You are here

Lớp tập huấn Âm nhạc khu vực Nam Bộ 2020

Tác giả: 
Thanh Nhã

Lớp tập huấn chuyên môn âm nhạc khu vực Nam Bộ với chủ đề “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc”, diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng 11 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội phía Nam tổ chức, nhằm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và khả năng hoạt động sáng tác của đội ngũ nhạc sĩ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tới dự Lễ khai mạc có: Thượng tá Nguyễn Đức – Giám đốc Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam; Thượng tá Phạm Văn Xây – Chỉ huy trưởng cơ sở 2 Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; nhà thơ Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; NSƯT, nhạc sĩ Trần Vương Thạch – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành: PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm; NSND Tạ Minh Tâm – Phó Giám đốc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh; NSƯT, TS Nguyễn Thị Hải Phượng; nhạc sĩ Nguyễn Thế Long – Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Cần Thơ; các nhạc sĩ lão thành Phạm Minh Tuấn – nguyên Phó Tổng thư ký Hội; nhạc sĩ Tôn Thất Lập – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành; PGS.TS Thế Bảo; nhạc sĩ lão thành Trần Viết Bính; Kpa Y Lăng...

Lớp tập huấn âm nhạc khu vực Nam Bộ lần này có 80 nhạc sĩ, đến từ 19 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ: Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, và thành phố Hồ Chí Minh. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, là những cán bộ công tác trong nhiều lĩnh vực như quân đội, công an, hải quân, các nhà quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật, sư phạm, ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn thuộc các đoàn nghệ thuật, có những nhạc sĩ lão thành trên 80 tuổi.

Tại lớp tập huấn, các nhạc sĩ đã được các giảng viên là các GS, TS, các giảng viên âm nhạc, các nhạc sĩ có kinh nghiệm nghề nghiệp hướng dẫn và trao đổi về các chủ đề như: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với chuyên đề “Tư duy khí nhạc trong thể loại ca khúc”, làm sáng tỏ về nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc, hình thức âm nhạc, thủ pháp nhắc lại (tái hiện); mối quan hệ giữa âm nhạc có lời và âm nhạc không có lời; đề cập đến các thành tố chính là giai điệu và ca từ (nhạc và lời) để tạo thành một bài hát, tư duy về mặt âm nhạc và gia công làm cho âm nhạc trở thành độc đáo, mới lạ, gần gũi chứa đựng nhiều nội dung; giữ gìn được những motiv khi phát triển về sau trở thành cao trào – giai điệu hay, đẹp; tư duy khí nhạc, tính khí nhạc, tính giai điệu, lấy tiết tấu là chính và phát huy tiết tấu…; nhạc sĩ Đức Trịnh với “Trao đổi về phổ thơ trong sáng tác ca khúc”, phân tích ngôn ngữ thơ ứng với ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ hiện đại, vần điệu thơ, tiết tấu, đưa nhạc vào thơ và các ví dụ dẫn chứng từ chính tác phẩm của ông; nhạc sĩ Mai Kiên với “Áp dụng các phần mềm soạn nhạc vào công việc sáng tác ca khúc”, với các nội dung về vai trò quan trọng của công nghệ 4.0 trong sáng tác âm nhạc; ứng dụng internet, mạng không dây trong âm nhạc; trí tuệ nhân tạo; giới thiệu một số phần mềm viết nhạc, phần mềm nghe nhạc, chép nhạc, chỉnh sửa, trình bày, in sách…; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn với đề tài “Thực thi luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả âm nhạc, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội viên” bao gồm các nội dung Giới thiệu tóm tắt về Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; xử lý một số vấn đề về chuyển nhượng độc quyền tác phẩm; tình hình các tác phẩm âm nhạc của các tác giả Việt Nam đăng trên Youtube, Google, Facebook…

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những nhận xét, khẳng định:

“Ban Chấp hành quyết định mở lớp tập huấn lần này là chính xác, khoa học từ công việc tổ chức và đến nội dung. Sự tham gia đầy đủ, nhiệt tình của 80 nhạc sĩ của các tỉnh thành khu vực Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh là một thắng lợi, là thành tích chung của Hội, chứng tỏ rằng Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp và luôn hành động trên tinh thần đoàn kết, cùng hướng tới một sự hoàn thiện, tốt đẹp hơn trong tổ chức.

Lớp tập huấn âm nhạc đã được nghe những bài giảng của các nhạc sĩ - giảng viên về công nghệ 4.0 trong sáng tác âm nhạc, trao đổi về tính khí nhạc, tư duy khí nhạc trong sáng tác, những thông tin cập nhật thời sự, đồng thời là những tín hiệu rất vui mừng về sự lớn mạnh, sự vững chắc trong hệ thống bảo vệ bản quyền âm nhạc của khu vực châu Á và thế giới, cũng như của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.

Mục đích đề ra của lớp tập huấn cũng như các hoạt động tiếp theo trong lĩnh vực nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, về tư tưởng nhận thức về trách nhiệm của những người nghệ sĩ, nhạc sĩ trong thời đại mới, ngày càng đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ của chúng ta sẵn sàng tiếp nhận, nhận thức một cách sâu sắc, để mục đích cuối cùng là chuyển biến những nhận thức tư tưởng về chính trị về xã hội thành tiêu chí và cảm hứng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng, trong những bài hát, những bản hợp xướng, những vở diễn lớn như nhạc kịch, ca kịch, giao hưởng… và làm sao để trong tương lai đáp ứng được kỳ vọng của công chúng là có được những tác phẩm rung động lòng người, đặc biệt xuất sắc và sống được lâu bền trong đời sống, đi vào tâm thức của người dân như truyền thống của nền âm nhạc cách mạng chúng ta mà các thế hệ đi trước đã đạt được.

Lớp tập huấn này là lớp đầu tiên trong nhiệm kỳ X, với hình thức sinh hoạt nghiệp vụ và chúng ta còn tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhiều hình thức sinh hoạt chuyên môn, đặc biệt là trong nhiệm kỳ này rất nhiều nhiệm vụ được đề ra, nhiều dự án đặt hàng của Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban, ngành… vì vậy tại lớp tập huấn lần này, chúng ta đã cùng nhau ôn lại và làm mới kiến thức, trang bị thêm hành trang để tiếp tục một chặng đường sáng tạo mới, lâu dài và trường tồn; trao đổi sâu về những nội dung lớn, chúng ta cũng đã nghe và đồng thuận và thấy những đề tài đưa ra là hợp lý. Sự lựa chọn các đề tài cho một lớp học trong thời gian vài ngày là khoa học và phương pháp trình bày của các diễn giả cũng rất rõ ràng mạch lạc.

Cần lưu ý một vài điểm ở trong các bài giảng, ví dụ bài giảng của nhạc sĩ Đức Trịnh là kinh nghiệm phổ thơ với chính tác phẩm của mình là bài thơ của nhà thơ Lê Tự Minh “Nhà em ở lưng đồi”. Đối với các nhạc sĩ hầu như đã từng phổ thơ của các nhà thơ, nhưng có một điều lưu ý làm sao tạo được ngôn ngữ âm nhạc song hành với nội dung, hình thức, tiết tấu bài thơ, để tương xứng giữa thơ và nhạc. Có nhiều bài thơ được phổ nhạc đã được phổ biến, nhất là gửi dự các cuộc thi, khi chúng tôi nghe, đọc thì thấy vai trò của người nhạc sĩ chúng ta là đi sau và thường bị “lép vế” tức là tác giả bị tiết tấu, vần điệu của thơ kéo đi và vô tình tác giả làm mất đi tính chủ động của âm nhạc, đó là quãng, là giai điệu, tiết tấu, sự co giãn, lặp lại… bị mất đi. Phổ thơ là một dạng thức đòi hỏi người nhạc sĩ phải có bản lĩnh, dũng cảm, có sự đối thoại với nhà thơ, phải giữ được phong cách âm nhạc và xác định cái tôi của người nhạc sĩ.

Công nghệ thông tin, kỹ thuật số là một cuộc cách mạng lớn trong âm nhạc. Chúng ta không thể cưỡng lại được khi mà cây đàn organ Yamaha điện tử đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào những năm 60, từ đó cuộc cách mạng âm thanh đi như vũ bão, từ lĩnh vực cải tiến nhạc cụ đến lĩnh vực phương tiện thu thanh, sân khấu, phóng thanh và lan ra toàn cầu trên mạng internet bằng kỹ thuật số, bằng những cải tiến từng ngày từng giờ và các thiết bị âm thanh, nhưng phải nhớ rằng nguyên thủy của âm nhạc vẫn là giọng người và các nhạc cụ acoustic (tiếng đàn tự nhiên)…”.

Một số hình ảnh tại Lớp tập huấn:

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với chuyên đềTư duy khí nhạc trong thể loại ca khúc

Nhạc sĩ Đức Trịnh với chuyên đềTrao đổi về phổ thơ trong sáng tác ca khúc

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn với chuyên đề Thực thi luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả âm nhạc, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội viên

NSƯT, TS Nguyễn Thị Hải Phượng đóng góp ý kiến về Demo tác phẩm tham dự các cuộc thi

NSƯT Trần Vương Thạch phát biểu chia sẻ, cổ vũ các nhạc sĩ tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và nhạc sĩ Đức Trịnh trao Bằng chứng nhận cho các nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh

Trao Bằng chứng nhận cho Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam thành phố Cần Thơ

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.