You are here

Lớp tập huấn Âm nhạc Lạng Sơn 2019

Tác giả: 
Thanh Nhã

Lớp tập huấn chuyên môn Âm nhạc Lạng Sơn do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, nhằm trang bị cho các nhạc sĩ một số kỹ năng trong sáng tác, khai thác chất liệu âm nhạc dân gian, đồng thời là dịp để các nhạc sĩ giao lưu, trao đổi chuyên môn, cọ sát thực tế, cập nhật thông tin, đã diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 3 năm 2019 tại thành phố Lạng Sơn.

Các nhạc sĩ nhận bằng chứng nhận và chụp ảnh cùng Lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Đến dự có đồng chí Nông Phương Đông – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;  đồng chí La Ngọc Nhung – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn; nhạc sĩ Bế Kim Dung – Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Lạng Sơn, các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, các phóng viên và báo đài địa phương...

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội: NSND Trọng Đài; nhạc sĩ Vũ Duy Cương; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam…

Lớp tập huấn chuyên môn âm nhạc Lạng Sơn lần này, tham dự có gần 40 nhạc sĩ nhiều lứa tuổi từ các Chi hội nhạc sĩ Việt Nam thuộc 11 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang. Các học viên được nghe và trao đổi về các chủ đề như: “Thực thi Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả âm nhạc: Lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội viên” do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn trình bày; “Trao đổi về khai thác chất liệu âm nhạc dân gian miền núi trong sáng tác” do nhạc sĩ Phạm Tịnh trình bày; “Trao đổi về phổ thơ trong sáng tác ca khúc” do NSND Trọng Đài trình bày; “Áp dụng các phần mềm soạn nhạc vào công việc sáng tác ca khúc” do nhạc sĩ Đức Trịnh trình bày; Giới thiệu về Tổ chức, hoạt động của Hội, Tình hình Âm nhạc thời gian gần đây; phổ biến về việc sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/09/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về Hội quần chúng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam… Và các phát biểu, ý kiến trao đổi của GS, nhạc sĩ lão thành Chu Minh về chất lượng đào tạo, sáng tác và biểu diễn âm nhạc hiện nay ở các địa phương và Trung ương, đặc biệt là lớp trẻ hiện nay; phải có kế hoạch để bồi dưỡng và phát triển âm nhạc dân gian dân tộc để gìn giữ âm nhạc truyền thống.

Nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát biểu tại Lễ khai mạc:

“Trong những năm gần đây, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức những lớp tập huấn liên tục, ngoài việc trao đổi về chuyên môn sáng tác, chúng ta còn cập nhật được những thông tin mới, cập nhật về các lĩnh vực hoạt động âm nhạc như: Các phần mềm máy tính hỗ trợ cho viết nhạc; về bản quyền tác giả âm nhạc; quyền sở hữu trí tuệ… Lần này giảng viên là các Giáo sư, nhạc sĩ có kinh nghiệm sáng tác và có chuyên môn như: nhạc sĩ Phạm Tịnh – người có kinh nghiệm về khai thác chất liệu dân tộc dân gian vào những tác phẩm mới; nhạc sĩ, NSND Trọng Đài - vừa là nhà quản lý vừa là nhạc sĩ sáng tác, có trình độ bài bản chính qui; GS, nhạc sĩ Chu Minh là nhạc sĩ lão thành, năm nay đã gần 89 tuổi cũng nhiệt tình tham dự lớp tập huấn, gặp gỡ để “truyền lửa” cho anh em bằng những kinh nghiệm của mình. Ghi nhận sự tham gia nhiệt tình của các nhạc sĩ, đặc biệt có những nhạc sĩ tuổi đã cao và có các nhạc sĩ ở vùng sâu vùng xa đã tham dự lớp tập huấn mở đầu của Hội trong năm 2019, mong rằng các nhạc sĩ sẽ có những tác phẩm mới, đầy cảm xúc về Lạng Sơn…”.

Nghệ sĩ La Ngọc Nhung – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn đã giới thiệu sơ lược tình hình, đặc điểm nồi bật về vùng đất Xứ Lạng giàu truyền thống văn hóa lịch sử, về địa lý, danh thắng, di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống, ẩm thực đặc sắc, các dân tộc sinh sống trên địa bàn… để các nhạc sĩ hiểu thêm về quê hương Xứ Lạng. Đặc biệt về âm nhạc dân gian rất phong phú và đa dạng. Then và Hát Then là một loại hình âm nhạc dân gian rất phổ biến của dân tộc Tày, Nùng, một nghi lễ mang đậm chất tín ngưỡng, là nét sinh hoạt văn hoá cổ xưa với các hệ thống nghi lễ. Ngoài hát Then thì âm nhạc dân gian Lạng Sơn còn có hát Si, hát Lượn...

Nghệ sĩ La Ngọc Nhung - Chủ tịch Hội VHNT Lạng Sơn phát biểu

Nghệ sĩ nhấn mạnh, tỉnh Lạng Sơn rất vinh dự được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chọn là nơi đăng cai tổ chức đợt tập huấn chuyên môn cho các nhạc sĩ khu vực miền núi phía Bắc. Hy vọng qua đợt tập huấn này, các nhạc sĩ sẽ dành nhiều tình cảm, cảm xúc của mình cho quê hương Xứ Lạng, sẽ gửi lại những đứa con tinh thần bằng những tác phẩm âm nhạc cụ thể”.

GS. nhạc sĩ Chu Minh phát biểu

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn giảng bài

Nhạc sĩ Nguyễn Trung - Bắc Ninh phát biểu

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân giảng bài và trao đổi với các nhạc sĩ

Nhạc sĩ Phùng Chiến - Lào Cai phát biểu

Nhạc sĩ Đức Trịnh giảng bài

Nhạc sĩ Trịnh Tiến - Lạng Sơn phát biểu

Nhạc sĩ Trọng Đài giảng bài

Nhạc sĩ Trọng Tĩnh - Bắc Ninh phát biểu

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Phạm Tịnh

NSND Triệu Thủy Tiên và NSƯT Bích Hồng biểu diễn phụ họa cho bài giảng của nhạc sĩ Phạm Tịnh

Tại Lễ bế mạc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phát biểu:

“Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp chuyên nghiệp về âm nhạc, tổ chức các đợt tập huấn âm nhạc là một trong những sinh hoạt hàng năm đều đặn ở các vùng miền, và cũng là một trong những nét hoạt động của Hội trong cả nhiệm kỳ này và trước đây. Xin ghi nhận và cám ơn các nhạc sĩ từ 11 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã đến với Lạng Sơn để tham dự nghiêm túc nhiệt tình lớp tập huấn. Cảm ơn các giảng viên giáo sư, nhạc sĩ, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Lạng Sơn – nơi đã tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm và các thiết bị hỗ trợ rất tốt.

PGS., TS., nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu Tổng kết  Bế mạc tập huấn

Hội có nhiệm vụ mở rộng nâng cao trình độ của hội viên trong các lĩnh vực âm nhạc: sáng tác, lý luận, biểu diễn, đào tạo. Nhiệm vụ của Hội là rất lớn và lâu dài, trong đó có nhiệm vụ mở các lớp tập huấn âm nhạc. Đây là sự cố gắng rất lớn của Ban Chấp hành, một điểm sáng khi mà chúng ta liên tục tổ chức được các lớp tập huấn để giúp các nhạc sĩ cập nhật thông tin và nâng cao kiến thức. Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhạc sĩ, Hội sẽ tiếp tục tổ chức thêm các lớp tập huấn âm nhạc ở các vùng miền trong cả nước”.

Trong dịp này, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhạc sĩ đi tham quan, thâm nhập thực tế tại một số địa điểm như Cửa khẩu Đồn Biên phòng Tân Thanh, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của địa phương, để các nhạc có thêm tư liệu và cảm hứng sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm.

Một số hình ảnh của Lớp tập huấn:

PGS., TS., nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tại Lễ tiếp Đoàn tại Đồn Biên phòng Tân Thanh 

Thăm Đồn Biên phòng Tân Thanh

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.