You are here

Nhạc sĩ Phú Quang: Thăm thẳm tiếng lòng mẹ

Tác giả: 
Ngô Khiêm

Phú Quang, người nhạc sĩ tài hoa được biết đến với những ca khúc nổi tiếng về mùa Thu, về Hà Nội và tình yêu, thếnhưng trong tâm khảm ông luôn dành phần “tài hoa” ấy, một góc riêng nào đó cho người mẹ thân yêu của mình. Điều đặc biệt cái tình cảm tưởng chừng riêng tư ấy lại chính là tiếng nói chung và “chạm” được vào trái tim của nhiều người. Vì lẽ đó mà dù sáng tác về mẹ không nhiều nhưng khi nhắc đến mảng ca khúc này không thể bỏ qua cái tên Phú Quang.

Cách đây đúng 4 năm, cũng vào những ngày cận kề của mùa Vu Lan, tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Phú Quang tại tư gia của ông bên bờ sông Hồng lộng gió. Hỏi ông có suy nghĩ gì khi trong những ngày này thì ông bảo, đã là bậc sinh thành thì ai cũng phải kính trọng nhưng riêng đối với mẹ thì tình cảm có khác hơn. Đối với tôi thì mẹ là người đàn bà lớn lao nhất, thiêng liêng nhất, vĩ đại nhất bởi trong bản thân người mẹ luôn ngập tràn tình yêu thương và lòng bao dung che chở cho các con. 

Tiếp nối với những câu chuyện về mẹ, ông kể, mình đã từng chứng kiến ở phiên tòa có đứa con vừa ăn cướp vừa giết người. Trong khi tất cả mọi người đều hả hê thì ông thấy trong ánh mắt bà mẹ đứa con đó như một thằng bé ngây ngô. Bà ngồi im lặng, không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra trên mí mắt. Bà mẹ ôm con vào lòng và lấy tay vuốt ve lên mái tóc, khuôn mặt của đứa con lầm lỗi đó. Thế rồi, ông nghiệm ra rằng: Dù đứa con có làm to đến đâu, nổi tiếng cỡ nào hay tuổi tác có rất nhiều đi chăng nữa thì trong mắt bà mẹ cũng chỉ là đứa bé con thơ dại mà thôi. 

Nói về người mẹ của mình, ông kể: “Là con út trong nhà nên mẹ thương tôi nhiều lắm. Mẹ tôi sống rất tế nhị, nho nhã vì là con của ông huấn đạo ngày xưa (tức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bây giờ) nên mẹ thường dùng thơ văn để răn dạy tôi. Mẹ tôi tuy không học cao nhưng có thể thuộc làu Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... và dạy tôi toàn bằng thơ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương... Tôi còn nhớ, hồi mới 13 tuổi, tôi làm một câu đối treo ngay trên bàn học: “Ngõ lầy lội đường trơ xác pháo/ Nhà hương tàn sàn nát đào rơi”. Khẩu khí ấy tôi có là vì nhiễm tính cách mẹ tôi, chứ bố tôi thì khác, vì cụ cho rằng người có khẩu khí như thế sau này sẽ rất khổ”.

Năm 17 tuổi, Phú Quang đã bộc lộ tài năng âm nhạc nên được nhiều nơi mời đi sáng tác. Mỗi lần về nhà, mẹ ông thường xới cơm ở giữa nồi và gắp hết thịt, cá vào bát cho ông. Mẹ nói: “Con ăn đi, không ngày mai ra ngoài kia lấy đâu thịt, cá để mà ăn”. Đó là những câu nói nhẹ nhàng nhưng có cái gì khiến ông không thể cầm được nước mắt. 

Ngày ông quyết định vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh, lúc ấy mẹ ông đã 80 tuổi. Sợ mẹ buồn nên sát ngày đi ông mới dám nói. Mẹ không nói gì, chỉ im lặng nhìn ông và ánh mắt lúc đó như muốn trách móc đứa con của mình rằng “Vì sao con lại đi?”. Và khi kể lại câu chuyện này với tôi, ông bảo ánh mắt đó đã ám ảnh ông suốt cuộc đời này và ông cảm thấy ân hận vì không được ở bên mẹ nhiều hơn.

Hơn 20 năm bươn chải phương Nam, năm 2008 ông mới trở về sống ở Hà Nội. Thủ đô với ông không có gì khác lạ ngoại trừ một điều là ông đã mất mẹ. Khi ấy, ông rất nhớ mẹ và cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Chính những điều ấy đã khiến ông viết lên ca khúc “Mẹ” có câu hát như một “chân lý sống” từ ý thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Mẹ là người đầu tiên/ Người đàn bà mãi mãi/ Không bao giờ phản bội/ Ngay cả khi con ngu dại một đời”. Cũng từ ý thơ của một người bạn, ông đã viết lên giai điệu chân thành, mộc mạc dành cho mẹ với những câu hát thực sự cảm động “Chỉ có mẹ thôi dẫu là con đớn đau, dẫu là con lạc lối/ Chỉ có mẹ thôi không bỏ con bơ vơ giữa cuộc đời/ Chỉ có mẹ thôi bao ngày qua nuốt nước mắt nguyện cầu/ Chỉ có mẹ thôi che chở con trong bão tố dập vùi/ Chỉ có mẹ thôi che chở con qua mưa gió cuộc đời…” (bài hát “Mẹ ơi”). 

Gia đình nhạc sĩ Phú Quang có nhiều đời sống ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) nhưng do chiến tranh loạn lạc mà gia đình ông đã lên sơ tán ở vùng Cẩm Khê (Phú Thọ) và ông được sinh ra tại đó (năm 1949). 5 năm sau, khi Thủ đô giải phóng ông lại cùng gia đình quay trở lại Hà Nội sinh sống rồi bẵng đi một thời gian cho đến mùa đông năm 2014 ông mới có dịp quay lại vùng đất này do sự hối thúc của một người bạn “lên tìm lại kỷ niệm những ngày ấu thơ”. 

60 năm cũng có thể coi là thời gian của một đời người và đủ để mọi cảnh vật, thiên nhiên đổi khác. Mọi thứ tưởng chừng như đã trôi vào dĩ vãng, thế nhưng khi đi phà qua sông Thao, giữa dòng nước mênh mông ông cảm nhận được những luồng gió lạnh từ phương Bắc tràn về, nó luồn qua khe áo lần đến trái tim khiến ông nhớ về ngày xưa vô cùng. “Hồi đó, tôi thường theo chị qua phà sang bên chợ chơi. Mỗi khi đi, mẹ thường dặn chị là hãy ôm chặt tôi vào lòng kẻo tôi ngã xuống sông và khi trở về ở bờ bên kia, mẹ thường đứng ngóng hai chị em”, ông kể.

Nhạc sĩ Phú Quang trong một tiết mục biểu diễn.

Với cảm xúc dâng trào ấy, ông đã viết ca khúc “Về lại miền thơ ấu” như lời tự sự tận trái tim mình. Ca khúc với những ca từ day dứt người nghe về một miền trung du, nơi gắn bó biết bao với ký ức tuổi thơ của nhạc sĩ Phú Quang: “Chiều cuối năm sao buốt lòng đến thế/ Cây si già trầm tư thương nhớ con đò ngang/ Một chiều lại về với miền quê trung du/ Thương nhớ ai mà sông Thao trào nước mắt/ Ngỡ như mẹ cha vẫn chờ ta ngoài hiên vắng/ Ngỡnhư chị ta lại ôm ta trong vòng tay dịu dàng…”. Rõ ràng mặc dù không viết trực diện về mẹ nhưng chính người mẹvới tình yêu vô bờ bến dành cho con đã là nguồn cảm hứng bất tận để giai điệu được vang lên.

Ông từng tâm sự, ông cha ta đã có câu “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” vì vậy cảm xúc về mẹ luôn là dạt dào trong tâm khảm mỗi người con. Với các nhạc sĩ, sự thể hiện đó có độc đáo hơn chút. Khi được hỏi một số ca khúc về mẹ của các nhạc sĩ khác, ông cho biết “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bài rất hay, “Lòng mẹ” của ca sĩ Ngọc Sơn thật sâu lắng, “Nhật kí của mẹ” của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung cũng đã gây được tiếng vang lớn trong lòng khán giả khi mới ra đời. 

“Theo tôi, những bài hát về mẹ của bất kì nhạc sĩ nào cũng đều chiếm được cảm tình của người nghe dù ít hay nhiều. Người mẹ ở đây không phải là của riêng mà đã nâng lên một tầm cao mới, người mẹ chung của dân tộc Việt Nam với sự hy sinh hết lòng vì con cái”, ông nhấn mạnh.

Trong gia tài âm nhạc của ông thì các sáng tác về mẹ còn rất khiêm tốn, tuy nhiên ông bảo, biết thế nào là ít hay nhiều, vấn đề là chất lượng của tác phẩm đó. Cũng như người phụ nữ đẹp, cô ấy không bao giờ khen mình đẹp mà để người khác cảm nhận. Với công chúng thì Thị Nở quá xấu nhưng với Chí Phèo thì Thị Nở rất xinh đẹp. Ông cũng khẳng định rằng, những gì ông viết về mẹ cũng chỉ là điểm xuyết của cảm xúc. Cả đời ông sẽ không bao giờ có thểviết một bài hát trọn vẹn về tình mẹ.

Những ngày này, mùa Thu Hà Nội đang rất “nhớ” Phú Quang, bởi mùa Thu thì vẫn đẹp, vẫn dịu dàng còn ông lại không được hưởng cái đẹp, cái dịu dàng ấy bởi ông đang phải chiến đấu trong một cuộc chiến hết sức cam go, căng thẳng. Chỉ mong rằng, “nhạc sĩ của Hà Nội”, “nhạc sĩ của mùa Thu” sẽ mãi giữ được tinh thần, sự lạc quan vốn có để có thể chiến thắng được bệnh tật, để rồi lại được đắm mình trong không gian Thu Hà Nội đầy lãng mạn, mộng mơ.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.