You are here

Nhà thơ - họa sĩ Văn Thao: Sự thật về tình bạn giữa Văn Cao và Phạm Duy

Tác giả: 
Hồn Việt
AttachmentSize
Image icon 005tinhkhucvancaojpg1372382379.jpg84.15 KB

Nhân kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (15-11-1920), Hồn Việt đã hỏi chuyện con trai ông, nhà thơ - họa sĩ Văn Thao, để hiểu rõ hơn thực chất tình bạn giữa hai nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy. Một tình bạn mà truyền thông lâu nay vẫn ca ngợi với những lời có cánh như là một “Tình bạn tri kỷ” và vẫn luôn cố tình xếp hai người cùng đứng bên nhau trong nhiều chương trình văn nghệ…

* HV: Người đời nói nhiều về tình bạn giữa nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy. Có nhiều điều thiếu chính xác. Xin ông cho biết sự thật về mối quan hệ đó giữa Văn Cao và Phạm Duy?

- Nhà thơ - họa sĩ VĂN THAO: Mùa xuân năm 1944, Phạm Duy theo gánh hát cải lương Đức Huy Charlot Miều mới được thành lập và xuống Hải Phòng biểu diễn ra mắt lần đầu tiên. Trong gánh hát, lúc đầu Phạm Duy chỉ là một anh chàng chuyên làm những công việc tạp vụ: dọn phông màn, bán vé, xếp chỗ ngồi, vẽ quảng cáo… Sau một vài đêm diễn, phát hiện Phạm Duy có một giọng hát hay, ông chủ gánh hát bèn bổ sung tiết mục, cho Phạm Duy ra hát lấp chỗ trống trong thời gian thay cảnh. Lần đầu được đứng trên sân khấu, với phong cách cách lãng tử và một giọng ca bẩm sinh ấm áp, qua hai tác phẩm: Bản đàn xuân của Lê Thương, Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong, Phạm Duy đã gây được ấn tượng trong lòng khán giả. Qua một số người bạn ở Hải Phòng, Phạm Duy biết tới những sáng tác của Văn Cao. Những ngày sau đó, bài hát Buồn tàn thu của Văn Cao đã được Phạm Duy biểu diễn và được khán giả Hải Phòng ghi nhận.

Phạm Duy gặp Văn Cao khi đó chỉ là một ca sĩ mới vào nghề, có một sáng tác đầu tay chưa được ai biết là bài Cô hái mơ (1942), phổ thơ Nguyễn Bính. Trong khi đó Văn Cao đã là một nhạc sĩ nổi tiếng Hải Phòng trong nhóm Đồng Vọng với hàng loạt ca khúc: Buồn tàn thu (1939), Thiên thai (1941), Trương Chi (1942), Suối mơ (1942), Thu cô liêu (1942), Bến xuân (1943), Cung đàn xưa (1943)… Cho nên không có chuyện “một vài bài hát… Văn Cao sáng tác cùng với Phạm Duy” như một số người đã đề cập.

Cuộc gặp gỡ lần đầu giữa Văn Cao với Phạm Duy mới được “dăm bữa, nửa tháng” chưa đủ để Văn Cao hiểu rõ về Phạm Duy. Tuy nhiên, Văn Cao đã nhìn thấy trước được “tiềm năng âm nhạc” trong con người Phạm Duy, vì thế ông đã động viên và khuyên “…mày nên đi vào sáng tác…”.

Còn Phạm Duy, trong hồi ký của mình, ông đã viết “…Trong thời gian ở Hải Phòng… tôi có cái may mắn gặp một người bạn. Người đó là Văn Cao”.

Sau gần hai tháng biểu diễn tại Hải Phòng, Phạm Duy tạm biệt Văn Cao cùng gánh hát Đức Huy tiếp tục cuộc hành trình từ Bắc vào Nam. Trong hành trang của mình, Phạm Duy đã có thêm một số tác phẩm của Văn Cao.

Sau hai năm gắn bó với gánh hát Đức Huy du ca khắp mọi miền đất nước, trung tuần tháng 6-1945, Phạm Duy rời bỏ gánh hát để trở thành ca sĩ tự do tại Sài Gòn. Cuối tháng 10-1945, Phạm Duy ra Hà Nội. Gặp lại Văn Cao, mới biết Văn Cao là tác giả của bài Tiến quân ca và một loạt ca khúc cách mạng khác như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam… Gặp Văn Cao và một số bạn bè cùng giới tại một số tụ điểm âm nhạc tại Hà Nội lúc đó, Phạm Duy đã là một ca sĩ thành danh và cũng đã có những sáng tác ban đầu được ghi nhận như: Chinh phụ ca, Cây đàn bỏ quên, Gươm tráng sĩ, Khối tình Trương Chi. Tuy nhiên với Văn Cao, Phạm Duy đã phải cảm phục thốt lên “Văn Cao thật là một con người tài hoa. Nhạc tình của nó hay, nhạc hùng của nó cũng hay không kém như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam…” (Hồi ký Phạm Duy, quyển 2, chương 4, 5).

Đầu năm 1946, Phạm Duy gia nhập đội quân Nam tiến vào chiến trường miền Nam, chiến đấu tại mặt trận Bà Rịa-Vũng Tàu. Cuối tháng 10-1946, Phạm Duy lại trở ra Hà Nội, lang thang và hát tại một số phòng trà. Ngày 19-12- 1946 (Toàn quốc kháng chiến), Văn Cao gặp Phạm Duy tại phố Huế, ông trao cho Phạm Duy một tấm giấy, giới thiệu Phạm Duy về công tác tại Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam tại chùa Trầm. Được “dăm bữa, nửa tháng”, Phạm Duy lại bỏ đài để gia nhập đoàn kịch Giải Phóng của họa sĩ Phạm Văn Đôn.

Đầu tháng 5-1947, đoàn kịch Giải Phóng lên đến Lao Kay, Phạm Duy gặp lại Văn Cao.

Văn Cao lên Lao Kay từ đầu năm 1947, phụ trách Đội điều tra Công an Liên khu X. Ông mở một quán ca nhạc, có tên là quán Biên Thùy bên kia cầu Cốc Lếu để làm vỏ bọc cho những hoạt động của mình. Tình hình Lao Kay lúc đó rất phức tạp, là một tỉnh biên giới với Trung Quốc, là địa bàn hoạt động của bọn phản động Quốc dân đảng, bọn thổ phỉ, bọn buôn lậu và còn là tỉnh lỵ tập trung đông dân tản cư từ khắp mọi miền của đất nước, vì vậy quán Biên Thùy trở thành một tụ điểm sinh hoạt văn hóa nơi biên ải. Với uy tín của mình Văn Cao đã thành lập được một ban nhạc, tập hợp nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ có tên tuổi từ Hà Nội, Hải Phòng lên biểu diễn phục vụ khách hàng thâu đêm. Gặp Văn Cao tại quán Biên Thùy với một không gian âm nhạc ấm cúng, lãng mạn, Phạm Duy liền bỏ đoàn kịch Giải Phóng và rủ luôn cả ca sĩ Mai Khanh cùng nhạc sĩ Ngọc Bích ở lại với Văn Cao. Phạm Duy hát tại quán Biên Thùy của Văn Cao gần ba tháng thì lại cùng Ngọc Bích chia tay Văn Cao ra đi. Cuộc chia tay giữa hai người lần này không vui vẻ lắm vì trong thời gian này Phạm Duy “phải lòng” một cô gái nhảy xinh đẹp là nhân viên hoạt động trong đội điều tra của Văn Cao. Không chấp nhận được điều đó, Văn Cao tức giận, đuổi Phạm Duy đi. Trước khi dứt tình ra đi, Phạm Duy đã để lại cho người đẹp nơi biên ải một tình khúc nổi tiếng là bài Bên cầu biên giới (trong cuốn Phạm Duy còn đó nỗi buồn, Tạ Tỵ có viết về sự kiện này).

Có thể nói, gặp Văn Cao lần này, Phạm Duy không chỉ là ca sĩ mà còn là một nhạc sĩ đã thành danh. Văn Cao coi Phạm Duy là một người bạn đồng nghiệp. Hai người đã có thời gian để bàn bạc, trao đổi với nhau nhiều về nghệ thuật, hiểu rõ về nhau hơn, vì thế, ông đã thẳng thắn khuyên Phạm Duy: “Thế mạnh của mày là ở dân ca. Hãy khai thác và đưa chất liệu dân ca vào những sáng tác của mình. Tao tin mày sẽ thành công. Cần tìm cho mình một con đường, một phong cách riêng…”.

Sau cuộc gặp gỡ này, hàng loạt những ca khúc của Phạm Duy đã ra đời. Năm năm đi theo kháng chiến, với hơn 40 ca khúc, Phạm Duy đã trở thành một trong những nhạc sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong giai đoạn đó. Có thể kể ra một số bài điển hình như: Nhạc tuổi xanh, Gánh lúa, Nương chiều, Bà mẹ quê, Phố buồn, Bà mẹ Gio Linh, Bên cầu biên giới, Tiếng đàn tôi, Quê nghèo, Về miền Trung…

Cuối năm 1949, tại Thanh Hóa, Phạm Duy lấy vợ là ca sĩ Thái Hằng, em nhạc sĩ Phạm Đình Viêm. Giữa năm 1950, vợ chồng Phạm Duy được triệu tập lên Việt Bắc dự Đại hội Văn nghệ. Phạm Duy gặp lại Văn Cao. Đây là cuộc gặp cuối cùng giữa hai người để rồi họ xa nhau mãi mãi…

Sau Đại hội Văn nghệ, Phạm Duy trở về Thanh Hóa. Ngày 1-5-1951, Phạm Duy cùng gia đình từ bỏ kháng chiến, “dinh tê” về Hà Nội, rồi vào Sài Gòn sinh sống.

Tuy mỗi người ở một phương trời khác nhau nhưng Phạm Duy luôn kính trọng Văn Cao, coi ông là một nhạc sĩ lớn có nhiều ảnh hưởng trong sự nghiệp sáng tác của mình. Phạm Duy là người có công truyền bá các nhạc phẩm của Văn Cao đến với công chúng trên mọi miền đất nước. Nhiều tác phẩm của Văn Cao được ông đem ra phân tích và ca ngợi. Đặc biệt với bài Trường ca sông Lô ông đã viết: “Trường ca sông Lô là một tác phẩm vĩ đại. Thằng bạn này vẫn là kẻ khai phá. Nó là cha đẻ của loại trường ca. Về hình thức, bài của nó chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây phương”. Sau này ở miền Nam, trong một lần được mời sang Mỹ giảng dạy về Âm nhạc phương Đông, Phạm Duy đã phát biểu: “Tôi được vinh dự này, xin cảm ơn một người bạn và cũng là một người thầy của tôi là nhạc sĩ Văn Cao hiện đang sống ở miền Bắc Việt Nam”.

Đầu năm 2000, Phạm Duy về nước. Cha tôi không còn nữa. Gặp tôi, ông nói: “…Tao luôn ganh đua với bố mày. Bố mày có Thiên thai, tao cũng có Tiếng sáo Thiên thai. Bố mày có Trương Chi, tao cũng có Khối tình Trương Chi. Bố mày có Trường ca sông Lô, tao cũng có Tiếng hát sông Lô. Bố mày giỏi quá. Tao không thể bằng được”.

Cuộc gặp này khiến tôi hiểu ra một điều - không giống nhiều người khác, Phạm Duy không có tính đố kỵ.

Còn Văn Cao, đối với Phạm Duy ông đã từng khẳng định “Muốn nói gì thì nói, Phạm Duy vẫn là một nhạc sĩ lớn. Nó là người có công trong việc sử dụng các chất liệu dân ca đưa vào những sáng tác của mình một cách sáng tạo, mở ra một con đường cho các nhạc sĩ sau này đi theo. Không thể phủ định nó trong lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam”.

* Nghe nói chính nhạc sĩ Phạm Duy là người đã treo lá cờ đỏ sao vàng và hát bài Tiến quân ca trong cuộc mít tinh ngày 17-8-1945?

- Tôi khẳng định không có chuyện đó vì:

Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy rời Hải Phòng vào cuối mùa xuân năm 1944 để tiếp tục cuộc hành trình lưu diễn từ Bắc vào Nam. Theo hồi ký của Phạm Duy thì “…Vào đầu tháng 8-1945, ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng, tôi nghe tin từ Hà Nội đưa vào: Một mặt trận chính trị mang cái tên là “Việt Nam Độc lập Đồng minh” đứng ra kêu gọi dân chúng làm cuộc tổng khởi nghĩa…”,  “tới ngày 19-8-1945 có tin Cách mạng do Việt Minh lãnh đạo đã thành công ở miền Bắc…” (tập 2, chương 3).

Như vậy có thể khẳng định, trong những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử, Phạm Duy không có mặt tại Hà Nội.

Vậy mà không hiểu vì sao, nhà văn Thụy Khuê (sống và làm việc tại Pháp) đã từng đọc rất kỹ cuốn Hồi ký Phạm Duy mà vẫn còn cố tình gán cho Phạm Duy là người đã “buông lá cờ đỏ sao vàng [trên bao lơn Nhà hát Lớn] và xuống cướp loa phóng thanh hát [bài Tiến quân ca]”.

Thụy Khuê đã trích dẫn hồi ký của nhạc sĩ Văn Cao về bài Tiến quân ca in trên tạp chí Sông Hương số 26 tháng 7&8 năm 1987 để gán cho Phạm Duy là người có công tham gia trực tiếp trong những ngày Cách mạng tháng Tám - điều mà chính Phạm Duy cũng không dám nghĩ đến!

Cha tôi viết hồi ký Tại sao tôi viết Tiến quân ca? vào ngày 7-7-1976 tại Hà Nội. Một nhân vật trong hồi ký mà cha tôi viết tắt nguyên là chữ “Ph.Đ”. Do lỗi đánh máy, Sông Hương in mất dấu thành “Ph.D”. Vì vậy mới có chuyện để nhà văn Thụy Khuê suy diễn thành Phạm Duy…

Ông đã viết: “Lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn Nhà hát Lớn xuống. Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất lên vang theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một lúc, những tờ bướm in bài Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít tinh.

Tôi đứng lẫn vào đám đông quần chúng trước cửa Nhà hát Lớn. Tôi đã nghe giọng hát quen thuộc của bạn tôi, anh Ph.Đ. qua loa phóng thanh. Anh là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia và xuống cướp loa phóng thanh hát. Con người trầm lặng ấy đã có sức hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó, cũng là người hát trước quần chúng lần đầu tiên, và cũng là một lần duy nhất”…

Thụy Khuê ở nước ngoài, đã tiếp xúc Phạm Duy nhiều lần, từng gặp gỡ nhiều những nhân vật có tên tuổi trong và ngoài nước để phỏng vấn… Đó là công việc cần thiết của một nhà văn cho những sáng tác. Nghiên cứu tư liệu phục vụ cho những trang viết của mình, đặc biệt là những tư liệu liên quan tới những nhân vật nổi tiếng có gắn với những sự kiện lịch sử của dân tộc thì cần thiết phải có một cái tâm trong sáng, trung thực, khách quan và thận trọng trong từng trang viết. Một nhà văn “nổi tiếng” như Thụy Khuê chẳng nhẽ lại không hiểu?

“Ph.Đ” là Phạm Đức - người làng Kim Liên, Hà Nội. Một làng nghề có truyền thống cắt tóc. Gia đình Phạm Đức có một tiệm cắt tóc tại Hải Phòng. Phạm Đức người bé nhỏ, điềm đạm, có nước da ngăm đen nên bạn bè thường gọi là Đức đen. Phạm Đức yêu âm nhạc, biết đánh đàn piano. Sau này ông thường lên thăm cha tôi tại 108 Yết Kiêu, bao giờ cũng có quà cho anh em tôi. Những lúc cha tôi vắng nhà, lại thấy ông ngồi vào cây đàn của cha tôi đánh một cách say sưa. Văn Cao, Phạm Đức, Doãn Tòng, Đỗ Hữu Ích, Chương Đức Chính, Tín híp, Trần Liễn… chơi thân với nhau từ khi còn học tiểu học (sau này thêm Nguyễn Đình Thi). Đây cũng là những người được ông Vũ Quý, một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật tại Hải Phòng, giác ngộ, đưa vào tổ chức Thanh niên Cứu quốc từ năm 1942. Về sau, những người bạn này đều tham gia vào đội Danh dự Việt Minh (đội trừ gian) do Văn Cao phụ trách.

Kể lại cho tôi nghe sự kiện này, tôi thấy giọng cha tôi nghèn nghẹn: “…Bố bất ngờ nhất là việc bác Đức đen nhảy xuống cướp loa phóng thanh, hát vang bài Tiến quân ca. Và hàng vạn quần chúng nhân dân cùng đồng thanh hát ầm vang cả quảng trường. Nước mắt bố trào ra… Vậy mà, sau này vẫn có người nhận mình là người treo cờ hôm đó”. Cha tôi lặng đi. Chén rượu trên tay run rẩy…

* Nhạc sĩ Văn Cao đã nhận xét về thái độ chính trị của Phạm Duy “Ai cũng có điểm dừng, chỉ có Phạm Duy là không có giới hạn” ý nói về những bài ca, những phát ngôn của Phạm Duy (ở Sài Gòn và ngoại quốc). Ông có nhận xét gì về những nhận xét đó của cha mình?

- Cha tôi đã nhận xét đúng về Phạm Duy. Về một khía cạnh nào đó mà tôi được biết, nhận xét này của ông còn có phần nương nhẹ đối với Phạm Duy.

* Cụ Văn Cao ủng hộ cho việc Phạm Duy về nước. Ông có bình luận gì về việc đó?

- Từ những năm đầu của thập kỷ 1990, đã có tin đồn về việc Phạm Duy xin về nước, đến năm 1994 thì thấy bà Thái Hằng (vợ Phạm Duy) về và đến thăm cha tôi. Khi đó gia đình tôi mới biết tin Phạm Duy xin về nước là chính xác. Sau đó ít lâu, một cán bộ cấp cao bên ngành an ninh đã đến gặp cha tôi hỏi ý kiến. Cha tôi nói “Phạm Duy là một nhạc sĩ có tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước ta. Không thể phủ nhận được những tác phẩm của ông ta trong nửa đầu của cuộc kháng chiến. Nó là thằng bạn cũ của tôi. Tôi hiểu nó. Giờ đây Phạm Duy đã gần 80 tuổi rồi, còn làm gì được nữa đâu…”.

Việc cha tôi ủng hộ cho Phạm Duy về nước là đúng.

* Sự nghiệp sáng tác của Văn Cao thật đồ sộ. Nhận xét của ông về tranh và minh họa của Văn Cao, có gì độc đáo? Những bức vẽ đó hiện đang ở đâu?

- Cha tôi hoạt động nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: văn, thơ, nhạc, họa. Sự nghiệp của ông là ở chính những tác phẩm của mình, mọi người đều biết. Hãy để cho giới chuyên môn đánh giá thì khách quan hơn.

Văn Cao tự học vẽ từ nhỏ. Ông chuyên vẽ sơn dầu. Đầu năm 1944, lần đầu tiên Văn Cao có ba bức tranh: Cuộc khiêu vũ của những người tự tử, Những đứa trẻ ăn mày, Tuổi dậy thì, được trưng bày tại triển lãm Salon Unique tại nhà Khai Trí Tiến Đức cùng với các bậc thầy của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tranh của ông được giới họa sĩ đánh giá cao về bút pháp và màu sắc. Đặc biệt là bức Cuộc khiêu vũ của những người tự tử đã được báo chí ca ngợi hết lời. Văn Cao vẽ không nhiều, số lượng tranh ông vẽ trước Cách mạng và trong kháng chiến có thể đếm trên đầu ngón tay, đến nay đã bị thất lạc hết. Tuy nhiên nhiều bức tranh nổi tiếng của ông như: Cô gái đan len, Thái Hà ấp đêm mưa, Lớn lên trong kháng chiến, Cây đàn đỏ… vẫn còn được mọi người nhắc đến. Sau này về Hà Nội, mãi đến năm 1961 ông mới vẽ lại… nhưng cũng chỉ được hơn một chục bức, vì không có đủ tiền mua toan và màu vẽ. Văn Cao vẽ trong tiếng vọng hoài niệm tìm đến vẻ đẹp của thẩm mỹ siêu thực với bút pháp phóng khoáng, mạnh mẽ, chủ động trong đường nét và bố cục. Những chuyển động mạnh của màu sắc trong những mảng miếng lập thể đã gây ấn tượng cho người xem. Tranh của Văn Cao luôn vượt ra khỏi sự gò bó của khung tranh. Những bức tranh nổi tiếng của ông trong thời kỳ này như Chân dung nhà văn Đặng Thai Mai, Chân dung cà phê Lâm, Dân quân Mèo, Người Mèo say rượu, Cô gái đánh dương cầm… đã làm cho giới mỹ thuật kinh ngạc và cảm phục. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đã viết: “…Những cái nhìn hội họa ở anh có địa vị dẫn đường và chi phối…”. Tuy nhiên, tranh của ông vẽ ra hầu như không bán được. Ông thường tặng bạn bè và bán rẻ cho một số nhà sưu tập lấy một số tiền ít ỏi để trang trải cho cuộc sống. Thời chiến tranh, đời sống khó khăn, mấy ai có tiền để mua tranh. Văn Cao phải nhận vẽ bìa sách, minh họa để kiếm sống nuôi gia đình. Trong lĩnh vực này, “Chính Văn Cao và vài ba người nữa, vào những năm 60 đã mở một thẩm mỹ mới cho minh họa và bìa sách. Những đề xuất của anh về một ngữ pháp mới cho đồ họa theo tôi, đến nay vẫn còn khả năng khai thác và biến thể một ngôn ngữ nữa. Có thể nói Văn Cao đã lập được trường phái minh họa và bìa sách. Nhiều minh họa của anh trên báo Văn nghệ phải gọi là xuất sắc… Ta dễ dàng nhận ra những sáng tối tương phản, những đậm nhạt thầm lặng, những đường viền nặng nề rồi bỏ quãng trôi chìm vào bóng tối, những chữ sắc nét như dao trổ, những hình tượng đẩy dồn về phía trước, những không gian tượng trưng… Văn Cao tỏ ra nhạy bén về cảm xúc, và tinh tường trong quan sát” (Thái Bá Vân).

Trong những minh họa của mình, ông chỉ ký một chữ Văn, nhưng mọi người đều nhận ra minh họa của Văn Cao. Ông từng giải thích với tôi: “Mỗi minh họa của bố là một bức tranh đen trắng. Nó chưa hoàn chỉnh vì chỉ là những phác thảo cho những bức tranh sơn dầu sau này nếu như bố còn thời gian. Vì thế bố chỉ ký một nửa tên của mình”.

Tiếc rằng ông không còn nữa để có thể hoàn thiện hàng trăm bức minh họa của mình thành những những bức tranh và ký vào đấy hai chữ: Văn Cao.

Tác giả: Hồn Việt

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.