You are here

“Mùa xuân đến rồi đó“

Tác giả: 
Nhạc sĩ Dân Huyền

Ra đời đã hơn 40 năm, nhưng đến nay, mỗi khi nghe lại “Mùa xuân đến rồi đó”, ta vẫn thấy bồi hồi, thú vị như lần đầu tiên được nghe.

"Em ơi mùa Xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời
Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời
Xuân ước vọng ngàn năm lại tới nghe lòng vui phơi phới
Kìa em nắng đã lên rồi mừng Xuân hát lên thôi…”

Với tiết tấu hơi nhanh và sắc thái tươi vui, sôi nổi “Mùa xuân đến rồi đó” đã diễn tả được tâm trạng náo nức, hân hoan của mỗi người sau khi đất nước ta đã được hòa bình thống nhất một vài năm. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng mở ra những trang mới của cuộc sống của hòa bình dựng xây. Cảm quan của tác giả cũng như mọi người là hướng tới một tương lai tươi sáng với những gì lạc quan nhất. Nghe kỹ giai điệu của bài hát, ta thấy mùa xuân như đang rậm rịch, bước đến với mỗi nhà, mỗi người trong bộ quần áo mới thật tươi trẻ. Một mùa xuân tràn đầy hứa hẹn đang đến ở khắp nơi.

Sau câu nhạc đầu tiên, ngay câu thứ hai, nhạc sĩ đã vút lên một quãng 8 (rề - rế trong điệu thức Rê trưởng), diễn tả một cảm xúc dâng trào, không thể ghìm nén (nghe không gian mênh mang trong lời ca yêu thương ...) giữa giai điệu và lời ca có sự hòa quyện, nhuần nhuyễn khó tách rời. Toàn bộ ca khúc có thể coi ở thể một đoạn, nhưng được tác giả phát triển khá thoải mái, phóng túng để đón bắt cảm xúc dào dạt, phong phú mà nếu gò vào khuôn mẫu của hình thức này một cách vuông vức sẽ bị hạn chế trong việc chuyển tải tâm trạng và nội dung cần biểu hiện. Có cảm giác như nhạc sĩ không mấy để ý đến hình thức kết cấu của ca khúc (mode) mà viết một cách tự do, không gò bó nhưng vì đã có một bề dày sáng tác đáng kể với nhiều bài hát giàu sức thuyết phục nên kinh nghiệm đã giúp ông tạo nên tác phẩm rất hoàn chỉnh, khó có thể chỉnh sửa.

“Nghe em mùa Xuân nói gì đó
Xúc động lòng ta trước cuộc đời
Qua bao nhiêu đau thương thấy mùa vui theo chim én đã bay về ríu rít ngang trời. 
Chim hót chào bàn tay dựng xây trên tầng cao có thấy
Mùa Xuân náo nức công trường đồng lúa mới dâng hương…”

Viết về mùa xuân, muốn thành công, đương nhiên người sáng tác phải thổi được một sức sống trẻ trung, mãnh liệt vào tác phẩm. Người nghe phải cảm nhận được một cái gì đó rạo rực như đang vận động của thiên nhiên, của con người. Một cảm giác vừa trừu tượng lại vừa cụ thể. Trừu tượng bởi không thể nói nên lời cảm giác đó. Nhưng lại cụ thể vì người ta cảm nhận rõ ràng, chứ không mơ hồ, mờ nhạt. Đó chính là thành công của  “Mùa xuân đến rồi đó”. Nó vừa náo nức, rộn rã, vui tươi, sôi nổi như đã nói, nhưng nếu nghe kỹ, ta vẫn thấy có chút bồi hồi, bâng khuâng, xao xuyến.

Đó chính là sự tinh tế của tâm hồn tác giả, và là cảm xúc, tâm trạng của những người ít nhiều đã từng trải, không dễ vô tư, bình lặng mỗi độ xuân về, bởi bao trăn trở, suy tư trước thềm năm mới. Không phải là một giọng hát đặc biệt, nhưng riêng bài này, nghệ sĩ ưu tú Thu Phương đã hát rất thành công. Tôi chưa thấy ai diễn tả vượt được chị. Đó chính là việc chị vừa thể hiện được tính chất trẻ trung, sôi nổi, lại vừa bộc lộ được chút suy tư, lắng đọng như đã nói. Kết hợp được 2 tính chất đối ngược này không dễ. Bởi nếu quá lệch về một bên, sẽ hạn chế hiệu quả của tác phẩm.

“Em ơi mùa Xuân mới gọi ta
Tiếng gọi tình yêu mới hiền hoà
Ôi Xuân tươi bao la đang giục ta đi mau tới những chân trời đất mới đón người.
Xây đắp ngàn mùa sau hạnh phúc trên đường ta đi tới
Này em hãy hát lên cùng mùa Xuân mới xinh tươi 
Em ơi mùa Xuân đến rồi đó giang rộng vòng tay đón cuộc đời ….”

Từ khi ra đời (1976), “Mùa xuân đến rồi đó” nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Nhưng sau đó, trong các chương trình mừng Đảng mừng Xuân được tổ chức hàng năm, chúng tôi thấy rất ít ca sĩ đưa bài hát này lên sân khấu. Đúng như nhạc sĩ Nguyễn Đình San đã nói rằng: Giới nghệ sĩ thanh nhạc họ cho biết bài này nghe thì thấy hay nhưng đưa lên sân khấu sẽ khó đạt hiệu quả mong muốn, do “không có đất diễn”. Có thể như vậy.

Quả thật là khó hình dung ca sĩ sẽ xử lý ngoại hình chuyển động cơ thể, lắc lư, vung vẫy người, chân tay ra sao khi hát bài này trên sân khấu. Và cũng khó huy động một dàn vũ công ra múa minh họa như nhiều tiết mục khác. Song, đó là một cách nghĩ, ít nhiều vẫn theo một lối mòn. Bản thân tác phẩm hay đã giàu sức thuyết phục nếu như nghệ sĩ hát diễn tả được hết giá trị, không cần thêm bất cứ yếu tố hỗ trợ nào. Tôi cũng thống nhất với nhạc sĩ Nguyễn Đình San rằng: Âm nhạc hay là để nghe chứ không phải để xem. Chừng nào còn phải trông cậy vào những yếu tố khác ngoài âm nhạc, chừng đó còn hiểu là bài hát chưa thực sự có thuyết phục tự thân.

Ra đời đã hơn 40 năm, nhưng đến nay, mỗi khi nghe lại “Mùa xuân đến rồi đó”, ta vẫn thấy bồi hồi, thú vị như lần đầu tiên được nghe. Cùng với Cô gái hội xuân (thơ Hữu Loan), Đêm trường sơn nhớ Bác (Thơ Trung Thu), Bài ca Trường sơn, Chiều biên giới, Trên biển trời đông bắc, Nhớ về Cúc Phương… Mùa xuân đến rồi đó đã làm rạng rỡ thêm tên tuổi của nhạc sĩ Trần Chung (1927 – 2002).  Ông không còn nữa, nhưng những ca khúc của ông vẫn sống mãi trong lòng thính giả Đài TNVN, nhất là khi tết đến xuân về./.

(Nguồn: http://vov.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.