Nguy cơ từ ca sĩ ảo: Vì sao không thể quản lý ca sĩ ảo? (Bài cuối)

Tác giả: 
Hà Tùng Long

NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, ca sĩ ảo suy cho cùng cũng chỉ là sản phẩm của công nghệ nên không thể quản lý theo quy định của nghệ thuật biểu diễn.

Ca sĩ ảo dù tốt đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của công nghệ

Sự ra đời của ca sĩ ảo, các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ ảo trên thế giới đang ít nhiều làm thay đổi thị hiếu thưởng thức âm nhạc của một bộ phận công chúng. Ông nghĩ sao về việc Việt Nam cũng đã có ca sĩ ảo và sản phẩm âm nhạc của ca sĩ ảo như thế?

- Trước hết phải nói rằng, việc tạo ra ca sĩ ảo và sản phẩm âm nhạc của ca sĩ ảo là một bước tiến của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo. Điều nay cho thấy, loài người đã bước những bước rất xa trong sáng tạo âm nhạc dựa trên nền tảng công nghệ. Ca sĩ ảo là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo và chắc hẳn sẽ có những giá trị riêng của nó.

NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: FBNV.

Tuy nhiên, với tôi, điều này không có gì mới mẻ vì cách đây hàng chục năm, Nhật Bản đã cho ra mắt loại đàn thể thay thế được toàn bộ nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Nhạc cụ này từng gây kinh ngạc cho giới chuyên môn lẫn công chúng thưởng thức. Thậm chí, Nhật còn tạo ra cả robot biết chơi đàn violin, guitar… cách đây nhiều năm.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam tạo ra được ca sĩ ảo là một điều đáng mừng. Điều đó cho thấy người Việt không thua kém quốc nào trên thế giới. Nhưng để ca sĩ ảo có thể có một đời sống như ca sĩ thực là chuyện cần phải bàn tính rất nhiều. Bởi đơn giản là ảo với thực khác nhau, ảo là ảo, thực là thực.

Nhiều người lo ngại rằng, việc xuất hiện ngày càng nhiều ca sĩ ảo sẽ khiến ca sĩ thực phải chia sẻ thị phần khán giả và mất dần thế đứng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho rằng, chúng ta đừng lo lắng quá sớm! Ca sĩ ảo thì vẫn chỉ là ca sĩ ảo, ca sĩ thực vẫn là ca sĩ thực. Máy móc hay công nghệ không thể thay thế được con người huống hồ là trong âm nhạc, nghệ thuật. Trong nghệ thuật, nhất là âm nhạc thì cảm xúc, tâm hồn, trái tim (nghĩa bóng) là thứ không máy móc nào có thể thay thế được hết. 

a sĩ thực hát một bài hát không chỉ đơn thuần phô diễn giọng hát đẹp, kỹ thuật tốt mà còn đưa đẩy cảm xúc nữa. Cảm xúc mới là thứ mang đến cho tác phẩm âm nhạc đời sống riêng. Mỗi người nghệ sĩ thể hiện tác phẩm âm nhạc theo cách riêng nghĩa là mang đến cho tác phẩm đó đời sống mới. Khán giả nghe một nghệ sĩ hát cũng là thưởng thức cả về phần nghe lẫn nhìn và sự rung cảm tâm hồn chứ không phải chỉ nghe không. Những thứ đó, không ca sĩ ảo nào thay thế được dù công nghệ ưu việt đến mấy.

Với tôi, ca sĩ ảo dù có được tạo ra xinh đẹp cỡ nào, hát tốt đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của công nghệ và chỉ có giá trị về mặt giải trí chứ không có giá trị nghệ thuật. Nghệ thuật là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Đó cũng là lí do, dù đi trước thế giới rất nhiều năm trong việc tạo ra các sản phẩm công nghệ nhưng Nhật Bản vẫn có nền nghệ thuật rất đỉnh cao, nhiều nghệ sĩ tên tuổi vươn tầm thế giới và khán giả yêu âm nhạc không bị cuốn trong vòng xoáy của ca sĩ ảo.

Việt Nam chúng ta dù mới có ca sĩ ảo mấy tháng nay thôi nhưng tôi nhận thấy công chúng có vẻ không mặn mà lắm. Có lẽ đây vẫn là thứ mới mẻ và chưa đủ hấp dẫn để họ quan tâm, yêu mến. Cho nên ca sĩ thực vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng ái mộ.

Không nên quản lý ca sĩ ảo, chỉ nên lưu ý những điều cần - đủ

Thực tế là ở Việt Nam, ca sĩ ảo đã được đưa lên sân khấu biểu diễn. Cụ thể là vào cuối năm 2022, trong chương trình Hò Dô tổ chức ở TP.HCM, hai ca sĩ ảo Michau và Damsan đã có màn biểu diễn trước công chúng. Việc này cũng cho thấy ca sĩ ảo đã len lỏi vào đời sống thực và cũng góp phần thay đổi dòng chảy âm nhạc?

- Đây là điều đương nhiên và tất yếu sẽ phải xảy ra. Nó tương tự như một quy luật vận hành của vũ trụ vậy. Khi người ta đã tạo ra được một ca sĩ ảo thì đương nhiên phải mang đến cho nó một đời sống. Ta không bàn tính đời sống của ca sĩ ảo thế nào nhưng đã là ca sĩ thì sẽ phải xuất hiện trước công chúng theo cách này hay cách khác.

Đơn vị tổ chức chương trình đưa ca sĩ ảo lên sân khấu, trước hết là để tạo ra sự mới mẻ, lạ lẫm cho công chúng giải trí; sau là thể hiện một cuộc chơi công nghệ. Nhưng hiệu ứng sau đêm diễn cũng cho thấy, không mấy ai nhắc đến các ca sĩ ảo này bởi họ chưa đủ sự hấp dẫn, thú vị. Người ta cảm thấy lạ mắt trước sản phẩm công nghệ chứ không thể bị công nghệ chinh phục. Ca sĩ thực có thể chinh phục người nghe bằng một màn biểu diễn xuất sắc nhưng máy móc thì không thể làm được điều đó. Vì thế, ca sĩ ảo lên sân khấu cũng chỉ mang tính "mua vui", không thể nào lấn lướt ca sĩ thực được.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, việc đưa ca sĩ ảo lên sân khấu cũng là một cách tạo ra những hình thức giải trí mới mẻ cho công chúng. Điều này ít nhiều cũng giúp khán giả tiệm cận đến những khái niệm mới, mô hình mới của công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Nếu sản phẩm công nghệ này xuất sắc thì khán giả sẽ cổ vũ, hưởng ứng; nếu không mới mẻ thì họ sẽ quay lưng. Giá trị vĩnh viễn của nhân loại là những gì mang tầm văn hóa chứ không phải giải trí.

Ví dụ, bây giờ rất chương trình hòa nhạc đỉnh cao như Hòa nhạc Mùa Xuân vẫn sử dụng hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công biểu diễn chứ không sử dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí lẫn nhân lực. Vé của chương trình đắt đỏi nhưng khán giả vẫn sẵn sàng bỏ ra mua vào xem. Nếu một hòa nhạc do nghệ sĩ ảo thể hiện sẽ không bao giờ có được sự đón nhận của khán giả như thế.

Theo ông, phía đơn vị quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn có cần phải có những lưu ý gì để ca sĩ ảo không trở nên hỗn loạn, bát nháo khi xuất hiện ngày càng nhiều, bởi dù sao họ cũng không thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước?

- Ca sĩ ảo là sản phẩm của công nghệ nên không thuộc sự quản lý của cơ quan nhà nước về nghệ thuật biểu diễn. Vì thế, đúng là chỉ cần có lưu ý không được có những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược với thuần phong mỹ tục và con người Việt Nam thôi chứ không nên cấm đoán họ. Suy cho cùng, nó là bước tiến của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo nên không có gì phải khắt khe, định kiến mà nên mở đường cho nó phát triển. Bất kỳ một thành tựu công nghệ nào cũng tạo ra những giá trị, còn giá trị đó tồn tại như thế nào trong đời sống lại là câu chuyện khác.

Một điều nữa, ở góc độ cá nhân là tôi thấy đa số giọng hát của ca sĩ ảo hiện nay đều được lấy giọng của những nguyên mẫu thật rồi sử dụng công nghệ để biến hóa đi. Như thế nghĩa là có dính dáng đến bản quyền và hình ảnh của ca sĩ thực. Vì thế, phải rất rõ trong chuyện này và phải tuân thủ luật bản quyền. Riêng phần âm nhạc thì đã có quy định rõ của luật bản quyền, chỉ trùng 9 nhịp là đã vi phạm bản quyền rồi. Đó là chưa nói, nếu sản phẩm âm nhạc của ca sĩ ảo mà vì phạm bản quyền thì khi tung lên mạng xã hội cũng sẽ bị đánh gậy bản quyền ngay.

Cảm ơn NSND Phạm Ngọc Khôi đã chia sẻ thông tin.

(Nguồn: https://danviet.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.