You are here

Nghề phê bình âm nhạc: Tích cóp từ chuyên ngành nghiên cứu (Phần 3)

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Phần 1: https://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-tich-cop-tu-chuyen-nganh-nghien-cuu-phan-1

Phần 2: https://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-tich-cop-tu-chuyen-nganh-nghien-cuu-phan-2

Chuẩn bị

(Tiếp theo)

Chế biến

Đến lúc nổi lửa trổ tài nấu nướng rồi đây! Nói cách khác, trên cái khung cốt lõi vừa dựng ở phần trên, giờ là lúc bồi đắp trát phết sao cho ra hình hài tác phẩm nghiên cứu phê bình của bạn.

Nếu điều băn khoăn thường trực của cây bút “ngoại đạo” là viết cái gì, thì cái mệt nhất cho nhà lý luận là viết thế nào. Viết cái gì phụ thuộc vào khâu đi chợ, viết thế nào còn do tài nấu nướng. Đây là cuộc hành trình tìm kiếm của mỗi người. Có lẽ cho đến giờ chưa ai thực sự luôn biết chắc phải viết thế nào để tạo hiệu quả vừa mở rộng tới đối tượng đọc ngoài ngành, lại vẫn đảm bảo chất lượng học thuật trong bình luận âm nhạc. Đọc bài phân tích âm nhạc theo kiểu giáo trình ngay đến độc giả chuyên ngành cũng còn thấy mệt đầu. Đáng tiếc nhiều bài chỉ lưu hành nội bộ, lay lứt ít lâu rồi chẳng còn được nhớ tới nữa. Nghiên cứu phê bình âm nhạc đến được với công chúng hay không còn tùy thuộc vào sức hấp dẫn của “nó”, và sự hấp dẫn đó lại tùy thuộc vào sức sáng tạo của nhà lý luận. Sáng tạo hay không, ít nhiều mức nào chính là ở công đoạn này đây.

Nói đến sáng tạo tức là bàn đến nghệ thuật viết lách, là cái riêng, cái tôi, cái duyên của người cầm bút. Trong cách biểu hiện ngôn từ khó mà nói ai có thể dạy ai, ai cần phải theo ai, vì mỗi người có tố chất riêng, thế mạnh riêng. Cũng như trong bếp thôi, với cùng một nguyên liệu có nhiều cách chế biến khác nhau, với cùng cách chế biến mỗi người lại cho ra thành phẩm khác nhau. Cái này bạn thích mà người khác không ưng, cáí kia người khác ưng nhưng tôi không thích.

Với riêng tôi, tính hài hước luôn chiếm vị trí đặc biệt. Đôi khi cười đấy, bông đùa đấy, nhưng ngẫm lâu hơn chút đi, sâu cay chua chát lắm đấy. Một giọng văn nhẹ nhàng hóm hỉnh không chỉ tăng thêm sức lôi cuốn người đọc, mà nó còn có thể giảm bớt gay gắt cho lời phê và như thế đối tượng bị phê cũng dễ tiếp nhận hơn.

Thực lòng tôi tin rằng tính hài hước đem hiệu quả hơn cách phê phán cao đạo. Tất nhiên bạn không thể dùng giọng đùa bỡn trong một bài chính luận. Song ngay cả trong những bài chính luận nhiều khi tôi vẫn không dấu được “bản năng” ưa thích sự dí dỏm. Điều này không phải ai cũng chấp nhận được, nhất là các nhà lý luận luôn coi lý luận phải gắn liền với lời lẽ cao siêu, hàn lâm, học thuật. Thế nên có lúc tôi nhận được đơn đặt hàng kèm theo chút răn đe: “Này, nghiêm túc đấy nhé, không được đùa cợt đâu!”.

Có lần hoàn toàn không có ý đùa cợt, tôi cố gói ghém nội dung khó đọc, khó tiếp nhận với những nhận xét mang tính học thuật và phê phán vào trong một hình thức nhẹ nhàng hơn, đời hơn, rồi dán một nhan đề cũng rất đời: Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu? Chính vì cái tít “quá báo chí” - theo lời vị đại diện của nơi “đặt hàng” - mà bài tham luận khá công phu bị đánh xuống hạng B (nhuận bút giảm xuống một nửa!), bởi - cũng theo cách giải thích của vị đó - bài viết đặt tít kiểu báo chí như thế không xứng đáng xếp ngang bằng các bài mang nhan đề nghiêm túc được!

Vậy đó, văn phong dí dỏm hay nghiêm trọng còn tùy thuộc ở tính cách của bạn, thêm nữa, tùy thuộc vào nơi mà bài viết của bạn góp mặt. Hiện tượng gặp oan ức chỉ vì cái nhan đề chứng tỏ ấn tượng ban đầu thật sự quan trọng. Đôi khi một số người không đọc nội dung mà chỉ đánh giá chất lượng bài qua nhan đề như trường hợp kể trên; ngược lại, cũng chính cái nhan đề đó có thể lại gây chú ý khiến nhiều người khác muốn đọc tiếp cả bài, cho nên hướng tới đối tượng nào là lựa chọn của bạn.

Nhan đề thường gặp ở các nhà nghiên cứu: Bàn về…, Thử bàn…, Một số ý kiến…, Một số vấn đề…, Một vài đặc điểm…, Điểm qua một số…, Bước đầu tìm hiểu… Nếu bạn cũng như nhiều nhà nghiên cứu không bận tâm đến chuyện độc giả muốn hay mất hứng đọc bài của mình, thì bạn cứ yên tâm đặt tên cho đứa con tinh thần của mình theo cách đó - an toàn, nghiêm túc, dễ được xếp vào diện có “tầm” về lý luận.

Thú thật, ở vị trí người đọc, tôi ít ấn tượng với những bài viết có nhan đề khuôn sáo cứng nhắc và luôn dành sự chú ý cho tít bài đơn giản dễ hiểu mà vẫn giàu hình ảnh. Vì thế khi ở vị trí người viết tôi không dám tùy tiện với nhan đề, luôn tự nhắc mình kiệm từ, tránh từ thừa hoặc nhiều dấu chấm phẩy trong tít bài.

Mới[1] - tôi nhớ mãi cái tít này của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát bởi nó lạ và ngắn chưa từng thấy trong bình luận âm nhạc ở thời điểm cách nay hơn nửa thế kỷ. Quả thật tôi chưa bao giờ tìm được cho mình một tên bài chỉ duy nhất một từ mà vẫn đủ ý và phù hợp với nội dung. Tít bài ngắn nhất của tôi cũng phải có đến ba từ, chẳng hạn như Cổ và mới, Tốt và hay, Học mà chơi... Nhan đề cô đọng hết mức xem chừng không mấy được ưa chuộng vì dân lý luận vốn ham lời lẽ, còn báo giới lại không ngại dông dài để câu khách đại chúng. Dù thế tôi vẫn thấy thích học cách đặt tên “độc” - độc nhất vô nhị của cụ Khoát.

Có người nhận xét bài viết của tôi có nhiều câu hỏi. Không oan! Chẳng cứ trong bài, mà tên bài có khi cũng ở thể nghi vấn, kiểu như Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? mà tôi đã lấy luôn làm tên cuốn sách gần 500 trang của mình. Tập hai mang tên một bài viết mà tôi vừa nhắc tới: Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu? Nếu có tập ba (biết đâu đấy!) chắc cũng lại một câu nghi vấn nào đó, chẳng hạn như Nhà phê bình âm nhạc, anh làm gì? hoặc Nhà phê bình âm nhạc, anh muốn gì?

Đứng từ khía cạnh báo chí hẳn không có vấn đề gì. Còn từ góc độ nghiên cứu, như vừa kể trên, tôi từng gặp rắc rối ngay từ tít bài. Lý luận với trách nhiệm định hướng phải luôn khẳng định chắc như đinh đóng cột, chứ ai lại phân vân nghi vấn như thế được chứ? Thêm nữa, dân lý luận thường thấy nghề lý luận cao hơn nghề báo nên khó chấp nhận những yết tố mang tính báo chí, dù chỉ là một biểu hiện nhỏ trong cách đặt tên bài. Riêng tôi không phân biệt đâu là tính lý luận hay tính báo chí ở đây, điều quan trọng là làm sao để người đọc không bỏ cuộc chỉ vì cái tên bài nhàm chán đến vô cảm. Cứ chê lối giật tít nhảm nhí câu khách là phản cảm, nhưng xét khả năng giữ chân độc giả thì vô cảm cũng chẳng hơn gì phản cảm.

Trong thời gian phải “cày” liên tục trên hàng ngàn trang viết của các tiền bối, tôi dành nhiều thiện cảm hơn với những nhan đề dễ hiểu, gần với đời thường, có khi chỉ đơn giản như câu hỏi: Ca khúc đi về đâu?[2], có khi như chia động từ mà lại gây ấn tượng: Tôi hát… Anh hát… Cô ấy hát[3], lại có khi quen thuộc: Ta về ta tắm ao ta[4], điệu đà: Rắc rối một dải yếm xinh[5], hơi bí hiểm: Cùng phương nhưng ngược chiều[6]

Từ khi ý thức với hiệu quả của việc đặt tên bài, tôi không từ chối mượn thành ngữ hoặc câu nói của tiền nhân làm nhan đề cho bài viết của mình, như:

Không thầy đố mày làm nên,
Nghề chơi cũng lắm công phu;

không bỏ qua cách gây ấn tượng bằng hình ảnh gần gũi với dân gian, như:

Lá xa cành tình yêu ở lại,
Người đàn ông búi tó củ hành;

không ngại láy lại từ để nhấn mạnh motif chính với các bài:

Mùa xuân về với hát xoan (với ngụ ý “xoan” với “xuân” là một),
Chức năng sử dụng của “âm nhạc vua chúa” trong thời đại không có vua chúa…

Dù biết nhiều báo chính thống chẳng ưa gì nhan đề thiếu tính “chính luận”, tôi vẫn không khỏi bị cám dỗ bởi các thán từ:

Ôi, nỗi niềm nghề phê bình âm nhạc,
Xưa ra đường “a... xẩm!”, nay xuống phố “ồ... hip-hop!”,
Ơi những bài hát tuổi thơ,
“Người Hà Nội” ơi…

Dẫn ra vài nhan đề như vậy cũng chỉ để nhắc lại cùng bạn một điều giản đơn: với những bài nặng chất nghiên cứu cũng đừng xem thường việc gây ấn tượng cho người đọc ngay từ tít bài. Và cũng đừng bỏ qua điều này: ấn tượng ban đầu càng được tô đậm hơn khi có sự nối tiếp từ nhan đề sang phần mở bài để dẫn dắt người đọc chính thức vào cuộc.

Tôi đã cố làm thế với bài Không làm kẻ phá gia chi tử với di sản âm nhạc nước nhà và từ cái motif lấy từ nhân gian đó“tán” thêm thành đoạn mở bài như thế này:

“Ở đời không ít con nhà giàu đã cho tan tành mây khói sản nghiệp cha ông để lại. Được hưởng gia tài nhiều đời mà không biết trân trọng, không học cách gìn giữ, mặc cho vốn thừa kế hao mòn phát tán thì giàu mấy cũng có ngày trắng tay.

Đối với di sản âm nhạc ngàn đời mà để đến độ trắng tay tức là mất gốc và trước viễn cảnh buồn đó dù cố tự bào chữa thế nào đi nữa, chúng ta vẫn chẳng hơn gì những kẻ phá gia chi tử. Biết ứng xử cho phải phép với tài sản tổ tiên mới tránh khỏi thảm họa khuynh gia bại sản. Trước tiên không thể cứ lơ mơ ngơ ngác ngay từ điều cơ bản nhất: trong tay ta còn gì và những gì có nguy cơ thất truyền?”.

Bài viết lập tức được Ban tổ chức hội thảo gợi ý đổi nhan đề cho đỡ “nhạy cảm”. Đổi khác nào vứt đi chìa khóa mở cánh cửa đón khách vào phần mở bài. Một khi chưa tìm ra tên gọi nào vẫn giữ được “tính kết nối” đó thì tôi không muốn từ bỏ cái tít dài thòng, một nhan đề phá lệ, trái với ý thích ngắn gọn vốn có ở tôi. Trước khi trình bày tham luận, tôi đành phải “rào” trước rằng nhan đề này không có ý ám chỉ điều gì hoặc phê phán ai, nên xin cứ để tôi được phép hô khẩu hiệu tự động viên mình, tự cảnh tỉnh chính mình đừng tiếp tục vô tình làm kẻ phá gia chi tử. 

Bạn sẽ không tiếc khi dành nhiều thời gian cho mở bài. Đầu xuôi đuôi lọt. Có nhiều cách để bạn tham khảo: ngoài “mánh” nối tiếp ý của nhan đề, bạn có thể gây chú ý bằng thêm tựa đề hoặc lời trích dẫn, như mượn đôi câu dân ca, ca dao quen thuộc; hoặc mượn châm ngôn, giai thoại...

Nhiều người tưởng tôi viết hết sức dễ dàng, dù thực tế hoàn toàn không phải vậy. Cảm nhận về sự dễ dàng đôi khi là do cách mở bài không theo khuôn mẫu nào hết.

Chẳng rào đón gì, tôi có thể kéo bạn vào thẳng mẩu đối thoại Học mà chơi:

“-Dân gian là ai?
-Dạ thưa thầy, dân gian là mình.
-Mình là ai vậy?
-Là thầy, là tụi con.

Mình cũng làm ra được những câu ca dao giống như người xưa, vậy đúng dân gian cũng ‘là thầy, là tụi con’ rồi! Một phát hiện bất ngờ từ cái lý lẽ rất trẻ thơ làm ánh lên vẻ thích thú trong những cặp mắt thông minh trong sáng. Vẫn là những em nhỏ tuyển chọn ở độ tám đến mười tuổi, mặt mày hết sức trang nghiêm trong lễ khai mạc chương trình thể nghiệm đưa âm nhạc cổ truyền vào tiểu học - không nghiêm trang sao được, vì đây không những là lần đầu tiên các em được tiếp xúc mà còn vinh dự được làm học trò của một nhân vật tầm cỡ quốc tế, giáo sư Trần Văn Khê! Vẫn là những học sinh ngoan ngoãn, quen tuân thủ kỷ luật trong lớp tay khoanh trên bàn chăm chú nghe giảng, nhưng chỉ vài giờ sau, vài buổi sau các em như được thoát ra khỏi cái vỏ cứng nhắc thụ động để trở lại làm đứa trẻ hồn nhiên đối đáp và ganh đua, hào hứng bắt chước và kiếm tìm trong cuộc chơi bao nhiêu điều mới lạ”[7].

Có lúc tôi muốn lôi bạn đọc vào trò tung hứng những con chữ:

“Có một nhà soạn nhạc tên là ‘Đạo’.
Có một nhà biên đạo tên là ‘Nhạc’.

Như có duyên với nhau ngay từ sự ‘hoán đổi’ tình cờ này, nhạc sĩ Đạo và biên đạo Nhạc đã thực sự gặp nhau trong Hồn Trương Chi, trong một thế giới thực thực ảo ảo, nơi không còn câu nệ phân minh các cặp phạm trù mang tính đối lập về triết học hay mỹ học, thời gian hay không gian, nơi không còn vướng víu với những khái niệm xưa và nay hay Đông và Tây nữa”[8].

Cái mở bài dựa trên cặp từ đối lập suýt bị tạp chí Âm nhạc cắt bỏ không thương tiếc, chỉ vì nhìn theo chiều dọc hai câu mở đầu bài Tương ngộ với “Hồn Trương Chi” sẽ thành từ “Đạo - Nhạc” mà lúc ấy đang bị xem là “vấn đề nhạy cảm”. May mà nhạc sĩ Cát Vận phụ trách tạp chí lúc đó đã ưu ái để tôi tự sửa. Và tôi chỉ làm một động tác đơn giản là đảo lại trật tự câu:

Có một nhà biên đạo tên là “Nhạc”.
Có một nhà soạn nhạc tên là “Đạo”.

Thế là được tạp chí chấp nhận mà vẫn “bảo tồn” nguyên vẹn bài viết.

Thêm một thí dụ về sự lặp lại cấu trúc câu bị tòa soạn đòi sửa trong mở đầu bài Chào bạn, tuổi 55 viết về Đặng Thái Sơn:

“Vẫn là Sơn, nhưng dường như có một Sơn khác, quyết liệt và bi hùng - một Đặng Thái Sơn trong nhạc Beethoven.

Vẫn là Beethoven, nhưng hình như có một Beethoven khác, tinh tế và quyến rũ - Beethoven của Sơn”[9].

Cách đay lại từ và lặp lại cấu trúc câu rõ là cố tình, nhưng biên tập viên tạp chí coi đó là lỗi hành văn. Còn tôi thì thà không đăng bài còn hơn phải cắt bỏ mấy dòng mở đầu được cân nhắc từng câu từng chữ.

Tôi không ngại nhấn mạnh góc nhìn cá nhân, không đại diện cho bất kỳ ai khác ngoài tôi trong chuyên luận về lịch sử nhạc cải biên: Nhạc truyền thống mới trong mắt tôi. Thế là thêm một lần nữa tôi bị cám dỗ bởi hình ảnh bông đùa với một đề tài lẽ ra chỉ được dùng lời lẽ sách vở để chứng tỏ tinh thần nghiêm túc:

“Tôi thích những hình ảnh so sánh. Có lúc tôi đã hình dung nền nhạc cổ và nhạc mới của ta như cụ tổ hàng trăm năm tuổi bên cạnh chàng trai đương độ trưởng thành. Sự khác biệt giữa cổ truyền và đương đại thật rõ ràng. Ấy vậy mà cái anh chàng ‘nhạc truyền thống mới’ đôi khi vẫn lượn lờ giữa hai khái niệm đó, cứ như một gã trai chưa kịp nếm mùi đời đã bị đẩy lên lão làng, chưa đủ lớn đủ chín đã xưng danh cụ tổ trăm họ. Lỗi chẳng ở ‘gã’, lỗi ở ta quên mất ‘gã’ là ai.

Quên, thì lại phải nhắc nhở một chút đến quá khứ”[10].

Câu cuối là cái móc xích nối mở bài mang những hình tượng giả tưởng với thân bài mang tính học thuật về tiến trình phát triển nhạc cải biên. Các nhà chuyên môn thẳng tay sổ toẹt toàn bộ đoạn đầu “tào lao” trên, có biết đâu chính những khúc tào lao như thế đã giúp tôi trụ lại lâu dài hơn với nghề viết nhọc nhằn này.

(Còn nữa)

Lược trích bản thảo sách chưa xuất bản Phê bình âm nhạc - đạo và đời (2011-2022).


[1] Nguyễn Xuân Khoát: Mới. Văn hóa, số 3, 1969.

[2] Ca Lê Thuần: Ca khúc đi về đâu? Âm nhạc, số 6, 1991.

[3] Cao Nhị: Tôi hát… Anh hát… Cô ấy hát. Âm nhạc, số 2, 1992.

[4] Tiêu Lang: Ta về ta tắm ao ta. Việt nhạc, số 36, 1950.

[5] Kiều Thẩm: Rắc rồi một dải yếm xinh. Âm nhạc, số 5, 1988.

[6] Vũ Nhật Thăng: Cùng phương nhưng ngược chiều. Âm nhạc, số 1, 1997.

[7] Nguyễn Thị Minh Châu: Sách Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? Viện Âm nhạc, 2009. Trang 188.

[8] Nguyễn Thị Minh Châu: Sách Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? Viện Âm nhạc, 2009. Trang 145.

[9] Nguyễn Thị Minh Châu: Sách Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? Viện Âm nhạc, 2009. Trang 174.

[10] Nguyễn Thị Minh Châu: Sách Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? Viện Âm nhạc, 2009. Trang 122.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.