You are here

Nhạc sĩ Minh Đạo: Chưa bao giờ bằng lòng với mình trong sáng tạo âm nhạc

Tác giả: 
Trần Lệ Chiến

"Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi - ngôi nhà nghệ thuật đúng nghĩa - nơi quy tụ những nhạc sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn tài ba và giàu sáng tạo", nhạc sĩ Minh Đạo đánh giá.

Điều Còn Mãi - Hòa vào khát vọng lớn mà VietNamNet hướng tới

Để chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi trở thành chương trình thường niên và là thương hiệu của Báo VietNamNet là sự đóng góp tâm, tài, sức lực của cả một tập thể đội ngũ các đạo diễn, nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên và thành viên Ban tổ chức. Mỗi chương trình Hòa nhạc cho thấy sự đầu tư vượt trội về mọi phương diện cũng như những đòi hỏi khắt khe để tạo nên một chương trình nghệ thuật đặc biệt mà chỉ Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi mới có được.

Lần thứ 2 tham gia phối khí cho chương trình Hoà nhạc Điều Còn Mãi, nhạc sĩ Minh Đạo đánh giá cao Ban tổ chức từ cách làm việc, lựa chọn ca sĩ, nhạc công.

Nhạc sĩ Minh Đạo chia sẻ đây là lần thứ 2 anh tham gia với tư cách là nhạc sĩ phối khí cho chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi. "Với tôi, đây là chương trình nghệ thuật nghiêm túc, chuyên nghiệp từ khâu tổ chức và đòi hỏi sự sáng tạo vượt trội của những thành viên tham gia trong chương trình. Tôi trân trọng và đánh giá cao BTC từ cách làm việc, lựa chọn ca sĩ, nhạc công. Thông qua chương trình tôi muốn đóng góp sức sáng tạo nhỏ bé của mình hòa cùng khát vọng lớn mà VietNamNet hướng tới” - nhạc sĩ Minh Đạo nói.

Cũng là tôn vinh các tác giả với những tác phẩm giao hưởng thính phòng, những bài ca đi cùng năm tháng và cả âm nhạc đương đại, nhưng chính đóng góp sáng tạo của mỗi thành viên đã mang đến cho Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi những bất ngờ thú vị.

Nhạc sĩ Minh Đạo chia sẻ: “Là lần thứ 2 vinh hạnh được tham gia Điều Còn Mãi, nhưng với tôi, mỗi lần làm việc với Dàn nhạc Giao hưởng là một áp lực lớp, đòi hỏi tập trung cường độ làm việc, chất xám và chuyên môn cao. Bởi, Dàn nhạc Giao hưởng là nơi tập trung nhạc công có trình độ chuyên môn cao, thậm chí đẳng cấp quốc tế. Vì thế, là nhạc sĩ phối khí, tôi cũng phải chuẩn bị sản phẩm có chất lượng nghệ thuật ở mức cao nhất trong khả năng của mình mới có thể đáp ứng mong đợi của họ.

Ngoài năng lực chuyên môn còn đòi hỏi sự chỉn chu, chi tiết trong từng tiểu tiết. Bởi có khi chỉ một thiếu sót nhỏ như một dấu luyến (legato), dấu nối (tie) hay nốt láy (Grace Note)... cũng gây khó khăn cho cả một ê-kíp làm việc trong đó có nhạc trưởng, nhạc công, ca sĩ. Vì thế sự cẩn trọng, tính nguyên tắc trong sáng tạo cũng được đặt ra ở nước cao nhất, với những đòi hỏi sáng tạo vượt lên chính mình. Cảm giác khi nghe tác phẩm của mình vang lên với Dàn nhạc Giao hưởng thật khó tả, bởi sự lớn lao vượt ra ngoài mong đợi”.

Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi năm nay các tác phẩm thanh nhạc chiếm ưu thế hơn so với lĩnh vực khí nhạc.

Nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo không giới hạn

Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi năm nay các tác phẩm thanh nhạc chiếm ưu thế hơn so với lĩnh vực khí nhạc. Mặc dù năm nay có thêm sự góp mặt của Dàn nhạc nhẹ, song, bản chất của chương trình nghệ thuật đặc biệt là tôn vinh âm nhạc thính phòng, giao hưởng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam. Bởi tất cả các tác phẩm dù được viết ở hình thức nào cũng đều được biểu đạt bằng ngôn ngữ của giao hưởng, thính phòng là chủ yếu.

Nhạc sĩ Minh Đạo cho rằng: “Khi tham gia phối khi cho chương trình, đồng nghĩa với việc bạn phải thể hiện ngôn ngữ âm nhạc của mình gói gọn trong biên chế của dàn nhạc giao hưởng. Đấy là một đề bài BTC Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi đặt ra đối với các nhạc sĩ và tôi thích điều đó.

Nếu như lần đầu tiên tham gia tôi cũng ít nhiều bất ngờ bởi 3 tác phẩm mang ngôn ngữ và tính chất âm nhạc khác nhau, đó là: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Hòn Vọng Phu, Biển hát chiều nay. Tuy nhiên, khi bắt tay vào sáng tạo dường như mọi khó khăn ban đầu tan biến bởi chính sự khác nhau trong ngôn ngữ, tính chất âm nhạc của mỗi tác phẩm đã tạo cho tôi chất xúc tác mạnh mẽ để biểu đạt bằng ngôn ngữ âm thanh của từng bộ trong Dàn nhạc Giao hưởng. Và cứ như thế, mỗi tác phẩm mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Và tôi đã tìm được cách giải bài toán yêu cầu mà VietNamNet đề ra. Tôi cảm thấy hào hứng và rất thích điều này. 

Năm nay, ngoài 2 ca khúc: Đất Mũi Cà Mau, Người con gái sông La, tôi may mắn được phối khí liên khúc gồm 4 ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Hoàng Vân: Chim vành khuyên, Em yêu trường em, Mùa hoa phượng nở, Mùa xuân cho Dàn hợp xướng Cung Thiếu nhi Hà Nội và Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia trình diễn. Với tôi được tham gia Điều Còn Mãi là vinh dự, tự hào nhưng cũng là may mắn lớn khi được thể hiện cảm xúc, sự sáng tạo nghệ thuật của bản thân đối với các thế hệ nhạc sĩ, đặc biệt là đối với nhạc sĩ Hoàng Vân, bởi tuổi thơ tôi gắn liền với âm nhạc của ông. Tôi trân trọng nhân cách cũng như những sáng tạo để đời của nhạc sĩ Hoàng Vân và đây là cơ hội để tôi được bày tỏ sự kính trọng ấy. Tôi phải gửi lời cảm ơn sâu sắc tới VietNamNet đã cho tôi cơ hội này”.

Nhạc sĩ Minh Đạo nhấn mạnh dù được chọn là nhạc sĩ phối khí hoặc đạo diễn âm nhạc của nhiều chương trình nghệ thuật về chủ đề: Đất nước, Bác Hồ nhưng mỗi chương trình đi cùng với niềm tự hào là áp lực lớn. Bởi thông thường nghệ sĩ muốn hướng tới và vượt khỏi những gì họ có. Anh cũng không ngoại lệ và dường như chưa bao giờ bằng lòng với chính mình trong sáng tạo, bởi Minh Đạo luôn muốn những gì mình làm được phải tốt hơn nữa bởi anh hiểu nhiệm vụ của người viết là sáng tạo, dành thời gian, trí tuệ, tâm sức đầu tư cho sáng tác và cùng ê-kíp trao đổi để tác phẩm vang lên đạt chất lượng cao nhất trong điều kiện có thể”.

Nhạc sĩ Minh Đạo: Góp ngọn nến thổi bùng bó đuốc rực sáng trên bầu trời âm nhạc

Là người cầu toàn nên khi phối khí xong, nhạc sĩ Minh Đạo thường thời gian các nghệ sĩ tập và anh đến Nhà hát. Anh cho rằng đến đó, trước tiên là thưởng thức, thứ nữa là xem đưa con tinh thần trên giấy khi vang lên bằng âm sắc của các nhạc cụ có vấn đề gì cần bổ sung chỉnh sửa.

Mặc dù vẫn biết khi viết cho Dàn nhạc Giao hưởng mọi thứ đã định hình, nhưng đôi khi trong không khí của buổi tập hoặc kỹ năng chơi nhạc của nhạc công cũng giúp anh hoàn thiện tác phẩm tốt hơn.

Nhạc sĩ Minh Đạo cho biết việc đến xem các nghệ sĩ tập cho anh hứng thú làm việc và nảy ra những gợi ý mới cho những tác phẩm sau này. "Quả thực mỗi khi đi nghe hoặc được làm việc với Dàn nhạc Giao hưởng luôn cho tôi nguồn năng lượng tích cực cùng kinh nghiệm trau dồi cho công việc viết nhạc của mình. 

Mặc dù, làm việc với Dàn nhạc Giao hưởng rất vất vả vì ngoài việc đòi hỏi sự sáng tạo của người viết còn cần đến sự tỷ mỷ, cẩn thận, chỉn chu trong khâu làm tổng phổ và phân phổ cho dàn nhạc, nên cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, mỗi khi nhận đặt hàng viết cho dàn nhạc giao hưởng tôi luôn nhận lời với một niềm vui và tự hào vì mình được tín nhiệm” - nhạc sĩ Minh Đạo bộc bạch.

(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.