You are here

Nhạc sĩ Ngọc Khuê và sự lựa chọn định mệnh

Tác giả: 
Từ Nguyên Tĩnh

Lời giới thiệu sách NGỌC KHUÊ – TÁC GIẢ & TÁC PHẨM

Nhạc sĩ Ngọc Khuê tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Khuê, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội.

Sinh ngày 08 tháng Tư năm 1947, tại làng Giá, còn gọi là Kẻ Giá, Yên Sở, Phủ Hoài Đức, Hà Đông, nay là Thành phố Hà Nội. Trong một gia đình có truyền thống học hành. Cha là Cụ Nguyễn Đức Quảng (1900- 1963) thuộc Gia tộc họ Nguyễn Bá, một Thầy Đồ dạy chữ Nho cho nhiều lớp học trò, là bậc tiên chỉ của làng xã. Tính tình hiền từ khoan hậu. Thích làm điều thiện. Mẹ là Cụ Phan Thị Cư (1910 - 1976) Thuộc dòng dõi họ Phan Huy ở Sài Sơn, chùa Thầy, có nhiều người đỗ đạt, nổi tiếng hay chữ, tài năng xuất chúng.

Lúc mới sinh Nguyễn Ngọc Khuê chưa kịp đặt tên, giặc Pháp đánh thành Hà Nội và vùng ven, chạy loạn vào quê ngoại ở làng Thụy Khuê, ngay chân Núi Thày, bèn lấy tên là Khuê - gửi gắm niềm hy vọng vào đứa con trai út.

Lớn lên Ngọc Khuê được thụ hưởng nền giáo dục nề nếp của gia đình và “văn hóa Kẻ Giá”. Kẻ Giá vốn là vùng đất cổ, có nhiều trầm tích lịch sử và văn hóa lâu đời. Đình Giá thờ tự Lý Phục Man, người giúp Lý Nam Đế dựng nên nước Đại Việt. Sông Hát (sông Đáy) thơ mộng ôm vào lòng những bãi mía, nương dâu xanh ngát. Làng Giá có nghề tầm tăng canh cửi nổi tiếng - Tiếng thoi đưa lách cách, như tiếng nhạc gõ vào ký ức tuổi thơ.

Ước mơ của Ngọc Khuê, được làm thầy giáo làng, gắn bó với học sinh, sau giờ dạy cùng các em hát múa, trồng hoa cây cảnh, chơi đùa thỏa thích, rồi trầm mình nơi dòng sông Đáy mát rượi, ngắm hoàng hôn rắc những ánh vàng hoa xuống cánh đồng làng, lắng nghe đâu đó từ trong bãi dâu cất lên tiếng hát của cô thôn nữ, lay động lòng ngươi lắm thay. Nhưng ước mơ làm thày giáo chưa thành. Ngày 18 tháng 2 năm 1965, mười tám tuổi, chàng trai làng Giá đã lên đường nhập ngũ. Chưa thành thục với súng đạn, lệnh hành quân cấp tốc vào bảo vệ cầu Hàm Rồng. Giặc Mỹ gây hấn ra miền Bắc. Khu Tư - Hàm Rồng là tuyến đầu chống Mỹ, bảo về bầu trời, bảo đảm giao thông chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Ngày 3 và 4 tháng Tư năm 1965, đi vào huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa. Anh cùng đồng đội chưa bao giờ có được niềm tự hào lớn lao như vậy. Lặng người sau trận đánh đứng trên trận địa Hàm Rồng, nghe câu hò sông Mã vẳng lên từ nơi còn nồng nặc khói bom đạn...

Ơ...Ơ...Hàm Rồng là trái tim tôi
Niềm tin 31 triệu người Việt Nam...ơ ấ ơ...hò...

Anh hiểu, từ lúc này không còn là cậu bé ngây thơ của làng Giá nữa rồi. Anh và bao chàng trai khác mang sứ mệnh thiêng liêng là cầm súng chống lại kẻ thù xâm lược. Thèm được ca hát quá. Cây sáo trúc đem theo tưởng là thừa. Bây giờ giúp anh hòa mình vào không khí chiến thắng của quân dân Hàm Rồng. Anh nào hiểu “bí mật của cuộc sống “chọn giọng hát” và tiếng sáo của anh làm diệu pháp tinh thần xoa dịu trái tim của mình và đồng đội. Làm pháo thủ, vẽ báo tường, làm thơ...đã giúp chú binh nhì Nguyễn Ngọc Khuê đến gần với văn học nghệ thuật. Lưng vốn âm nhạc học được ở thày giáo làng giúp cho Ngọc Khuê xuất hiện trước người lính, họ gọi anh là “ca sĩ”...Xúc động trước kỳ vĩ của Hàm Rồng, chiến công oai hùng của quân dân Thanh Hóa, ca khúc “Tiếng hát bên dòng sông Mã” ra đời năm 1966, lúc này anh vừa tròn một tuổi quân và 19 tuổi đời.

Phải trải qua gần mười năm, lúc làm pháo thủ, khi làm giáo viên bổ túc văn hóa ở cái trường “trận địa Hàm Rồng” với ba giáo viên. Hễ có hội diễn văn nghệ quân khu, quân chủng...là điều động các chiến sĩ từ các đơn vị chiến đấu lên tập hát. Hát bài hát của các nhạc sĩ gạo cội, và của “Nhạc sĩ Hàm Rồng - Ngọc Khuê”. Tiếng hát của Ngọc Khuê và những ca khúc đầu đời không chỉ ngân lên ở trận địa Hàm Rồng, mà vang xa trên làn sóng của đài tiếng nói Việt Nam. Giúp cho anh có niềm tin, vào những ca khúc khác, dẫu còn thô sơ, nhưng bước đầu đã nắm bắt được “bí mật của âm thanh và ca từ”, tìm đến và khám phá sự kỳ diệu của âm nhạc.

Một bước ngoạt quan trọng trong cuộc đời Nguyễn Ngọc Khuê, năm 1974 được điều về đoàn văn công PKKQ. Anh được biên chế trong đội hát của đoàn. Từ đây anh thỏa sức để ca hát. Anh xúc động muốn cất cao lên tiếng lòng mình: “Tôi đứng nơi đây...cất tiếng ca lên cả đất trời. Tôi muốn sống làm người. Làm người có trái tim...yêu thương “. Âm nhạc đối với anh thật quyến rũ, nhưng lúc này vẫn còn là bí ẩn. Anh còn phải gian nan để thể nghiệm những sáng tác, còn thô ráp hay nói một cách khác, những sáng tác lúc này chưa hứa hẹn điều gì. Nhưng dẫu sao cũng là bước đầu dấn thân vào làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Đi khắp các miền quê của Tổ quốc biểu diễn, và thực hành sáng tác ca khúc. Tên tuổi Nhạc sĩ Ngọc Khuê quen dần với công chúng.

Không thể nói cuộc đời “sáng tác” của Nhạc sĩ Ngọc Khuê toàn thuận buồm xuôi gió. Anh phải vượt lên chính mình để vươn lên nắm lấy quy luật phong phú, đa dang và phức tạp của âm thanh, của ca từ. Anh phải lăn lộn như một người chiến sĩ thực sự trên mọi nẻo đường của người lính PKKQ để “Nhặt chiếc lá rơi”, để đầm mình cùng “Hạt mưa hạt nắng”. Anh phải thể nghiệm, khai thác kho tàng hát múa dân gian đến sự “hòa nhập” nhạc Jza, nhạc pốp. Chất mượt mà của dân ca bắc bộ, đằm thắm của ca trù, chất hào hùng, hoành tráng của hò sông Mã và dân ca Thanh Hóa. Tất cả những điều ầy thật cám dỗ đối với mọi nhạc sĩ. Rất dễ “bắt chước” rồi đầm mình trong dân ca, không thoát ra nổi, để ca từ và nhịp điệu chìm sâu trong âm điệu rất “đậm nét” của “truyền thống” và không thấy bóng dáng của mình đâu. May mắn thay Ngọc Khuê không bị sự cám dỗ, của dân ca Thanh Hóa và hò Sông Mã nhấn chìm ( trước anh đã có các nhạc sĩ Xuân Giao, Hoàng Đạm, Đôn Truyền... rất thành công với các ca khúc: Chào sông Mã anh hùng, Cây lúa Hàm Rồng...); trước anh cũng rất nhiều nhạc sĩ khai thác dân ca Bắc Bộ và ca trù rất thành công. Ngọc Khuê đã tiết chế được sự ảnh hưởng hay nói cách khác sự cám dỗ của hai dòng dân ca thấm đẫm trầm tích của lịch sử và văn hóa này. Ngọc Khuê biết khai thác những tinh hoa của âm nhạc dân tộc đưa vào sáng tác mới của mình một cách kín đáo, nhuần nhị… Nghe thì đượm màu dân ca, mà dân ca thì đã lấp lánh đâu đó trong giai điệu rồi.

Từ năm 1974 đến năm 1980, trong vòng 6 năm, Ngọc Khuê đã làm việc quên mình. Làm việc để thể hiện thế đứng của một cán bộ quản lý. Sáng tác âm nhạc để nhập vào đội ngũ nhạc sĩ chuyên nghiệp. Để tìm thấy sự kỳ diệu của âm thanh, hiện thành lời, thành “Mùa xuân làng lúa làng hoa”.

 Nhạc sĩ Ngọc Khuê là một tấm gương tự học và lao dộng phi thường. 74 năm tuổi đời, 55 năm cầm bút sáng tác, Thơ, văn, tạp văn, ca khúc...vv...Nhưng đóng góp giá trị hơn cả là âm nhạc...Ông để lại cho đời một già tài âm nhạc đồ sộ. Hơn ba trăm ca khúc. Âm nhạc của Nhạc sĩ Ngọc Khuê đa dạng về thể loại, đề tài; nhưng tập trung, rõ nét là “tính sử thi và âm điệu trữ tình”. Khát vong sống, sự ấm áp của một tâm hồn yêu thương, yêu người yêu mình, trân quý cuộc sống gia đình, riêng tư; vượt lên trên mọi khổ đau và gian nan hướng tới cái thiện, cái đẹp muôn thủa. Yêu con người và yêu hoa – yêu cuộc đời. Từ lúc bắt đầu cầm bút, đã khao khát kiếm tìm “yêu hoa”. Hoa mọc bên làng quê, hoa bên trận địa Hàm Rồng. Hoa lúa bên Hồ Tây – Nghi Tàm. Hoa lúa bên bãi mía, nương dâu của mẹ. Là đứa con có hiếu với mẹ. Một người đau đáu yêu đời như anh - “Nhạc sĩ của Hàm Rồng” có giọng ca vàng, vang lên khắp trận địa Hàm Rồng, khắp xứ Thanh; biết bao cô gái thầm yêu trộm nhớ. Nhưng vì thương mẹ già, mẹ gọi về lấy vợ - một cô giáo làng, theo cách “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Có phải sự kìm nén “yêu thương” ấy mà khi gặp “lúa và hoa” trái tim ông bật thành khúc thức tài tình: – Mùa xuân làng lúa làng hoa. Và Mùa xuân làng lúa làng hoa đặt ông lên ngang hàng với những tài danh âm nhạc viết về Hà Nội. Bình tĩnh lại mà suy ngẫm. Bài hát về Hà Nội, không thiếu những người đã viết. Về lịch sử, về tình yêu về sự hoành tráng của sông Hồng, Đông Đô, Thăng Long... với bao tâm trạng u hoài, mến thương, chia xa và day dứt. Nhưng để “khắc lên trời xanh” không mấy ca khúc đứng vững. Ngọc Khuê chọn về “lúa và hoa”, về “cánh đồng làng ven đê”, về “Hồ Tây xanh mênh mông”... Không bị dăng mắc của dân ca bắc bộ, hay ca trù tài tử – cái mơn man của sông Đáy, cái hào hùng và dữ dội của Sông Mã cám dỗ. Vượt thoát ra ngoài, để có một khúc thức: - Dịu dàng - duyên dáng - êm đềm... làng lúa làng hoa - “ngôn ngữ tình yêu “...và trở thành bất tử. Dẫu sau này sự vật thây đổi thế nào, mỗi mùa xuân về lời ca sẽ còn âm vang mãi: Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người, bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng. Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt, hương hoa bay dào dạt, làng hoa em gọi mùa, Mùa Xuân...

Tôi cứ nghĩ mình hiểu, nắm bắt được điều gì khi nhạc sĩ mời viết lời giới thiệu cho tuyển tập đồ sộ này. Chắc ông tin cậy tôi, là đồng đội sống chết ở Hàm Rồng, cùng viết báo, là “nhà thơ” của trận địa. Ngoài lý do đó ra, có nhiều nhà lý luận âm nhạc tỏ tường hơn, hiểu hơn “quy luật của âm vận”, “sự kỳ diệu của thanh âm”. Khi con người “vui buồn, phẫn nộ trước thiên nhiên và vũ trụ thì cất lên thành lời. Không có cái tài năng “trời cho” làm sao mà nắm bắt kịp cái phút giây xuất thần đó. Trái tim vẫn đập đấy mà không bắt kịp để đối đạp, so giây cùng vũ trụ. Thì sự huyền diệu kia cũng tan ra, buột đi mất.

Âm nhạc là “Định mệnh” của Ngọc Khuê. Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã chọn Âm nhạc cho số phận mình. Ông đã tự xây cho mình một “đài kỷ niệm bằng âm thanh”, và cho cuộc đời. Mỗi khi cất tiếng hát lên thấy sự tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống. Lúa và Hoa và Mùa xuân!

Mùa Xuân 2020

Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh – Hội Nhà văn Việt Nam

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.