You are here

Những bản nhạc của người lính kèn

Tác giả: 
Vương Tâm

“Chiếc kèn đồng còn đó/ Âm thanh sao hơi vơi/ Đã tan vào vách đá/ Đã hòa với biển trời…” - đó là những vần thơ do chính nhạc sĩ Huy Sô viết về cây kèn lịch sử mà mình đã từng thổi làm hiệu lệnh tấn công cho các chiến sĩ chiến đấu chống giặc Pháp trên mặt trận sông Quao ngày nào.

Ông đã tham gia nhiều cuộc chiến trên quê hương, vùng biển Phan Thiết trong những năm đầu của thập kỷ 50. Và người ta đã dựng tượng ông với cây kèn trompet cùng chiến sĩ năm xưa để ghi dấu ấn một thời huy hoàng của lịch sử cách mạng tỉnh BìnhThuận. Biết ông mới được nhận giải thưởng âm nhạc, vào tuổi 85, tôi xin đến gặp ông, tại một ngôi nhà nhỏ trong ngõ, TP. Phan Thiết.

Tiếng kèn xung trận

Ông hồ hởi đón chúng tôi, với nụ cười rất hóm, rồi kể vì sao ông lấy tên danh xưng là Huy Sô. Tên khai sinh của ông là Huỳnh Sanh Châu, khi tham gia kháng chiến năm 17 tuổi (năm 1944), ông đổi tên để giữ bí mật. Biệt danh Huy Sô được kết hợp giữa chữ Huy được tách ra từ chữ Huỳnh, còn Sô là được ghi theo phiên âm tiếng Pháp của chữ Châu. Ban đầu nhạc sĩ Huy Sô làm công tác địch vận, thông qua hoạt động âm nhạc, cùng với việc vận động những gia đình khuyên con cái không đi lính theo Pháp. Những bản nhạc quê hương, đất nước và về những người mẹ qua tiếng kèn của ông đã làm lung lay bao tâm trạng của những kẻ theo giặc. Đặc biệt là những điệu ru, trong những đêm vắng, nhạc sĩ Huy Sô đã truyền cảm mạnh mẽ qua tiếng kèn trom pet, làm cho nhiều người đã đảo ngũ, bỏ kẻ địch trở về với làng quê, nộp súng cho cách mạng. Nhiều bản nhạc do nhạc sĩ trẻ Huy Sô sáng tác được truyền đi khắp các mặt trận miền Nam lúc đó, và được cọi là một vũ khí thầm lặng nhưng lại rất hữu hiệu đến bất ngờ.

Khi cách mạng phát triển mạnh, mỗi khi đơn vị xung trận là Huy Sô bao giờ cũng đi đầu và thổi kèn hiệu lệnh xung phong tấn công đồn địch. Hầu như những trận đánh lớn, không bao giờ thiếu tiếng kèn phát lệnh của Huy Sô. Đặc biệt, những trận đánh lớn nhất đã diễn ra ở mặt trận sông Quao, Mũi Né, Tánh Linh... vào những năm đầu thập niên 50. Tiếng kèn của Huy Sô có sức mạnh tinh thần kỳ lạ, nó biểu tượng cho ý chí mạnh mẽ của bộ chỉ huy và khí thế hừng hực của những chiến sĩ anh dũng của vùng đất biển Phan Thiết. Tiếng kèn của bài “Xung kích” đó là tượng trưng cho chiến thắng và trở nên độc đáo so với nhiều mặt trận ở miền Nam trong kháng chiến, chống Pháp. Chiến thắng liên tiếp chiến thắng, trong tiếng kèn vang dội của người lính kèn Huy Sô. Chính vì thành tựu âm nhạc đó, Huy Sô đã được tập kết ra Bắc, năm 1954, để công tác và học thêm về âm nhạc.

Về với mặt trận miền Trung gian lao, anh dũng

Năm 1962, nhạc sĩ Huy Sô đã trúng tuyển đi học tại Nhạc viện Traicopxki, cùng với các nhạc sĩ khác như Trọng Bằng, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Bùi Gia Tường, Tạ Bôn, Lương Ngọc Trác, Vũ Tự Lân... Không những thế ông còn là bí thư chi bộ của lớp học này. Lịch sử âm nhạc của Huy Sô đã chuyển sang một trang mới vào năm 1964, khi ông về nước nghỉ hè vào đúng kỳ giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, với cuộc chiến hủy diệt. Do vậy ông đã nhận nhiệm vụ mới, ở lại phụ trách đoàn ca nhạc khu 4, để hoạt động phục vụ chiến đấu. Một năm sau ông được điều về quê làm Trưởng đoàn Ca múa Liên khu 5.

Về với mặt trận, tiếng kèn và sự nghiệp âm nhạc cách mạng của Huy Sô được phát huy mạnh mẽ. Trong thời kỳ này ông sáng tác nhiều bài hát, và được phát trên đài phát thanh giải phóng và đài Tiếng nói Việt Nam là những giá trị tinh thần sâu sắc, để động viên và khích lệ tinh thần chiến đấu cho các đơn vị bộ đội trên nhiều mặt trận. Cùng với đó là tiếng kèn Huy Sô lại vang lên tha thiết và giục giã như ngày nào, tạo nên một khí thế mạnh mẽ trong tâm hồn từng chiến sĩ, mỗi khi vượt qua tuyến lửa.

Đến năm 1968, sau bốn năm hoạt động và có nhiều thành tích xuất sắc, nhạc sĩ Huy Sô cùng đoàn đã được mời ra Hà Nội, biểu diễn tại Phủ Chủ Tịch. Bác Hồ đã tặng kẹo cho từng diễn viên và khích lệ nhạc sĩ Huy Sô, khi nghe ông hát cho mọi người nghe bài ca “Mẹ Suốt”, phổ thơ Tố Hữu. Lại thêm một lần tiếng kèn Huy Sô vang lên tha thiết và cháy bỏng niềm khao khát chiến thắng trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Cây bút âm nhạc xuất sắc

Ấy thế rồi, chính ông cũng không ngờ, ba năm sau, năm 1971 ông lại được điều ra Hà Nội, làm phóng viên âm nhạc cho Đài Phát thanh Giải phóng. Đó là buổi phát thanh binh vận CP90. Nhạc sĩ Huy Sô làm việc cùng với nhà thơ Tạ Hữu Yên, nhạc sĩ Nguyễn Thànhvà nhà văn Lê Phương. Vào thời điểm này, cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam đang vào giai đoạn cam go và quyết liệt nhất. Lực lượng cách mạng đang chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công, có tính quyết định. Vậy nên công tác địch vận cũng là một mặt trận hỗ trợ mạnh mẽ. Nhạc sĩ Huy Sô như được phát huy sở trường lâu nay của mình, ông sáng tác được nhiều và các bài hát của ông rất nổi tiếng lúc đó, phát liên tục trên đài như: “Qua những nhịp cầu”, “Những tên làng gọi chúng ta đi”, “Tiếng hát người đi xa”, “Bài ca lao động”....

Trong thời gian này, nhạc sĩ Huy Sô còn nổi lên là một vai trò phóng viên sắc sảo qua những bài báo viết về đề tài âm nhạc cách mạng, về đấu tranh tư tưởng và tâm lý người chiến sĩ trong chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhạc sĩ Huy Sô say mê sáng tác và làm việc cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30-4-1975).

Nhạc sĩ Huy Sô trở về Phan Thiết làm Trưởng đoàn ca múa Thuận Hải, rồi sau đó làm phó Giám đốc sở VHTT, kiêm phó Chủ tịch Hội văn nghệ Bình Thuận cho đến khi về hưu, năm 1988. Nhưng điều quan trọng hơn hết đối với một nhạc sĩ là tác phẩm, do đó ông không ngừng sáng tác, đặc biệt ông có nhiều giao hưởng và hợp xướng lớn viết về Bác Hồ và các đề tài lịch sử. Đặc biệt năm 2012, ông được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng cho bản hợp xướng: "Nam quốc sơn hà”, khi tròn 85 tuổi.

Nhạc sĩ Huy Sô cho tôi xem bằng giải thưởng mới nhất rồi khoe luôn một dự án âm nhạc mới, đó là hợp xướng “Cả cuộc đời thao thức”, viết về Bác Hồ. Trong hợp xướng này, có những giai điệu dành cho tiếng kèn trom pet vang lên trong sự hân hoan chào đón, cùng với những âm hưởng dân ca của vùng đất Chăm Bình Thuận làm trục chủ đạo cho cấu trúc tác phẩm. Còn tôi lại đang nhớ đến biểu tượng người lính kèn, đó là hình bóng ông đang sừng sững giữa trời cao và biển xanh. Ông cười với những niềm hy vọng cho một thành công mới ở năm 2013. Tôi tin ở điều đó, vì nhạc sĩ Huy Sô vẫn còn say mê và đặc biệt còn rất khỏe mạnh cho dù ông vừa bước sang tuổi 86.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 30)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.