You are here

Mùa xuận - Ai lên xứ Lạng cùng anh…

Tác giả: 
Thanh Thảo

Ấy là vào mùa đông 1977, tôi đi Lạng Sơn chơi cùng nhà văn Nguyễn Đình Chính, nhà văn Thái Bá Lợi và nhà thơ Đoàn Huy Giao. Mục đích là đưa anh Giao -một người chưa từng ra Hà Nội, đi Lạng Sơn chơi cho biết. Dạo ấy Lạng Sơn còn yên bình. Chưa tới ga Lạng Sơn đã nghe trên tàu nam thanh nữ tú người dân tộc hát Sli, hát Lượn - mê luôn. Đoàn Huy Giao sướng quá, bảo chưa bao giờ được nghe hát như thế. Vừa xuống tàu, chúng tôi đã tìm ngay chợ Lạng Sơn, sà vào hàng vịt quay nổi tiếng, vừa ăn vịt quay uống rượu men lá rừng, vừa nghe hát. Sau đó lại quyết tìm trong chợ món nem nổi tiếng đã đi vào ca dao:

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn dò.

Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với chàng trai trong ca dao. Khi người ta trẻ, dễ ham vui lắm. Lại giữa không khí hội hè, hát hò, giữa chợ tơi bời nào vịt quay, nem nướng…bạn rượu luôn luôn có, thì  “lời em dặn dò”, nhớ đó lại quên đó.

Đúng là mải vui thật, nhưng chúng tôi vẫn nhớ, mua cho Nguyễn Đình Chính bộ bàn ghế mây “đặc sản Lạng Sơn” mang về Hà Nội, bày trong nhà. Đêm ấy, chúng tôi uống rượu ở một quán khá bình dân tranh tre vách đất. Chủ quán rất ân cần cho chúng tôi ngủ nhờ miễn phí luôn. Rượu say, nằm ổ rơm ấm, mấy anh em ngủ tít thò lò. Sáng ra, muốn đi bơi ở sông Kỳ Cùng, nhưng trời lạnh quá, nên thôi. Sông Kỳ Cùng mùa đông, những tảng đá lên hơi, những tảng đá như người già ngồi hút thuốc.

Quán rượu ấy, ông chủ quán vui tính ấy, vào năm 1979 đã bị quân Trung Quốc tràn qua Lạng Sơn đốt quán và giết hại người chủ quán.Tại sao chúng lại đốt quán và giết chủ quán thì chúng tôi không biết. Có thể, ông chủ quán không kịp chạy, hoặc cứ nghĩ mình chẳng hại ai, chỉ bán rượu, chắc không ai nỡ hại mình. Vậy mà...

Nhớ Lạng Sơn, lại nhớ đoạn văn bất tử của văn hào Nga Ilya Ehrenburg, đoạn văn khi dịch ra tiếng Việt-một bản dịch tuyệt vời của nhà văn - nhà báo Thép Mới, mang tên “Lòng yêu nước”. Hồi nhỏ, chúng tôi đã học thuộc lòng đoạn văn này. Lớn lên, rồi già đi, bộ nhớ có nhiều vấn đề, nhưng vẫn còn nhớ được đoạn mở đầu: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.”

Yêu Lạng Sơn, với tôi hồi năm 1977 ấy, là yêu con sông Kỳ Cùng đẹp như một bức tranh lụa. Dòng sông chảy ngược, nhưng tình yêu của những ai lần đầu nhìn thấy dòng sông này lại chảy xuôi.

Yêu Lạng Sơn, là yêu những màn hát đối đáp, hát đuổi, hát ghẹo của nam thanh nữ tú người dân tộc. Họ hát bằng tiếng dân tộc mình, chúng tôi không hiểu lời ca, nhưng cảm đến tận cùng vẻ đẹp của âm nhạc và của người hát. Giản dị, đôn hậu, hòa đồng, những “ca sĩ nhân dân” ấy đã khiến chúng tôi mê mẩn.

Yêu Lạng Sơn, là yêu món vịt quay đình đám nổi tiếng trong chợ Lạng Sơn. Mấy chục năm sau, tôi và nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lại có dịp ghé vào chợ Lạng Sơn uống…bia, nhưng không khí văn nghệ tuyệt vời như hồi mùa đông năm 1977 thì không còn nữa. Chợ Lạng Sơn lúc ấy chật nghẹt hàng Tàu, chị bạn cùng đoàn mua một chiếc kính mát “hàng hiệu”, giá chỉ bốn mươi nghìn đồng, mới đeo chưa tới năm phút thì hai mắt kính đều…lìa bỏ gọng kính, chị này cứ hớn hở đeo chiếc kính mát mất mắt kính, không còn… mát nữa, hoặc “mát” hơn nhờ… gió thổi vào mắt.

Yêu Lạng Sơn, là yêu món nem chua đã đi vào ca dao từ bao đời trước, chỉ tiếc là ở thời chúng tôi, người ta không còn bán rượu đựng trong quả bầu.

Yêu Lạng Sơn, là yêu những quả mận hậu Thất Khê, dòn và chua dôn dốt, ăn tới đâu thấm thía tới đó.

Yêu Lạng Sơn, là yêu món phở vịt quay Thất Khê, độc và lạ, không giống phở bò, không giống phở gà, vì là phở… vịt, lại là vịt quay. Hương vị phở này thật khác lạ, mà vẫn đầy hấp dẫn.

Yêu như thế có phải là “ban đầu” của tình yêu Tổ quốc không ạ?

Yêu Lạng Sơn, là yêu Pháo đài Đồng Đăng, tháng hai năm 1979, giống như “Pháo đài Brest” của Liên Xô thời chiến tranh chống phát xít Đức. Tất cả những người yêu nước tử thủ trong hai pháo đài này đều đã hy sinh, nhưng họ sống mãi trong lòng Tổ quốc họ, nhân dân họ.

Yêu Lạng Sơn, là yêu với niềm tự hào dân tộc mình, không quên ngày xưa Nguyễn Trãi đã tiễn cha bị đi đày, không biết ngày ấy cha con nhà thơ vĩ đại có uống với nhau ly rượu tiễn biệt đau buồn? Vẫn là thứ rượu dân gian men lá rừng ấy.

Yêu Lạng Sơn là yêu cả những gì trong cõi nhớ quên của một đời người... Và cuối cùng, yêu Lạng Sơn hôm nay, là yêu quý các thế hệ văn nghệ sĩ xứ Lạng, trong đó có các nhạc sĩ đương đại đang ngày đêm sáng tác về xứ Lạng với tất cả tình cảm nồng nàn, mạnh mẽ, mê đắm, trẻ trung… nhất là mỗi độ Tết đến, Xuân về, hoa đào, hoa ban nở trắng núi rừng xứ Lạng. Đó là các nhạc sĩ Vi Tơ với các ca khúc Mùa xuân mùa hoa đào, Bảy dòng suối hát, Hoàng hôn trên bản, Bên tượng đài tôi hát mãi tên anh, Một thoáng vùng cao…; Nhạc sĩ Đinh Quang Trung từ với: Về thăm Xứ Lạng, Thương nhớ Ngọn Nguồn, đến Nơi đó có em, Ngọn lửa đêm đông…; Nhạc sĩ Trịnh Tiến với các ca khúc: Cùng hát giai điệu núi rừng, Tiếng hát bên dòng Kỳ Cùng, Chúng con nhớ mãi ơn người, Lạng Sơn nhớ Bác Hồ, Vinh quang thế hệ trẻ Hồ Chí Minh…; Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tân đã xuất bản hai tập ca khúc: “Theo dòng thời gian” và “Sắc màu”; Nhạc sĩ Bùi Minh Tấn đã xuất bản tập ca khúc “Lạng Sơn quê hương tôi” gồm 12 ca khúc và CD “Ước mơ núi rừng” gồm 9 ca khúc thiếu nhi…

Vâng… một mùa xuân mới đã về… “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh/Ai lên xứ Lạng cùng anh”… Câu ca xưa cứ vang mãi lên, vang mãi lên cùng núi rừng quê hương xứ Lạng…

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.