You are here

Những buổi tập khắc nghiệt (Câu chuyện về bản giao hưởng số 7 của Shostakovich - Phần 2)

Tác giả: 
Ed Vulliamy (Anh Vũ dịch)

Giữa sự cùng kiệt của cái đói, cái lạnh và chết chóc ở Leningrad bị vây hãm, các buổi tập bản giao hưởng số 7 của Shostakovich vẫn diễn ra dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Karl Eliasberg.

Nhằm tưởng nhớ những người sống sót và cả những người đã chết, tượng đài Những người vệ quốc anh hùng đặt tại quảng trường Chiến thắng, do nhà điêu khắc Nga nổi tiếng Mikhail Anikushin tạc năm 1975, đặt trong một kiến trúc tổng thể do Sergey Speranskiy và Valentin Kamenskiy thiết kế nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày kết thúc chiến tranh.

Nạn đói

Mùa đông năm 1941-1942 hết sức khắc nghiệt với người dân thành phố này. Hàng trăm nghìn người chết đói – tài liệu lịch sử Xô viết nêu con số một triệu người. Xác người nằm rải rác trên đường phố cho đến khi những chiếc xe trượt tuyết chở đến các nấm mồ tập thể. Khẩu phần bánh mì liên tục bị cắt giảm trong khi bom vẫn ném xuống thành phố: Leningrad cháy ngay cả khi thành phố bị đóng băng, và cái chết tự nó hầu như xác nhận sự có mặt của mình ở thành phố băng tuyết này, chứ không phải là Đế chế ba.

“Tôi có thể nhớ mọi thứ về mùa đông năm đó”, bà Matus kể, “là cái đói, bom rơi và lạnh giá. Khi tôi đi trên phố, cái chết ngự trị mọi nơi, không ai dọn dẹp các thi thể, không còn có cả chó nữa, chúng đều bị những người sống sót ăn thịt”.

“Không thể thấy niềm vui trên khuôn mặt nào”, Parfionov nói. “Ai cũng gầy gò, kiệt sức, đói lả. Một ngày tôi đi trên cầu Troisky thì thấy một người đàn ông gục ngã ngay trước mặt. Ông ấy nhìn vào mắt tôi và cầu xin giúp đỡ. Tôi buộc phải nói với ông ấy là tôi không thể giúp gì cho ông ấy, và quay gót đi. Điều duy nhất bất cứ ai cũng nghĩ là về bữa ăn tới. Thậm chí trong căng tin quân đội, mọi người còn ghé sát xuống sàn để xem có ai để rơi một mẩu bánh quý giá trước khi ra ngoài chiến hào trong lạnh giá không”. Nhiệt độ năm đó chạm tới mức - 35O.

Trong kho lưu trữ của Dàn nhạc đài phát thanh Leningrad, có một mảnh của sắc lệnh từ lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên xô chỉ đạo đài phát thanh “Bằng bất cứ giá nào, hãy gửi một tổng phổ bản số Bảy từ Moscow. Chuyển nó tới Leningrad càng sớm càng tốt”.

Trong suốt thời gian cơn ác mộng này, dù đã an toàn, Shostakovich bị giằng xé giữa nỗi đau đớn về thành phố Leningrad, căng thẳng và lo lắng về mẹ và chị vẫn còn mắc kẹt trong thành phố và nỗ lực hoàn thành bản giao hưởng của mình. Ông dự tính sáng tác chương cuối của tác phẩm với ý định dự báo về “một tương lai đẹp đẽ khi quân thù bị đánh bại” nhưng cái kết này dường như cứ lảng tránh ông. Cho tới trước bữa tiệc Giáng sinh tại nơi tạm trú của gia đình ở Kuibyshev, gần Moscow, vào ngày 27/12 – các vị khách bỗng thấy ông vui vẻ khác thường, uống vodka và hát hò – Shostakovich bí mật nói là ông đã hoàn thành tác phẩm. Vài ngày sau đó, ông đã chơi một phiên bản piano của bản giao hưởng cho một nhóm bạn bè và hàng xóm nghe, một trong số đó là Flora Litvinova, nhớ lại: “Khi Dmitri Dimitriyevich kết thúc phần biểu diễn của mình, mọi người vội vàng xúm lại, ông ấy đã bị kích động và mệt lả”.

Dàn nhạc giao hưởng Leningrad và nhạc trưởng Mravinsky, những người Shostakovich muốn trao vinh dự biểu diễn ra mắt bản giao hưởng của mình, đã sơ tán tận Siberia, vì thế mơ ước này của ông thật phi thực tế. Tuy nhiên dàn nhạc Nhà hát Bolshoi và nhạc trưởng Samuel Samsoudt thì đang có mặt ở chính Kuibyshev. Các buổi diễn tập bắt đầu vào tháng hai và chính thức công diễn tác phẩm vào ngày 5/3/1942 với những tràng pháo tay vang dội. Dàn nhạc tiếp tục chuyển lên thủ đô để trình diễn một buổi phát sóng trực tiếp qua sóng phát thanh, từ Moscow truyền ra khắp thế giới. Một tổng phổ dưới dạng vi phim đã được vận chuyển lậu tới phương Tây qua Tehran; nhạc trưởng Toscanini rút cục đã chỉ huy ra mắt bản giao hưởng Leningrad ở Mỹ và khuôn mặt Shostakovich xuất hiện trên các tờ báo lớn trên thế giới. Ông viết lời đề tặng: “Trước cuộc đối đầu lịch sử đang diễn ra giữa lý trí và sự ngu muội, văn hóa và dã man, ánh sáng và bóng tối, tôi dành tặng bản giao hưởng số 7 của mình tới cuộc chiến tranh vệ quốc đối đầu với phát xít, tới chiến thắng đang đến và tới thành phố quê hương Leningrad”. 

Buổi trình diễn quan trọng bậc nhất của bản giao hưởng số 7 lại diễn ra ở một nơi bị cô lập khỏi thế giới: trong lòng chính thành phố bị vây hãm.

Một trang bản thảo bản giao hưởng số 7.

Lời kêu gọi đội ngũ

Vào ngày 2/4/1942, trong sự khắc nghiệt của thời tiết, phiên bản Pravda phát hành ở Leningrad loan báo: ủy ban văn hóa của thành phố đã chuẩn bị một mùa diễn các buổi hòa nhạc. Chính quyền thành phố biết rằng chỉ có một thứ có hiệu quả là một buổi trình diễn bản giao hưởng số 7 của Shostakovich, dẫu điều này có thể chỉ là sự tưởng tượng. Sắc lệnh do Boris Zagorsky, người phụ trách ủy ban văn hóa và Yasha Babushkin, giám đốc đài phát thanh ký – theo những tư liệu lịch sử ghi lại từ tài liệu phát trong buổi hòa nhạc do Andrei Krukov, khi đó còn là một sinh viên Nhạc viện, soạn.

Krukov vẫn còn nhớ về cuộc vây hãm: mẹ ông đổi mọi thứ của nả trong nhà để có thể lấy thực phẩm và cả mùn cưa để ăn. Ông có khuôn mặt của một triết gia và nụ cười lãnh đạm, trong suốt buổi trò chuyện, đều sẵn sàng nói về những chi tiết còn sót lại về buổi hòa nhạc lịch sử. Ông giãi bày một cách bẽn lẽn về nguồn gốc đích thực (và cả mục tiêu chính trị bên trong) về ý tưởng đưa lên sân khấu Leningrad tác phẩm của Shostakovich: “Họ nói Andrei Zhdanov (một trong những người giữ vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, phụ trách chính sách văn hóa) đã hết sức hút ý đến lịch phát thanh. Ông ấy nói có quá nhiều vấn đề chính trị ở đó”. Sắc lệnh của Zhdanov là phải phát sóng buổi hòa nhạc để góp phần nâng cao tinh thần của thành phố - đó cũng là động lực cho buổi biểu diễn bản giao hưởng của Shostakovich, ông ấy nói như vậy. Với tầm quan trọng của chính Zhdanov, lời nói của ông được coi như một thứ sắc lệnh đảm bảo cho mọi việc được thực thi. 

Là chính ủy của Leningrad, sự nghiệp chính trị của Zhdanov không thể tách rời kết quả cuộc vây hãm. Trong kho lưu trữ của Dàn nhạc đài phát thanh Leningrad, có một mảnh của sắc lệnh từ lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên xô chỉ đạo đài phát thanh “Bằng bất cứ giá nào, hãy gửi một tổng phổ bản số Bảy từ Moscow. Chuyển nó tới Leningrad càng sớm càng tốt”. Tháng 3/1942, một máy bay hạng nhẹ vượt qua phòng tuyến đầy hiểm nguy của phát xít để mang đến cho Zhdanov bản nhạc mà ông muốn, dày 252 trang. “Khi nhìn thấy bản giao hưởng, tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ không bao giờ chơi nổi nó. Đó là bốn chương nhạc khổng lồ”, nhạc trưởng Eliasberg sau đó kể lại với giáo sư Krukov.

Từ tháng 11/1941 đến tháng 2/1942, mỗi người dân được phát 125 gram bánh mì/ngày, trong đó chứa 50 đến 60% mùn cưa và những hỗn hợp khác. Khi tập luyện, mỗi nhạc công cũng được một phần bánh này. Nguồn: reddit.com

Bản giao hưởng số 7 là một tác phẩm đồ sộ. Nó đòi hỏi một tiểu đội đàn dây, nhưng điều mà Eliasberg lo ngại nhất là “đất” dành cho kèn gỗ và kèn đồng quá lớn đối với một thành phố hết hơi vì đói lả. Ông kiếm được một danh sách nhạc công, trong đó 25 cái tên bị bôi đen – đã chết. Những người ông biết là còn sống sót thì được khoanh đỏ và được lệnh phải điểm danh.

“Tôi biết Shostakovich đã hoàn thành bản giao hưởng của mình”, bà Matus kể lại, “và vào tháng 3 năm đó, tôi nghe thấy một thông báo là mọi thành viên của dàn nhạc phải ghi tên tại phòng thu của đài phát thanh”. Bà Matus không phải là một thành viên của dàn nhạc nhưng biết phần lớn nhạc công ở đó. Vì sao? “Bởi vì họ đều là những người mê tôi”, bà đáp trả với một nụ cười tinh quái. Chuẩn bị nhạc cụ, dẫu sao, là một vấn đề thật sự. “Nó đang ậm ạch và cần một bậc thầy sửa chữa nó. Nhưng làm gì có ai. Tôi tới một gia đình bạn bè mà tôi biết có thể làm được điều đó. Cánh cửa mở ra, một người đàn ông quấn chăn, trông nhuốm màu chết chóc hơn là đang sống. Căn phòng không có hơi ấm, không có gì để ăn nhưng có vẻ như ông ấy vui vì có thể giúp được tôi. Tôi nói cần nhạc cụ để cho buổi hòa nhạc Shostakovich, tôi thấy ông mỉm cười. Ông hỏi ‘khi nào cô cần?’, tôi nói ngày mai. Ông ấy đồng ý và nói ‘hãy cứ trở lại vào ngày mai”. 

“Khi trở lại, cái kèn đã được sửa xong. Tôi hỏi liệu có gì để có thể trả cho ông, ông ấy bảo có thể đưa cho ông ấy một con mèo hoặc chó – lúc đó không còn mèo hay cho ngoài thành phố nữa. Tôi trả ông ấy vài ruble và cảm ơn ông ấy”. 

“Khi đến đài phát thanh, tôi gần như bị sốc. Cả một dàn nhạc một trăm người, giờ chỉ còn lại 15. Tôi không thể nhận ra bất cứ ai mà tôi từng biết trước đây, họ đều như những bộ xương. Tôi không nghĩ nhạc trưởng Eliasberg lại gọi đây là buổi tập đầu tiên. Chúng tôi không thể chơi bất cứ đoạn nhạc nào, chúng tôi thậm chí còn gần như không thể đứng vững trên đôi chân mình! Tuy nhiên, ông vẫn nói: ‘Các bạn yêu quý, chúng ta dù rất yếu ớt nhưng chúng ta phải dồn sức mình để bắt đầu công việc’, rồi nâng đôi tay mình lên để bắt đầu tập. Không hề có phản ứng nào. Các nhạc công run rẩy. Cuối cùng, những người còn có khả năng chơi chút ít cố gắng giúp người khác, và nhóm nhỏ của chúng tôi bắt đầu chơi các ô nhịp mở đầu. Và đó là sự bắt đầu của buổi tập đầu tiên.

“Khi nhìn thấy bản giao hưởng, tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ không bao giờ chơi nổi nó. Đó là bốn chương nhạc khổng lồ”, (nhạc trưởng Eliasberg).

“Tôi còn nhớ là nhạc công kèn trumpet không còn hơi sức nào để chơi phần độc tấu của mình, chỉ có im lặng khi đến phần bè của anh ấy. Anh rũ đầu xuống, Eliasberg vẫn chờ đợi và không kiềm chế được đã nói ‘đến phần độc tấu của anh rồi. Anh là bè trưởng trumpet, sao anh lại không chơi?’. Anh ấy đáp lại ‘tôi xin lỗi, thưa đồng chí, tôi không còn chút hơi sức nào trong phổi nữa’. Một khoảng lặng khủng khiếp. Ai cũng bảo anh ấy hãy cố. Eliasberg nói: ‘tôi nghĩ là anh phải làm với cả sức lực của mình’, và anh ấy nâng kèn lên, chơi một đoạn. Vì vậy buổi tập tiếp tục. Ai cũng cố gắng làm tốt phần của mình, nhưng sự thật là chúng tôi chơi rất tệ, buổi tập thật thất vọng và kết thúc sau 15 phút trong khi đã được lên kế hoạch là tập trong ba giờ”. 

Củng cố lực lượng

Eliasberg đi cả đoạn đường dài từ đại lộ Nevsky Prospekt đến sở chỉ huy quân sự ở Điện Smolny, với một thỉnh cầu đơn giản: ông cần quân tiếp viện từ mặt trận, bất kỳ ai có thể chơi được một nhạc cụ. Lệnh phát ra từ Tổng tư lệnh, tướng Leonid Govorov: các nhóm nhạc quân đội và bất cứ ai có thể đều phải tới ghi danh tại đài phát thanh.

Nhạc trưởng Karl Eliasberg tháng 1/1970. Cuốn “Người nhạc trưởng” của Sarah Quigley khắc họa chân dung ông mới được chuyển thể thành kịch nói. Nguồn: spiegele.

Đội trưởng Parfionov là một sĩ quan cao cấp trong dàn nhạc quân đội Sư đoàn 45. Năm 4 tuổi, ông đã sống ở một cô nhi viện vì không còn ai thân thích, sau đó học nhạc và tốt nghiệp nhạc viện Mussorgsky năm 1933. Ông vẫn còn một chút tiếc nuối về Leningrad trước chiến tranh: ‘ngay cả âm nhạc cũng còn là một thứ có thể thay thế thực phẩm”. 

Các dàn nhạc quân đội chơi rất cừ, ông nói, ‘nhưng mọi thứ chúng tôi biểu diễn chỉ là những buổi hòa nhạc ngắn giữa quãng nghỉ giữa cuộc tấn công. Chúng tôi nhận được lệnh ghi danh ở đài phát thanh như một nhiệm vụ vô cùng quan trọng”. 

“Các buổi tập”, ông kể lại, “đều diễn ra từ 10 giờ đến một giờ chiều. Không có thời gian để nói chuyện với bất cứ ai ở đó. Chúng tôi đến, cố gắng đảm trách nhiệm vụ của mình rồi rời đi. Mọi người đều ở tình trạng rất khủng khiếp. Thông thường nhạc trưởng Eliasberg phải lặp lại hướng dẫn hai đến ba lần cho mọi người có thể hiểu được. chúng tôi chơi đi chơi lại một đoạn, đơn giản là như thế mới có đủ lực. Thật may mắn là ai cũng rất say mê”.  

“Chúng tôi bắt đầu tập”, Viktor Koslov, một trong những nhạc công của Parfionov, “và thấy mắt hoa, đầu quay mòng mòng khi chúng tôi thổi kèn. Bản giao hưởng quá đồ sộ. Mọi người đều gục xuống ngay trong các buổi tập; chúng tôi trò chuyện với người ngồi cạnh, nhưng chỉ một chủ đề duy nhất là cái đói và đồ ăn – không phải âm nhạc’.

Nhiệm vụ tiếp theo cho mỗi nhạc công là phải có bằng được phân phổ bản nhạc của mình. Mỗi người được lệnh là tự chép phần của mình, dẫu cho nữ nghệ sỹ piano Nina Bronnikova cố gắng giúp nhiều hơn khả năng của mình (sau buổi hòa nhạc này, cô đã lấy nhạc trưởng Eliasberg). Mỗi nhạc công đều nhận được một tấm thẻ đặc biệt ghi “Dàn nhạc của Eliasberg” để có thể băng qua các trạm gác. Một vài người làm việc trong các đơn vị phòng không và phải rời khỏi buổi tập khi tiếng chuông báo động vang lên. Một số người khác thì được kêu gọi vào đội cứu hỏa. Còn ‘một số người khác trong dàn nhạc của chúng tôi chết’, Parfionov nói. ‘có ba người, bao gồm nghệ sỹ sáo Karelsky. Mọi người chết như ruồi, vì vậy sao lại không có người của dàn nhạc chứ? Cái đói và lạnh có mặt ở mọi nơi. Khi đói thì anh sẽ cảm thấy cóng cả người, dù ngoài trời vẫn ấm. Thi thoảng, có người gục xuống sàn trong khi đang chơi”. 

“Chúng tôi diễn tập vào mọi ngày trong tuần, trừ chủ nhật”, bà Matus nhớ lại, “thi thoảng hai buổi một ngày. Họ cho chúng tôi khẩu phần tăng thêm trong căng tin ở Nhà hát Pushkin. Không hoàn toàn là xúp, chỉ là nước và một ít đậu trong đó, và một thìa lúa mì”.

Eliasberg còn tiếp tục làm việc với bản tổng phổ rất lâu sau khi các nhạc công đã về hết. “Ông ấy rất khắc nghiệt”, bà Matus nói, “ông ấy không cho phép phạm một lỗi sai. Nếu ai đó chơi tệ hoặc quá chậm, họ sẽ mất khẩu phần bánh mì. Nếu ai đó đến muộn vì lý do trú bom, ông ấy chỉ chấp nhận nếu không có báo động trước. Có lần, một nhạc công đến muộn vì anh ấy phải trông coi lễ chôn cất vợ mình vào buổi sáng. Nhưng Eliasberg nói đó không phải là lý do, và anh ấy đã mất khẩu phần bánh mì của mình”. 

Koslov cũng nhớ cảnh tượng đó. “Ông ấy nói, ‘điều này không được phép lặp lại. nếu chồng/vợ của ai  chết thì vẫn phải đến tập’. Ông đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối. Khi ai đó nói, ‘tôi không thể chơi được’, Eliasberg thường đáp lại ‘Tiếp tục đi. Không được phép phàn nàn!’”. 

Parfionov cũng nhớ lại trường hợp người góa vợ khốn khổ đó: “Có vẻ như khắc nghiệt nhưng ông ấy đã đúng. Ông ấy có một buổi hòa nhạc cần chuẩn bị. Một lần tôi thấy Eliasberg đi đến căng tin sư đoàn tôi. Ông ấy hỏi liệu tôi có phiếu ăn không, ông ấy đang quá đói. Tôi nói tôi không có và dẫu sao, để ông ấy vào căng tin là điều trái quy định. Chúng tôi gặp ông ấy hằng ngày nhưng thật không thể biết gì về ông ấy. Ông ấy có vẻ không quan tâm đến vấn đề cá nhân”. (Còn tiếp).

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/)
-------------------------
* Nhà báo Anh Ed Vulliamy là thông tín viên của The Guardian và The Observer tại nhiều quốc gia trên thế giới như Ý, Bosnia, Mỹ…, quan tâm nhiều đến chủ đề chiến tranh, tội phạm, di dân, ma túy… và là phóng viên đầu tiên trên thế giới làm chứng tại các phiên tòa xử tội phạm chiến tranh quốc tế. Ngoài viết báo, ông còn xuất bản nhiều sách, chủ yếu về sự thật chiến tranh. 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.