You are here

Nhạc kịch thuần Việt, "phản cổ tích" ra mắt dịp Tết thiếu nhi

Tác giả: 
Thanh Vân

Vở kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" là món quà giải trí độc đáo, bổ ích cho trẻ em trong dịp hè này.

Tại thị trường Việt Nam, nhạc kịch là một thể loại còn khá mới mẻ, đặc biệt là nhạc kịch cho trẻ em. Một số vở từng được dàn dựng và công diễn trước đây như "Dế mèn", "Tấm cám"... đều nhận được sự hưởng ứng lớn của trẻ em do kịch bản gần gũi, thông điệp đơn giản. Đặc biệt, cách thức vừa diễn, vừa hát múa và tương tác với trực tiếp đã khiến nhạc kịch trở nên hấp dẫn hơn với trẻ em.

Dịp hè này, khán giả nhí sẽ được thưởng thức vở nhạc kịch thuần Việt "phản cổ tích" mang tên "Ông lão đánh cá và con cá mập".

Nói thuần Việt là bởi, toàn bộ kịch bản cũng như ekip sản xuất, diễn viên, đạo diễn... đều là người Việt. Có thể kể đến những cái tên "cầm trịch" như Cố vấn nghệ thuật NSƯT Trần Ly Ly, biên kịch "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng, đạo diễn sân khấu Vũ Đình Thắng, sản xuất âm nhạc - nhạc sĩ Văn Phong, Minh Phương, họa sĩ phục trang NSND Vương Tất Lợi...

Nói "phản cổ tích" là bởi, vở nhạc kịch được lấy cảm hứng từ tuyến nhân vật, tình tuyết trong tác phẩm kinh điển "Ông lão đánh cá và con cá vàng" nhưng đã táo bạo thay đổi, đảo chiều nhân vật so với bản gốc nhằm tạo ra một phiên bản cổ tích hiện đại, gần gũi với đời sống hôm nay. Từ đó, đưa tới một góc nhìn mới, độc lập và phản biện hơn cho người xem, đặc biệt là các em nhỏ.

Cá vàng với điều ước trên trời rơi xuống trong cổ tích xưa chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc đúng nghĩa. Ngược lại, nhân vật cá mập vốn được mặc định là “vai ác” lại gây bất ngờ và khó đoán khi lại là người tốt.

“Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng, biên kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" chia sẻ: “Nhạc kịch được tôi viết dựa trên nền tảng truyện cổ tích "Ông lão đánh cá và con cá vàng", do vậy khán giả nhí sẽ nhận ra những nhân vật vừa quen thuộc lại vừa lạ. Các em nhỏ bây giờ không còn giống như thế hệ chúng tôi trước đây, thế giới phẳng và sự phát triển của công nghệ, sự vượt trội về tư duy khiến các em có góc nhìn khác, cảm thụ cũng khác đòi hỏi những người làm về văn hóa giải trí cũng phải “xoay 180 độ” mới có thể theo kịp và tiếp cận được”.

Với tổng thời lượng khoảng 45 phút, nhạc kịch có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ có giọng hát đầy nội lực nhưng lần đầu tiên thử sức trong loại hình sân khấu nhạc kịch như: ca sĩ Đông Hùng (cá mập bố), ca sĩ Trung Dũng (ông lão), ca sĩ Thu Hiền VK (bà lão)... Đặc biệt là sự quy tụ của rất nhiều tài năng nhí hóa thân vào tuyến nhân vật Cá mập con, Cá Hề, Cá Vàng, Cá Bạc, Cá Khuyến Khích, nhóm Phù Du...

Việc đưa trẻ em vào diễn cho trẻ em là cách làm không mới nhưng luôn hiệu quả, từ đó tạo ra sự gần gũi, dẫn dắt các em đi vào "thủy cung của các loài cá" một cách tự nhiên và dễ dàng truyền tải thông điệp của vở kịch hơn. Bên cạnh đó, những khoảnh khắc hài hước, những màn gây cười cũng sẽ trở nên thú vị, bất ngờ hơn.

Dàn diễn viên nhí tài năng của "Ông lão đánh cá và con cá mập".

Tham gia dự án ở góc độ Cố vấn nghệ thuật - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “Dựa trên cốt chuyện cổ tích kinh điển, vở nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" được thể hiện dưới góc nhìn và hình thức mới mẻ để tiếp cận các em thiếu nhi, đồng thời lồng ghép vào đó những thông điệp nhân văn một cách tinh tế, khéo léo; qua đó giáo dục các em về tình người, về lòng nhân ái, khuyến khích các em nhỏ không ngừng mơ ước và nỗ lực lao động để thực hiện ước mơ của chính mình”.

Thông qua vở kịch, ekip cũng muốn chia sẻ và đồng cảm với ước mơ của em nhỏ trong thời điểm trẻ em đang phải chịu rất nhiều áp lực, đôi lúc rơi vào cảnh bế tắc.

"Giáo sư Xoay" cho biết thêm, nếu muốn hiểu được con em thì phụ huynh cũng phải trở thành trẻ em: “Con xem gì tôi cũng xem, để phát hiện ra điều gì khiến các con mê mẩn, xem không chán như vậy. Cái khó nhất với trẻ nhỏ là khiến các con thích mà vẫn giáo dục và định hướng được. Vì vậy, khi bắt tay vào viết kịch bản vở nhạc kịch này là một bài toán khó với bản thân tôi. Lần mò, xoay trở, đánh vật mấy tháng, tôi cũng hoàn thành với tinh thần mình phải là một đứa trẻ".

Ekip sản xuất cũng mong muốn, bên cạnh yếu tố giải trí, vở nhạc kịch cũng sẽ có những tác động nhất định với phụ huynh để có thể thấu hiểu và đồng cảm với những ước mơ dù đôi khi viển vông của con em mình hơn.

Vở nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" sẽ được công diễn trong hai đêm (1/6 và 2/6/2022) tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội)./.

(Nguồn: https://vov.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.