You are here

Ngày âm nhạc việt nam lần thứ VIII (03/9/2017): “Tháng 9 - Nắng thu”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Tối 3 tháng 9 năm 2017, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ VIII với chủ đề “Tháng 9 – Nắng thu”, thiết thực kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước: 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 72 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, kỷ niệm 60 thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2017).


Các đại biểu chúc mừng

Đến dự có ông Phạm Xuân Đương - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; ông Vũ Mão – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia; nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam...

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ lão thành: GS Chu Minh, Tiến sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Văn Ký, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, cùng đông đảo khán giả Thủ đô.

Một chương trình nghệ thuật đặc biệt với các tác phẩm giao hưởng, hợp xướng và ca khúc, trích đoạn Opera, tuyển chọn những ca khúc đi cùng năm tháng và sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, chỉ huy Hợp xướng và dàn nhạc: NSND Phạm Ngọc Khôi; PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Chương trình nghệ thuật đã khái quát được chặng đường 60 năm đáng tự hào về thành quả của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với những tác phẩm có giá trị về nội dung nghệ thuật ở nhiều thể loại khác nhau. Nhiều ca khúc cách mạng đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng có sức sống vượt không gian và thời gian. Trong không gian của Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 khán giả cùng hòa mình vào những giai điệu bất tận, trào dâng cảm xúc đã được kết tinh từ những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng:


Người là niềm tin tất thắng


Đường chúng ta đi

Người là niềm tin tất thắng” - sáng tác: Chu Minh, biểu diễn: NSND Quang Thọ; “Đường chúng ta đi”, sáng tác: Huy Du, lời thơ: Xuân Sách, do NSND Quang Thọ - NSƯT Quang Huy – NSƯT Dương Minh Đức trình bày, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi. Chặng đường 60 năm của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam gắn liền với những bước đi lịch sử của dân tộc, đặc biệt là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta có một cuốn biên niên sử bằng âm nhạc. Trên chặng Đường chúng ta đi của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam vẫn còn âm vang nhịp bước hành quân của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, là thanh âm của “Tiếng hát át tiếng bom” thời chống Mỹ trên miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, là những đêm không ngủ tại các đô thị miền Nam trong phong trào“Hát cho đồng bào tôi nghe”. Đường chúng ta đi đã thắp lên tình yêu đất nước cho các thế hệ thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để cùng vang lên bản hòa âm miên viễn trong ngày toàn thắng, thống nhất đất nước, non sông một dải. Để có được những chiến thắng vang dội đó, các thế hệ chiến sĩ, đồng bào luôn mang trong mình một niềm tin son sắt, hướng tới hình ảnh giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng và vĩ đại của Bác Hồ kính yêu, một hiện thân và là biểu tượng của “niềm tin tất thắng”.


Mẹ yêu con

Mẹ yêu con - sáng tác: Nguyễn Văn Tý, phối khí và chỉ huy: Đỗ Hồng Quân, biểu diễn: ca sĩ  Đào Tố Loan - đã phác họa tình cảm mẫu tử thiêng liêng của những người mẹ dành cho các con. Nhịp điệu, lời ca như nhịp đưa nôi, nuôi dưỡng những người con khôn lớn trưởng thành. Khi đất nước cần, những người con ấy lại ra đi mang trong mình khát vọng hòa bình, có người trở về, có người không trở về ngủ yên trong vòng tay của đất mẹ. Hình ảnh người mẹ đã hóa thân thành đất nước, dang rộng vòng tay ôm ấp những người con, hòa mình trong khúc khải hoàn ca với niềm tự hào về truyền thống dân tộc.


Aria Cô Sao

Aria “Cô Sao” - sáng tác: Đỗ Nhuận, biểu diễn: ca sĩ Hương Diệp, chỉ huy: Đỗ Hồng Quân - gợi nhớ về hình ảnh mùa thu cách mạng trong lịch sử dân tộc và Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này lại cho chúng ta nhớ tới tinh thần chiến đấu hào hùng của các thế hệ cha ông và một trong những hình ảnh đó đã được khắc họa rõ nét trong vở nhạc kịch nổi tiếng “Cô sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đây cũng là vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam). “


Hướng về Hà Nội

Hướng về Hà Nội” - sáng tác: Hoàng Dương, NSND Ngô Hoàng Quân và NSND Trần Thị Mơ song tấu đàn violoncello cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi - Trong những năm tháng chiến tranh, Hà Nội vẫn luôn kiêu hãnh vững vàng vượt qua bom đạn. Có những bài ca viết về thời khắc này mang âm hưởng như bản hùng ca, lại có những bài mang tính chất trữ tình, trong đó là sự nhân ái và tinh thần chiến thắng của người Hà Nội đã “đối lại” với sự hủy diệt của bom đạn. Bài hát Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương được sáng tác năm 1954 luôn mang trong mình niềm tin về ngày Thủ đô được giải phóng. Ca khúc này đã được NSND Ngô Hoàng Quân chuyển soạn cho 2 đàn Violoncelli và Dàn nhạc giao hưởng)


Người Hà Nội

Người Hà Nội” ­- sáng tác: Nguyễn Đình Thi, biểu diễn: ca sĩ Đào Tố Loan, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi - Tác phẩm được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sáng tác vào năm 1947 hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Thủ đô Hà Nội, những chiến lũy được dựng lên ở nhiều đường phố và những đội quân cảm tử đã sẵn sàng quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Bằng những giai điệu, lời ca mang chất bi tráng, phác họa hình ảnh thủ đô ngập trong máu lửa, hừng hực khí thế quyết chiến và đẩy mạnh lên cao trào trong khúc nhạc chiến thắng.


Du kích sông Thao

Du kích sông Thao- sáng tác: Đỗ Nhuận, biểu diễn: Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, lĩnh xướng: ca sĩ Đào Tố Loan, chỉ huy: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết Trường ca Du kích sông Thao vào năm 1948. Đây là những mạch nguồn cảm xúc có sự đan xen, hòa trộn giữa hai yếu tố: trữ tình và hùng ca, nói lên tình yêu quê hương, đất nước, con người và khát vọng hòa bình)


Requiem Linh thiêng hồn dân tộc

Requiem “Linh thiêng hồn dân tộc”, âm nhạc: Đỗ Hồng Quân, thơ: Phạm Xuân Đương, biểu diễn: Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, lĩnh xướng: ca sĩ Thu Quỳnh - Hương Diệp, chỉ huy: Đỗ Hồng Quân. Trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam đã có nhiều bài hát về những tấm gương anh hùng liệt sĩ như: “Chiêu hồn tử sĩ” của Lưu Hữu Phước; “Viếng bạn” của Đỗ Nhuận, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của Nguyễn Đức Toàn, “Lời anh vọng mãi ngàn năm” của Vũ Thanh... Phần lớn đó là những ca khúc dành cho giọng đơn ca. Cứ mỗi năm kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 lại như nhắc nhở chúng ta về công lao của các anh hùng liệt sĩ. Đây là một đề tài trăn trở của giới văn nghệ sĩ. Vào tháng 7 năm 2012, nhân đọc được bài thơ của nhà thơ Phạm Xuân Đương về tấm gương các anh hùng liệt sĩ và sự kiện Bác Hồ đã chọn ngày 27/7/1947 là ngày Thương binh – Liệt sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã bắt tay vào viết một bản hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng trên lời thơ của Phạm Xuân Đương. Đây là bản trường ca gồm nhiều đoạn, từ trầm hùng, xúc động, tới hào sảng, bay bổng. Âm hưởng ngợi ca, tôn vinh những anh hùng liệt sĩ – những hồn thiêng sông núi mãi mãi được nhân dân thờ phụng, Tổ quốc ghi công.


Trở về đất mẹ

Trở về Đất Mẹ” - sáng tác: Nguyễn Văn Thương, biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi. Cuối tháng 4/1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được Bộ Văn hóa mà trực tiếp là Thứ trưởng Hà Huy Giáp cử làm tổng chỉ huy các đoàn nghệ thuật vào phục vụ miền Nam vừa giải phóng. Trên đường công tác, ông tranh thủ về thăm nhà ở Huế, gặp lại cha già nhưng mẹ thì đã mất cách đó không lâu. Bản nhạc Trở về đất mẹ cho độc tấu cello và piano ra đời trong hoàn cảnh ấy, với niềm vui không trọn vẹn bởi nỗi đau thương mất mát. Tác phẩm có giai điệu và âm hưởng đậm chất Việt Nam, da diết và sâu lắng.


Bài ca Người xây dựng

Bài ca xây dựng” - sáng tác: Hoàng Vân, phối khí: Đỗ Hồng Quân, biểu diễn: ca sĩ  Mạnh Dũng, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi. Nhắc tới Hoàng Vân là nhắc tới một nhạc sĩ tài hoa, ông có nhiều ca khúc nổi tiếng đã neo mãi trong tim của người yêu nhạc. Con đường âm nhạc của Hoàng Vân bắt đầu từ những nốt nhạc hừng hực tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, với “Điện Biên lừng lẫy năm châu”. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác rất nhiều ca khúc nổi tiếng cho công chúng trên các lĩnh vực, ngành nghề, các mặt trận và các địa phương. Có thể kể ra một số ca khúc tiêu biểu: Quảng Bình quê ta ơi!, Hát về cây lúa hôm nay, Tình yêu đất và nước, Bài ca xây dựng, Tôi là người thợ lò, Tình ca Tây Nguyên, Bài ca người giáo viên nhân dân, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Hai chị em và Chào anh Giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng... Bên cạnh đó còn có nhiều tác phẩm khí nhạc như: Fugue cho piano,  Rhapsodie cho violon, Concerto cho piano và dàn nhạc, Giao hưởng thơ số 1 Thành đồng Tổ quốc, âm nhạc cho vũ kịch Chị Sứ, Đại hợp xướng Điện Biên Phủ… Nhạc sĩ Hoàng Vân đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.


Chùm dân ca Việt Nam

Chùm Dân ca Việt Nam “Jut in Ri” (Dân ca Ê Đê) và “Trống Cơm” (Dân ca Quan họ Bắc Ninh), chuyển soạn cho Dàn nhạc và chỉ huy: nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân. Kho tàng dân ca dân nhạc của Việt Nam vô cùng phong phú với các làn điệu, tiết tấu của 54 dân tộc anh em. Nhiều nền dân ca trong số đó đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như: Ca Trù, Hát Xoan, Đờn ca tài tử, Hầu văn... Phần lớn các nền dân ca đều tồn tại ở dạng bài hát. Với mong muốn chuyển thành những bản nhạc không lời cho Dàn nhạc Giao hưởng, để có điều kiện đưa dân ca tới các vùng địa lý trên thế giới phục phụ lượng khán giả đông đảo ngày hôm nay, nên Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã có một chương trình dài hơi, đặt các nhạc sĩ chuyển soạn từ những bài dân ca nổi tiếng cho dàn nhạc giao hưởng diễn tấu. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa và cho hiệu quả nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn đối với khán giả, gắn kết giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc kinh điển thế giới. Jut in Rin: Dân ca gốc Ê Đê là bài hát của người mẹ đánh thức con dậy để đi làm nương rẫy. Bài hát tha thiết ở phần đầu, giục dã hối hả ở phần thứ hai, như tiếng chày giã gạo, đập lúa trên nương rẫy. Một không khí thanh bình, trong sáng trên cao nguyên. Trống Cơm: Dân ca quan họ Bắc Ninh, một giai điệu quen thuộc với nhiều thế hệ thính giả, nhưng đây là lần đầu tiên được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng, kết hơp với tiết tấu nhạc nhẹ, vui tươi, hài hước... như một bức tranh dân gian sinh động, lạc quan yêu đời)


Ca ngợi tổ quốc

Hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” - sáng tác: Hồ Bắc, biểu diễn: Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, lĩnh xướng: ca sĩ Đinh Như Tới, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi. Đất nước Việt Nam, nơi tụ khí hồn thiêng núi sông đã vượt qua bao bão giông, lửa đạn, luôn vươn lên tầm cao mới với sức mạnh diệu kỳ. Từ dải Trường Sơn hùng vĩ, tiếng sóng biển xanh dạt dào, những cánh đồng lúa chín, những bóng dừa quê hương và lời ru của mẹ thiết tha ân tình. Vùng đất địa linh nhân kiệt này đã sản sinh ra nhiều nhân tài, anh hùng hào kiệt. Trên mỗi chặng đường lịch sử đều có sự đóng góp, hy sinh của các thế hệ người con đất Việt, vẫn còn âm vang bản hùng ca đầy kiêu hãnh trong không gian mùa thu lịch sử và trong chiến đấu với khát vọng hòa bình..


NS Đức Trịnh phát biểu khai mạc

Khai mạc chương trình, nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát biểu:

“Ngày Âm nhạc Việt Nam năm nay càng có ý nghĩa hơn với những hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam: lựa chọn các tác phẩm âm nhạc đoạt giải cao trong các cuộc thi của Hội, các tác phẩm hay qua thực tế, bài ca đi cùng năm tháng, chủ đề về chiến tranh cách mạng, về Bác Hồ, về công cuộc đổi mới đất nước... tổ chức nhiều chương trình biểu diễn. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam làm cầu truyền hình về các nhạc sĩ được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, giới thiệu các Chi hội nhạc sĩ Việt Nam, giới thiệu chân dung và tác phẩm của các nhạc sĩ...”.

*
*     *

Năm 2017, hoạt động Ngày Âm nhạc Việt Nam diễn ra sôi nổi tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành phố như: Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam – chi nhánh phía Nam, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Văn hóa Quận I tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca kết đoàn”, tối 1/9 tại Nhà hát Bến Thành, gồm các ca khúc đặc sắc về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và các ca khúc ca ngợi sự vươn lên, đổi mới từng ngày của Thành phố mang tên Bác; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình Giao lưu Âm nhạc với chủ đề: “Âm nhạc kết nối triệu trái tim”, ngày 1/9, tại Trường Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam TP. Đà Nẵng với chương trình giao lưu nghệ thuật giới thiệu tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ, ngày 1/9 tại khu Đảo Xanh TP. Đà Nẵng; Chi hội Lâm Đồng phối hợp với Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu âm nhạc đêm hội hát mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam, tối 31/8,  tại Trường chính trị tỉnh Lâm Đồng; Chi hội Bình Dương với đêm giao lưu, gặp gỡ với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - một nhạc sĩ nổi tiếng của Bình Dương và các nhạc sĩ đến từ tỉnh bạn Tây Ninh, tối 2/9, tại Bình Dương; Chi hội Vĩnh Long với chương trình văn nghệ chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam, biểu diễn các ca khúc về Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước và lắng nghe câu chuyện đời, chuyện nghề của những nhạc sĩ tỉnh nhà, tối 1/9/2017, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long...

Xem thêm ảnh tại đây: http://www.hoinhacsi.vn/ngay-am-nhac-viet-nam-2017-tai-ha-noi

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.