You are here

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam với Hồ Thiên Nga

Tác giả: 
Thanh Nhã

Tối 7 tháng 10 năm 2019, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã công diễn vở ballet Hồ Thiên Nga - một trong những tác phẩm nghệ thuật kinh điển của thế giới. Đây là sự kiện nhân dịp Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Tới dự buổi lễ có: đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đồng chí Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đồng chí Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đông đảo khán giả Thủ đô, cùng với cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam qua các thời kỳ…

Ngày 6 tháng 8 năm 1959, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam được thành lập, tiền thân là Dàn nhạc Giao hưởng với 114 diễn viên; Nhà hát Giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam (từ năm 1964); năm 1985 chính thức mang tên Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Trong suốt 60 năm qua, với sứ mệnh tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới và phát triển nghệ thuật Giao hưởng, Hợp xướng, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet) tinh hoa văn hóa thế giới tại Việt Nam, và phát triển nghệ thuật nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát liên tục phấn đấu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp cận với nền nghệ thuật thế giới cũng như tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại để sáng tạo ra nhiều tác phẩm, nhiều chương trình có giá trị nghệ thuật cao, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng và phát triển nền nghệ thuật văn học nghệ thuật nước nhà.

60 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã có nhiều thành tích xuất sắc, cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật của Việt Nam. Ghi nhận những nỗ lực đó, tập thể Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Nhì của Nhà nước trao tặng.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vì những đóng góp xuất sắc của Nhà hát trong suốt 60 năm qua.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ghi nhận những phấn đấu sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: “Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch luôn ghi nhận và đánh giá cao những phấn đấu sáng tạo không ngừng và những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. 60 năm một chặng đường nghệ thuật với không ít chông gai nhưng cũng rất ấn tượng của Nhà hát đã được ghi dấu với những tác phẩm, vở diễn nổi tiếng, từ Đại hợp xướng giao hưởng mang tên “Điện Biên Phủ còn sống mãi”, nhạc kịch “Núi rừng hãy lên tiếng”, “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của Đỗ Nhuận, “Bên bờ K’rôngpa” của Nhật Lai, vũ kịch “Chị Sứ” của Xuân Định, “Phá lao” của Nguyễn Việt... đến những tác phẩm kinh điển của thế giới được dàn dựng công phu và biểu diễn thành công như Opera “Fidelio” của Beethoven, “Ruồi Trâu” của Spadavetsky, vở ballet “Spartacus” của Aram Khachaturian, vở ballet “Giselle” của Saint-Georges và Thesophile Gautier, Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky... Mỗi bước đi của Nhà hát đều có dấu ấn của sự nỗ lực, sự cống hiến và tâm huyết của tập thể lãnh đạo Nhà hát và các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên tài năng. Thời gian tới, Nhà hát cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt, tinh thần đoàn kết và sáng tạo, nỗ lực gìn giữ nghệ thuật hàn lâm, kế thừa có chọn lọc văn hóa thế giới, đào tạo và phát triển nhiều nghệ sĩ tài năng, đầu tư xây dựng thêm những tác phẩm nhạc vũ kịch Việt Nam và quốc tế chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng trong thời đại mới”.

Hơn 140 năm sau lần công diễn đầu tiên tại Matxcơva, vở ballet kinh điển Hồ Thiên Nga đã được tái hiện với nhiều phiên bản khác nhau tại hàng trăm nhà hát trên thế giới. Hồ Thiên Nga được công diễn ở Việt Nam vào năm 1985 do chuyên gia người Nga dàn dựng. Hơn 30 năm qua, Ballet Việt chưa có cơ hội trình diễn lại vở diễn này. Đến nay, Hồ Thiên Nga vẫn là một thử thách lớn đối với các nghệ sĩ và biên đạo ballet Việt Nam, họ chỉ có thể biểu diễn những trích đoạn ngắn. Đây chính là mục tiêu nỗ lực của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam để đưa trọn bộ Hồ Thiên Nga lên sân khấu tại Việt Nam. Đây là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo nhà hát, mỗi nghệ sĩ đều dốc hết sức mình để đạt được kỹ thuật chuyên nghiệp cao. Lần công diễn Hồ Thiên Nga này không chỉ thể hiện niềm vinh dự lớn của các thành viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập mà còn đánh dấu một bước chuyển mình của nền ballet Việt Nam nói chung.

Hồ Thiên Nga được gọi là “ballet của những vở ballet’. Đây là tác phẩm ballet đầu tay của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga, Tchaikovsky. Ra đời năm 1877, nhưng cho đến nay, tác phẩm vẫn là niềm say mê của những ai yêu thích môn nghệ thuật này. Cho dù có nhiều trường phái dàn dựng khác nhau, nhưng quan trọng nhất là nó vẫn diễn tả được những tâm tư cháy bỏng trong mỗi con người: tình yêu thánh thiện, ước mơ cao cả, nỗi thất vọng và sự cám dỗ của đời thường.

Hồ Thiên Nga kể một câu chuyện tình bất diệt của hoàng tử Siegfried và công chúa Odette. Vì phép thuật của phù thủy, ban ngày Odette bị biến thành thiên nga, bơi lội trên hồ “Nước Mắt” và chỉ trở lại hình dạng con người vào ban đêm. Ma thuật của lão phù thủy chỉ biến mất nếu nàng Odette gặp được một người hết lòng yêu thương và chung thủy với nàng. Tình yêu mật ngọt của Siegfried và Odette đã trải qua nhiều bi kịch, thử thách bởi tà thuật, trong đó có sự góp mặt của Odile - con gái của gã phù thủy. Nhưng sau những dối trá, lẫn lộn và tha thứ, hoàng tử Siegfried và công chúa Odette cũng có một kết thúc hạnh phúc.

Nội dung Hồ Thiên Nga

Màn 1: Khu vườn trong lâu đài

Một khung cảnh bận rộn chuẩn bị cho sinh nhật Hoàng tử Siegfried. Những người bạn, giới quý tộc và quan chức triều đình nhảy múa chúc mừng Hoàng tử. Nữ hoàng đến mừng sinh nhật con trai với món quà là một chiếc cung Vàng và không quên nhắc nhở Hoàng tử đã đến lúc tìm kiếm người bạn đời cho mình. Chưa rung động trước một ai, Siegfried vẫn khát khao tìm kiếm cho mình một tình yêu đích thực. Màn đêm buông xuống. Nhìn thấy đàn thiên nga đang sải cánh trên mặt hồ xa xa, chàng cảm thấy vô cùng ấn tượng. Cầm chiếc cung Vàng, Hoàng tử thẳng bước đến ven hồ.

Màn 2: Ven hồ

Phù thủy Rothbart

Công chúa Odette

Hoàng tử Siegfried choáng ngợp bởi sự xuất hiện của công chúa Odette bị hóa thành thiên nga xà xuống mặt hồ. Cô cùng những người hầu của mình mắc vào lời nguyền của Rothbart, một sinh vật nửa người nửa chim, mang trong mình sức mạnh phù thủy. Các cô chỉ có thể trở lại làm người mỗi khi màn đêm buông xuống. Chỉ có lời thề của tình yêu đích thực mới có thể giải được lời nguyền này. Bằng tình yêu chân thành, Hoàng tử Siegfried đã khiến công chúa Odette tin tưởng trao trọn trái tim mình cho chàng. Nhưng sự ghen tuông đã khiến Rothbart tìm mọi cách chia rẽ hai người, đưa Odette ra đi, để lại Siegfried một mình với nỗi cô đơn và tuyệt vọng.

 

Màn 3: Lâu đài

Lễ kỷ niệm sinh nhật Hoàng tử. Đây cũng là thời điểm Siegfried sẽ lựa chọn người bạn đời của mình, trong số rất nhiều công chúa có mặt tại đó, để cùng trị vì ngôi báu. Không ai biết tình yêu bí mật Hoàng tử đã dành trọn cho Odette. Bỗng nhiên, một ánh chớp sáng lòa với sự xuất hiện của Rothbart và con gái Odile, mang vẻ đẹp giống hệt Odette. Nét quyến rũ của Odile đã làm Hoàng tử Siegfried say đắm và rơi vào vòng tay ma quái, đánh mất lời thề chung thủy với Odette. Khi tuyên bố lấy Odile làm vợ, Siegfried mới nhận ra sự hiểu lầm tai hại ấy qua tiếng cười của Rothbart và sự đau khổ đầy tuyệt vọng của Odette trong đôi cánh thiên nga. Chàng, giận dữ và thất vọng, chạy ra khỏi lâu đài để tìm đến với Odette.

 

 

Màn 4: Ven hồ

Tuyệt vọng, Odette trở về hồ nước cùng những nàng thiên nga. Còn Siegfried, lòng đầy đau khổ, chạy đến hồ nước để cầu xin Odette tha thứ. Nhưng Rothbart xuất hiện và cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác đã diễn ra. Cuối cùng, lời nguyền của Rothbart bị tình yêu chân thật của Siegfried và Odette phá vỡ. Những nàng thiên nga đã trở về với hình hài cô gái xinh đẹp. Hoàng tử Siegfried và Công chúa Odette hợp lại thành một cặp đôi hạnh phúc, mở đầu cho bình minh một ngày mới.

 

 

 

Chỉ đạo Nghệ thuật: ThS. NSƯT Trần Ly Ly

Âm nhạc: P.I.Tchaikovsky

Dựa theo tác phẩm: Lev Ivanov

Đạo diễn - Biên đạo múa: Lê Ngọc Văn

Chỉ huy Dàn nhạc: Đồng Quang Vinh

Thiết kế mỹ thuật: Hoàng Hà Tùng

Trợ lý đạo diễn: Minh Trang

Trợ lý biên đạo: NSƯT Phan Lương

Thiết kế phục trang: Ellie Vu

Thiết kế ánh sáng: Thanh Sơn

Kỹ thuật sân khấu: Chí Thanh

Vai chính:

Odette: Thu Huệ - Thu Hằng

Odile: NSƯT Như Quỳnh

Siegfried: NSƯT Đàm Hàn Giang

Solo Violin: Phạm Thanh Hà

Solo Oboe: Nguyễn Minh Ngọc

Cùng tập thể nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Học viện Múa Việt Nam, với sự tham gia của hơn 60 diễn viên múa và 60 nghệ sĩ tham gia dàn nhạc giao hưởng.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.