You are here

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp và chiếc Peugeot 103...

Tác giả: 
Minh Anh

Năm ấy, tôi và các đồng nghiệp phát thanh tham dự khóa học về phát thanh trực tiếp do các chuyên gia Thụy Điển giảng dạy trong 2 tuần.Đến Huế nhiều lần nhưng với tôi ấn tượng về con người xứ Huế vẫn là chuyến đi năm 1998.

Ngày đầu tiên chuyến đi ấy, tôi được nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (vốn coi tôi như cô em út) tới khách sạn đón đưa đi ăn trưa.

Chiếc Peugeot 103 cổ được anh cẩn thận dùng thêm một chiếc áo mưa nhỏ gấp gọn, buộc phía sau để tôi ngồi cho êm. Trưa ấy, Huế không nắng lắm, lên xe, anh bảo: anh sẽ đưa em đi ăn món ăn Huế. Thời gian ở đây anh sẽ giới thiệu cho em về mọi thứ để em có cảm nhận đầy đủ về Huế. Làm báo là phải đi như thế".

Men theo con đường đất gập ghềnh dọc theo dòng Hương Giang, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đưa tôi đi tới một quán cơm Huế giản dị nhưng gọn gàng, sạch sẽ, khách khá đông, nhưng lại rất yên tĩnh. Chẳng biết có phải vì lúc ấy đói hay vì dọc đường đi anh đã giảng giải cho tôi nhiều điều về ẩm thực Huế, về những tên phố, tên đường và về âm nhạc xứ Huế hay không, mà vèo một cái tôi đã ăn sạch sẽ tô cơm hến đựng trong chiếc bát chiết yêu...

2 tuần ở Huế, cứ ngoài giờ lên lớp cùng các đồng nghiệp ở Đài PTTH Huế là anh lại dẫn tôi đi khắp các di tích, danh lam, thẳng cảnh của Huế. Những câu chuyện đời, chuyện nghề của chính tác giả ca khúc: Em bé Bảo Ninh, Dòng sông ai đã đặt tên... Âm nhạc của THP cũng như chính con người anh và người Huế vậy. Thâm trầm, sâu nặng nghĩa tình... bởi "Dòng sông ai đã đặt tên, để người đi nhớ mãi không quên...".

Chuyến tập huấn ấy, chúng tôi có một buổi tối thu thanh, ghi hình ca Huế trên dòng Hương Giang. Quả thực nghe ca Huế nhiều, nghe Nhã nhạc Cung đình Triều Nguyễn cũng không ít, song trước buổi thu thanh, ghi hình ấy, bằng kinh nghiệm của một nhạc sĩ đàn anh, một người có nhiều đóng góp cho Đài PTTH Thừa Thiên Huế, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã truyền cho tôi những kinh nghiệm quý để làm sao âm thanh thu trực tiếp ngoài trời, giữa sông nước mà băng âm thanh không bị tiếng gió, không bị tạp âm (chúng tôi quen thu studio). Điều này, chính các chuyên gia Thụy Điển cũng ngỡ ngàng khi tôi dùng chiếc khăn tay bịt đầu micro (ngày trước chưa có loại micro có mút giảm tạp âm) và đặt vào trong thùng cộng hưởng của đàn Tranh, thay vì đặt chân micro hướng về phía nhạc cụ thu như thông thường. Và kết quả từ những kinh nghiệm ấy thật bất ngờ...

2 tuần ở Huế năm ấy với tôi ăm ắp kỷ niệm vui, thậm chí ngày cuối trước khi rời Huế, mưa ngập, cơn mưa kỷ lục với người Huế nhưng với tôi cũng là những kỷ niệm khó quên. Đêm đó Huế mưa tầm tã, sáng sớm bước chân xuống giường nước ngập ngang bắp chân vì khách sạn Hùng Vương sát chân cầu Trường Tiền. Lõm bõm rồi cũng ra được sân bay về Hà Nội...

Rồi những câu chuyện của tôi với nhạc sĩ Trần Hữu Pháp trong ngần ấy năm mỗi khi tôi có dịp về Huế hay anh ra Hà Nội và sau này là qua điện thoại, email...

Cách đây 2 tháng vào Huế, tôi không dám gọi điện cho những người anh, người bạn bè mà tôi trân quý chỉ vì thời gian ghé Huế không trọn 1 ngày, do công việc. Vậy là...

Ở nơi xa, Em cầu mong Phật pháp gia hộ để Anh linh của Anh được vãng sanh nơi miền Tây phương cực lạc!!!

Nam Mô Bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật. Nam mô A Di Đà Phật!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.