You are here

Nhà soạn nhạc không biết chơi piano

Tác giả: 
Thu Huệ

Hector Berlioz là một hiện tượng trong lịch sử âm nhạc, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại. Từ nhỏ, ông đã thông thạo nhiều nhạc cụ nhưng lại không biết chơi đàn piano.

Nhà soạn nhạc Hector Berlioz. Ảnh: nhaccodien.

Nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhà phê bình âm nhạc người Pháp Hector Berlioz đã có những đóng góp đáng kể vào việc cải tổ opera và sự phát triển của nhạc cổ điển. Di sản âm nhạc ông để lại là những bản nhạc bất hủ như Symphonie fantastique (Giao hưởng Ảo tưởng) và Romeo và Juliette...

Còn trong di sản văn chương, Hồi ký của Hector Berlioz (xuất bản năm 1870) được biết đến là cuốn sách được đón đọc và chuyển ngữ nhiều nhất. Cuốn sách là bản miêu tả vị trí quan trọng của nhà soạn nhạc này vào thuở bình minh trào lưu lãng mạn.

Bản chúc thư cá nhân của nhà soạn nhạc bị lãng quên

Ở Việt Nam, dự án chuyển ngữ và xuất bản cuốn sách này bắt đầu từ năm 2013. Dịch giả Lê Ngọc Anh dịch 51 chương đầu cùng 16 lá thư từ nguyên tác tiếng Pháp. Dịch giả Nguyễn Tuấn Anh dịch phần còn lại từ bản tiếng Anh. Dịch giả Cao Văn Bình là người hiệu đính. Còn nhà sưu tầm âm nhạc Nguyễn Ngọc Chi (tác giả cuốn Beethoven: Con người và nghệ sĩ) là người biên tập bản tiếng Việt.

Trong buổi hòa nhạc và giao lưu nhân dịp ra mắt cuốn hồi ký (tối 4/12 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, Hà Nội), nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Chi đánh giá cuốn hồi ký giống một bản chúc thư cá nhân vì ở đó, Hector Berlioz đã tự minh oan cho mình và để lại cho đời những tài sản có giá trị.

Đồng hành cùng cả nhóm thực hiện ấn phẩm hơn 600 trang với 59 chương này, ông Chi như được hòa mình vào cuộc đời Hector Berlioz và nhận thấy không có nhà soạn nhạc nào lại gây nhiều tranh cãi như Berlioz.

“Bị bỏ quên trong nửa đầu thế kỷ 20, âm nhạc của Berlioz đã được hồi sinh từ những năm 1960-1970. Ông đã tạo ra cuộc cách mạng âm thanh của dàn nhạc qua cách phối khí, khởi xướng ý tưởng theo phong cách lãng mạn: Kể chuyện bằng âm nhạc”, dịch giả Nguyễn Ngọc Chi nói.

Sách Hồi ký của Hector Berlioz. Ảnh: Thu Huệ.

Người kể chuyện bằng âm nhạc

Nhận xét về cuốn hồi ký này, nhà sưu tầm âm nhạc Nguyễn Ngọc Chi cho rằng Hector Berlioz là người kể chuyện có năng khiếu, trang viết của ông có sự đan xen nhiều thể loại văn học khác nhau, các lá thư và tường thuật tiểu sử được tác giả xếp cạnh các bài tiểu luận phê bình, các bài báo. Văn phong ông tự do, linh hoạt, bút pháp trôi chảy, dí dỏm nhưng lại châm biếm nhẹ nhàng, sâu cay.

Bên cạnh đó, Berlioz còn là một người “cô đơn vĩ đại, cô đơn ngạo nghễ trên đỉnh cao của sự nghiệp và cô đơn giằng xé dưới vực thẳm của tình yêu”. Ông luôn bị cô lập trong bối cảnh âm nhạc Pháp và vẻ đẹp kỳ dị trong tác phẩm của ông đã khơi dậy sự hoài nghi đến ghen ghét và đố kị tại quê hương mình.

Do đó, trong phần Lời nói đầu, Hector Berlioz giãi bày: “Người ta đã xuất bản và thỉnh thoảng vẫn tái bản tiểu sử của tôi với nhiều điều sai lạc và không chính xác đến mức rốt cuộc tôi nảy sinh ý tưởng tự mình viết ra những chuyện trong cuộc đời gian lao và sóng gió của mình”.

Ở đó, các chương và sự kiện đều được ông lồng ghép khéo léo theo trình tự thời gian. Đặc biệt, sự kết hợp giữa phần hồi ký và những lá thư đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc minh họa cho cuộc đời của Berlioz.

Qua đó, bạn đọc như được sống trong thời đại của Berlioz và tham dự các hoạt động âm nhạc sôi nổi, cùng có những phút giây lắng đọng để chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, niềm vui và nỗi buồn của nhà soạn nhạc nổi tiếng này.

Là cây bút và cũng là độc giả trung thành của dòng sách âm nhạc, nhà văn Hiền Trang khi đọc cuốn hồi ký này đã đi đến kết luận rằng nếu Hector Berlioz không sáng tác âm nhạc thì hẳn ông sẽ là một văn sĩ bậc thầy.

“Ta đôi khi ngỡ mình đang đọc một tiểu thuyết hơn là một tự truyện. Berlioz như sở hữu một thứ giả kim thuật, biến mọi ngôn ngữ qua tay ông đều hóa thành vàng ròng, hoặc giả ông là một kiến trúc sư tái dựng lại đời mình trong tòa nhà ngôn từ lộng lẫy như một cung điện Roccoco hoa mỹ, phù phiếm và ngông cuồng”, nhà văn Hiền Trang viết.

Nói Hồi ký của Hector Berlioz là một tổng tập phê bình âm nhạc cũng không sai bởi trong sách, ta bắt gặp những nhân vật tầm cỡ mà tác giả đã tự mình vẽ nên chân dung họ như Liszt, Wagner, Balzac, Weber, Rossini...

Ở phần cuối, ông dẫn bạn đọc tìm về cuộc gặp gỡ với những người chốn cũ. Nơi ấy có cả Estelle, người yêu thời thơ ấu của ông, người mà ông đã tìm thấy sau 49 năm vắng bóng. Những xúc cảm của mối tình đơn phương thôi thúc ông đặt bút viết những trang thư cuối đời mình. Bởi thế, có thể coi cuốn sách không chỉ là bản chúc thư sự nghiệp mà còn là bản chúc thư về tình yêu của Berlioz.

Theo ông Cao văn Bình, người hiệu đính cuốn sách, đây là một tác phẩm không thể thiếu với những ai quan tâm và yêu mến Berlioz hay đang nghiên cứu về âm nhạc của ông. Cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc và tổng quát hơn về một Hector Berlioz tài năng nhưng lại cô đơn và nổi tiếng với biệt danh “nhà soạn nhạc không biết chơi piano”.

(Nguồn: https://zingnews.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.