You are here

Những clip ca nhạc xuất sắc - N.24 - Adagio, Nhạc buồn thiên thu

Tác giả: 
Nam Nguyên

Adagio vốn tiếng Ý hay Pháp chỉ có nghĩa “nhạc chậm rãi”, và tất nhiên chậm thì nhạc buồn thôi. Nhưng cứ nói đến “adagio” thì người nghe nhạc hay đồng nhất nó với bản adagio nổi tiếng và hay nhất, đó là “adagio gam son thứ” (Adagio in G minor) của Tomazo Giovan Albinoni người Ý (1671-1757), một nhạc công violin và nhà sáng tác cũng rất tài ba. Hóa ra loài người vẫn ca ngợi một nghệ sĩ bởi tuyệt phầm không phải do ông ta sáng tác ra! (Mặc dù ông ta có khoảng sáu chục tác phẩm nhạc cho opera khác nữa, nhưng Adagio này thì không!!!).

Vốn nó là một nhạc phẩm theo dòng cổ điển, không lời. Tác phẩm được trình bày qua tiếng đàn nghệ sĩ violon David Garett:

Tuy nhiên công lớn nhất để tuyệt phẩm này được nhớ tới và đi vào lòng người yêu nhạc thuộc về ca sĩ Lara Fabian:

Vậy tại sao không phải Albinoni viết, và thế ở đâu ra tuyệt phẩm này? Mãi bây giờ người ta mới rõ, nó là tác phẩm của thời nay, thế kỷ 20, và người sáng tác âm thầm đó là Remo Giazotto (1910-1998). Ông là người chuyên nghiên cứu và viết lại tiểu sử nhạc sĩ Ý những thế kỷ 17,18, trong đó có tìm ra thêm rất nhiều tác phẩm của Albinoni. Nhưng ngờ đâu ông lại lén cho vào cùng với những bản nhạc thế kỷ 17 ấy tác phẩm của chính mình, đưa nó đến với người nghe. Nhưng vì nó quá hay nên cuối cùng ông bị lộ, và ông mất đi khi bản nhạc đã trở nên không thể nào quên được, mang theo xuống mồ bí mật vì sao ông lại mượn danh của Albinoni...

Tất nhiên ông viết đúng cho thế kỷ 17, chỉ organ và đàn dây như violin... Những giai điệu quá đẹp này đã buộc người ta phải phổ lời, và xuất hiện không chỉ một bài adagio, bằng rất nhiều thứ tiếng. Nếu Giazotto mà đòi bàn quyền cho nhạc thì có lẽ ông đã siêu giàu...

Một trong những người hát sớm và hay nhất Adagio phải kể tới Demi Roussous:

Hát sớm Adagio, trong trẻo tuyệt vời nhưng tôi không thấy tình cảm bằng Lara Fabian là Sara Brightman:

Một tác phẩm để đời của rocker Jim Morrison cũng dựa trên nét nhạc Adagio này, “the Severed Garden” với lời thơ thiên tài, có lẽ đòi hỏi một bài viết riêng:

“... No more money, no more fancy dress
This other kingdom seems by far the best
Until it’s other jaw reveals incest
And loose obedience to a vegetable law
I will not go
Prefer a feast of friends to the giant family”.

Ca sĩ yểu mệnh Dmitry Khvorostovsky cũng trình bày bài hát này tầm cỡ quốc tế:

Nhưng theo tôi hát hay nhất có lẽ là Vitas, mặc dù anh hát tiếng Ý (chứ không phải tiếng mẹ đẻ Nga):

Sẽ rất nhiều người liên tưởng đến giọng ca có một không hai Dimash Kudaibergen, nhưng có lẽ với Adagio thì em ấy còn chưa lựa chọn được cách hát của mình (bài này hát cực khó!).

Tôi thích nhất clip sau với bài Adagio này, nó nói về cuộc đời người ta cũng chỉ là một chớp mắt của hạt cát trong vũ trụ bao la nơi thời gian trôi tưởng chậm nhưng lại nhanh vô cùng... Và người trình bày cũng gần như vô danh, như Remo Giazotto vậy. Cô là Anna Pavenskaya (Ольга Павенская), nhạc sĩ kiêm ca sĩ, cô đã viết lời và dựng lên clip tuyệt đẹp này! Hầu như cũng chả mấy ai biết cô ta...

Lời hát về việc con người chưa thể hiểu được thời gian, nó nhanh hay chậm và vì sao chỉ trôi đi có một chiều.

Vậy quay lại với Adagio, vì sao Giazotto lại âm thầm đem vinh quang đến cho một nghệ sĩ đã mất hơn 2 thế kỷ để làm gì? Người ta chỉ có thể đoán mò: bằng cách “hy sinh” tuyệt tác của mình ông đã gây được sự chú ý cao độ của người đương thời đối với di sản của các bậc tiền bối thời xưa, nhờ vào đó rất nhiều nhạc phẩm thời xưa đã được dựng lại, trình diễn lại, và như thế ông đã cống hiến cho chính những nhân vật lịch sử mà ông hằng yêu mến qua cuộc đời và tác phẩm của họ.

Chỉ vậy thôi mới có thể quay ngược được thời gian...

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.