You are here

Nhạc trẻ Việt tìm về cội nguồn với chất liệu văn học và lịch sử

Tác giả: 
Lan Anh

“Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy tái hiện cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những năm gần đây, ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn những nhân vật văn học kinh điển hay những câu chuyện lịch sử Việt Nam để đưa vào sản phẩm âm nhạc của mình, mang đến một làn gió mới mẻ và văn minh, giàu giá trị văn hóa cho nhạc trẻ Việt.

Làm sống lại những câu chuyện lịch sử

Ca sĩ Hòa Minzy vừa cho mắt sản phẩm âm nhạc có tên gọi “Không thể cùng nhau suốt kiếp”. Sau chưa đầy một ngày ra mắt, ca khúc đã “thẳng tiến” lên Top 1 thịnh hành của YouTube với hơn 12 triệu lượt xem. MV cũng đã đạt được thành tích ấn tượng tại quốc tế khi lọt vào Top Trending Music Video của một số nước: #8 tại Nhật Bản, #9 tại Singapore, #11 tại Australia, #16 tại Đài Loan, #19 tại Hàn Quốc và đạt tới vị trí cao nhất là #59 toàn thế giới.  

Mặc dù là một ca khúc mới do nhạc sĩ Mr Siro sáng tác, nhưng “Không thể cùng nhau suốt kiếp” lại lồng ghép nội dung mang yếu tố lịch sử, với câu chuyện về một phần cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu, từ khi bà trở thành “chính cung” của vua Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn - cho tới khi Bảo Đại thoái vị và phải lưu lạc ra nước ngoài. Đó là nỗi đau đớn của bậc “mẫu nghi thiên hạ” trong cuộc hôn nhân buồn bã và cô đơn với vị vua trăng hoa và hoang đàng.

Điều đáng nói là dù được sản xuất từ một êkíp khá trẻ, nhưng sản phẩm âm nhạc mới nhất của Hòa Minzy được đầu tư chỉn chu và tỉ mỉ từ cốt truyện, tới trang phục, đạo cụ, bối cảnh. Và đặc biệt là thần thái, diễn xuất của các diễn viên đều được thực hiện một cách nghiêm cẩn và tôn trọng lịch sử, với mong muốn chuyển tải rõ nét nhất một phần tâm tư, tình cảm của Hoàng hậu nổi tiếng nhất của triều Nguyễn - Nam Phương.

Tạm chưa bàn đến chất lượng âm nhạc, từ nội dung của MV, rõ ràng “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đã bước đầu thành công trong việc mang yếu tố lịch sử Việt Nam tiếp cận đến khán giả trẻ một cách ngoạn mục. Trên khắp các diễn đàn và nhiều trang mạng xã hội, rất nhiều bạn trẻ đã có động thái chia sẻ nhiều thông tin hơn về Nam Phương Hoàng hậu, về vua Bảo Đại, rộng hơn nữa là chia sẻ những thông tin về cuộc sống hoàng cung và con người, xã hội Việt Nam dưới thời Bảo Đại trị vì.

Thực tế là, đã có một thời gian dài, chúng ta đau lòng với hiện thực “người Việt thuộc lịch sử Trung Quốc hơn sử Việt”. Thế nhưng, nếu như ở những thập kỷ trước, văn học lịch sử Việt Nam gần như là một “thế giới” bị đóng băng, gần như không xuất hiện trong mảng nghệ thuật dành cho giới trẻ, có chăng chỉ là những bộ phim lịch sử dành cho một thế hệ “xưa cũ”. Riêng mảng âm nhạc trẻ, gần như không có sự xuất hiện của các yếu tố lịch sử, trừ âm nhạc dân gian. Thì một vài năm trở lại đây, thực tế đã thay đổi. Trong showbiz Việt, nhiều nghệ sĩ trẻ đã dám đứng lên thể nghiệm, tiên phong trong việc khai thác những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay những nhân vật văn học kinh điển để đưa vào sản phẩm âm nhạc của mình.

Nổi bật hơn cả có dự án dài hơi của Hoàng Thùy Linh với “Bánh trôi nước”, “Tứ phủ”, “Để Mị nói cho mà nghe”, “Duyên âm”, và mới đây nhất là “Kẻ cắp gặp bà già”. Tất cả sản phẩm kể trên của Hoàng Thùy Linh đều được kết hợp đầy sáng tạo giữa chất liệu văn học dân gian trên nền âm nhạc và vũ đạo hiện đại, khiến cho sản phẩm âm nhạc trở nên sâu sắc hơn với bề dày văn hóa, mang lại cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ. Điều này cũng cho thấy người nghệ sĩ  có những tìm tòi, khám phá không ngừng để làm mới lại những câu chuyện lịch sử vốn khô khan và cũ kỹ.

Hoàng Thùy Linh với MV “Tứ Phủ” lấy cảm hứng từ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2020, Hoàng Thùy Linh nhận 4 giải Cống hiến. Tất cả sản phẩm của cô đều lọt Top thịnh hành trên YouTube, cho thấy thẩm mỹ của công chúng cũng như của giới phê bình đang ngày một tiệm cận với nhau hơn, hướng về một nền nhạc trẻ với tư duy mới mẻ, sáng tạo và nhân văn, hướng về cội nguồn dân tộc.

Trước Hoàng Thùy Linh, cũng đã có MV “Bống bống bang bang”, sáng tác của OnlyC, ca khúc trong nhạc phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” với cảm hứng từ câu chuyện “Tấm Cám” kinh điển trong kho tàng văn học Việt Nam. Hay “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” của Bích Phương với những nét văn hóa đặc trưng của Tây Bắc. Trước đó, MV “Mặt trăng” của Bùi Lan Hương với nội dung về mối tình buồn của Mỵ Châu - Trọng Thủy trên nền âm nhạc Dream Pop đầy ma mị, nổi bật tính sử thi cũng khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng. Ngoài ra, còn có “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc với hình ảnh đầy mới mẻ của Chí Phèo - Thị Nở, “Anh ơi ở lại” của Chi Pu...

Lối đi mới đầy văn minh và sáng tạo cho nhạc trẻ Việt

Có thể nói, việc lồng ghép yếu tố văn học và lịch sử vào âm nhạc là một bước đi mang tính sáng tạo, đột phá và có thể nói là khá thông minh với các nghệ sĩ trẻ nói chung. Rõ ràng, với âm nhạc, các tình tiết lịch sử sẽ trở nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ tiếp cận, hấp dẫn và trực quan hơn rất nhiều, khiến cho khán giả trẻ thêm yêu thích và hiểu thêm nhiều về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Chưa kể, kho tàng dân gian của Việt Nam có thể coi là “vô tận” với vô số những điển tích, điển cố vô cùng nhân văn và đẹp đẽ, là “kho báu giàu có” để các nghệ sĩ trẻ thử sức và khai thác, thay vì chỉ quanh quẩn với các nội dung yêu đương, ghen tuông, lai căng như nhiều sản phẩm nhạc trẻ trước đây.

Như nhạc sĩ Nguyễn Cường từng nói: “Tôi cho đây là xu hướng rất thú vị. Ít nhất các bạn trẻ đã có ý thức tìm về với văn hóa nguồn cội của dân tộc. Văn hóa của mỗi dân tộc Việt Nam là một trái núi lớn, các bạn trẻ hãy học cách trèo lên trái núi đó”.

Tuy nhiên, đây cũng là một bước đi khá mạo hiểm. Vì văn học và lịch sử vốn là kho tàng đã có từ hàng trăm nghìn năm, được các thế hệ đi trước dày công nghiên cứu và tìm hiểu, không thể “bịa đặt” hay thay đổi. Nên để khai thác, các nghệ sĩ phải thực sự có sự hiểu biết nhất định, có cái tâm, cái tầm, không thể làm một cách hời hợt, qua loa, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến sự phản cảm, “lố bịch”, thậm chí bị “ném đá” nếu không thực sự tìm hiểu và đầu tư công sức một cách chỉn chu, tới nơi tới chốn.

MV “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thực tế, các sản phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ yếu tố dân gian không phải là quá mới mẻ, mà nhiều các nghệ sĩ đã làm từ lâu như Tôn Thất Tiết, Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang... Tuy nhiên, trào lưu này đang dần nở rộ trong giới trẻ, lan tỏa trong cộng đồng nghệ sĩ và khán giả trẻ khiến cho các giá trị ấy trở nên mới mẻ, đầy sức sống. Như bản thân Hoàng Thùy Linh cũng thừa nhận, cô muốn tạo ra những sản phẩm trẻ trung, cũng như mang những thứ đậm chất Việt đến cho người trẻ.

Cho đến thời điểm này, những ví dụ kể trên cũng chỉ là những viên gạch bước đầu cho một trào lưu mới của âm nhạc Việt. Việc hướng đi mới này có thể đi đến đâu và đi bao xa còn tùy thuộc và thẩm mỹ và sự đón nhận của khán giả, và đặc biệt là ở sự kiên trì, bền bỉ của các nghệ sĩ trẻ dám dấn thân và dám trải nghiệm.

Tuy nhiên, dù là một cuộc dạo chơi ngắn hay một con đường dài, thì cũng có thể nói rằng, đây là một hướng đi mới đáng khen ngợi và phát huy. Một con đường tươi sáng trong việc mở rộng và làm dày hơn, đa dạng hơn các chất liệu và cách thể hiện cho âm nhạc Việt Nam, hướng đến những tác phẩm âm nhạc thực sự mang đầy đủ giá trị chân - thiện - mỹ.

Và hơn tất cả, âm nhạc, với một ý nghĩa nhất định, sẽ góp phần tích cực trong việc mang văn hóa lịch sử dân tộc đến gần với giới trẻ hơn, cho những thế hệ đi sau thêm hiểu thêm về cội nguồn dân tộc mình. Xa hơn nữa, là những sản phẩm âm nhạc vươn tầm quốc tế, để bạn bè thế giới hiểu thêm về kho tàng văn hóa dân gian giàu đẹp của dân tộc Việt Nam.

(Nguồn: https://laodong.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.