You are here

Một kỷ niệm đẹp với GS-TS Trần Quang Hải

Tác giả: 
Mai Mỹ Duyên

Theo cáo phó từ gia đình, tang lễ Nhạc sĩ - GS-TS Trần Quang Hải sẽ được tổ chức vào hồi 19h30 (giờ Việt Nam) ngày 4.1.2022 theo hình thức hỏa táng tại Crematorium de Valenton, Cộng hòa Pháp. GS-TS Trần Quang Hải qua đời tại Cộng hòa Pháp vào rạng ngày 30.12.2021, do bệnh nặng. Vợ ông, ca sĩ Bạch Yến cùng con gái, con rể và chái ngoại đứng tên trong cáo phó gửi đi từ Pháp.

Nhân dịp này, có đăng bài viết của TS Mai Mỹ Duyên, một người bạn của GS-TS Trần Quang Hải trong hoạt động âm nhạc, thay cho nén nhang chia tay với một nghệ sĩ tài hoa, người kế tục xuất sắc sự nghiệp của cha mình: GS-TS Trần Văn Khê.

*  *  *

Những ngày cuối cùng của năm 2021, khi đang đọc bản thảo quyển sách Trần Văn Khê – đường đến dân tộc nhạc học, tôi nhận được tin buồn: GS.TS Trần Quang Hải tạ thế tại Pháp do bệnh nặng. Cảm giác như ai đang bóp trái tim tôi. Cảm giác này đã có và đau nhiều hơn khi tôi đến bệnh viện Gia Định thăm GS-TS Trần Văn Khê những ngày cuối đời.

Mặc dù tôi chỉ có ba lần gặp anh Trần Quang Hải, nhưng ấn tượng về một giáo sư uyên bác mà bình dị, thân thiện và tràn đầy nhiệt huyết vẫn khắc đậm trong ký ức của tôi. Nó trở thành kỷ niệm đẹp đẽ đồng hành cùng tôi trên hành trình hoạt động âm nhạc cho đến bây giờ.

GS Trần Văn Khê đang xem con trai Trần Quang Hải biểu diễn một bản nhạc với hai cái muỗng, một biệt tài của anh.

Nhớ nhất là chuyến đi dự Ngày hội Di sản thế giới tổ chức ở Hội An năm 2013. Hai anh em hào hứng khám phá Hội An trên những con phố nhỏ. Một bà bán hàng rong phát hiện ra anh khi chúng tôi sà xuống mua gói kẹo đậu phộng. Anh thoải mái và hào hứng trình diễn Đàn môi ngay trên đường phố cho bà thưởng thức.

Chơi xong hai bản dân ca Việt Nam, Trần Quang Hải lấy trong túi ra hai cái muỗng. Anh gõ từ chậm đến nhanh dần. Thoạt đầu nghe chỉ có một cái, sau hai cái, ba cái... và như hàng chục cái với âm thanh sôi động, tiết tấu biến hoá khôn lường. Mọi người kéo đến càng lúc càng đông. Anh kết thúc màn trình diễn trong bao ánh mắt lưu luyến và khâm phục. Cuộc họp với Ban tổ chức Ngày hội đã khiến anh không thể ở lại với khán giả hâm mộ lâu hơn.

Cũng trong lần đó anh say sưa chia sẻ với chúng tôi về những nghiên cứu thể nghiệm của anh trong việc sử dụng Đàn môi sẽ giúp người câm nói được. Nói là làm. Anh đặt cây đàn lên môi, dùng lực thổi kết hợp với điều khiển khẩu hình tương ứng với câu muốn nói. Tuy âm thanh phát ra như từ xa vọng về nhưng vẫn nghe được nội dung muốn nói. "Tôi muốn ăn cơm" . "Tôi từ Việt Nam tới". "Anh yêu em"...

Tôi nhớ rõ khi ấy đã không kìm được nước mắt vì vui sướng và cảm động. Thành công của anh nếu được phổ biến và ứng dụng sẽ mở ra cánh cửa hạnh phúc cho những số phận không may mắn.

Vậy mà giờ đây con người ưu tú và tài hoa đó đã ra đi để lại cuộc đời này những thành tựu và những hoài bão còn dang dở. Xin thắp nén hương lòng tiễn anh về cõi an lạc. Ở đó người cha kính thương Trần Văn Khê đang mở rộng vòng tay ấm áp đón đứa con tài hoa trở về bên ông. 

(Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.