You are here

Nghề phê bình âm nhạc: Thu lượm từ kinh nghiệm làm báo (Phần 4)

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

(Tiếp theo)

Biên tập

Khi bắt đầu ti toe viết báo, tôi coi những chỗ bị biên tập chỉnh sửa là bài học nghề nghiệp. Có nhiều bài học bổ ích, nhưng cũng có những bài học cay đắng muốn quên mà đến giờ vẫn chưa quên…

Những bài báo đầu tiên của tôi đều bị cắt dã man: gần một nửa! Nhờ thế tôi hiểu rằng một bài báo không nhất thiết phải nói đầy đủ, nói hết những gì mình biết. Không muốn bị coi là kẻ khoe khoang kiến thức, là lẩm cẩm lan man thì tôi phải sửa ngay cái tính tham lam, động tới chủ đề gì cũng tuôn tất tần tật mọi thứ có liên quan. Thời ấy làm gì có internet để tra cứu trên Google nên tôi cứ tự vơ vào mình trách nhiệm tổng hợp mọi thông tin, kể cả các thứ râu ria xung quanh chủ đề bài viết. Thì ra điều quan trọng hơn đôi khi lại không phải bài viết cung cấp thông tin hoặc kiến thức đầy đủ đến đâu, mà là nó có thể gợi ra điều gì đáng suy ngẫm.

Có một bài bàn về tài năng bẩm sinh của Mozart bị chú giải là sưu tầm, cây bút mới vào nghề là tôi cố xoa dịu lòng tự ái: được đăng trên báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh là oai rồi, chớ coi “sưu tầm” như một sự xúc phạm. Song cũng từ đó tôi càng có ý thức hơn đến cái riêng trong giọng văn cách viết, sao cho đừng lần nữa mất công vật vã mãi mới xong mà thành quả vẫn bị xem như đồ sưu tập nhặt nhạnh của thiên hạ.

Càng viết càng được nếm trải nhiều hơn các pha biên tập tàn bạo. Có những ca phẫu thuật đến chính tôi không còn nhận ra bài của mình nữa. Lần đó được đặt viết về một nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển, tôi đã bỏ nhiều công trau chuốt từng câu chữ, vì viết về khí nhạc cho đối tượng ngoại đạo đã khó, về nghệ thuật biểu diễn nhạc không lời còn khó hơn. Kết quả điếng người: bài viết dày công thế chỉ còn lơ thơ vài dòng thông tin: anh ta con cái nhà ai, trước học ở đâu, đã đoạt giải gì, đang giữ chức gì… hết! Thà đừng để tên tôi gắn với bài chân dung chả ra chân dung, tựa như bị lóc hết thịt chỉ còn cái khung xương vẹo vọ, không, cũng chẳng đủ nguyên bộ xương, có lẽ chỉ còn cái đầu lâu xương chéo mà thôi.

Từ đó tôi luôn hỏi thẳng người đặt hàng: cần bài phê bình hay đưa tin, nếu đưa tin thì tôi xin từ chối vì còn xa tôi mới sánh được với phóng viên báo chí.

Một lần khác, tôi được báo Phụ nữ TP Hồ chí Minh đặt viết về tình trạng “ăn xổi” của các nhạc sĩ trẻ. Vì đối tượng đọc là phụ nữ nên tôi muốn sử dụng những hình ảnh gần với chị em, đại khái: lối viết ào ào như gà sòn sòn đẻ trứng và luôn chạy theo thị hiếu thời trang khiến tôi liên tưởng đến phái yếu.

Xem chừng từ “phái yếu” có vẻ xúc phạm chị em nên người biên tập đã sửa thành “phụ nữ”. Chưa xong, sự liên tưởng ở đây rõ ràng không có ý ngợi ca, thế nên người ta lại cẩn thận nhét thêm cụm từ “một bộ phận” cho nó minh bạch. Kết quả hình ảnh so sánh giữa đối tượng được viết với đối tượng đọc đã được biên tập thế này: sáng tác của một số nhạc sĩ trẻ khiến tôi liên tưởng đến một bộ phận của phụ nữ.

Ôi trời! Lúc ấy mà bề trên ban cho một điều ước hẳn tôi sẽ cầu xin đừng để bất kỳ người quen nào của tôi vớ được bài báo kia. Cứ nghĩ họ đọc rồi là tôi muốn độn thổ.

Sau vụ bị biên tập kiểu hại chết người đó tôi không đủ can đảm gửi bài cho tờ báo trên nữa và suốt một thời gian dài cứ luôn săm soi xem biên tập các báo đã làm gì với bài của mình. Tôi trở nên khó tính và có lẽ đã trở thành kẻ đáng ghét trong mắt biên tập viên các báo. Bị sửa câu nào, bất kể dấu chấm phẩy nào tôi cũng phát hiện ra và hết sức bực bội khi câu cú bị sai nghĩa, sợ nhất là các thuật ngữ âm nhạc cũng bị méo mó một cách kỳ cục.

Đa số biên tập mục âm nhạc ở các báo rất lơ mơ về thuật ngữ âm nhạc, nhưng vẫn không ngại chìa con dao biên tập ra hành sự. Có lẽ không sửa từ này, chỉnh từ nọ, bớt câu này, thêm câu kia thì lương tâm cắn rứt những người ăn lương biên tập. Những lỗi biên tập không thể “tâm phục khẩu phục” nhiều quá đâm nhàm. Bực lắm chỉ khổ mình. Cuối cùng tôi cũng ngộ ra là nếu bất lực trước sự bất hợp tác đó, nếu dị ứng với lối cộng tác đó, thì ta đi chỗ khác chơi cho yên lành, thế thôi. Đó, vì sao lựa chọn ưu tiên của tôi là các báo chuyên ngành, vì sao tôi luôn chấp nhận nhuận bút nhỏ nhoi của những nơi có số lượng người đọc thua xa các báo có tiếng.

Muốn giảm bớt sự cắt xén của lưỡi dao biên tập thì chỉ còn cách tự cắt mình trước (có một cách gọi đùa giữa chúng tôi với nhau để diễn tả mức độ đau xót của hành động này: tự th…iến!) Trước hết tôi học tự xén mình, tập loại bỏ không thương tiếc những ý những câu những từ mà thiếu chúng không ảnh hưởng đến chất lượng nội dung.

Từ khi “gia nhập” đội ngũ biên tập, tôi bắt đầu học xén của người khác, tất nhiên từ tốn hơn, cẩn trọng hơn, bởi tôi không quên cảm giác của người bị xén. Cắt xén chỉnh sửa sao cho tác giả chấp nhận chẳng dễ chút nào. Để phù hợp với mặt bằng cho phép, bạn phải bớt những chi tiết rườm rà và ít quan trọng, nhưng chưa chắc đó đã là rườm rà và ít quan trọng đối với tác giả.

Nhà văn Vũ Bằng đã nói hộ cảm giác của nhiều tác giả: “Tòa soạn bỏ đi một đoạn hay sửa một chữ - một chữ thôi - mình cảm thấy là làm hại văn mình, giết mình, phá hoại mình”[1].

Dù không thể không tước những thứ “ngoài âm nhạc”, nhưng tôi vẫn nhớ mãi câu than thở của tác giả một bài viết 10 trang bị tôi biên tập còn… 5 trang(!): “Chị cứ nhè mấy chỗ hay nhất của em mà cắt. Chị bứt tay bứt chân dứt tóc tai đứa con tinh thần của em… Bao giờ bài đăng, em phải lẩm nhẩm đọc bổ sung những chỗ chị cắt cho đỡ tiếc”.

Trước một tác giả kiên cường không chịu khuất phục, bạn chẳng thể làm được gì ngoài hai lựa chọn: hoặc đăng nguyên hoặc không đăng. Thú thật, để bảo vệ một số bài viết của mình, tôi cũng từng là một tác giả ương bướng, cực đoan, khó chịu.

Với một số tác giả - những người luôn ý thức về cách sử dụng câu chữ, khi thay một từ, cắt một câu, đảo một đoạn của họ, tôi phải hỏi đi hỏi lại qua điện thoại hoặc email, và chốt lại bằng việc gửi bản đã biên tập cho họ duyệt. Sau vài lần cộng tác, có những tác giả tin tưởng khả năng biên tập của tôi đến mức cho tôi toàn quyền sửa đổi, cắt dán bố cục thế nào cũng được, vì họ biết chắc rằng nội dung của họ luôn được bảo toàn.

Tôi từng liều mạng đảo tung bài viết của giáo sư Trần Văn Khê, thay cái nhan đề kiểu tài liệu báo cáo bằng một câu hát ca trù Đàn ai một tiếng dương tranh. Rồi sợ tác giả không nhận ra bài viết “từng thuộc về ông”, tôi gửi lại cho ông đọc với cảm giác lo lắng hệt như đang chờ phán xét chất lượng bài viết của chính tôi. May thay, ông chẳng những không giận, mà sau vụ đó, ông còn sẵn lòng giao phó cho tôi cả những bài viết còn ở dạng bản nháp, và với tinh thần một học trò chăm chỉ giải bài tập khó, tôi đã cố xoay vần sao cho cuối cùng tác giả thấy hài lòng, còn người biên tập thì thở phào nhẹ nhõm.

Nghề báo dạy tôi rằng người biên tập phải biết đặt mình vào vị trí tác giả và cả độc giả để hiểu tác giả thực sự muốn nói gì và làm sao để giúp người đọc hiểu rõ hơn điều tác giả muốn nói. Hơn nữa, với vai trò độc giả đầu tiên, người biên tập có thể cho tác giả biết cảm nhận và phản ứng của độc giả tương lai để kịp thời điều chỉnh bài viết nếu cần.

Nghề báo còn luyện thêm cho tôi tính cẩn thận và tinh thần trách nhiệm với câu chữ, buộc kẻ tay ngang là tôi cố giữ cho mình một cái đầu biên tập tỉnh táo, nghiêm ngặt, nhưng không quá lạnh lùng. Từ thực tế làm báo, tôi tự rút ra cho mình những nguyên tắc tỉ mẩn gần với thợ thủ công, về sau được biết những kinh nghiệm vụn vặt đó hóa ra lại trùng với quy định trong nghề báo mà tôi đã không có may mắn được thu hoạch qua trường lớp. Chẳng hạn như:

- Tránh lỗi vi tính (typo), tuân thủ những quy định tưởng như nhỏ nhặt: không có khoảng cách trước tất cả các dấu (chấm, phẩy, chấm than, chấm hỏi, chấm phẩy, hai chấm, ba chấm, đóng ngoặc đơn, đóng ngoặc kép…); chỉ riêng sau mở ngoặc đơn và mở ngoặc kép là không có khoảng cách, còn lại sau tất cả các dấu đều có một (chứ không hơn một) dấu cách. Về con số cũng có những quy định không phải ai cũng để tâm: từ một đến chín dùng chữ cái, nhưng từ 10 trở lên lại dùng chữ số.

- Gặp từ đáng nghi ngờ về chính tả (hoặc ngữ nghĩa) thì cầu cứu ngay Google hoặc từ điển Việt - Việt.

- Chú ý xuống dòng, số câu trong một đoạn (paragraph) không nhiều và mỗi đoạn văn chỉ mang một ý.

Ít người để ý đến các quy định gõ vi tính, kể cả các tác giả thường xuyên viết báo nên rất khổ cho “dân” biên tập. Chắc tôi mắc “bệnh nghề nghiệp” nên luôn khó chịu với các lỗi vi tính và thấy thiện cảm hơn với những văn bản sạch sẽ. Dù chỉ là hình thức, nhưng theo tôi trình bày chuẩn cũng là một biểu hiện thái độ tôn trọng người đọc. Chỉ tiếc nguyên tắc trình bày ít được coi trọng. Có lẽ vì gõ vi tính là lỗi dễ bỏ qua nhất nên mới có chuyện biến sai sót nội dung thành sơ suất của hình thức trình bày. Ý tôi muốn nhắc tới mấy vụ quan chức “lỡ lời” mà vẫn cố chạy tội bằng cách đổ tại đánh máy sai, làm cho “người đánh máy” bỗng dưng trở thành cụm từ “hot” trên mạng xã hội.

Về chính tả, dù bạn có thuộc cỡ siêu cũng rất khó tránh khỏi bị bắt lỗi bởi tình trạng bất nhất các nguyên tắc trong tiếng Việt hiện nay, kể từ việc nhỏ nhặt như quy định viết hoa danh từ riêng. Ca trù và Hát ru, hoặc hát Ru và ca Trù, hoặc Ca Trù và Hát Ru - nếu chọn một trong ba, thì hai cách còn lại là sai? Tôi không ưa lạm dụng viết hoa, nhìn cái danh xưng Nhà Lý Luận Phê Bình Âm Nhạc mà… hoa mắt. Trong sách của riêng tôi, tôi chọn cách thứ tư cho trường hợp tương tự là không viết hoa chữ nào cả.

- Mẹ toàn viết sai chính tả thôi, nhìn khó chịu lắm! - Con tôi lúc còn học phổ thông hay phàn nàn khi đọc sách của mẹ.

Chả cứ mẹ mà hầu hết người lớn thường xuyên viết: “thế kỷ, tỷ lệ, thẩm mỹ, lý lẽ…”, trong khi chương trình cải cách phổ thông của con lại quy định viết “i ngắn”. Trường dạy một đằng, các phương tiện truyền thông viết một nẻo. Con phát hiện trên chương trình truyền hình, báo chí và các bảng hiệu ngoài đường đầy lỗi chính tả. Ngay trong trường học cũng loạn, ở tiểu học con lỡ viết “kỹ thuật” cô bắt lỗi, lên trung học con quen viết “kĩ thuật” như được dạy thì cô lại bảo sai. Các con chẳng biết đằng nào mà lần, dần dần các con không còn thấy coi trọng các nguyên tắc nữa.

Thà mang tiếng “mắc lỗi” với thế hệ trước còn hơn làm các thế hệ sau khó chịu. Từ khi nghe con nhắc, tôi chuyển sang viết “i” trong hàng loạt từ “kỉ niệm, thẩm mĩ, tỉ phú, chia li…” và yêu cầu người biên tập sách của tôi không sửa thành “y”. Song tôi chỉ có quyền với những cuốn sách của riêng tôi mà thôi. Còn khi biên tập sách của tác giả khác hoặc bài cho báo chí thì tôi vẫn phải tuân theo quy định của nơi xuất bản, nghĩa là cứ việc tiếp tục “sai chính tả”!

Đó là chuyện từ thập niên đầu thế kỷ. Giáo dục cải cách đã chịu thua báo chí truyền thông, nên sau cải tiến đành phải… cải lùi! Nay sách giáo khoa phổ thông lại trả chữ “y” về chỗ cũ. Nhân đà này truyền thông cho “y dài” lên ngôi, chiếm luôn vị trí của “i ngắn” trong các từ “nhạc sỹ, nghệ sỹ, tiến sỹ, văn sỹ, họa sỹ, bác sỹ, nha sỹ, y sỹ…”. Nếu vẫn viết theo cách được dạy ở trường học thời cải cách thì ra đời bị quy viết sai chính tả (đôi khi lỗi chính tả còn bị coi là biểu hiện ít học), nên bọn trẻ thế hệ con tôi phải tự điều chỉnh thôi. Và tôi lần nữa phải điều chỉnh theo con, những cuốn sách in sau này của tôi lại trở về lối viết cũ. Chạy theo các quy tắc chính tả chóng mặt thế đấy.

Lại còn “xu hướng” cố tình viết sai chính tả trên mạng xã hội nữa chứ. Từ khi Facebook nở rộ, ai cũng có quyền tự đăng tải tin và bài trên trang cá nhân, thế là nhà nhà làm báo, người người thành nhà báo. Giới trẻ và cả tuổi “sồn sồn” luôn bị cuốn theo những phong trào tự phát. Ai cũng dần dần nhập cuộc, cũng dăm ba bận thử theo “trend” cho… vui! Viết ngọng cho vui, viết sai chính tả cho vui. Nhìn những từ lỗi thấy ngồ ngộ mắc cười, rồi thành quen mắt, hết dị ứng khó chịu lúc nào không hay, đến lúc nhìn từ viết đúng lại thấy là lạ, đôi khi còn hoang mang, phân vân không biết thế nào là đúng là sai nữa.

Với riêng tôi, khó khăn hơn cả trong quá trình viết bài thường là những dòng đầu tiên, như người xưa vẫn phán: vạn sự khởi đầu nan và đầu xuôi đuôi lọt. Trăn trở nhất là lúc “xổ” ra hết mọi thứ - sự việc, ý kiến, nhận định, suy xét, rồi sắp xếp mớ lộn xộn đó theo dàn ý hợp lý. Cuối cùng, biên tập cho chính mình là công đoạn yêu thích nhất của tôi. Chỉnh sửa, gọt giũa, thêm bớt, đảo tung, thay đổi câu cú và từ ngữ…, giống như bạn đang chơi trò tung hứng với chữ nghĩa vậy. Có khi mất vài buổi mới tìm ra một từ đắt, mới chỉnh xong một câu một chữ. Khi cảm thấy đã có được phương án tối ưu rồi, bạn tha hồ khoái trá với đứa con tinh thần của mình, để có thể chỉ vài tuần vài tháng, thậm chí vài năm sau đọc lại, bạn vẫn muốn thay từ này sửa câu kia.

Thế đấy, biên tập là cái nghiệp bất tận!

*

Âm nhạc và báo chí có mối tương giao chặt chẽ. So với các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc thường chiếm nhiều chỗ hơn trên báo in, báo mạng, báo tiếng và báo hình. Gần như báo nào, nhất là báo mạng cũng có chuyên mục dành cho âm nhạc. Không quá nếu nói trong âm nhạc có tính báo chí, bởi âm nhạc nhiều khi vẫn được coi là một phương tiện tuyên truyền cổ động, nhất là trong thời chiến trước đây và trong đại dịch covid hiện nay.

Cũng không quá nếu nói báo chí luôn tham gia vào vai trò định hướng trong thưởng thức âm nhạc, tác động trực tiếp đến thẩm mỹ đại chúng. Ảnh hưởng của báo chí trong phê bình âm nhạc quá lớn, vì nhà báo - chứ không phải nhà lý luận âm nhạc - là thành phần chính viết bình luận âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này đương nhiên có thể dẫn đến những ngộ nhận không đáng có. Chẳng hạn: do cách quảng bá trên báo chí mà nhạc giải trí, đúng hơn là ca khúc giải trí (từng quen thuộc với các tên gọi nhạc nhẹ, nhạc trẻ, nhạc thị trường…) trở thành đại diện duy nhất của nhạc Việt. Thêm nữa, nhiều tên gọi sinh ra từ báo chí mà giới nhạc khó chấp nhận, nhưng chúng vẫn được sử dụng liên tục cho đến lúc nghiễm nhiên trở thành “thuật ngữ” chính thức trong bình luận âm nhạc. Chỉ riêng thể loại ca khúc đại chúng đã xuất hiện rất nhiều tên thể loại và dòng nhạc được sử dụng trong tình huống không chuẩn xác về thời gian và chưa hợp lý về ngữ nghĩa chuyên ngành âm nhạc, như nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, dòng nhạc nhẹ, dòng nhạc đương đại, dòng nhạc cách mạng, dòng nhạc hàn lâm, dòng nhạc dân gian, dòng nhạc bolero…

Sau nhiều năm viết báo và làm báo, tôi thấy trang bị kiến thức âm nhạc cho nhà báo lâu hơn, khó hơn là trang bị kỹ năng báo chí cho nhà lý luận âm nhạc. Trong khi chưa có được những kỹ năng làm báo từ trường học, thì chỉ còn cách tự học trong trường đời mà thôi. Đó là điều mà chúng ta - các nhà lý luận âm nhạc - cần phải làm và sẽ làm tốt một khi chính chúng ta thực sự muốn.

Lược trích bản thảo sách chưa xuất bản Phê bình âm nhạc - đạo và đời (2011-2022)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.