You are here

Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác: Câu chuyện về đời và nhạc (phần 2): Nhạc không lời

Tác giả: 
Lương Ngọc Trác

Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác nhận Giải thưởng HCM năm 2001

Trong phần này tôi xin giới thiệu một số tác phẩm không lời, cơ duyên và những câu chuyện xoay quanh các tác phẩm của tôi.

Vũ kịch Tưng bừng

Đầu năm 1945, nhiều nhạc sĩ Việt Nam đã viết nhạc không lời, tôi cũng muốn làm và chia sẻ ý định cùng Minh Tâm. Anh nói sắp tới sẽ dựng một tiết mục múa, do vậy tôi nghĩ đến việc viết vũ khúc cho tiết mục của anh.

Đêm đêm đi làm, nhìn người chết vì đói đầy đường tôi mơ tưởng về một mùa xuân của dân tộc. Khung cảnh mùa xuân có hoa nở, có chim bay, con người được hạnh phúc. Từ những mơ tưởng đó vũ khúc Tưng bừng ra đời, là tác phẩm không lời đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Vũ khúc được viết theo nhịp 3 của điệu valse và ảnh hưởng bút pháp từ Johann Strauss. Sau khi hoàn thành, anh Minh Tâm sử dụng để dựng múa cho nữ sinh Đồng Khánh và đi biểu diễn vài lần cùng đàn piano.

Sau cách mạng, vũ khúc Tưng bừng là một trong những tác phẩm được lựa chọn biểu diễn trong chương trình tại Nhà hát Lớn, nằm trong tuần lễ văn hóa do văn nghệ Hà Nội tổ chức nhân dịp cụ Hồ chuẩn bị đọc Tuyên ngôn độc lập. Tôi lo lắng bởi dịp trọng đại như vậy nếu chỉ đệm piano thì không ổn, múa sơ sài quá nhưng hơn cả suy nghĩ, trong đêm nhạc tác phẩm được dàn dựng như một giao hưởng cùng cây đàn piano cơ đặt giữa sân khấu, bên tay phải là dàn nhạc của bác Đinh Ngọc Liên với khoảng 30 cây kèn, bên tay trái là dàn dây cũng khoảng 30 cây. Có được sự thành công này là một phần công sức của Minh Tâm.

Xoay quanh tác phẩm có nhiều kỷ niệm tôi gom nhặt được. Trong phần tổng kết về âm nhạc thính phòng, giao hưởng Việt Nam của PGS. TS Nguyễn Thị Nhung có nhắc đến một vài hồi ký của Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Minh Tâm: “Ở thời kỳ này, một số nhạc sĩ đã viết một vài tiểu phẩm khí nhạc Việt Nam có tính thể nghiệm như: Võ Đức Thu, Thái Thị Lang, Phạm Đăng Hinh, Nguyễn Xuân Khoát, Tạ Phước, Đinh Ngọc Liên, tiếp đến là Lương Ngọc Trác”.

Hay bài viết của bác Lê Thương trong số báo Âm nhạc tháng giêng năm 1998 đăng lại một bài của tạp chí Văn học Sài Gòn in năm 1970, tổng kết lại thời Tiền chiến của Tân nhạc, trong đó có đoạn viết: “Đáng lưu ý hơn nữa là việc khởi công hoạt động của Hội khuyến nhạc Bắc Việt do nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp làm Hội trưởng. Nhờ có lực lượng hùng dũng, điêu luyện nên cuối năm 1945, Hội khuyến nhạc Bắc Việt đã ghi được công đầu bằng cuộc đại hòa tấu long trọng vào kỳ Đại hội Âm nhạc năm đó. Bài hòa tấu Vũ khúc Tưng bừng của Lương Ngọc Trác được hoan nghênh nhiệt liệt”. Trong bài viết có phần trung thực của bác, tuy nhiên bác chỉ nói công đầu của Hội khuyến nhạc mà không nhắc đến đoàn nhạc binh hay đoàn quân nhạc, thật ra có ba lực lượng tham gia: khuyến nhạc, Bình Minh và đoàn nhạc Vệ quốc quân. Tuy nhiên, tôi hiểu bài được in ở Sài Gòn, thời chính quyền Mỹ nên nhiều điều bị hạn chế.

Nhạc múa Trên đường kéo pháo, Anh du kích và sáu cô gái Mèo

Năm 1958, tôi viết nhạc cho điệu múa Trên đường kéo pháo của Ngọc Canh. Năm đó, khi là Trưởng ban Nghệ thuật của Phòng Văn nghệ, nhận thấy văn công quân đội không được huấn luyện, tôi lên kế hoạch mời các chuyên gia hướng dẫn. Do đó, Phòng Văn nghệ quân đội mở một loạt các lớp: lớp múa, lớp hợp xướng, lớp chỉ huy, lớp sáng tác… Cuối khóa học tôi có ý định viết một tác phẩm để tổng kết khóa học. Tôi gặp và trao đổi cùng Ngọc Canh, đề nghị viết cho Dàn nhạc Giao hưởng quân đội Việt Nam, Canh sẽ làm một điệu múa có tính bi kịch anh hùng trên đường chèn pháo, kéo pháo vào Điện Biên thay cho múa từ trước đến nay chỉ mang tính giải trí, múa dân gian và dàn nhạc dân gian, múa sạp…

Kết thúc lớp chuyên gia Mao Vịnh Nhất, ngoài các tác phẩm khác có tổ khúc cho dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng của Tô Hải, Trên đường kéo pháo của Lương Ngọc Trác, nhạc kéo dài khoảng 10 phút. Về sau tác phẩm của tôi được Đài Phát thanh phát vào giờ nhạc không lời.

Một tác phẩm viết cho múa khác là Anh du kích và sáu cô gái Mèo viết vào tháng 3 năm 1959 khi đi công tác với đoàn quân đội biên phòng miền Tây. Sau lớp học cùng chuyên gia, tôi thôi Trưởng Ban Nghệ thuật về đoàn ca múa cùng anh Đức Toàn. Lên đến Lai Châu tôi nhận được lời đề nghị viết nhạc cho tiết mục múa của Minh Tiến. Trước đó, Minh Tiến cho tôi xem kịch bản Anh du kích và sáu cô gái Mèo và trong khi đoàn ca múa phân tán đi biểu diễn ở biên giới, tôi ngồi ở đỉnh đồi đồn biên phòng Lai Châu để viết. Tôi viết nhạc giao hưởng mang nét hiện đại nhưng vẫn chứa đựng tính dân tộc, tính dân gian. Về sau, tác phẩm được Đài Phát thanh phát nhiều vào giờ nhạc không lời và dùng câu mở đầu làm nhạc hiệu giờ phát thanh miền núi. 

Nhạc cho vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh

Khi lớp biên đạo Kim Tế Hoàng thành lập, sau khi dàn dựng các tiết mục nhỏ, ông Kim Tế Hoàng có đề nghị Ban Nghệ thuật của tôi làm trước thực tập sang vũ kịch. Vấn đề đầu tiên Kim Tế Hoàng đặt ra là muốn có người viết nhạc, vì thế Kim Tế Hoàng có đi khảo sát các đoàn. Sau khi khảo sát, Tế Hoàng có đề nghị tôi viết nhạc cho vũ kịch và Tổng cục quyết định tôi đi Nghệ An cùng Kim Tế Hoàng.

Dàn dựng vũ kịch, Kim Tế Hoàng trình Tổng cục kịch bản 140 phút với 150 diễn viên. Tôi trao đổi cùng anh Lê Quang Đạo, lo lắng bây giờ vũ kịch tổ chức, đoàn ca múa đã vét tất cả các diễn viên của đoàn quân khu lên thì vất vả quá. Anh suy nghĩ rồi động viên tôi coi đó là cơ hội thực tập và quyết định của anh là đúng. Từ lớp biên đạo với lực lượng trong và ngoài quân đội đã có bước tiến lớn về chuyên môn, để từ đấy về sau chúng ta có một lớp nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, theo tôi đó là thắng lợi. Bản thân tôi vừa làm đoàn trưởng, vừa viết nhạc không đủ sức nên sau khi cân nhắc tôi mời Huy Thục và Nguyễn Thành cùng tham gia.

Như vậy, múa có chuyên gia Kim Tế Hoàng, nhạc thì ba anh bạn Việt Nam. Trước khi viết, chúng tôi bàn bạc với nhau khuynh hướng kế thừa dân tộc, dân ca, dân vũ, nhưng đây là đề tài cách mạng - Xô Viết Nghệ An, thành ra vấn đề lớn là tính kịch. Tôi viết xong màn mở đầu rồi tiếp tục sang màn 3, màn mở đầu khi dàn dựng chuyên gia nói tốt, nhưng sang màn 3, đang viết thì tôi phải cấp cứu và quyết định mổ. Tôi nói với hai bạn: “Cái số mình thế thì hai bạn ở nhà cứ làm thôi”. Tôi mổ xong, vừa tan thuốc mê, mở mắt nhìn đầu giường thì hai vợ chồng Kim Tế Hoàng ngồi bảo: “Trác ơi, phần nhạc cậu viết hết rồi, bây giờ anh em đang đợi đấy, về nhanh lên”. Thế rồi chưa tháo chỉ là về, tôi không viết phần 3 nữa mà bắt tay vào viết màn kết thúc. Màn này lấy bối cảnh vào một buổi sáng tinh mơ, ở trại lính Pháp, địch tiến hành xử bắn những chiến sĩ cách mạng. Ngoài phần dàn nhạc với tiếng kèn kết hợp âm nhạc kịch tính, có phần hợp xướng hát khi các chiến sĩ cách mạng bị bắn gục xuống. Hợp xướng bắt đầu bằng giọng bass như tiếng hát từ âm ty vọng về. Như vậy, màn kết thúc có dàn nhạc và hợp xướng.

Khi gần hoàn thành, tôi nhận nhiệm vụ dàn dựng cho đoàn đi Nam Dương, Indonesia từ Tổng cục. Thế rồi đêm ấy 4 giờ sáng tôi viết xong màn, 7 giờ sáng về nhận nhiệm vụ đoàn đi Indonesia. Trong khi dàn dựng cho đoàn đi Indonesia thì Vũ kịch xong và biểu diễn. Sau này, vũ kịch được Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cho tập thể cả biên đạo, cả âm nhạc… Ngọn lửa Nghệ Tĩnh được đánh giá là một trong những tác phẩm vũ kịch tốt. Trong báo Âm nhạc tháng giêng năm 2000 có một tác giả tổng kết 100 sự kiện âm nhạc trong thế kỷ thì vũ kịch Ngọn lửa Nghệ Tĩnh là sự kiện số 63.

Một số điều chia sẻ từ tác giả

Tôi xin dừng phần nói về các tác phẩm và xin phép chia sẻ một vài suy nghĩ của mình. Nếu tính 5 ca khúc đạt giải thì 4 ca khúc viết năm 1947, 1948, lúc đó tôi từ bỏ vai trò nhạc sĩ để trở thành anh cán bộ chiến đấu, chính trị viên tiểu đoàn rồi Trưởng Ban Chính trị, ca khúc Những ô cửa sổ viết khi tôi là phái viên của Tổng cục. Ở 4 bản nhạc không lời thì vũ khúc Tưng bừng tôi viết cũng chưa có tính chuyên nghiệp. Ba cái sau cùng vào những năm 1959, 1960, tôi viết khi đang là Trưởng Ban Nghệ thuật và Trưởng đoàn ca múa.

Thời điểm trường nghệ thuật mời anh em chúng tôi đến nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, trong giải tập thể ấy, tôi suy nghĩ bây giờ vũ kịch Tưng bừng được giải Hồ Chí Minh ấy đâu rồi, opera Cô Sao của Đỗ Nhuận được giải Hồ Chí Minh đâu rồi? Giao hưởng Hoàng Việt được giải Hồ Chí Minh đâu rồi? Mà không chỉ riêng vũ kịch mà nhạc kịch, opera và giao hưởng đều không có khán giả. Đấy là những cái hiện đại quốc tế còn những truyền thống của dân tộc, nhà hát Cải lương, nhà hát Chèo ở Kim Mã thì khách đâu? Vắng khách thì thế nào?

Theo đề cương văn hóa của Đảng ra đời năm 1943-1944 “dân tộc - khoa học - đại chúng”, riêng chữ “đại chúng” đã cải tạo một lớp văn nghệ sĩ như chúng tôi, những Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng lên đường… Rồi nhạc sĩ chúng tôi đi vào công chúng để học Chèo, học dân ca, sáng tác những bài ca chiến đấu. Tôi thấy chữ “đại chúng” trong văn hóa Đảng năm 1943-1944 lớn lắm. Phương châm văn hóa bây giờ hiện đại thế giới, đặc sắc dân tộc nhưng lại thiếu chữ đại chúng.

Tôi rút ra kết luận chúng ta đào tạo nghệ sĩ, đào tạo tác giả mà không đào tạo khán giả. Dịp sinh hoạt tại Viện Âm nhạc trước, một anh nhạc sĩ ngồi cạnh ghé tai tôi nói: “Tất cả tác giả đều có thể là một Picasso”. Tôi nghĩ ý kiến của anh có phần đúng về phương diện nghệ sĩ, nhưng là nhà lãnh đạo thì phải lãnh đạo Picasso có công chúng. Người nghệ sĩ có quyền là Picasso nhưng người lãnh đạo bên cạnh việc đào tạo những Picasso phải đào tạo người thưởng thức Picasso. Anh đào tạo opera, giao hưởng nhưng không có người thưởng thức thì người sáng tác giao hưởng, opera thành ra cô đơn.

Tôi có đọc một bài báo của Nguyễn Văn Quỳ Càng lên cao càng cô đơn. Tôi nhớ có một phương châm tuyệt vời đã ra đời vào khoảng năm 1950, 1951 phát triển từ khoa học đại chúng ra, tức là “phổ cập theo hướng nâng cao, nâng cao trên cơ sở phổ cập”. Anh phải vừa phổ cập vừa nâng cao được công chúng và không phải anh cứ đại chúng mãi mà phải tiến lên, phải hướng vào phổ cập để tiến dần từng bước, phổ cập theo hướng nâng cao và nâng cao theo hướng phổ cập. Tôi tâm đắc với phương châm này.

Phần trao đổi với các đồng nghiệp

* Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Như anh Trác nói, thành tựu của anh vào quãng những năm 1947-1948, sau đó năm 1958-1960 là nhạc không lời và kết thúc vào năm 1976. Quãng thời gian gần 30 năm, không biết anh bận, anh mải mê điều gì, anh tìm kiếm điều gì làm gián đoạn việc sáng tác, anh có thể thổ lộ không? Tôi muốn hỏi để hiểu hơn những giai đoạn trong cuộc đời người nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác: Tôi có ba lý do làm gián đoạn công việc sáng tác. Thứ nhất, tôi làm nghề nhạc nhưng cảm thấy chưa được đào tạo đầy đủ nên cứ viết một thời gian lại thấy mình không đủ sức rồi tạm ngưng. Lý do thứ hai, khi không nằm ở đoàn văn công, hoàn thành tác phẩm tôi lại gửi cho đoàn, tuy nhiên đến khi phụ trách, là Trưởng Đoàn văn công tôi không muốn gửi tác phẩm của mình nữa. Tôi nghĩ đoàn sử dụng tác phẩm của mình không khác gì mình giữ quỹ mình tiêu tiền quỹ, do vậy thời gian phụ trách đoàn văn công tôi không còn gửi bài. Lý do thứ ba có thể mình cũng chưa thực sự là anh tác giả chuyên nghiệp, không phải cứ ngồi vào bàn là viết mà còn viết theo cảm hứng.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Vấn đề anh Trác nói trong lịch sử thế giới không phải hiếm, như Rossini, ông đã ngừng sáng tác 30 năm trước khi mất hay Sibelius, một nhạc sĩ giao hưởng vĩ đại, có concerto cho violon khét tiếng, thậm chí ông được hưởng một pension của Nhà nước (được Nhà nước trợ cấp suốt đời để sáng tác), nhưng 20 năm trước khi mất ông cũng ngừng sáng tác. Do vậy, vì sự cố về tâm lý người nhạc sĩ có thể gián đoạn việc sáng tác.

Mỗi nhạc sĩ đều có một cách riêng để viết hoặc tự mình tạo điều kiện để viết, thực tế chất “tài tử” là nhiều. Tôi cũng học qua mấy quyển sách Pháp rồi đi kháng chiến thành ra bản thân cũng không thể giải quyết được hết ý của mình. Sáng tác phải có nghệ thuật nhưng trong thời kỳ kháng chiến viết do bản năng, cảm hứng nhiều và do nhiệt tình cách mạng đốt ra thành tác phẩm.

Các tác phẩm của anh Trác, tôi hát rất nhiều: Mơ đời chiến sĩ, Trường chinh ca… và cảm nhận anh sáng tác bằng cảm xúc. Cảm xúc tốt lành cho anh những suy tư về âm nhạc, đi vào phong cách tôi thích anh ở tâm hồn hào hoa, lãng mạn nhưng đầy trách nhiệm. Cứ đùa nhau là romantico nhưng rất đáng yêu, nói lệch đi là thời kỳ lãng mạn cách mạng để thấy cái lãng mạn đấy rất đáng quý. Và mỗi tác phẩm của anh Trác cứ đều đều đi lên, chắc chắn, không cần gọt giũa, thể hiện tính cách của anh Trác hào hoa, phong nhã và rất yêu đời.

* Nhạc sĩ Đức Toàn: Trước đây tôi có nhắc đến Tô Hải là người đầu tiên viết cantate của Việt Nam với cantate Biên thùy, nhưng trước đó đã manh nha với: Lô Giang, như Sông Lô của Văn Cao, Du kích Sông Thao. Nó vừa là câu chuyện, vừa là quá trình có tính chất nghề nghiệp phát triển để chúng ta có sự thành công ngày hôm nay.

 Có tư liệu rất hay, hồi Cách mạng tháng Tám, các nhạc sĩ viết bài phải đưa lên Sở Văn hóa (tôi không nhớ rõ) để duyệt. Tôi nhớ ông Diệp (violon) là người duyệt, phải được ông ký mới được in, được phát trên đài. Tôi và Lưu Hữu Phước đều bị trả lại một bài, Lưu Hữu Phước bị ghi về học nhạc, tôi là không cân đối. Từ những bước sơ đẳng như thế, cho đến nay trải qua quá trình phát triển dài hơi, chúng ta đã chuyên nghiệp hơn nhưng chúng ta chưa xâu chuỗi, thống kê thành tư liệu. Ngành văn học đã khen thưởng gần 20 nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh, cho đến nay tất cả tư liệu đã in hết rồi. Nguyễn Tuân có gì, thậm chí một di tích nhỏ cũng được in và lưu trữ. Ngành nhạc chưa làm được điều đó, muốn tìm thông tin hay viết tư liệu âm nhạc rất khó khăn, một ngành lớn với nhiều công trạng lại không có gì cả. Đây tôi nghĩ các bạn công tác trong Viện Âm nhạc làm sao bảo lưu được các thành tựu âm nhạc qua các câu chuyện, ghi chép qua các phê bình… để nó hiện lên một nền âm nhạc, những bước tiến trong nghệ thuật của chúng ta.

Về các tác phẩm của anh Trác chúng tôi rất thích, cũng như thơ Quang Dũng, thơ Tố Hữu đều phản ánh thực tế. Sau Cách mạng tháng Tám đến trước kháng chiến chống Pháp, thành phần trí thức tiểu tư sản tham gia rất tích cực. Và không thể suy nghĩ tiểu tư sản theo lối tiêu cực bởi như vậy sẽ không có Ngày về của Lương Ngọc Trác, rồi Quê em…, người ta hát, học sinh hát, anh lính hát rất nhiều. Phê bình Quang Dũng, phê bình Chính Hữu, Lương Ngọc Trác tiểu tư sản bởi quần chúng của âm nhạc như thế, không ai khác ngoài tiểu tư sản.

Nói về cảm nhận âm nhạc của Ngọc Trác. Về ngôn ngữ âm nhạc, nó sang trọng và Hà Nội, đấy là đặc tính, nếu gọi là tiểu tư sản nên bỏ đi. Trong âm nhạc, những nét tinh tế đều là tiểu tư sản thì tiểu tư sản ở đây rất đáng quý, tiểu tư sản quá đẹp. Thơ Quang Dũng với những đoàn quân trọc lốc đầu vì sốt rét nhưng vẫn “đêm mơ Hà Nội ráng chiều thơm” tôi thấy yêu vô cùng, bài thơ ấy vẫn để lại dấu ấn mãi trong lòng người Hà Nội. Nhạc của Lương Ngọc Trác tôi nhớ Trường chinh ca, trong rừng sâu ta bước lên đi mà đường đi còn dài, hình ảnh những anh bộ đội trong ngày kháng chiến chúng ta sẽ mãi không quên được. Do vậy cứ đẹp đẽ lại gán với phong cách tiểu tư sản tôi cho không đúng, trong phương diện lý luận là ẩu. Và không biết khái niệm tiểu tư sản nội hàm là gì, những nhà lý luận chuyên nghiệp cần xét lại khi sử dụng khái niệm.

* Nhà biên kịch Ngọc Canh: Tôi tham gia quân đội từ năm 1946 cùng anh Trác, những kỷ niệm giữa chúng tôi rất nhiều. Tôi gọi anh Trác là anh xưng em. Anh Trác dìu dắt chúng tôi từ lớp thiếu sinh quân, có thể nói anh là người đầu tiên dạy tôi nốt nhạc, phím đàn accordeon. Về tác phẩm của anh Trác, những ca khúc, những bài hát anh Trác viết được cả Trung đoàn Thủ đô say mê, coi đó là kỷ niệm trong đời chiến đấu của các chiến sĩ thủ đô cũng như chiến sĩ quân đội. Những năm chúng tôi còn ở nước ngoài, những bài ca cách mạng, những bài Mơ đời chiến sĩ, Trường chinh ca… luôn đọng trong tâm hồn chúng tôi, những thiếu sinh quân của ngày xưa. Và cho đến nay, thời gian có đi qua nhưng âm hưởng những bài ca đó vẫn đọng lại trong tâm hồn mỗi con người, đó là giá trị rất quý.

Về anh Trác, tôi được cùng anh cộng tác trong nhạc múa Trên đường kéo pháo viết về anh hùng Tô Vĩnh Diện. Ngày đó chúng tôi mới học sơ sơ, năm 1958 chưa ai dạy biên đạo mà chúng tôi đã tự làm, phần âm nhạc khi trình bày đề cương Trên đường kéo pháo anh Trác nhận viết. Viết xong, chúng tôi dựng múa được mọi người yêu thích và đánh giá cao. Thời kỳ đó Trên đường kéo pháo là một trong những tác phẩm múa để lại ấn tượng và suy nghĩ, chính âm nhạc đã thổi hồn cho biên đạo, âm nhạc dẫn đường cho biên đạo “làm” múa và nó thành công. Về sau anh Trác viết nhạc Du kích Mèo cho anh Tiến tôi thấy hay quá, đầy chất giao hưởng. Tính thơ trong âm nhạc của anh Trác rất đầy đặn, có thể nói là gợi cảm. Với tôi, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác là những ấn tượng không thể quên, anh là bậc thầy, là người anh đầy trữ tình, đầy trí lý, anh tỉ mỉ, điềm đạm. Thời học accordeon có biết nốt nhạc nào đâu, anh bảo trên bài thế này từng li từng tí một, hình ảnh đó tôi vẫn nhớ. Và nhân tiện đây xin cám ơn thầy Lương Ngọc Trác đã dạy những bước đi ban đầu. 

Anh hay tâm sự: việc học đều dở dang nên phần viết không được chuyên nghiệp, tôi cho không đúng. Mỗi nhạc sĩ đều có tích lũy và sự tích lũy là đáng quý, không phải anh học có bằng tiến sĩ mới công nhận anh có học. Sự thành công của anh Trác phải có được học, được tích lũy ở nhiều giai đoạn: giai đoạn anh tham gia ban nhạc đánh dancing, đánh classic; giai đoạn đi kháng chiến; giai đoạn học cùng chuyên gia… để những tác phẩm của anh ngày một lớn và hoàn thiện.

Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác: Qua các phát biểu tôi cảm thấy vui, tôi nghĩ đây không phải những phát biểu lý luận mà là những tình nghĩa. Nếu về lý luận còn phải nghiêm khắc hơn với nhau nhưng trong này là tình bạn, tình đồng nghiệp, tôi xin cám ơn tất cả những lời phát biểu vừa rồi.

(Nguồn: tập san Nghiên cứu âm nhạc N65)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.