You are here

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Luận: Cứ có cảm xúc là sáng tác

Tác giả: 
Minh Hương

Hơn 30 năm gắn bó, đắm say với âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Luận (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) đã bộc lộ khả năng sáng tác ca khúc, sáng tác khí nhạc, vừa biểu diễn, hòa âm phối khí, vừa tham gia giảng dạy ở nhiều cơ sở đào tạo. Riêng trong lĩnh vực sáng tác, ông đã có nhiều tác phẩm được đưa vào giáo trình đào tạo âm nhạc dân tộc hệ đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, như “Tình mẹ”, “Cao nguyên xanh”, “Ngựa ô mùa xuân”...

1. Nhiều nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam coi nhạc sĩ, NSƯT Trần Luận như một người thầy, một tấm gương sáng để học tập. Họ thường kể về ông, một người luôn nỗ lực tìm tòi để không những giỏi về chuyên ngành đàn nguyệt như được đào tạo chính quy mà còn thành thạo nhiều nhạc cụ khác. Và, quả thực, khi có mặt tại lớp học cũng là phòng khách trong căn nhà trên gác 3 Khu tập thể Du lịch (Hà Nội) - nơi nghệ sĩ Trần Luận đang sinh sống - mới thấy điều đó thật đúng. Dù chỉ rộng chừng 15m2 nhưng trong căn phòng ấy có hàng chục nhạc cụ khác nhau, từ nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tranh... đến các loại đàn hiện đại như piano, đàn guitar... để những ngày cuối tuần học trò đến với ông nhằm lĩnh hội thêm kiến thức mới.

Cuộc sống của một nghệ sĩ suốt mấy chục năm gắn bó với nghệ thuật vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ông luôn tự hào vì được theo đuổi và đắm say với nó. Chỉ tay lên bức ảnh chụp cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng treo trang trọng trong phòng khách, ông kể về lần được gặp cố Thủ tướng. Đến giờ ông vẫn nhớ như in lời căn dặn của cố Thủ tướng trong lần ông biểu diễn tại Phủ Chủ tịch: “Tiếng đàn của cháu hay lắm! Đất nước mình còn nghèo nhưng các cháu hãy cố gắng hết sức giữ lấy âm nhạc của dân tộc mình nhé!”. Câu nói ấy đã khắc ghi trong tâm khảm và ông coi đó là “điểm tựa” để vượt qua thử thách trong cuộc sống cũng như trong sáng tạo nghệ thuật.

2. Nghệ sĩ Trần Luận sinh ra ở đất chèo Thái Bình. Bố ông từng là nhạc công của Đoàn chèo Hải Dương, còn mẹ ông là một “cây văn nghệ” hoạt động sôi nổi ở địa phương. Đến năm 18 tuổi, ông rời quê hương, theo học đàn nguyệt tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) dưới sự giảng dạy trực tiếp của nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải - cây đại thụ của âm nhạc dân tộc nước nhà. Hồi ấy, khi tập tác phẩm của thầy Xuân Khải, Trần Luận thường sáng tạo thêm một số nốt, được thầy đánh giá là “có triển vọng”.

Được thầy động viên, ông đã mạnh dạn đến với sáng tác từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mặc dù không theo chuyên ngành sáng tác. Đó là lý do tác phẩm khí nhạc cho đàn nguyệt và dàn nhạc dân tộc “Tình mẹ” được ra đời rất sớm. “Khi tôi đi học, mẹ tôi đã phải cực nhọc chắt chiu từng đồng tiền gửi lên. Thương mẹ rất nhiều, tôi đã tìm được cái tứ là khai thác hình ảnh người mẹ gắn với lời ru khi con nằm trong nôi, lúc chập chững những bước đi và ngay cả khi trưởng thành vẫn có lời ru của mẹ ở bên. Trong tác phẩm này, tôi đã sử dụng lời ru từ dân ca Bắc Bộ và phát triển trên nền nhạc của bài hát “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng như kỹ thuật đàn nguyệt” - ông chia sẻ.

Ngoài ra, hai tác phẩm “Cao nguyên xanh” viết cho đàn tam thập lục solo và dàn nhạc dân tộc hay “Ngựa ô mùa xuân” viết cho hòa tấu dàn nhạc dân tộc của ông đã đem lại cho nhiều nghệ sĩ giải thưởng trong các hội diễn chuyên nghiệp. “Cao nguyên xanh” là cảm xúc của người nghệ sĩ trong chuyến đi đến vùng đất đỏ bazan, được uống rượu cần và nghe các chàng trai, cô gái hát múa hòa ca khi màn đêm buông xuống. “Ngựa ô mùa xuân” là cảm xúc bật lên khi ông thấy các chàng trai cô gái du xuân trên lưng những chú ngựa bạch giữa rừng đào, rừng mận của núi rừng Tây Bắc. Là người học nhạc cụ dân tộc nên trong các sáng tác dành cho nhạc cụ dân tộc của ông đều đậm màu dân tộc, có chất dân ca sâu lắng.

Không chỉ sáng tác khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc, nghệ sĩ Trần Luận còn sáng tác ca khúc mới, tiêu biểu như “Trở về” (thơ Lê Tự Minh) do ca sĩ Anh Thơ thể hiện thành công, hay “Mãi là của nhau”. Chia sẻ về điều thú vị này, ông cho biết: “Âm nhạc là biển trời tri thức mà khi đã ở trong đó rồi tôi lại muốn tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn các loại nhạc cụ, không chỉ nhạc cụ dân tộc mà còn là nhạc cụ hiện đại, không chỉ biểu diễn mà còn sáng tác. Tôi không bó buộc bản thân vào bất cứ điều gì, cứ có cảm xúc là tôi sáng tạo. Tôi thường chia sẻ với các bạn sinh viên âm nhạc rằng, học hành chỉ thế thôi, chứ trường đời còn dài lắm, còn "thiên biến vạn hóa" nhiều lắm!”.

3. Gắn bó với Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1987, sang năm nghệ sĩ Trần Luận bước vào tuổi 60 và sẽ nhận sổ hưu. Suốt hơn 30 năm qua, trong sự lớn mạnh của nhà hát không thể không nhắc đến đóng góp của ông trong dàn nhạc dân tộc. Một trong những sáng tạo của Trần Luận được nhiều người biết đến là đã cải tiến cây đàn nguyệt thêm dây trầm làm thành 3 dây để có thể chơi được nhiều tác phẩm hơn, cho âm thanh đa dạng hơn. Theo giới chuyên môn thì việc làm này sẽ giúp cho việc lấy dây quãng bốn ra được chất Bắc, lấy dây quãng năm cho ra được chất buồn ai bi thương. Hiện nay, ông đang ấp ủ dự định sẽ hoàn thiện về lý thuyết, viết thành công trình nghiên cứu cấp Nhà nước cũng như đưa đàn nguyệt ba dây vào đời sống nghệ thuật một cách phổ biến hơn.

Dẫu biết âm nhạc dân tộc luôn chịu sự sáng tạo của các nghệ sĩ biểu diễn trong từng thời kỳ khác nhau nhưng nghệ sĩ Trần Luận luôn khắc sâu lời dặn của hai người. Một là thầy giáo của ông - nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải: “Cậu sáng tạo, cải tiến bất cứ cái gì để nhạc cụ của mình dễ nghe dễ gần hơn với công chúng cũng đều tốt, nhưng phải cực kỳ cẩn thận bởi vì “non” quá khiến người nghe lắc đầu là thất bại. Khi cậu thấy ý tưởng đúng rồi, “chín” rồi thì phải chuẩn bị thật kỹ”. Hai, là người bạn cùng thời với ông - cố nhạc sĩ, NSƯT Hoàng Lương (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam): “Viết ra làm sao để người ta đánh được, người ta thể hiện được chứ viết ra khó quá hoặc trái ngón người ta không làm được là thất bại”. Bởi thế, bao năm qua nghệ sĩ Trần Luận vẫn đi những bước rất chắc chắn để cố gắng vừa giữ được lợi thế của từng nhạc cụ dân tộc nhưng vẫn cập nhật được hơi thở của đời sống đương đại.

Nhiều đồng nghiệp của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam còn nhắc về ông khi là người từ chối mọi chức vụ để được sống trọn đam mê với chuyên môn nghệ thuật thuần túy. Con người ông là thế, luôn giản dị, chân thành, gần gũi, không bon chen, không nề hà giúp đỡ nghệ sĩ trẻ. Ông không bao giờ hài lòng với những gì mình đã làm được. Mỗi ngày trôi đi với ông là một sự cố gắng, nỗ lực không ngừng. Thừa nhận rằng công tác nghệ thuật, nhất là liên quan đến âm nhạc dân tộc, không đem lại thu nhập cao nhưng ông luôn sống bằng niềm tin sắt đá: “Yêu âm nhạc dân tộc thì tự khắc nó sẽ yêu mình”.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Luận (tên đầy đủ là Trần Văn Luận) sinh năm 1962 tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Trong chặng đường hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã giành được nhiều giải thưởng có giá trị như: Giải Nhất Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2002 với tác phẩm (“Ngựa ô mùa xuân”), giải Ba Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010 (“Mùa vui đến”), giải Ba Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2014 (“Thượng Ngàn quê tôi”); Bằng khen của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) năm 1992...

Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012.

(Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.