You are here

Nguyễn Đình Phúc - Người nghệ sĩ đa tài

Tác giả: 
Nguyễn Thụy Loan

Nguyễn Đình Phúc (20/8/1919 – 28/5/2001) được biết đến như một nhạc sĩ - họa sĩ với nhiều tác phẩm thuộc cả hai lĩnh vực, trong đó có những tác phẩm được giới nhạc, họa đánh giá cao và công chúng đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bên cạnh hai lĩnh vực trên, Nguyễn Đình Phúc còn có nhiều tài và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau: biểu diễn và quản lý biểu diễn, giảng dạy, làm thơ, viết truyện, kịch, nghiên cứu, biên dịch.

Chân dung tự họa

Từng là nghệ sĩ chơi violoncelle (cello) trong đoàn xiếc và năm 1942 tham gia Ban nhạc A-B-C, Nguyễn Đình Phúc đã đi biểu diễn tại nhiều thành phố  Bắc - Trung - Nam. Sau này, theo cách mạng, ông đã lãnh đạo nhiều đoàn nghệ thuật - quân đội cũng như dân sự. Ông còn là thầy dạy đàn cello cho nhiều học sinh: Phạm Kỳ Lân, một số nữ sinh, và Hoàng Dương, Bùi Gia Tường - sau này trở thành hai cột trụ đầu tiên của ngành đào tạo đàn cello ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, sáng tác mới là niềm say mê từ thuở thiếu thời của cậu “Phúc khoèo” và là lĩnh vực sớm có những thành công - cả trong âm nhạc cũng như hội họa.

  Dõi theo những chặng đường sáng tác của Nguyễn Đình Phúc, có thể thấy chàng du tử u sầu, cô đơn thuở trước Cách mạng Tháng Tám nhanh chóng hóa thân thành một nghệ sĩ hòa mình với cuộc sống sôi động của cả dân tộc, rung động cùng những cung bậc buồn vui trong nhịp đập trái tim các chiến sĩ, dân quân và đồng bào, đồng chí... Không còn chất lãng mạn cô đơn một màu như xưa, nhạc của chàng du tử năm nào lúc này trở nên đa dạng, phong phú cả về nội dung, thể tài, ngôn ngữ, hình thức và sắc thái âm nhạc. 

NS-HS Nguyễn Đình Phúc và Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh

Chỉ với 13 ca khúc trong tuyển tập này cũng đủ để nhận ra những điều nêu trên. Bên cạnh những ca khúc mộc mạc bình dị với hình thức nhỏ gọn, xinh xắn dễ hát, là những ca khúc nghệ thuật có quy mô khác nhau - bao gồm cả những trường ca với nhiều đoạn hoặc nét nhạc tương phản về tính chất, cảm xúc và âm điệu. Cùng với những bài hát nhẹ nhàng, đằm thắm, hoặc duyên dáng, tươi mát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, Tây Nguyên, chèo, quan họ… và đỉnh cao là Tiếng đàn bầu thâm trầm sâu sắc, lại vừa réo rắt, bay bổng lảnh lót với âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, còn có một Chiến sĩ sông Lô hào sảng mà thiết tha, một Hữu ngạn sông Thao da diết sâu đậm ân tình mà cũng rất kiên cường mạnh mẽ và sẵn chứa tiền đề cho một hoạt cảnh nho nhỏ, một Bình ca nghe như khúc hát tự sự aria trong nhạc kịch, lúc bi thiết - lúc trầm lắng, lúc trào dâng mãnh liệt - lúc nhịp nhàng, thư thái. Không những thế, ca khúc của chàng du tử lúc này đã đem theo cả dấu ấn của dân nhạc với những câu dạo đầu và gian tấu mang đặc trưng rất riêng của nhạc cụ gõ Tây Nguyên, những âm luyến láy uyển chuyển mềm mại như lối chơi của đàn bầu trong phần hát và phần dạo nhạc…  

Không định mà nên, đường nét giai điệu chuyển tải nội dung ca từ của 13 ca khúc lại cung cấp những mảnh ghép của chân dung một con người - nghệ sĩ rất bộc trực, thẳng thắn, thậm chí có khi quyết liệt, nhưng cũng rất thiết tha, ân tình. Nếu trong thơ, họa chan chứa cái ân tình của một nghệ sĩ ở tuổi 79 đối với hương hồn người đã sinh thành mình, ân tình với người bạn đời, tình cảm thân thương với bạn bè; thì trong nhạc, đó là ân tình sâu nặng với những người mẹ nuôi quân ở các thôn làng tạm trú trong dặm dài chiến dịch, là sự đồng cảm sâu sắc với chiến sĩ, đồng bào và cả với người chiến sĩ da màu xa quê… Ở tuyển tập ca khúc này, ta còn gặp một Nguyễn Đình Phúc hóm hỉnh, vui tươi, sôi nổi, nhưng cũng rất trầm tư, sâu sắc - chỉ với mấy Tiếng đàn bầu “tích tịch tình tang” mà như nghe được những đổi thay lớn lao và sức vươn lên của cả một dân tộc.

NS-HS Nguyễn Đình Phúc và vợ năm 1997

Ý thức kết hợp Đông - Tây, kim - cổ hình thành từ rất sớm trong Nguyễn Đình Phúc được bộc lộ cả trong hội họa, thơ và nhạc. Khi làm bìa cho Lời du tử, ông từng vẽ mình chơi violoncelle nhưng lại có cái cần dài nối vào cây đàn nguyệt. Tranh của ông - dưới con mắt nhà họa sĩ, mang hơi hướng của những trường phái Hiện thực và Ấn tượng châu Âu, song có những bức được kết hợp với cách nhìn của dòng tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng. Cái Đông - Tây, kim - cổ cũng lồ lộ trong thơ Nguyễn Đình Phúc. Đọc tập Lá hát1 của ông, người đọc nhận ra đủ loại - từ thơ mới đến những thể thơ truyền thống. Thậm chí, có bài vẻn vẹn chỉ 2 - 3 câu, nghe đâu như ca dao ngạn ngữ, và những bài dài - tưởng như đang đọc vè đồng dao, vè thế sự cổ truyền. 

Tuy nhiên, dường như không ở đâu ý tưởng kết hợp Đông - Tây, kim - cổ được bộc lộ rõ như trong âm nhạc. Học phương pháp sáng tác, phối khí phương Tây, ông không chỉ viết tiểu phẩm cho nhạc cụ phương Tây, mà còn viết cho nhạc cụ cổ truyền. Soạn Tổ khúc giao hưởng “Việt Nam đang nở hoa” cho dàn nhạc giao hưởng phương Tây, ông lại chuyển soạn cả cho dàn nhạc dân tộc đương đại. Sự kết hợp Đông - Tây, kim - cổ không chỉ được thực hiện trong khí nhạc, mà ngay cả trong khuôn khổ thu nhỏ của ca khúc. Đó là những thủ pháp âm nhạc phương Tây đan xen với một số thủ pháp phát triển điển hình trong dân ca; những đoạn, nét nhạc nghe như giọng ngâm thơ, điệu chèo đò trong hát văn hoặc trong dân ca được đan quyện khéo léo với tổng thể mang âm hưởng mạnh mẽ, hùng tráng của nhạc mới. Tất nhiên, giống như phần đông nhạc sĩ cùng thời, không cưỡng được sự hấp dẫn của sức hút cảm âm và lối tiến hành chromatic trong âm nhạc phương Tây, ông đã gài những yếu tố đó vào bên những nét nhạc mang âm hưởng dân tộc. Cách làm đó tuy lộ rõ ảnh hưởng của phương Tây, nhưng trong một số ca khúc của ông, có những chỗ - do nguyên nhân khác nhau, lại tạo được hiệu quả luyến, lướt mềm mại như trong dân ca nhạc cổ.  Ca khúc ông viết có đủ cả kim và… “kim mà như cổ”. Viết chuyện thời nay, song tên bài lại gợi nhớ tên một bài dân ca nào đó; một số ca từ, âm điệu cũng rất gần gũi với dân ca - bởi, ông đã nâng niu, chắt chiu chính kho báu đó để tạo nên tác phẩm của mình. Nguyễn Đình Phúc từng khẳng định điều này bên cạnh việc học hỏi các yếu tố mới trong và ngoài nước: “Dân ca, tuồng, chèo, cải lương, sáng tác của bạn bè và những tác phẩm ca múa nhạc quốc tế: Những ông thầy và kho nguyên liệu vô tận của chàng Du Tử”.

Trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật, bất cứ ở nơi đâu, ở cương vị nào, Nguyễn Đình Phúc cũng như con ong chăm chỉ, miệt mài đi hút mật hoa để làm nên mật ngọt cho đời. Không kể những sáng tác cho nhạc, họa, văn thơ, mà không ít trường hợp chỉ là “vẽ tranh, soạn nhạc, làm thơ chơi”, nhưng đó là “Chơi mà có ích cho đời, nên chơi quá!”3, ông còn làm nhiều việc khác. Tắm mình trong những năm tháng phục vụ bộ đội chiến sĩ, ông nghiên cứu để viết và phổ biến Mười điều căn dặn cơ bản để làm bài hát khi chưa biết son-phe (solfège). Đúc kết kinh nghiệm bao năm hoạt động nghệ thuật, ông cho ra mắt Sổ tay văn nghệ quần chúng. Sang Lào, Cămpuchia làm chuyên gia, ông nghiên cứu để có hàng loạt công trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống của nước bạn. Làm việc ở Cục Âm nhạc và Múa, ông lên Đề án xây dựng nhà hát ca kịch. Sống ở Tiệp Khắc, Bulgaria, ông đọc để rồi dịch Tiếng cười Ga-brô-vô, để 1996 “trình làng” một Triển lãm đặc biệt - Tranh ngụ ngôn của các nước. Nghỉ hưu, ông dành toàn bộ tâm sức và thời gian cho sáng tác ca khúc, khí nhạc, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, công trình nghiên cứu các loại, và có lẽ ông còn có ý định so sánh Khắp của nước bạn Lào với Khắp của người Thái ở nước ta. Chẳng những thế, sau 25 năm nghiên cứu, chiêm nghiệm thuật xem chỉ tay, nhà nghệ sĩ lại tốn rất nhiều công phu để vẽ và hoàn thành cuốn Tiếng nói của bàn tay - nay đã được xuất bản và tái bản… Với niềm say mê học hỏi, khám phá và thích tìm tòi sáng tạo, Nguyễn Đình Phúc dường như không chịu để bộ não nghỉ ngơi, “trễ nải”. Thành quả đạt được từ sự lao động miệt mài của ông, như sẽ được lược trích dưới đây, khiến người viết bài này thầm nghĩ: thời gian hữu hạn - con người nhỏ bé, sao ông có thể làm nên một gia tài đồ sộ đến vậy? 

Không tính các bức tranh đã được đem tặng và theo người yêu tranh của ông về những nẻo xa, hiện gia đình còn lưu giữ gần 500 bức tranh. Ngoài ra, còn 3 tập thơ với hàng trăm bài, hàng chục vở kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, sách nghiên cứu và biên dịch. Riêng trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, ông để lại 120 ca khúc thuộc các thể loại khác nhau, 2 vở ca kịch, 2 bản Giao hưởng 3 chương, 2 phiên bản Tổ khúc giao hưởng 6 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng và chuyển soạn cho dàn nhạc dân tộc đương đại, 2 Concertino cho violon, cello với dàn nhạc giao hưởng, 2 Trio, - chưa kể các tiểu phẩm khác cho nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ cổ truyền, cùng nhạc cho phim tài liệu thời sự, phim truyện, phim hoạt hình, nhạc cho kịch, sân khấu cải lương, múa. Cho tới những năm cuối đời, ông vẫn không ngừng làm thơ, viết nhạc. Ca khúc Hà Nội thành phố anh hùng viết vào năm 2001 - lời tri ân cuối cùng ông dành để “Kính tặng nhân dân Hà Nội”, đã khép lại hành trình nghệ thuật của người nghệ sĩ đa tài, đa tình.  

Thế nhưng, đó chưa phải là dấu chấm hết đối với những gì người nghệ sĩ ấy để lại. Bên cạnh những đứa con tinh thần, Nguyễn Đình Phúc và người bạn đời tận tụy, nâng bước ông trên từng chặng đường thăng trầm - bà Trần Thị Bảo, còn để lại cho đời những người con tiếp bước trên con đường nghệ thuật ông đã đi. Gia sản mà người nghệ sĩ đa tài Nguyễn Đình Phúc để lại cho đời quả là không nhỏ. Sự cần mẫn, sức làm việc dẻo dai đáng khâm phục và tinh thần dám nghĩ dám làm của ông thực sự là tấm gương cho các thế hệ sau phấn đấu noi theo. Nhưng, đâu phải ai cũng có thể theo kịp…  

Hà Nội, tháng 8/2019

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhạc sĩ 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.