nói. “Rồi thì nước Đức phong tỏa, và lần đầu tiên tôi nghĩ, “Thế đấy – tất cả đã đi tong!” Tuy nhiên nghĩ một cách nhạy bén thì có thể cứu vãn được các buổi thu âm ngay cả khi chúng phải được tiến hành mà không có cơ hội để nghệ sĩ piano và dàn nhạc cải thiện lối diễn tấu trong phòng hòa nhạc từ trước. “Chúng tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ phải có những buổi tập thích hợp nếu chúng tôi tiến hành: chúng tôi đã có ba ngày rất tập trung ở Staatsoper và hai ngày ở phòng tập của Philharmonie”, Andsnes giải thích. “Và dĩ nhiên, một thách thức nữa là việc giãn cách,” anh nói thêm. “Ý tôi là, chúng tôi đang ngồi trên sân khấu như thể chúng tôi đang chơi một bản giao hưởng của Bruckner! Nhưng thật thú vị khi quen với chuyện ấy”.

‘Mozart Momentum’ bắt đầu bằng Concerto piano số 20 giọng Rê thứ, K466, tác phẩm mà có lẽ Andsnes hiểu rõ hơn hết. Đó chính là bản nhạc anh đã chơi ra mắt cùng một dàn nhạc ở tuổi 14 và thu âm vào năm 2007 cùng Dàn nhạc thính phòng Na Uy.

Với anh, K466 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Mozart và đặc biệt là một bước ngoặt ở thể loại concerto piano. “Những gì xảy ra trong ba năm đó của cuộc đời Mozart thật đáng ngạc nhiên. Vào năm trước 1785, ông đã viết sáu concerto piano, từ bản số 14 giọng Mi thứ để rồi trong vòng ba năm có tới 12 bản – đến bản giọng Đô trưởng quy mô lớn cuối năm 1786 mà hiện giờ chúng tôi không chơi”. Ngoài năm concerto, ‘Mozart Momentum 1785/1786’ giới thiệu Andsnes vừa với tư cách nghệ sĩ piano – độc tấu cũng như hòa tấu cùng các đồng nghiệp chơi nhạc thính phòng – vừa với tư cách nhạc trưởng.

Các concerto

Khi chúng tôi rời Philharmonie trên đường đến công viên Tiergarten mùa thu, tôi hỏi Andsnes xem lợi thế của việc lên chương trình theo cách này là gì. Đối với tôi, tôi mạo muội, đó là một cách đưa các bản concerto piano ra khỏi phạm vi trừu tượng của danh mục Köchel và giúp ta nghe chúng như tác phẩm của nhà soạn nhạc còn đang sống, đang thở – và đang biểu diễn. “Phải, anh nói đúng”, anh trả lời. “Sẽ dễ dàng hơn để hình dung cách ông tạo ra chúng và cách ông biểu diễn chúng, nhất là ở những chỗ cần được tô điểm ở bè piano – chủ yếu là ở các chương chậm, nhưng cũng ở đoạn serenade huyền diệu giữa chương cuối của Concerto số 22 giọng Mi thứ [K482], điều rất bất thường”.

Lối chơi của Andsnes trong buổi thu âm, đặc biệt là lối chơi lém lỉnh, vui tươi của anh trong chương cuối K467 vẫn văng vẳng bên tai tôi, được trợ giúp từ việc lựa chọn phiên bản cadenza linh hoạt của Dinu Lipatti – “Một thần tượng”, nghệ sĩ piano lưu ý một cách điềm tĩnh. Và khi chúng tôi trò chuyện, anh tiết lộ nỗ lực mình đã thực hiện để tìm ra cadenza mình thích. Trong K467, cùng với phiên bản cadenza của Lipatti ở chương kết còn có phiên bản cadenza của Géza Anda ở chương đầu. Với Concerto giọng Rê thứ, anh đã chọn những phiên bản cadenza nổi tiếng trong lịch sử – phiên bản của  Beethoven ở chương đầu và phiên bản của Hummel ở chương kết. Các concerto khác cũng có vẻ sắp tạo ra một số bất ngờ mang tính lịch sử. “Chúng tôi sẽ mang dự án này tới Vienna Musikverein vào một thời điểm nào đó và họ đề xuất gửi một số bản thảo cadenza viết tay từ thời Mozart mà họ sở hữu. Đó là các phiên bản khuyết danh, chẳng ai biết người đã sáng tác chúng nhưng tôi đã nhận được một số cadenza từ những năm 1790. Với Concerto số 24 giọng Đô thứ, tác phẩm sẽ dược thu âm trong buổi tới, tôi sẽ dùng một trong số chúng. Nó không đồ sộ nhưng rất thú vị”.

Dành cho chương kết K482, Andsnes lại một lần nữa chọn phiên bản cadenza của Anda nhưng ông không hài lòng với bất kỳ lựa chọn hiện có nào cho chương đầu. “Tôi gặp vấn đề khi tìm bản mình thích. Vài năm trước, tôi đã nói chuyện với nhà sản xuất John Fraser của chúng tôi – ông ấy cũng là nghệ sĩ piano - và ông bảo “Tôi sẽ thử.” Ông đã viết khúc cadenza đồ sộ này và chúng tôi đã chơi nó và tôi thực sự, thực sự thích nó. Nó đã trở thành khúc cadenza dành cho tôi chơi bản concerto đó.” Khi chúng tôi tán gẫu, việc Andsnes ngưỡng mộ khúc nhạc này nhiều đến mức nào trở nên rõ ràng – nó giống như một chú vịt con xấu xí, xét về mức độ nổi tiếng, khi so với bốn khúc cadenza khác mà anh đang biểu diễn.

Tôi hỏi anh nghĩ về nó như thế nào? “Một trong những lý do khiến nó có thể ít được chơi hơn là nó quá khó,” ông giải thích. “Xét về thách thức kỹ thuật ở piano, nó phải vượt trên hai bậc so với những phiên bản khác, đặc biệt khi anh muốn tạo ra sự vui tươi, nhún nhảy ở chương kết, nơi có những đoạn chơi quãng tám ở cả hai tay – viết như vậy thực sự là một đặc trưng kiểu Liszt. Đó là phiên bản dài nhất, lớn nhất. Và khúc minuet này, khúc serenade này ở chương cuối khiến nó đặc biệt dài. Đó là một khoảnh khắc đậm tính opera, bạn có thể tưởng tượng nó giống như một trong những màn đồng diễn nhỏ ở cạnh sân khấu trong Don Giovanni”.

Andsnes nghe được tính opera trong các concerto của Mozart và anh tiếp tục tiết lộ rằng chính các vở opera đã giúp khai mở cho anh về nhà soạn nhạc. “Khi là sinh viên và một nghệ sĩ piano mới ở giai đoạn đầu sự nghiệp, tôi đã dành nhiều thời gian để thưởng thức Mozart,” anh nói. “Haydn cho ta cảm giác vững chãi hơn; còn Beethoven thì dĩ nhiên là tuyệt vời cho những người trẻ tuổi, nơi bạn cảm nhận được tính cách mạng và sự phi lý.

“Nhưng có thời Mozart đã rất mơ hồ với tôi. Khi bạn còn trẻ, mọi người nói với bạn: “Đây là nhạc ‘Cổ điển’; đây là từ ‘thời kỳ Cổ điển’; nó có cấu trúc được gọi là hình thức sonata này; hãy cố gắng tránh pedal!” Nó có thể khiến ta cảm thấy như những hạn chế thay vì những khả năng. Đã có một khoảng thời gian dài khi tôi không chơi nó nhiều. Tôi thấy rõ ràng hơn nhiều khi chơi nhạc cuối thời Lãng mạn và thế kỷ 20 sau này. Rồi tôi nhớ có một sự hiển linh khi vừa nghe và xem các vở opera của Mozart vừa tự nhủ: đó là tất cả những gì thứ âm nhạc này nói về! Đó là nhà hát, đó là những con người, đó là cuộc trò chuyện”.

Một bước ngoặt

Andsnes gia nhập Sony Classical cách đây một thập niên khi bắt đầu mối quan hệ hợp tác đã chứng kiến những nhận định lại Beethoven và giờ đây là nhận định lại Mozart cùng với các album solo được tuyển chọn của Sibelius (17/11) và Chopin (18/11). Khi rời Sony, đã có một sự cộng tác lớn về Stravinsky với Marc-André Hamelin trên hãng đĩa Hyperion (2/18) và một chương trình Schumann sâu sắc với Matthias Goerne (7/19), cũng như các bản thu âm gần đây nhạc của Bent Sørensen ( 7/20) và Ketil Hvoslef.

Liên hoan nhạc thính phòng Rosendal 2020 đã vướng phải Covid và Andsnes chỉ có thể vớt vát được một buổi hòa nhạc truyền trực tuyến: một chương trình phi chính thống một cách thú vị khi hòa trộn Beethoven với một bản tứ tấu mới viết cho flute, saxophone, cello và piano của nghệ sĩ saxophone người Na Uy và nhà soạn nhạc Marius Neset (sinh năm 1985). “Tác phẩm đó thực sự khó chơi,” ông thừa nhận. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian trong mùa hè để tập luyện nhưng nó thực sự rất kích thích và tôi rất muốn có cơ hội thu âm nó vào một lúc nào đó!”

Tuy nhiên, trước đó không chỉ có nửa sau của dự án ‘Mozart Momentu’ để thu âm mà còn có một dự án solo đặc biệt thú vị: bản thu âm Poetic Tone Pictures 1889 của Dvořák. Andsnes giải thích: “Đó là một chùm tác phẩm piano độc tấu kéo dài một giờ gồm 13 khúc nhạc mà tôi nghĩ là rất hay bị bỏ quên và khiến tôi thấy rất phấn khích – và với tôi, thật không thể tin được là thứ âm nhạc này lại không được biết đến!” Vào thời điểm viết bài báo này, các buổi thu âm, được triển khai để lấp đầy khoảng trống do phong tỏa gây ra trong lịch trình của nghệ sĩ piano, đã được lên kế hoạch vào cuối mùa xuân.

Việc phong tỏa đã mang lại những cơ hội khác, hay ít nhất cũng đã như vậy một khi Andsnes vượt qua cú sốc ban đầu. “Tôi cảm thấy rất khó khăn trong thời gian đầu,” ông thừa nhận, “và chúng tôi cũng có ba đứa con đang học tại nhà. Tôi thấy mình hoàn toàn không có định hướng trong tháng đầu tiên. Tôi không thể nghĩ về âm nhạc và piano. Rồi sau một thời gian, từng chút một, tôi bắt đầu tập các prelude của Chopin mà tôi chưa từng chơi.” Vẫn còn là những ngày đầu với Chopin và vẫn chưa có kế hoạch biểu diễn hay thu âm chúng. Khi chúng tôi trò chuyện, Andsnes cũng chưa nghĩ đến bất kỳ một sự bổ sung vốn tiết mục nào vào cái mà ông có thể áp dụng cách trị liệu ‘dự án’ tập trung mà mình đã dành cho Mozart và Beethoven. Anh những muốn chơi lại Brahms, Rachmaninov và có lẽ cả Symphonie concertant của Szymanowski nữa, ông bảo tôi. Nhưng anh không nghĩ tới việc vừa chơi vừa chỉ huy vốn tiết mục muộn hơn Beethoven. “Tôi sẽ không chơi các concerto của Brahms mà không có nhạc trưởng”, anh vừa nói vừa mỉm cười – một tuyên bố có thể hoặc không ngụ ý chỉ trích nhẹ nhàng những đồng nghiệp đã làm như vậy.

Coda

Trên đường quay trở lại Philharmonie, Andsnes phản ánh một số điều đã thay đổi trong năm qua. “Chúng tôi đang biên tập phần nhạc thính phòng của bản thu âm trực tuyến gần đây và tôi không rõ việc này có hiệu quả không,” anh lưu ý. “Với mọi bản thu âm trước đây của mình, tôi luôn bay đến London trong hai ngày như một phần của quá trình biên tập và bây giờ tôi nhận ra rằng việc đó hoàn toàn không cần thiết, tôi sẽ không bao giờ làm thế nữa. Và khi John đưa ra ý tưởng sản xuất nó từ London, tôi đã đồng ý, mặc dù tất nhiên sẽ rất vui nếu được gặp ông ấy!”

Anh kể rằng hôm trước có người đã hỏi cảm thấy thế nào về việc cần phải cách ly khi trở về nhà. “Tôi sẽ cách ly một trăm ngày để có thể thực hiện dự án này!” Anh nói luôn. “Tôi cảm thấy thật may mắn trong tuần này khi được ở trong một căn phòng như thế kia,” anh vừa nói thêm vừa chỉ về phía Philharmonie, “và nghe thấy những âm thanh như vậy. Tôi đã học được cách thực sự coi trọng việc ở trong không gian kiểu này – với một cây piano tốt và với những nghệ sĩ tuyệt vời xung quanh mình. Tôi chưa bao giờ nhận ra mình đã may mắn như thế nào. Giờ đây mỗi dự án đều là một món quà”.

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.