You are here

Một thoáng Hồ Bắc

Tác giả: 
Nguyễn Lưu

Người ta đã nói về nhạc sĩ Hồ Bắc quá nhiều rồi, kể cả tôi, nhưng tôi vẫn thích cái cụm từ mà ban biên tập Hội Nhạc sĩ Việt Nam viết về ông khi nhắc đến bản hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” – bài hát đã làm rung động lòng người cho đến tận hôm nay (Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại -1997). Khoảng những năm 80-85 gì đó, khi còn công tác ở Tây nguyên và nhân dịp ra Hà Nội thăm nhà, gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường là bạn văn nghệ ngày sinh viên, tôi được nghe Nguyễn Cường tâm sự: “Ngoài này giờ oai nhất chỉ có 2 cụ Hoàng Vân và Hồ Bắc”. Giờ vẫn thấy đúng, hai cây đại thụ của làng nhạc Việt bên cạnh những “cổ thụ” đã chia xa. Hai cụ đều sinh năm Canh Ngọ, tôi Nhâm Ngọ được thơm lây và ngày 8/10 này là ngày sinh Hồ Bắc, lại càng nhớ về người nhạc sĩ tài ba ấy.

...Nhạc sĩ Hồ Bắc viết không nhiều và đa dạng như nhạc sĩ Hoàng Vân, nhưng ở ông, chữ TINH xem ra là khá đắc địa. Tôi không muốn làm cái việc so sánh, sẽ rất khập khiễng, song chỉ muốn nhắc lại để thêm yêu và thêm kính trọng một bậc trưởng thượng. Nếu ở thể loại hợp xướng đã có những tác phẩm hay như “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận), “Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ” (Tô Hải), “Tiếng hát giữa rừng Pác-Bó" (Nguyễn Tài Tuệ), "Sóng cửa Tùng” (Doãn Nho), “Thanh Hóa anh hùng” (Hoàng Đạm)…, thì lại có 2 tác phẩm vượt lên tất cả, đó là “Hồi tưởng” của Hoàng Vân và “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc. Đó là những tác phẩm bất tử, lại gắn liền với lịch sử đoàn ca nhạc VOV và ca sĩ Trần Khánh. Giai đoạn đầu của thời kì 9 năm, có một số ca khúc giàu chất lãng mạn của các nhạc sĩ khoác ba lô lên đường đi kháng chiến, họ ưa dùng nhịp 3 luân vũ mà nổi bật là bộ ba “Làng tôi” (Văn Cao), “Làng tôi” (Hồ Bắc) và “Quê em” (Nguyễn Đức Toàn) mà cứ theo suy nghĩ của tôi và nhiều bạn, bài hát của nhạc sĩ Hồ Bắc cũng lại vượt lên vì vẻ đẹp và sự sang trọng của tác phẩm.

Viết đến đây, tôi cũng lấy làm lạ, rằng tại sao người ta lãng quên hai bài hát rất dễ thương của Hồ Bắc trong thời chống Pháp, đó là “Dòng nước mát” và “Gặt nhanh tay”, từng rất phổ biến?

Vào thời kì chống Mỹ, có lẽ giai điệu và tiết tấu hào hùng của “Sài Gòn quật khởi” đã chinh phục những người khó tính nhất. Chẳng phải vô cớ mà bài hát đã được tốp nữ áo bà ba khăn rằn hát vang tại sân khấu của kinh đô ánh sáng bên lề cuộc hội nghị quan trọng bậc nhất có liên quan đến vận mệnh của đất nước, và nhà thơ Huy Cận đã viết một bài rất hay về sự kiện này. Trong chùm bài hát về cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân, “Sài Gòn quật khởi” xứng đáng lĩnh dấu ấn tiên phong và có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Còn nữa, không phải vô lý mà người dân Hải Phòng đã xem “Bến cảng quê hương tôi” của Hồ Bắc như một thứ “Hải Phòng ca” và lần nào cũng vậy, khi khán giả đến xem bóng đá trên sân vận động Lạch Tray tất sẽ được nghe thấy một bài hát vang lên đầy thôi thúc, cuốn hút, chính là “Bến cảng quê hương tôi”. Cũng thời kì này, hai bài hát “Trên đường Hà Nội” và “Giữ biển trời Xô Viết Nghệ An” của Hồ Bắc đều được yêu mến và có vị trí xứng đáng trong lòng người dân cả nước. Và đến ngày chiến thắng, Hồ Bắc cũng rất nhạy bén cho ra đời  ca khúc “Tổ quốc yêu thương”, một bài hát có giai điệu ngọt ngào dễ thương với giọng nam cao trong sáng của nghệ sĩ Kiều Hưng.

Tháng trước, một bạn học là cựu chiến binh từ Thanh Hóa ra Hà Nội đã gặp lại tôi và cả hai nhắc lại một thắc mắc, nếu có thể nói như thế. Đó là câu hỏi tại sao người ta yêu mến “Nơi đảo xa” của Thế Song mà lại quên đi “Gửi anh chiến sĩ thông tin trên đảo”- một bài hát có chất lượng cao khi ngợi ca những người chiến sĩ đang canh giữ nơi biển đảo xa xôi của Tổ quốc? Câu chuyện làm tôi nhớ lại lần Viện âm nhạc Việt Nam có tổ chức cuộc tọa đàm về âm nhạc của nhạc sĩ Hồ Bắc, tôi được mời phát biểu và sau khi nói về các tác phẩm khác của Hồ Bắc, tôi đã chuyển lời cám ơn của cố giáo sư Nguyễn Xiển tới nhạc sĩ Hồ Bắc vì theo cha tôi, nhạc sĩ Hồ Bắc là nhạc sĩ duy nhất đã sử dụng ngôn ngữ của ngành thiên văn-khí tượng trong tác phẩm (tầm nhìn xa qua đôi ống kính…). 

Năm trước, người bạn đồng niên thân thiết của Hồ Bắc là Hoàng Vân đã viết và gửi đến nhạc sĩ Hồ Bắc một chữ NHÀN. Hai ông đã cùng sóng đôi và cùng thanh thản sau chặng đường dài với những sáng tạo tuyệt vời của mình. Phải, hai nhạc sĩ gạo cội, tấm gương lớn của thế hệ thanh niên Hà Nội chúng tôi, hôm nay nhạc sĩ Hoàng Vân đã về cõi, nhạc sĩ Hồ Bắc cũng không được khỏe đã từ năm trước, nhân ngày sinh sắp tới của ông, tôi và những khán thính giả yêu mến tài năng âm nhạc này chỉ mong ông sẽ còn được chào đón thêm những niềm vui sinh nhật nữa cùng bạn bè, cháu con và với Tổ quốc Việt Nam mà ông rất đỗi yêu thương.

Tác giả bài viết tới thăm nhạc sĩ Hồ Bắc

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.