You are here

Nghệ thuật hát song thanh độc đáo của người Mông Cổ

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Trên thế giới, hát song thanh hay đồng song thanh chủ yếu xuất hiện ở một số khu vực, như Xibia, Tuva thuộc Nga, Tân Cương, Trung Quốc, vùng núi Altai giáp ranh biên giới Nga - Mông Cổ - Trung Quốc - Kazakhstan và đặc biệt là Mông Cổ. Người phương Tây gọi hát song thanh là Biophonic singing, Hán văn dịch là Hô minh, Hô mạch, Hô mãi… còn tiếng Mông Cổ gọi là Khoomiy.

GS Trần Quang Hải biểu diễn và dạy hát đồng song thanh ở nhiều nơi trên thế giới

Khoomiy có nghĩa là cổ họng, nhằm chỉ lối hát sử dụng bội âm (harmoniques) nhằm tạo ra hai bè trong quá trình diễn xướng. Trong đó, một bè đóng vai trò âm nền (dưới thấp) duy trì ở nhịp điệu đồng độ, ngân dài kết hợp với bè giai điệu ở phía trên (cao). Đối với nhiều tộc người trên thế giới, hát song thanh, hiểu là cùng một lúc phát ra hai âm, hai bè là điều không tưởng!

Theo Tống Địch, một bậc thầy về hát song thanh người Mông Cổ cho biết, có ba lý do sản sinh ra tính chất phức thanh của nghệ thuật Khoomiy: thứ nhất là: Người đi săn dùng loại âm thanh này đề dụ con thú; thứ hai: môi trường tự nhiên dãy núi Altai tạo nên; thứ 3: khi chưa có nhạc cụ, người ta dùng nó đệm cho sử thi anh hùng Tuul. Ngoài ra, có giả thuyết cho rằng: Khoomiy bắt nguồn từ tín ngưỡng Shaman. Theo đó, thầy cúng đã sử dụng nó như một công cụ để cộng thông với thần linh. Khoomiy chính là “khẩu huyền” (đàn môi) của thầy cúng.

Như vậy, hát song thanh không phải là một thể loại âm nhạc, mà chỉ một cách hát đặc trưng. Nói cách khác, nó vận dụng kỹ xảo đặc thù nhằm phát ra hiệu quả âm thanh giống như nhạc khí, một người có thể cùng lúc phát ra hai âm (bè) bằng miệng, trong đó một bè thấp trì tục do cổ họng phát âm, một bè đảm nhận chức năng giai điệu nhờ sự biến hóa khoang miệng, thậm chí cá biệt có trường hợp nữ ca sĩ Tô Y Lạp Tái Hãn ở Viện Ca vũ Dân tộc Nội Mông, Trung Quốc có thể hát cùng lúc 4 bè với sự xuất hiện của tám loại tần số âm thanh khác nhau.

Tính chất địa văn hóa hẳn có tác động nhất định đối với sự hình thành lối hát song thanh. Chẳng phải ngẫu nhiên cây đàn Mã đầu cầm, biểu trưng văn hóa du mục của người Mông Cổ cũng sử dụng hệ bội âm. Hệ bội âm là hàng âm tự nhiên, ảnh hưởng đến hầu hết các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới. Tùy thuộc mức độ khúc xạ trong từng nền văn hóa mà mỗi tộc người có cách tiếp nhận, chịu tác động khác nhau. Hệ bội âm bao gồm một âm cơ bản và chuỗi âm hình thành trong quá trình khúc chiết sóng âm thành những dao động độc lập. Tai người thường nói chung chỉ nghe thấy một âm, đó là âm cơ bản có tỷ tần bằng cả chiều dài sợi dây. Còn những âm cao tô điểm cho âm cơ bản dường như không nhận biết được bằng thính giác, nhưng máy đo tần số vẫn hiển thị trên màn hình dưới dạng đồ thị. Bất cứ vật thể phát thanh nào cũng tạo nên bội âm. Đây là một hiện tượng chấn động âm thanh tự nhiên. Ngay như chiếc thanh mẫu (hình dáng giống như chiếc thoa cài đầu, còn gọi là âm thoa) ban đầu được thiết kế theo mong muốn tạo ra đơn âm (một âm cơ bản), nhưng, trên thực tế, dù vật thể làm bằng kim loại rắn chắc thì khi dao động vẫn tạo nên sóng âm uốn lượn với sự khúc chiết của nhiều dao động độc lập. Đối với giọng hát, tiếng đàn, cấu trúc hệ bội âm góp phần làm nên đặc điểm riêng cho chúng ta nhận biết về âm sắc khác nhau. Tiếng đàn, tiếng hát dày hay mỏng, nông hay sâu đều tùy thuộc vào cấu trúc, số lượng bội âm... Vì thế, bội âm lặng lẽ ảnh hưởng, tác động lên cảm quan con người. Song, cơ chế tác động ra sao trên tiến trình hình thành văn hóa thì chưa thể có lời giải thích nhất quán. Việt Nam có cây đàn bầu cũng sử dụng hệ bội âm. Trong quá trình kích âm, người đàn chạm nhẹ cườm tay vào sợi dây trên những khoảng cách phân chia không đều nhau của chuỗi bội âm. Nhờ vậy, âm vực của đàn bầu mới mở rộng tới năm quãng tám. Còn người Mông Cổ sử dụng bội âm cho cả giọng hát và tiếng đàn.

Qua thực tế có thể thấy nghệ thuật hát song thanh khá gần với “Khẩu thuật”, một loại hình nghệ thuật dân gian từng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Nghệ nhân Khẩu thuật có thể tạo ra muôn vàn âm thanh với âm sắc phong phú nhờ sự biến hóa đa đoan của chiếc miệng. Trong sách “Quốc văn” theo chương trình phổ thông của Đài Loan từng giới thiệu một buổi biểu diễn Khẩu thuật diễn ra đằng sau bức màn trên sân khấu mà đến cao trào, khán thính giả bỏ chạy hết vì tưởng sắp xảy ra hỏa hoạn. Điều đó cho thấy khả năng phi thường từ chiếc miệng của con người. Sự gần gũi của hát song thanh với Khẩu thuật nằm ở chỗ: hát song thanh không hề có lời ca. Sở trường của lối hát này là cùng một lúc có thể tạo ra hai bè với âm sắc vô cùng lạ lùng, nhưng sở đoản của nó là không thể sử dụng lời ca. Dù mệnh danh là hát, nhưng hát song thanh không thể diễn đạt được bằng ngôn ngữ. Lối hát Bel canto ở nghệ thuật Opera với kỹ thuật Vocalise cũng không sử dụng lời ca. Nhiều loại hình âm nhạc truyền thống trên thế giới chủ yếu sử dụng nguyên âm, như: i ở chèo, ư ở tuồng, a ở thể tán trong lễ nhạc Phật giáo, Việt Nam. Trong vở nhạc kịch “Cây sáo thần”, nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Volfgang Amazeus Mozart cho ca sĩ mô phỏng âm thanh của Flute. Nhạc Pop hiện nay cũng không ngần ngại sử dụng hư từ, như wow, hu, ha… ngân nga, kéo dài. Song, tất cả những thủ pháp trên là sự lựa chọn của người sáng tác. Còn đối với hát Khoomiy, từ trong bản chất, nó là một lối hát sinh ra từ cách thức kích âm đặc biệt. Để đổi lấy sự độc đáo, hát song thanh phải hy sinh nhiều yếu tố thông thường, như hát với lời ca, sự sụt giảm về âm lượng… Nhờ có sự hỗ trợ của bộ phận khuếch đại âm thanh, hát song thanh mới lọt tai thính giả ở những môi trường rộng lớn. Vì, sử dụng hệ bồi âm, nên âm thanh hình thành từ những bước sóng (âm thanh) ngắn có biên độ dao động hẹp đã làm ảnh hưởng tới cường độ. Giống như cây đàn bầu Việt Nam, ngoại trừ âm cơ bản, dây buông, dao động bằng cả chiều dài sợi dây, còn lại đều là những bội âm, cường độ nhỏ, nghe như tiếng thì thầm. Hiệu quả âm thanh của Khoomiy tựa như tiếng đàn môi hay tiếng côn trùng reo trong đêm… Giữa thảo nguyên mênh mông bát ngát, tiếng Khoomiy hòa quyện vào trong gió tạo nên bầu không gian huyền hoặc, xa xăm.

Thứ nhạc trời “Thiên lại” từng làm xao xuyên các bậc hiền triết thời cổ như Lão Tử, Trang Tử có lẽ đã tìm thấy một hình thức kế thừa! Theo đó, cổ họng con người cũng giống như hang hốc, suối khe… mà nhờ hơi thở (gió) đi qua có thể tạo nên muôn vàn âm thanh phong phú, đa dạng, không cần đến sự rung động của dây thanh đới. Chính vì thế mà cổ họng - cơ quan phát thanh chủ yếu của Khoomiy gần với nhạc cụ hơi, như kèn, sáo, khèn... Theo những nghiên cứu về nguồn gốc nhạc cụ, bên cạnh việc sử dụng chất liệu tự nhiên hay phát hiện ngẫu nhiên do va đập của vật thể tạo âm, nhiều bộ phận trên cơ thể con người chính là mô hình đầu tiên gợi ra ý tưởng sáng tạo nhạc cụ. Tuy nhiên, nhạc cụ hơi một ống thường phát ra một bè, ngoại trừ khèn, M’buốt, Harmonica… những nhạc khí có nhiều ống thổi. Còn cơ quan phát thanh của con người ngoài cổ họng, còn có khoang mũi, tai cộng với sự điều tiết của cơ miệng, mặt, nhờ vậy, hát Khoomiy có thể tạo ra hai âm cùng một lúc, thậm chí nhiều hơn.

Hát song thanh từng gắn với những điều thần bí và bức màn ấy thực sự hé mở nhờ công lao của nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Quang Hải, người con trưởng của học giả Trần Văn Khê. Ông từng sử dụng thiết bị y khoa đưa vào khoang mũi, miệng để quan trắc, tìm hiểu cơ chế hoạt động của dây thanh quản khi hát song thanh, thậm chí chấp nhận rủi ro khi tiến hành chiếu X quang suốt một thời gian dài làm thí nghiệm nhằm nhận biết các thớ thịt bên trong cổ họng khi không cần dùng đến dây thanh quản mà vẫn tạo ra âm thanh. Ngày nay, nghệ thuật hát Khoomiy đã vượt ra khỏi biên giới Mông Cổ và những vùng phụ cận. Bằng chứng cho thấy nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam, tiến sĩ Trần Quang Hải đã tự học hát song thanh và đi truyền bá khắp nơi trên thế giới. Năm 2009 loại hình nghệ thuật độc đáo này của Mông Cổ chính thức được tổ chức Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.