You are here

Nhạc sĩ Ngọc Khuê của “Làng lúa làng hoa”

Tác giả: 
Trần Thị Trường

Cách đây 10 năm tôi có dịp đi cùng với nhiều nhạc sĩ trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam lên Sapa, trong đó có nhạc sĩ Ngọc Khuê. Trong đoàn đi thực tế sáng tác (do một đơn vị về CNTT tổ chức)  hầu hết đều đã nổi tiếng: Duy Thái, Lê Minh Sơn, Tuấn Phương, Xuân Phương…, chỉ mình tôi là nữ. Tôi thường có cơ duyên may mắn như thế, có lẽ do tôi có duyên với Nhà tổ chức và bên âm nhạc.

Trước khi đến Sapa chúng tôi được tham quan vùng đất Yên Bái, đang ở giai đoạn “vươn vai”, đô thị hóa và việc đầu tiên là đưa công nghệ thông tin vào phát triển đời sống... Tôi nhớ nhất đoạn đi tắm suối nước nóng, mình cứ loay hoay trong nhà tắm quây kín, trong khi bên ngoài, chỗ suối chảy ngang mặt đường rừng, các chị các em cứ “tắm tiên”. Các nhạc sĩ, tưởng hăng lắm, vậy cũng ngượng ngùng, chẳng dám ra… tắm cùng. Tối đến, sau một chầu rượu men lá, chúng tôi lên nhà sàn, múa hát. Các nhạc sĩ tay trong tay với các thiếu nữ dân bản. Những nhạc sĩ trẻ vui hết cỡ, cứ giới thiệu đến ai thì thiếu nữ ở bản lại ồ lên: “Vâng, xin mời nhạc sĩ Duy Thái - Lời của gió lên hát ạ”. Cứ thế lần lượt dân bản mời nhạc sĩ Xuân Phương - Mong ước kỷ niệm xưa; nhạc sĩ Tuấn Phương - Biển chiều; Lê Minh Sơn - Bên bờ ao nhà mình; và cuối cùng là mời nhạc sĩ Ngọc Khuê - Làng lúa làng hoa… Anh ngần ngừ một lát rồi cũng hát. Không ngờ, nhạc sĩ Ngọc Khuê lại có giọng hát hay đến như vậy. Người ta vẫn nói, tác giả là người hát hay nhất tác phẩm của mình. Có lẽ bởi họ đã hát với tất cả cảm xúc chân thành nhất.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê hơn tôi 3 tuổi, tôi hơn nhạc sĩ Duy Thái, Tuấn Phương 7 tuổi… còn lại trong đoàn toàn người trẻ, và hầu hết những người đó tôi đều đã quen, đã viết bài, lẽ ra tôi sẽ làm quen nhạc sĩ Ngọc Khuê, như công việc tôi vẫn thường làm, nhưng chắc có lẽ chúng tôi còn mải vui với những điều rất khác nhau, nên lời hẹn gặp lại đến bây giờ mới thực hiện.

*

Nhạc sĩ Ngọc Khuê có tới hơn 300 tác phẩm âm nhạc, trong số đó có đến một nửa là viết cho các đơn đặt hàng (nói như  nhạc sĩ Nguyễn Cường thì đơn đặt hàng là cái cớ để tập trung cảm xúc, và 100% tác phẩm của Nguyễn Cường đều bắt đầu từ đơn đặt hàng). Những bài hát viết về ngành nghề, vùng đất… theo đơn đặt hàng như vậy của nhạc sĩ Ngọc Khuê đều được những nơi đặt hàng ưng ý vì tác phẩm thay họ nói những điều tâm đắc: “Hạt nắng hạt mưa”, “Cây đàn Tính và anh chiến sĩ”, “Tiếng hát từ hai bên đầu dây”… Còn những bài anh viết cho kỷ niệm riêng của anh thì lại được đông đảo công chúng yêu thích, sức phổ cập/phổ biến rất rộng rãi. “Làng lúa làng hoa” và “Nhặt chiếc lá rơi” là những điển hình.

Sinh ra ở Hoài Đức, bây giờ cũng thuộc về Hà Nội, nhạc sĩ Ngọc Khuê đi bộ đội từ khi chạm tuổi thanh xuân, làm anh pháo thủ Hàm Rồng và giáo viên văn hóa 9 năm gắn bó với vùng đất lịch sử này, nhiều bài hát của anh được bắt nguồn từ cảm xúc về nơi đó, năm tháng đó. Ngay cả âm nhạc của “Làng lúa làng hoa” (sau này đổi thành “Mùa Xuân, làng lúa, làng hoa”) cũng được phát triển từ điệu hò xứ Thanh, phát triển một cách chọn lọc và đẩy xa hơn bằng những luyến láy tài hoa của riêng nhạc sĩ...

Nhập ngũ đầu năm 1965, tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu của Hàm Rồng nổi lửa (3/4/1965), ban đầu Ngọc Khuê là pháo thủ dự bị, sau sang pháo thủ số 1. Rồi được điều lên làm giáo viên văn hoá trung đoàn, đến tháng 8 năm 1974 thì về Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. Ca khúc đầu tay của anh “Tiếng hát bên dòng sông Mã” được viết năm 1966, lúc mới 19 tuổi. Tác phẩm chào đời ngay lập tức được tham gia hội diễn (1968), ẵm luôn Huy chương Vàng, rồi được chọn đi biểu diễn cùng với Đội tuyển Văn công Quân Khu III. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh là người đệm đàn cho Ngọc Khuê trong lần Hội diễn ấy, sau đó họ trở thành bạn bè của nhau. Bài hát được thu thanh, được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày đó, như thế là oách lắm.

Nhiều ca khúc về cuộc sống chiến đấu của bộ đội tại Hàm Rồng, nhất là bộ đội cao xạ đã được Ngọc Khuê viết trong thời kỳ này, phương tiện để chọn ký âm chỉ là cây sáo trúc. “Tổ khúc Hàm Rồng ta đó” cũng được đem đi dự Hội diễn Quân chủng Phòng không - Không quân. Những ca khúc: “Khúc ca Hàm Rồng”, “Tiếng còi tầu”, “Pháo ta bảo vệ giao thông vận tải”, “Đồi Quyết Thắng” (Thơ Từ Nguyên Tĩnh) vv… cũng được sử dụng nhiều trên làn sóng. Bài “Kéo pháo vào trận địa” cũng vậy, tác phẩm này được giáo sư nhạc sĩ FERE (Liên Xô) và nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ngày đó vào thăm Hàm Rồng rất khen ngợi. Hay bài “Thiên đường của Mẹ” (trích thơ “Viết bên cửa sổ máy bay” của Trần Đăng Khoa) cũng được tặng Huy chương Vàng và in trong tập “Những khúc quân hành vượt thời gian” của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, được chọn làm một trong những bài hát truyền thống của bộ đội không quân. Ca khúc “Hạt nắng, hạt mưa” cũng được viết theo “đơn đặt hàng” của bên công binh, đã trở thành bài hát được sử dụng rất nhiều cả trong công binh lẫn ngoài công chúng, là tác phẩm trong cụm tác phẩm đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2012) “Có những tiếng hát thẳm sâu trong ngực anh, Có những tiếng hát bão giông không làm vơi. Hạt chắc, hạt tơi. Sỏi đá đầy vơi đi qua trong tiếng rơi, chỉ còn lại tình yêu mãi không thôi!”. Không thấy một từ công binh nào, nhưng anh em bộ đội công binh thì đều thấy mình trong đó, sự gian nan, vất vả, nắng mưa bom đạn, và“sỏi đá”  đã được anh mã hóa, ẩn dụ tinh tế!

Nhạc sĩ cho biết: mỗi ca khúc của anh đều xuất phát từ những tình huống riêng và cảm xúc thường là bắt đầu từ những “đối tượng” nhất định, nhưng ngôn ngữ âm nhạc và ca từ được chắt lọc, được “nâng” lên thành “câu chuyện” chung, để người thưởng thức cảm nhận được, thấy được có đời/ có mình trong đó. “Gặp gỡ đồng đội”, một bài hát được nhiều người hát, và yêu thích cũng thế, anh viết là viết cho những đồng đội đã hy sinh anh dũng trên trận địa, những đồng đội may mắn còn sống sót trở về, anh nghĩ viết cho đồng đội cũng đồng thời là cho chính mình và cho cuộc đời...

 *

Tôi mở loa, nghe bài hát “Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều. Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng. Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người. Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi đồng ruộng. Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngọt ngào. Hương hoa bay dạt dào, làng hoa em gọi mùa. Mùa xuân”…, rồi hỏi: anh có thể tiết lộ đôi chút về sự bắt nguồn, động lực thúc đẩy để cảm xúc thăng hoa chăng? Không phải vì tò mò, mà vì tôi biết không ít tác phẩm âm nhạc được hình thành bởi nhạc sĩ tâm đắc với bài thơ nào đó, thơ đã thôi thúc, khơi gợi nhạc sĩ sáng tác làm nên một nhạc phẩm nổi tiếng (nhưng tác phẩm âm nhạc đó mang hai tên tuổi, một của tác giả thơ, một của nhạc sĩ).

Đắn đo một hồi rồi Ngọc Khuê kể:

Năm ấy, tôi mới hơn 30 tuổi, đã có gia đình, và cho đến bây giờ gia đình vẫn là giá trị thiêng liêng của tôi, nhưng là một nghệ sĩ, trái tim tôi luôn mẫn cảm với cái đẹp, từ thiên nhiên đến con người, cuộc sống như một khu rừng lớn, vẻ đẹp của sông suối cỏ cây hoa lá chim muông đều khiến tâm hồn mỗi người rung động, tôi cũng vậy mỗi vẻ đẹp đều khiến trái tim tôi thổn thức... Tôi có những người bạn thân, cả nam lẫn nữ, ngày đó cuộc sống vô tư hơn bây giờ, chúng tôi yêu mến nhau, thích nhau và sự “tương tư thầm kín”, có lẽ thế, đã thôi thúc tôi. Chúng tôi đi chơi với nhau, ngày xưa Quảng Bá, Hồ Tây là con đường của nhiều hẹn hò lãng mạn, đèo nhau qua đấy, em ngồi đằng sau, hoa và lúa thi nhau đẹp hai bên đường, trước mặt… thế là vụt hiện cái tứ: em, lúa, hoa, xuân. Câu nhạc này tiếp nối câu nhạc kia, làm nền cho những câu thơ hiện ra trước đó. Câu cao trào có trước: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người, bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng…”, các câu khác có sau, có câu về nhà đắp dần vào…”.

 Anh ngừng lời. Tôi thốt lên, tuyệt. Có những câu nhạc trong “Làng lúa làng hoa” khiến người ta liên tưởng đến sóng nước Hồ Tây, đến vạt lúa dạt dào, đến hương sắc của hoa… Rồi đến đoạn kết của bài hát, lại một lần nữa âm nhạc bừng lên như một khát vọng, cao trào của tình yêu.

Là người làm việc trong lĩnh vực âm nhạc tôi được nghe nhiều câu chuyện tình, mượn bài hát làm cái cớ để trai gái đến với nhau. Nhiều cặp hôn nhân đã kể những câu chuyện cảm động của họ với nhạc sĩ, có cặp còn dẫn nhau đến cảm ơn. Tôi hỏi nhạc sĩ Ngọc Khuê, có gặp chuyện vậy không? Anh kể:

“Có chứ, nhiều là khác. Chỉ xin kể một ví dụ: một buổi tối đẹp trời, tôi nhận được một cuộc điện thoại lạ, người gọi là một thanh niên, nói: Xin lỗi, đây có phải số điện thoại của nhạc sĩ Ngọc Khuê không ạ? Tôi nói đúng rồi. Cậu thanh niên này nói: Cháu phải cảm ơn chú rất nhiều ạ! Vì bài hát “Làng lúa làng hoa” của chú mà cháu lấy được vợ đấy ạ! Thế à? Cậu ấy nói tiếp: Cháu hay bị bạn bè trêu đùa gọi là chàng đụt, với con gái cháu rất rụt rè. Có lần cháu rủ được cô bạn đi chơi. Ngồi mãi chẳng biết mở đầu bằng câu gì. Cả hai cứ lúng túng, vừa lúc đó nghe được bài hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của chú từ một loa phóng thanh vọng ra. Cháu từ lâu rất thích bài hát này rồi, mà cô ý lại còn thích hơn cả cháu nữa cơ. Thế là trong suốt buổi nói chuyện hôm ấy, chúng cháu chỉ toàn “chém” với nhau xung quanh bài hát của chú, nó hay thế này, lời nó đẹp thế kia… Thế rồi, từ đó trở đi, khi nào hồi hộp, lúng túng thì chỉ cần hát: “Bên lúa anh bên lúa…” là xong chú ạ! Để hôm nào cháu bảo vợ cháu nói chuyện với chú nhé!”.

Không chỉ có thế, cứ năm nào mùa xuân đến thì sóng phát thanh truyền hình hay sân khấu nhiều nơi đều vang lên: “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”, có vẻ như “nó” nằm trong những bài hát sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng.

*

Về cô em “ríu rít ở sau xe” kia, nguyên cớ ra đời “Mùa xuân làng lúa làng hoa kia” dù nhạc sĩ Ngọc Khuê không tiết lộ, nhưng rồi qua tìm hiểu, tôi được biết, chị giờ cũng ở tuổi bà ngoại, nhưng vẫn đi làm, mà làm ở một đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam với vị trí một chuyên gia. Xinh đẹp một thời và nhan sắc bền lâu, chị giỏi tiếng Anh từ thời tiếng Anh còn nhiều xa lạ ở Việt Nam. Chị cũng đã có gia đình từ hồi trước đó, là bạn bè của nhiều người cùng quen biết với nhạc sĩ Ngọc Khuê, nhưng có một điều gì đó khiến anh “dũng cảm” dành nhiều cảm tình hơn với chị, chị cũng cảm nhận được điều đó, và cho đến ngày nay, chị vẫn coi đó là cái duyên, cái cớ ông trời cho để một bài hát hay được hình thành, chị trở thành “nàng thơ” của nhạc sĩ. 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.