You are here

Nghề phê bình âm nhạc: Thu lượm từ kinh nghiệm làm báo [1] (Phần 1)

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Phê bình âm nhạc là ngành lưỡng tính, hội tụ những yếu tố thuộc cả hai lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Vì thế có thể nói ngành này đòi hỏi sự kết hợp kỹ năng của vài nghề, trong đó có hai nghề liên quan trực tiếp hơn cả: làm báo và nghiên cứu âm nhạc.

Những trang viết này không phải bài giảng hay giáo trình cho môn phê bình âm nhạc. Tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ, những người thực sự quan tâm đến ngành này đôi điều suy ngẫm về những gì học được từ kinh nghiệm làm báo đã giúp tôi trưởng thành dần trong mấy thập niên “cày chữ”.

Cái nhìn của tôi về nghề báo không được nhất quán, có lên có xuống theo từng độ tuổi.

Lúc nhỏ, tôi khâm phục những phóng viên mang lỉnh kỉnh theo mình đủ thứ máy ảnh, máy chữ, máy quay, máy ghi âm…;  vô cùng ngưỡng mộ những nhà báo hoặc can trường xông xáo chốn xa xôi hiểm nguy, hoặc sẵn sàng tung ra những câu hỏi dí dỏm và đáng gờm trong các cuộc họp báo mà tôi vẫn thấy trên phim ảnh.

Trong con mắt trẻ thơ của tôi, họ là người hùng!

Lớn chút nữa, đến lúc bị tính nhút nhát chi phối mọi hành vi, tôi không còn mê mẩn cái nghề “nhiều chuyện” kia nữa. Nghề gì mà muốn được việc là cứ phải biết bám dai như đỉa, kể cả khi bị người ta chối từ xua đuổi quầy quậy.

Người hùng của tôi dần dần biến thành… kẻ mặt trơ mặt dày!

Không bao giờ tôi nghĩ đến một ngày nào đó mình đủ dũng khí xông pha như người hùng, hoặc đủ táo tợn lì lợm làm kẻ đeo bám.

Cho đến giờ, sau bao năm viết bài cho nhiều báo, phải điều hành website của Hội Nhạc sĩ, phải chịu trách nhiệm lên khung và biên tập nội dung toàn bộ phần nhạc mới trong tập san Nghiên cứu âm nhạc của Viện Âm nhạc, tôi vẫn không dám tự coi mình là nhà báo chuyên nghiệp. Dù có thẻ nhà báo, tôi vẫn chỉ là người làm báo tay trái.

Khoe khoang chút kinh nghiệm từ cái nghề tay trái này thì kể cũng hơi liều. Vì vậy, tôi chỉ có thể điểm lại dăm ba chiêu “học mót” từ nghề báo mà tôi đã tích cóp cho quá trình tự hoàn thiện mình trong lĩnh vực phê bình âm nhạc. Có những trải nghiệm tưởng như chuyện vặt vãnh cũng giúp tôi “già đời” hơn trong kỹ năng đọc và phỏng vấn, trong vận dụng hình thức, cấu trúc và biên tập bài viết.

Thu thập thông tin

Trước khi đặt bút viết, bạn cần khai thác thông tin từ các nguồn: văn bản và con người, bao gồm sách báo giấy và mạng, cũng như nhân vật chính (nếu có) và những người liên quan đến đối tượng hoặc sự việc.

Việc thu thập thường bắt đầu từ văn bản chữ viết gắn liền với kỹ năng đọc.

Văn hóa đọc thời nay đang lao dốc không phanh. Trẻ con thích truyện tranh hơn truyện chữ. Người lớn thích đọc báo hơn đọc sách. Dân tình quan tâm đến tin tức hơn kiến thức. Tin mới, tin nhanh, tin “hot”, tin nóng, tin “sốc”, tin giật gân…, có đủ mọi thứ tin cho những ai khoái xem tin, trong đó tin hay, tin đáng tin lọt thỏm giữa vô vàn tin rác, tin vịt, tin giả, tin rởm, tin đồn, tin tào lao, tin vỉa hè, tin chưa được kiểm chứng.

Song thời đại này cũng lại mở ra muôn vàn cánh cửa cho văn hóa đọc. Internet là kho tàng vô tận cho dân nghiền sách báo. Nhiều cuốn sách ngày xưa chỉ ước ao mà không đủ tiền mua hoặc không kiếm đâu ra, giờ có thể dễ dàng kiếm tìm và “câu” trên mạng về làm “của riêng”. Không mất nhiều thời gian để câu kéo cả đống tài liệu liên quan đến đề tài bạn đang quan tâm, bạn cần viết bài. Một thiệt thòi khủng khiếp nếu bạn hành nghề báo và nghề phê bình mà lại nói “không” với internet!

Sự đọc ở thời đại a-còng vừa dễ vừa khó. Vào tìm kiếm trong nhà giáo sư Biết Tuốt Google rất dễ sa đà, chìm nghỉm trong đó. Không ít lần tôi mụ mẫm hàng giờ, lan man theo các đường dẫn dây mơ rễ má, chẳng còn biết đường ra và quên luôn điều mình đang định tìm kiếm.

Nhớ hồi xưa sách hiếm truyện khan, vớ được cuốn nào là nghiền ngẫm cuốn đó, dù giấy đen thui có chỗ mất cả chữ cũng không chịu bỏ cách quãng đoạn nào. Những con mọt sách như tôi luôn coi thường lối đọc nhảy cóc và chẳng đời nào cho phép mình đọc kiểu hời hợt đó.

Vậy mà giờ đây tôi sắp tuyên truyền cho một cách đọc ngược lại với cách thức tôi được dạy dỗ từ nhỏ. Nếu mãi mãi đóng vai học sinh nghiêm túc thì không biết bao nhiêu lần tôi đã bị mắc kẹt giữa những bài viết chán ngán và không còn đâu thời gian dành cho vô vàn thứ đáng đọc. Đôi khi vì nhiệm vụ mà phải hạ quyết tâm tiêu thụ đến cùng những trang viết dở ẹc, rồi tôi vẫn phải liệng chúng vào xó, bữa sau hô khẩu hiệu mãi mới lại tiếp tục cố nhằn món ăn nhạt nhẽo đó. Khi lương tâm trò ngoan không cho phép bạn nhảy cóc sang bài viết khác, thì cái sự đọc nhùng nhằng vô bổ ấy chỉ làm trì trệ công việc của bạn mà thôi.

Từ khi làm báo tôi đã học cách đọc lướt nhanh để có cái nhìn bao quát, không dừng, không ghi chép. Đây là cách đọc thích hợp với người nghiền đọc nhưng thiếu thời gian trong thời buổi vô thiên lủng thứ để đọc. Lướt và lướt…, chỉ dừng lại khi bị níu kéo bởi điều đáng chú ý. Nếu đọc online thì đấy là lúc tạm phanh để copy bài viết hoặc link vào kho tư liệu trong máy của bạn.

Có những bài viết hoặc cuốn sách ngay từ những dòng đầu đã khiến bạn chú ý và tin tưởng. Lúc ấy chả cần ai ép buộc, tự bạn thích nghiền ngẫm các câu chữ và không muốn bỏ lỡ những gì chứa đựng trong đó. Thậm chí bạn còn đọc đi đọc lại lần nữa, rồi lần nữa...

Giá như ngành phê bình âm nhạc có được những bài viết “níu kéo” như thế…

Tôi từng bị níu kéo không ít lần, nhưng đáng buồn lại không phải là những bài báo về chuyên ngành của tôi. Sức cuốn hút có lẽ chỉ có được ở mảng phê bình văn học, ở những bài điểm sách, giới thiệu tác phẩm văn học… Níu giữ mạnh hơn cả, thú thực vẫn thuộc về những cuốn sách best-seller, những tiểu thuyết ngôn tình mê hoặc các bà nội trợ, mà tôi đích thị là một bà nội trợ chính hiệu! Đấy là những sản phẩm luôn bị giới hàn lâm chê bôi “quá tầm thường!”. Bạn tưởng rằng tôi không học được gì từ những thứ tầm thường đó ư? Câu chuyện lãng mạn có hậu thường đoán trước được và xem để giải trí rồi quên ngay chưa phải cái có thể giữ chân tôi lại. Cái níu kéo sự đọc ở đó là câu chuyện không mới nhưng được kể một cách hấp dẫn bất ngờ, là sự hóm hỉnh khéo léo trong ngôn từ, trong đối thoại hoặc tình tiết… Nhặt được trong cả tệp vài trăm trang chỉ một từ đắt, một câu là lạ, một cách diễn đạt có duyên, thế cũng lãi rồi.

Lướt net, lướt sách báo, thu gom những gì có liên quan đến điều cần viết rồi, giờ là lúc bạn phải xử lý mớ chữ nghĩa chiến lợi phẩm đó.

Tất nhiên sau khi đọc lướt tốc độ xe máy non-stop, bạn cần xuống xe cuốc bộ nhẩn nha để có thể dừng chân ở những điểm có gì đó hay ho hoặc ngược lại có gì đó không ổn. Những gì đáng nói, đáng khai thác, hay bất kỳ nhận xét nào chợt nảy ra trong đầu, xin bạn cứ chộp lấy, rồi từ những gì ghi lại, bạn có thể phác ra dàn ý bài viết và những câu hỏi phỏng vấn đối tượng liên quan.

Khai thác thông tin từ nhân vật hoặc đối tượng liên quan đương nhiên là cần đến kỹ năng phỏng vấn.

Vốn không cởi mở, không bạo dạn, tôi biết mình khó có cơ thành người giỏi giao tiếp và biết tận dụng triệt để mọi cuộc tiếp xúc. Chỉ vì không thắng nổi bản tính rụt rè mà tôi đã nhiều lần bỏ chạy trước cơ hội tiếp cận và trò chuyện với nhân vật nổi tiếng. Có lần tình cờ ngồi kế bên một Người-nổi-tiếng (rất nổi tiếng!), kẻ-nhút-nhát (quá nhút nhát!) là tôi đã không thể mở miệng bắt chuyện trước, để mãi mãi ân hận vì chỉ vài tháng sau người đó ra đi, đúng lúc tôi được phân công viết chân dung âm nhạc về ông ấy cho bộ sách Âm nhạc Việt Nam: tác giả tác phẩm[2].

Lần khác gặp một Người-nổi-tiếng là chỗ quen biết lâu năm, vừa nghe giao hẹn “chỉ tán phét lăng nhăng thôi, không công việc công viếc gì hết”, thế là kẻ-ngại-phiền vội cho qua luôn ý định phỏng vấn, và đã hứa thì phải giữ lời: nhất định không đem chuyện riêng ra làm quà cho thiên hạ, kể cả khi nhân vật nổi tiếng ấy không còn.

Đó, vì sao tôi tự thấy mình còn xa mới giống một nhà báo chuyên nghiệp.

Song, nhờ phải làm vài việc trùng với nghề báo, dần dần tôi cũng tự rút ra vài “ngón nghề” lẽ ra phải được trang bị trước khi hành nghề báo.

Vì hay lo xa, tôi thường lần mần với đống thông tin thu thập được về đối tượng của tôi để soạn trước cả đống câu hỏi phỏng vấn, rồi phân loại câu hỏi theo mức độ trọng tâm và ngoài lề, theo phương án tối đa và tối thiểu. Bạn có thể lên kế hoạch cho mục tiêu chính, nhưng cũng cần chuẩn bị cho cả kế hoạch dự phòng. Thoạt đầu định dựng toàn cảnh panorama hoặc chân dung toàn phần, mà kết quả đôi khi lại thu hẹp vào một góc nhìn, xoáy sâu vào một khía cạnh; và ngược lại.

Không hề chuẩn bị gì cho cuộc đàm thoại, bạn có thể ra về tay trắng. Cái tôi nghệ sĩ nhạc sĩ lớn lắm. Thật khó để các nghệ sĩ có thể trải lòng với người chưa từng nghe họ biểu diễn. Càng khó để các nhạc sĩ có thể cởi mở với một kẻ chưa hề nghe tác phẩm nào của họ, chẳng nhớ nổi tên đứa con tinh thần nào của họ, lại còn nhầm nhò tác phẩm người khác là của họ. Chắc chắn bạn gặp may hơn nếu tìm ra những câu hỏi khiến họ hào hứng thể hiện được cái tôi nghệ sĩ cái tôi tác giả trong họ.

Muốn đối tượng được phỏng vấn cảm thấy thoải mái tự nhiên, tôi thường để họ tự hẹn giờ gặp. Song nếu được chủ động chọn giờ, đương nhiên tôi ưu tiên sự thoải mái của chính mình và không dại gì chọn thời điểm mình dễ đuối nhất là chiều tối. Với tôi, hình như chẳng phải riêng tôi, vào lúc trời nhá nhem đó đồng hồ sinh học thường tụt xuống thấp nhất khiến con người ta dễ rơi vào trạng thái ù lì thụ động.

Nào, giờ thì ta ngồi xuống cùng đối tượng.

- Mấy ông nhà báo Tây khuyên nên ở bên trái đối tượng dễ tiếp cận hơn ở phía phải. Bạn có thấy thế không? - Tôi đã đặt câu hỏi trong một buổi nói chuyện về nghề phê bình âm nhạc tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.

- Tình cờ thế nào mà em luôn ngồi bên trái đối tượng đó - Cây bút nhiệt huyết Đan Vi, tức nhạc trưởng Hoàng Điệp hưởng ứng.

Như thế gần tim hơn chăng? Còn tôi thực tế ít quan tâm phải ngồi bên nào, nhưng nếu hoàn cảnh cho phép thì tôi thích ngồi đối diện để thấy được rõ hơn vẻ mặt của đối tượng khi trò chuyện.

Lựa chọn của tôi không hẳn hay ho cho mọi trường hợp, vì như nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, một người cũng quan tâm đến kỹ năng phỏng vấn, cho biết:

- Nghệ nhân ngại bị nhìn chằm chằm vào mặt lắm, mình ngồi đối diện có khi làm họ không hát không nói chuyện được đâu.

Lại thêm cái máy ghi âm nữa. Có cần lúc nào cũng lăm le chĩa micro vào miệng “nạn nhân” để đảm bảo độ chính xác không?

Tôi biết nhiều người thấy máy ghi âm (hoặc máy quay) dễ bị ức chế, nói năng dè dặt, cứng nhắc, có thể vì ngại trách nhiệm với những gì được ghi lại kiểu bút sa gà chết, hoặc đơn giản chỉ vì họ không quen diễn thuyết.

Ngược lại, một số ít khác quá quen thuyết trình, luôn có ý thức và chủ động với những gì mình nói, thấy được ghi âm họ càng hào hứng và nói càng hay hơn.

Ti tỉ lần làm việc với nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, tôi rất ưng những buổi ông kể chuyện không có máy ghi âm, tuy lủng củng, lan man nhưng sống động, tự nhiên và nhiều “pha” xúc động đến rớt nước mắt. Những hôm ghi âm (hoặc ghi hình) không được như thế, ông lúng túng và cố kiểm soát mình nên lời lẽ khô cứng, vẻ mặt ngay đơ, ngượng ngùng, thỉnh thoảng liếc vào máy một cách cảnh giác, rồi luôn miệng nài nỉ: thôi tắt máy đi, đoạn này nói ngoài lề.

Cũng ti tỉ lần làm việc với một đồng hương Tiền Giang của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là giáo sư Trần Văn Khê, tôi lại gặp cảnh tượng khác: cứ mở máy ghi âm là giáo sư như cá được thả vào nước. Ông sẵn sàng nhắc đi nhắc lại những gì cần nói trước máy ghi âm ghi hình, lần sau sinh động hơn lần trước, ánh mắt sáng lên, vẻ mặt tươi ra, giọng nói hùng hồn hơn và diễn thuyết hay hơn.

Dùng máy ghi âm chuyên dụng (hay ghi bằng điện thoại) lộ liễu là phải tùy người tùy lúc. Tôi không ghi âm nhiều cuộc chuyện trò thân tình, thậm chí còn không lôi giấy bút ra ghi chép để đối tượng không có cảm giác bị phỏng vấn. Ngay sau đó tôi vắt chân lên cổ tức tốc viết lại cuộc đối thoại, cố nhặt nhặn không để rơi rụng chi tiết nào. Được người bị phỏng vấn khen: “Tài thế, chả thấy ghi chép gì mà bài viết vẫn quá đầy đủ”, tôi càng ỷ vào trí nhớ của mình.

Song với bạn trẻ vừa bước vào nghề viết báo âm nhạc, tôi không khuyên thường xuyên lạm dụng trí nhớ như thế đâu, vì đến một ngày bộ nhớ quá tải, trí nhớ mệt mỏi sa sút, bạn lại tự trách mình đã nghe tôi xui dại.

Thêm nữa, sự đời đôi khi trớ trêu chả ai lường trước được, vì một cớ nào đó bất ngờ nảy sinh làm những điều bạn viết với cả tâm huyết và tấm lòng bỗng nhiên lại bị buộc tội bịa đặt. Những phút trò chuyện được ghi âm sẽ cứu bạn. Chỉ vì quá thiện chí muốn giải phóng đối tượng khỏi áp lực của cái công cụ nhỏ tí xíu kia, chỉ vì không lưu “tang chứng vật chứng” mà bạn có thể “tiêu đời” như chơi.

Ngược lại, tôi không ngại xui bạn những điều tưởng như nhỏ nhặt: đừng bỏ qua vài chi tiết có thể làm tăng sức hấp dẫn cho bài viết, như hình thức, thái độ, cử chỉ của đối tượng, và cả không gian, khung cảnh xung quanh nữa.

Bình thường tôi không có thói quen để ý áo quần, trừ khi cách ăn mặc của đối tượng có gì quá khác thường, nhưng tôi lại nhớ những chi tiết vớ vẩn ngoài lề, nói theo khẩu ngữ tuổi teen là “chả liên quan”. Trong bài viết của tôi từng có cái cầu thang hẹp cứ hun hút dưới bước chân ở tuổi quá hiếm của nghệ sĩ Thái Thị Liên; từng có những bức tranh màu sắc “hồn nhiên như tính người” của nhạc sĩ Huy Du; cũng có màn tự biên tự diễn mắt nhắm nghiền, mặt bừng đỏ, tay vỗ mặt bàn, người lắc lư như lên đồng của nhạc sĩ Phó Đức Phương; có cả cái nồi cũ kỹ đựng vài nắm gạo trong bàn tay run rẩy vì quá bữa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam… Những chi tiết đó nói hộ tôi nhiều hơn những lời có cánh, và tôi thấy buồn khi chúng luôn bị biên tập viên báo chí thẳng tay cắt phéng đi.

Trở lại với danh sách câu hỏi mà tôi thường đánh số thứ tự trước khi phỏng vấn. Để có một cuộc trò chuyện thân tình, tin cậy, cởi mở, tôi chẳng dại gì mà “đánh phủ đầu” bằng những câu làm khó người đối thoại. Tôi cứ bị ám ảnh suốt vẻ mặt tự tin của một phóng viên trẻ, hau háu như diều hâu săn con mồi, áp đảo như luật sư dồn nhân chứng trả lời theo ý mình. Tôi không thích hình ảnh thiếu nhân hậu ấy. Hình như ngày càng nhiều nhà báo thích bẫy đối tượng vào những câu nói hớ. Tôi thà cố học làm một nhà báo biết xoay sở sao cho người ta không chỉ mở cửa nhà mà còn tự nguyện mở lòng mình.

Tuy nhiên, với cuộc phỏng vấn nhanh bất cứ lúc nào cũng có thể bị cúp ngang thì bạn chẳng cần để dành những câu hóc búa vào cuối buổi nữa. Áp lực thời gian buộc bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài danh sách ưu tiên theo mức độ quan trọng. Lúc này càng thấy việc chuẩn bị trước câu hỏi là cần thiết, để ta khỏi tiếc đã bỏ sót gì đó cần khai thác.

Trong mọi trường hợp, từ nội dung trả lời của người đối thoại có thể nảy ra những câu hỏi mới. Cứ linh hoạt thêm bớt chi tiết cho cuộc đối thoại thôi, chứ tội gì mà quá lệ thuộc vào đề cương do chính mình đặt ra.

Người đối thoại luôn thích những biểu hiện chứng tỏ họ đang được lắng nghe, được đồng cảm. Vài câu tóm tắt ngắn gọn những gì bạn vừa nghe cũng là một cách bày tỏ sự chú ý và cảm thông để đưa đẩy câu chuyện đi xa hơn sâu hơn. Có điều là các bác cao niên dễ lan man theo dòng hồi tưởng và lạc khỏi chủ đề chính. Vai trò dẫn dắt câu chuyện thuộc về người phỏng vấn, phải nhắc khéo thế nào để kéo họ trở lại mà không làm mất hứng đây? Không khó nếu là chỗ thân tình. Trong nhiều cuộc chuyện trò với giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam - những đối tượng chuyên đi lạc của tôi, tôi dám chắc họ không giận mỗi khi tôi chen ngang “lạc rồi cụ ơi, quay lại đi thôi!”.

Linh hoạt tìm mọi cách để khai thác thông tin là đặc điểm của cánh nhà báo. Một lời khuyên từ báo giới: “Nếu cửa trước bị khóa, thử cửa sau xem sao. Nếu cửa sau cũng bị khóa, hãy thử cửa sổ!”. Không tiếp cận được nhân vật nổi tiếng hay tổ chức đại diện của họ, thì phỏng vấn các hiệp hội họ tham gia, gọi điện cho những người liên quan như đồng nghiệp, bạn bè, đối tác, người thân của họ.

Song sự linh hoạt tận dụng mọi cơ hội khai thác tin của cánh nhà báo nhiều khi đã đẩy tôi vào tình huống khó chơi. Phải nói tôi gặp không ít vụ dở khóc dở cười, nhất là khi chính tôi bị lôi vào cuộc trong vai đối tượng bị phỏng vấn. Chỉ có điều, sau vài lần được xếp diện cửa sau (hay cửa sổ!), tôi rất ngại trả lời các cuộc phỏng vấn nhân tiện gặp mặt hoặc chủ định qua điện thoại của các phóng viên. Tôi không phản đối lối tác nghiệp “cửa sau”, nhưng quả thực cái cách vận dụng chiêu này của các phóng viên trẻ làm tôi mất lòng tin vào báo giới. Chính vì bị làm nạn nhân của các bạn ấy quá nhiều mà tôi buộc phải học cách nói “không” trước các đề nghị phỏng vấn.

Có lần từ chối trả lời vụ nói qua nói lại trên mặt báo giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, tôi liền bị một em nhà báo nhắc nhở: chị là nhà chuyên môn phải có trách nhiệm lên tiếng chứ. Theo tôi nhà chuyên môn không có trách nhiệm phán xét đúng sai trong mấy vụ “nằm ngoài âm nhạc” và chỉ liên quan đến văn hóa ứng xử. Còn nếu cần nói gì về âm nhạc, tôi sẽ tự viết, vì tôi rất sợ nhiều nhà báo có cách truyền đạt lõm bõm, thích đại ngôn, thậm chí ngoa ngôn. Ấy thế mà ngay hôm sau trên mặt báo vẫn có bài nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Cát Vận phát biểu thế này, nhưng bà Nguyễn Thị Minh Châu có ý kiến ngược lại(!).

(Còn nữa)

Xem tại đây: 

phần 2 https://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-thu-luom-tu-kinh-nghiem-lam-b...

phần 3 http://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-thu-luom-tu-kinh-nghiem-lam-ba...

phần 4 http://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-thu-luom-tu-kinh-nghiem-lam-ba...

 

[1] Lược trích bản thảo sách chưa xuất bản Phê bình âm nhạc - đạo và đời (2011-2022).

[2] Cuốn 3 trong bộ sách Âm nhạc Việt Nam, tác giả - tác phẩm. Viện Âm nhạc, 2007.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.