You are here

Nhạc sĩ Huy Du: Chuyện đời và nhạc (phần 1)

Tác giả: 
Huy Du

Vào những năm 2000, Viện Âm nhạc đã tổ chức định kỳ hàng tháng sinh hoạt khoa học và tự thuật về âm nhạc có tên gọi Câu lạc bộ tác giả - tác phẩm. Mục đích của hoạt động này nhằm tìm hiểu một cách chân xác đời sống và những suy tư sáng tạo tác phẩm âm nhạc cũng như công trình nghiên cứu âm nhạc của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam do chính các nhạc sĩ trò chuyện chia sẻ. Trong 5 năm hoạt động, câu lạc bộ đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của nhiều nhạc sĩ trong nước như: Tô Vũ, Phong Nhã, Phan Huỳnh Điểu, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, La Thăng, Doãn Nho, Vĩnh Cát, Huy Thục, Văn Dung, Phó Đức Phương, Vũ Nhật Tân… và một số nhạc sĩ người Việt ở nước ngoài: Trần Văn Khê, Phạm Duy, Nguyễn Thiên Đạo... Đến nay Câu lạc bộ tác giả - tác phẩm đã dừng sinh hoạt tròn 17 năm, nhiều nhạc sĩ đã ra đi vĩnh viễn, nhưng những câu chuyện về cuộc đời và tác phẩm của họ vẫn còn mãi với thời gian.

Xin giới thiệu lần lượt tới độc giả nội dung những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tác giả - tác phẩm thời kỳ đó để hiểu thêm về các nhạc sĩ Việt Nam cùng những tư duy sáng tạo âm nhạc của họ. Website Hội Nhạc sĩ đã đăng bài nói chuyện của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Lần này là buổi gặp gỡ nhạc sĩ Huy Du tại Viện Âm nhạc năm 2003.

Những chia sẻ về cuộc đời và tác phẩm

Tôi xin cảm ơn Viện Âm nhạc đã quan tâm đến việc tổ chức những buổi gặp mặt thế này, xin cảm ơn các anh chị em đã đến dự để nghe những tâm sự, chia sẻ về cuộc đời và tác phẩm của tôi vì chúng ta có thể sống với nhau mấy chục năm nhưng không phải đã hiểu hết về nhau về những suy nghĩ trong quá trình “thai nghén” những tác phẩm âm nhạc của tôi.

Nhân có buổi trò chuyện hôm nay, tôi dành chút thời gian nói về những kỷ niệm tuổi thơ, quá trình tham gia hoạt động âm nhạc và những câu chuyện xoay quanh các tác phẩm của tôi để con cháu sau này biết và cũng mong các anh chị em lắng nghe và góp ý cho cuốn hồi ký tôi sắp ra mắt.

Đây là một dịp khá đặc biệt vì năm nay tôi gần 80 tuổi và anh Trọng Loan cũng đã 80 rồi cũng khó để biết trước sau này ra sao nên xin mời anh chị em nghe một trích đoạn hồi ký của tôi:

Thời gian trôi qua đi kể từ lúc tôi mở mắt chào đời đến nay đã gần 80 năm rồi. Ở tuổi như tôi - khi con đường tiến lên phía trước cứ ngắn dần, thường quay về sống với dĩ vãng, sống với những kỷ niệm đã ăn sâu vào tiềm thức từ tuổi ấu thơ. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ đến cái ngõ Tố Tịch ngắn ngủi chạy xuyên từ phố Hàng Gai sang phố Hàng Quạt, nơi tôi đã sống lúc tuổi ấu thơ.

Lúc đó tôi còn rất nhỏ tuổi, bởi theo bố tôi là một nhà giáo kể lại: năm 1928 bố tôi mới chuyển về đây dạy học ở đất Hà Thành, mà tôi sinh ra vào năm 1926 ở một làng quê vùng Kinh Bắc, cái làng quê nằm bên bờ sông Đuống thuộc phía Bắc phần của tỉnh Bắc Ninh. Bên kia sông là cái làng Hồ nổi tiếng vẽ những bức tranh Đông Hồ vẽ trên giấy dó. Hai - ba tuổi là cái tuổi mới bắt đầu chập chững nhận thức được cái thế giới bé nhỏ ở xung quanh mình. Tôi chỉ còn nhớ mang máng nhà tôi ở bên trong, qua cái sân nhỏ là ra ngoài trông ra đường là hàng thợ tiện, có cái máy tiện thô sơ bằng gỗ chạy xình xịch suốt ngày đêm.

Cái thế giới xung quanh tôi được mở ra dần dần theo năm tháng, từ căn nhà nhỏ bé tôi đã dần dần tiếp xúc với hè ngõ phố cùng lũ trẻ con hàng xóm, kết bạn rủ nhau lân la đi khám phá cái thế giới xung quanh mình. Trên dọc hè ngõ Tố Tịch, đâu đâu cũng chỉ thấy đầy những vỏ bào trắng xóa vương vãi bên hè phố. Cái ngõ Tố Tịch xưa kia là nơi sinh sống của các hàng thợ tiện chuyên sản xuất những đồ thờ cúng bằng gỗ, từ những bát nhang, những chiếc lư hương, những chiếc khay tròn đựng hoa quả cho đến đồ chơi của lũ trẻ con thời ấy, những con yêu có rãnh chạy trên trông rất thích, vô cùng yêu thích.

Theo thời gian lớn dần lên, tôi đã mò ra đầu phố Hàng Gai dán mắt vào các cửa hàng để xem những vòng hoa làm bằng hạt cườm lóng lánh bán cho những nhà có đám, thời ý có lẽ người ta ít dùng hoa thật như ngày nay để phúng viếng đám ma. Từ đầu phố Hàng Gai rẽ ra phố Hàng Đào để xem những người Ấn Độ đội mũ tròn như cái ấm ngồi trước cửa hàng bán vải đủ màu sắc. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi khi tôi lần mò dọc Hồ Gươm ra tận phố Tràng Tiền, ở đó có một nhà hàng rộng lớn, cửa kính trong suốt. Cửa hàng tên gọi Taverne Royale.

Tôi mê mẩn dán mắt vào cửa kính xem một dàn nhạc dây phát ra âm thanh trầm bổng. Tôi còn nhớ trong dàn nhạc ấy gồm toàn người Pháp, trong đó có một người Việt dáng cao cao đứng ôm cái đàn bập bùng theo nhịp phách để cho những chiếc đàn dây réo rắt phát ra những làn điệu âm thanh mê mẩn lòng người và cũng chính cái dàn nhạc ấy đã tạo cho tôi một giấc mơ đi vào con đường âm nhạc sau này. Có một điều lý thú về cái ông người Việt trong dàn nhạc Tây ở Taverne Royale (nay là Trung tâm Thông tin triển lãm Hà Nội) thuở ấy mà tôi ngưỡng mộ lại là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát mà trong kháng chiến chống Pháp tôi được gặp anh tại trường Thiếu sinh quân Liên khu III khi tôi dạy nhạc ở đó. Sau này tôi lại công tác cùng với anh ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi anh làm Chủ tịch Hội và tôi làm Tổng thư ký cho đến lúc anh vĩnh biệt chúng tôi đi vào cõi vĩnh hằng cùng tiếng chuông nhà thờ anh viết trong thời kỳ chống Pháp.

Từ khi được nghe dàn nhạc thính phòng ở Taverne Royale thuở ấy tôi luôn mơ ước có được một cây đàn violon, nhưng làm sao mà có được bởi một cây đàn violon nhãn hiệu Copie de Stradivarius bán ở phố Bát Đàn thuở ấy phải với cái giá 500 đồng Đông Dương. Số tiền thật là lớn đối với một thằng bé học sinh mới mười mấy tuổi như tôi làm sao mà có được dù bố tôi là một nhà giáo lương bổng cũng khá. Ông vốn xuất xứ từ dòng Nho học chuyển sang Tây học và đã từng viết nhiều sách giáo khoa bằng tiếng Pháp, đã từng được triều đình nhà Nguyễn phong tước Hàn lâm viện Thị độc đại học sĩ từ năm Kỷ Mão cho đến tước phẩm cao hơn Hàn lâm viện Thị giảng đại học sĩ Trung Thuận đại phu vào năm Nhâm Ngọ. Nhưng quan niệm “xướng ca vô loài” còn tồn tại trong xã hội từ thời phong kiến, cho nên có lẽ ông coi âm nhạc chỉ là một thứ phù phiếm nên ông chẳng quan tâm đến sở thích của con mình.

Thế rồi thì sự may mắn cũng đến với một thằng bé mới học lớp sơ đẳng như tôi (école supérieure), tôi đã có được một nhạc cụ để có thể gần gũi có âm thanh trầm bổng như tôi mơ ước. Gọi là nhạc cụ cho oai thực ra nó chỉ là một cái kèn nhỏ mà lũ học trò thời đó vô cùng yêu thích bởi nó nhỏ nhẹ cũng phát ra những âm thanh cao thấp, thổi lên được những giai điệu của những bài hát quen thuộc lưu hành trong thời, đó là một chiếc kèn harmonica mà tôi mua được ở cửa hàng bách hóa với cái giá hai đồng bạc Đông Dương bằng số tiền mà tôi dành dụm được sau những buổi tối thứ bảy chia bài tổ tôm cho các cụ chơi vui được các cụ thưởng cho mấy hào. Hai đồng thời đó cũng là lớn vì lúc đó một tạ gạo chỉ có một đồng rưỡi cho đến hai đồng bạc Đông Dương.

Thời gian này gia đình tôi cũng đã từ giã ngõ Tố Tịch ồn ào tiếng máy tiện chuyển về thuê một căn nhà hai tầng ở cuối dốc phố Trần Hưng Đạo đầu đường vào làng Nam Tràng bên bờ hồ Trúc Bạch - làng sống bằng nghề đúc đồng nổi tiếng xưa kia. Bây giờ phố đó gọi là phố Ngũ Xã, còn phố Trần Hưng Đạo sau Cách mạng Tháng Tám chuyển về phố Gambetta tức là phố Trần Hưng Đạo ngày nay.

Từ khi có cái harmonica tôi mê mẩn tập suốt ngày đêm, tôi đã thổi được các giai điệu bằng tiếng Pháp lưu hành rộng rãi thời đó. Đến bây giờ tôi vẫn không quên những giai điệu trữ tình và những lời ca đầy chất lãng mạn của những bài hát thời đó như Serenata của Enrico Toselli!:

“Viens, le soir descend

Et l’heure est charmeuse

Viens, toi si frileuse

La nuit dejà comme un manteau s’étend”

Tạm dịch: “Hãy đến với anh. Chiều đã xuống dần và thời gian càng trở nên huyền ảo. Hãy đến đi em. Em mảnh mai quyến rũ vì màn đêm đã buông xuống rồi”. Giai điệu đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ và nội dung vô cùng lãng mạn, có nhẽ nó cũng ảnh hưởng đến cuộc đời sáng tác tôi sau này, những bài hát trữ tình trong sáng như thế, cũng như bài Les beaux jours sont si courts thì lại đầy tính chất trong sáng mà lạc quan:

“Les beaux jours sont si courts amoureusement

Garde -moi près de toi tendrement..”

Tạm dịch: “Những ngày đẹp đầy tình yêu sao mà ngắn vậy. Hãy cho anh bên em một cách êm đềm…”. Lãng mạn quá! Tôi nghĩ rằng bây giờ hình như ta chưa được lãng mạn như thế. Giai điệu giờ với tôi vẫn phảng phất đến 70 năm rồi và vẫn nhớ những giai điệu từ thuở ấu thơ và còn không biết bao nhiêu bài hát đã ngấm vào máu tôi từ lúc còn trẻ.

Thế rồi năm tháng trôi qua tôi đã lên đến lớp nhất ở cái trường Hàng Than, cái trường mẫu mực có tiếng thời đó, còn gọi là Trường Sư phạm thực hành cho các học sinh sư phạm đến đó thực tập gọi là elèves- maitres, có tên Tây là École d’application Henri Russier ở phố Jambert (tức là trường Nguyễn Công Trứ ở phố Nguyễn Trường Tộ ngày nay). Thời gian này lại có một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tiếp xúc với âm nhạc của tôi, bởi tôi đã thực hiện được mơ ước là có chiếc đàn violon. Bố tôi ngoài việc dạy học ông còn viết rất nhiều sách giáo khoa và tự xuất bản, có lẽ do đời sống dư dật hơn nên ông đã cho tôi một số tiền nhờ mỗi lần bán được sách. Tôi đã có được chiếc violon bị dập được dát lại do nhạc sĩ Đỗ Mạnh Thường mua hộ với giá 200 đồng Đông Dương. Chẳng có tiền học thầy, tôi học qua bè bạn và mới đầu cũng chỉ là đánh những giai điệu của những bài hát đơn giản như Serenade của Schubert hay giai điệu của những bài hát trữ tình Việt Nam như Con thuyền không bến, Thiên thai hay giai điệu của các bài nhạc nhảy như La cumparsita, Danube blue….

Nhưng có lẽ cái ảnh hướng lớn đến sáng tác sau này của tôi chính là nơi quê hương sinh ra tôi. Tôi còn nhớ mãi mỗi kỳ nghỉ hè được bố mẹ cho về quê, về với mái nhà tranh, về với những cánh đồng rộng thênh thang, về với những đàn cò trắng đậu trên cành tre rung rinh trước gió, về với con sông Đuống đỏ ngầu nước đục phù sa, về với những cánh diều bay bổng trong tiếng sáo vi vu nơi tôi đã lọt lòng từ thuở sơ sinh. Tôi chẳng bao giờ quên con đường làng gồ ghề với những bước chân trâu chen lẫn với những mái nhà tranh vách đất, những đống rơm cao vút đầu người còn thơm mùi rạ lúa mà lũ trẻ làng thường chui vào chơi ú tim, những đống rơm mà thời ấy là nguồn năng lượng tạo nên ánh lửa hồng trong các căn nhà bếp đơn sơ với ba hòn đất mang thay cho cái kiềng được gọi là ông đầu rau. Chả biết vì sao được gọi là đầu rau chỉ biết nó là cái tên thân thuộc giống như ông Công ông Táo mà nhà nào hàng năm nhà nào cũng có lễ tiễn ông lên chầu trời.

Nhưng ấn tượng sâu sắc, rung động lắng sâu vào tâm hồn mà không bao giờ quên được đó là những âm thanh, những làn điệu trong tiếng ru con của bà, mẹ, tiếng hát ví von của các cô thôn nữ có hàm răng hạt huyền trên đồng lúa xanh tươi. Tiếng hát Chèo ở sân đình làng trong những ngày khi làng có hội, tiếng đàn đáy trong điệu Ca trù mỗi khi có đám cưới đám xin và tiếng đàn nguyệt trong điệu hát Chầu văn hòa trong ánh sáng mờ ảo của khói hương theo nhịp quay của các cô đồng, tiếng kèn Lâm khốc não nề tiễn người sang thế giới bên kia.

Quê hương trải qua hàng chục năm đó đã trải qua biết bao thay đổi - các nhà tranh vách đất đã thay dần bằng những mái nhà ngói khang trang, con đường gồ ghề chân trâu được thay bằng gạch đỏ phẳng phiu - nhưng chỉ có làn điệu quê hương là không bao giờ thay đổi, nó vẫn ăn sâu vào tâm khảm của con người, đến bây giờ tôi vẫn nhớ điệu ru con bên cánh võng: “À ơi con ngủ mà ngủ cho ngoan. Để mẹ đi chợ mua tôm mua tép giỗ cha con mèo…”. Cảm ơn quê hương đã sinh ra mình, đã đem đến cho mình bao điều mới lạ khi mới mở mắt chào đời. Cho đến bây giờ tôi vẫn không bao giờ quên được làn điệu của bài Chèo Trấn thủ lưu đồn trong những ngày hội ở đình làng, hòa trong tiếng hồ, tiếng nhị sao mà tha thiết: “Ba năm mắc còn đang trấn thủ, tình dậu ới mà tình ơi..”. Tôi vẫn nhớ những điệu hát Ca trù trong những ngày có cưới xin hòa với tiếng đàn đáy, cùng tiếng nhịp phách cùng tiếng hát Ả đào: “Hồng hồng tuyết tuyết. Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoắt biết có ra gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…”. Không bao giờ tôi có thể quên được tiếng hát Chầu văn trong nhịp phách rộn ràng lôi cuốn của chiếc đàn nguyệt quyện trong hương khói theo nhịp quay của các cô đồng trong đền làng thuở ấy cũng như tiếng kèn Lâm khốc trong dàn nhạc Bát âm khi đưa tiễn các linh hồn từ biệt nhân gian đi vào cõi vĩnh hằng sao mà sầu thảm não nề da diết thế. Có lẽ chẳng có khúc nhạc bi ai nào (Marche funèbre) của phương Tây sánh được, rồi thì giọng ca “Con cò bay lả bay la. Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng” của các cô thôn nữ khăn mỏ quạ yếm trắng, thắt lưng xanh răng hạt huyền cứ ví von trên đồng ruộng cứ theo tôi suốt cả cuộc đời. Tất cả những hình ảnh và làn điệu của quê hương ấy đã theo tôi mãi nó cũng tiềm ẩn trong sáng tác của tôi sau này:

“Trải dài muôn dặm đường xa,

Vang vang tiếng nhạc quê nhà cố hương”…

Đây là trích đoạn mở đầu trong hồi ký của tôi viết về tuổi thơ, một cậu bé con ấp ủ tình yêu âm nhạc từ lần được chiêm ngưỡng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và dàn nhạc ở Taverne Royale. Cùng những tháng ngày trên hành trình hành quân từ Đường Chín Khe Sanh đến dải Trường Sơn hùng vĩ, rồi ấn tượng về những con người tôi gặp khi đất nước đang trong công cuộc tái thiết xây dựng lại, từ Bắc vào Nam rồi đến Bạch Long Vĩ xa xôi nơi tôi từng đặt chân đến, những nơi đi qua thì ký ức tuổi thơ đó đã là một phần cuộc sống tạo nên cá tính âm nhạc lãng mạn, trữ tình in đậm trong những sáng tác của tôi (Sóng nước ngọc tuyền, Ba Vì năm xưa, Hoa mộc miên, Tình em, Bài ca mùa thu, Chiều không em…).

(Còn nữa)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.