You are here

Những kỷ niệm khó quên với nhạc sỹ Lê Lôi

Tác giả: 
Nguyễn Đình San

Ngay lần đầu tiên tiếp xúc với Lê Lôi, ông đã cho tôi một bài học về sáng tác khi ông đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tài năng, trí tuệ và sự kiên trì, nỗ lực, miệt mài làm việc...

Hồi kháng chiến chống Pháp, mặc dù còn bé xíu nhưng tôi đã mê âm nhạc và dễ nhập tâm những bài hát mình thích. Tôi cùng bố mẹ tản cư tại một vùng rừng núi thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Tại đây có rất nhiều thương binh. Cứ bị thương từ các mặt trận ở Việt Bắc hay Tây Bắc là các anh lại được đưa về đây an dưỡng, chữa bệnh. Những đêm văn nghệ luôn được các anh tổ chức gồm đủ mọi nội dung: Đánh đàn, thổi sáo, ca hát, múa, tấu nói, diễn kịch.

Tôi nhớ mãi một bài hát rất hay do một anh thương binh đóng gỉả nữ hát: "Lúa tháng 5 kén tằm vàng óng. Hạt khô ròn đem đóng thuế nông. Thóc đầy anh gánh tôi gồng. Kĩu cà kĩu kịt qua sông qua đò…". Sở dĩ anh này đóng giả nữ vì có làn da trắng, dáng người nhỏ nhắn mà nếu đêm văn nghệ toàn nam thì kém vui. Anh giả giọng nữ cũng rất giỏi, vừa hát vừa làm động tác gánh thóc trên đường. Ai xem cũng thích thú. Tôi thuộc lòng bài hát này từ dạo ấy.

Mãi sau này lớn lên, tôi mới biết đó là bài "Đóng nhanh lúa tốt" của nhạc sỹ Lê Lôi phổ thơ Huyền Tâm. Có thể nói đó là bài hát người lớn đầu tiên tôi thuộc khi còn nhỏ, chỉ quen hát bài dành cho thiếu nhi. Thường thì hễ cứ thích bài hát nào là tôi có tâm lý tìm gặp, làm quen với tác giả.

Nhạc sỹ Lê Lôi.

Những năm kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn cao trào tại miền Bắc (1965 -1967), tôi là sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp, sơ tán ở Thái Nguyên, tập toạng sáng tác ca khúc. Nghe tin Lê Lôi khi ấy là Phó rồi Trưởng Ban biên tạp Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đến làm quen và định bụng sẽ gửi bài. Nhưng nghĩ mình là cậu sinh viên tép riu, Lê Lôi khi ấy rất nổi tiếng, ngoài bài hát nhắc ở trên ông còn có "Nhắn anh nhắn chị đường xa", "Tôi yêu quê hương tôi", "Quân dân một lòng", "Có chúng em đảm nhiệm", "Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên", "Cả Hà Nội hành quân". "Bài ca nữ anh hùng miền Nam"… và đặc biệt là bản nhạc viết cho đàn violon độc tấu "Bình minh trên bến Hòn Gai" hầu như ai học vĩ cầm cũng không thể không biết bài này, tôi đã rất dè dặt.

Nhưng nghe cố nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Thường - đồng nghiệp với Lê Lôi ở Đài nói: "Tên như thế nhưng hiền khô, không quan cách, kênh kiệu gì đâu. Hơn nữa, cậu là sinh viên văn khoa, lại yêu âm nhạc, hâm mộ anh ấy thì anh ấy sẽ quý hóa đấy". Tôi yên tâm gõ cửa phòng. Một người thấp, đậm, có dáng chắc khỏe, trông hiền như ông từ trông coi đền ngẩng lên:

- Cậu cần gặp ai?

- Thưa, em muốn gặp nhạc sỹ Lê Lôi.

- Lê Lôi à? Có việc gì không? Anh ấy đang bận lắm.

- Vậy em xin đến vào lúc khác vậy.

- Mà cậu gặp Lê Lôi có việc gì?

- Dạ. Em rất thích nhiều bài hát của anh ấy nên tò mò muốn biết mặt thôi ạ.

- Cậu thích những bài gì, có hát được bài nào không? Hát thử tôi nghe một bài nào đó xem nào.

Người đàn ông nói xong, đứng ngay dậy, tiến đến cây đàn piano, mở nắp, lướt hàng phím rồi cổ vũ tôi hát. Tôi ngờ ngợ đây chính là Lê Lôi nên mạnh dạn hát và còn hát rất "bốc". Tôi hát bài "Tôi yêu quê hương tôi" (Cờ hồng tung bay theo gió. Muôn trái tim cùng hướng về thành đồng…). Hát xong, vị khen và nói:

- Cậu hát tốt lắm. Nào, có chuyện gì cần nói với Lê Lôi nào? Nhưng hôm nay Lê Lôi chỉ tiếp cậu được ít phút thôi, vì đang rất bận.

Đúng là tôi thấy vị nhạc sỹ mình mến mộ đang cầm trong tay một tập ca khúc để đọc lại và soát xét gì đó. Tôi bày tỏ sự thích thú các bài hát của ông, rồi hỏi ông viết từng bài trong những hoàn cảnh như thế nào. Đầu tiên là bài "Đóng nhanh lúa tốt". Ông nói:

- Cậu học đại học Văn nên mình chẳng giấu gì. Người ta cứ cố thần thánh cái gọi là đi thực tế sáng tác. Đúng là sáng tác thì phải có thực tế, phải nắm bắt sâu sắc thực tế. Nhưng không có nghĩa phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai mà có nhiều cách tiếp cận. Nhất là âm nhạc. Và quan trọng là phải có tài cùng với sự làm việc say mê, nghiêm cẩn. Phải tưởng tượng, hình dung ra vấn đề mình định viết. Đi thực tế chỉ là để lấy cảm xúc. Nhưng nếu có được cảm xúc mà không cần phải đến tận nơi thì vẫn cứ tốt. Và phải từ tư duy, lý trí mà ra cảm xúc chứ cứ bị động chờ đón cảm xúc rồi mới viết thì sẽ bị động, có khi chẳng bao giờ viết được gì.

Thế là ngay lần đầu tiên tiếp xúc với Lê Lôi, ông đã cho tôi một bài học về sáng tác khi ông đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tài năng, trí tuệ và sự kiên trì, nỗ lực, miệt mài làm việc. Rồi ông kể về sự ra đời bài hát "Đóng nhanh lúa tốt" - một ca khúc đầu tay của ông đã nhanh chóng nổi tiếng và mẫu mực cho loại ca khúc phổ thơ. Bài này cùng với bài "Bộ đội về làng" của Lê Yên phổ thơ Hoàng Trung Thông là hai bài hát nổi tiếng đầu tiên trong nền ca khúc hiện đại Việt Nam về phương diện phổ thơ.

Khi ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp của ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt của thời kỳ cầm cự. Toàn dân ra sức tăng gia sản xuất, đóng thuế bằng thóc để có lương thực cho bộ đội ăn no đánh giặc là một nhiệm vụ cấp bách. Lê Lôi muốn sáng tác một bài hát về chủ đề này. Đang loay hoay chưa tìm được ý tứ ra sao thì tình cờ ông đọc được bài ca dao của Huyền Tâm đăng trên báo nhan đề "Đóng nhanh lúa tốt".

Thế là ông quyết định phổ nhạc và sau một đêm bài hát ra đời. Hát thử cho nhiều người nghe, ai cũng hưởng ứng, khen hay. Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận khi ấy đã rất nổi tiếng đều tiên liệu bài hát sẽ có số phận tốt. Quả đúng như vậy. Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời, bài hát đã nhanh chóng lan khắp các vùng tự do, được nhiều người ưa thích.

Ca sỹ Trung Anh - người hát hay nhất bài "Đóng nhanh lúa tốt" nổi tiếng của Lê Lôi.

Cái tài của Lê Lôi là giữ nguyên bài ca dao của Huyền Tâm, không sửa hoặc thêm bớt một chữ nào, cũng không cần phải thêm những "tình bằng" hay "ới a". Ông đã khai thác chất liệu của điệu cách cú trong chèo, đặc biệt về tiết tấu để tạo nên giai điệu. Những đảo phách trong bài thật là đắt đã diễn tả nối vất vả của những người nông dân gánh lúa đi đóng thuế để nuôi quân đánh giặc.

Một lần Bác Hồ đã nói với những cán bộ làm công tác thu thuế nông nghiệp trong kháng chiến chống Pháp: "Các chú cứ cho bà con nghe nhiều bài hát này, tự nhiên sẽ thu được thuế nhanh, khỏi cần phải tuyên truyền, vận động nhiều".

Buổi tiếp xúc đầu tiên của tôi với Lê Lôi là như thế. Điều thú vị là lúc đầu ông dặn: "Chỉ ít phút thôi nhé vì mình đang rất bận", tôi đã ý tứ rút lui thì ông lại níu kéo thêm : "Cậu vội đi à?". Tôi nói: "Để anh còn làm việc" thì ông nói: "Thiếu gì lúc. Việc của chúng tớ suốt ngày ấy mà. Cứ ngồi chơi". Vậy là ông đã quên khuấy việc gì đó đang phải hoàn thành.

Về sau, có lần cố nhạc sỹ Vũ Thanh - cũng là đồng nghiệp cùng làm việc với Lê Lôi nói với tôi: "Muốn được Lê Lôi tiếp lâu,  cách tốt nhất là hãy chủ động nói về những ca khúc của ông ấy". Chẳng là hồi đó, chỉ có mỗi làn sóng Đài phát thanh là nơi duy nhất giới thiệu tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là những sáng tác mới nên nhạc sỹ nào cũng muốn gặp các vị như Phạm Tuyên, Lê Lôi rồi về sau là Nguyễn An, Vũ Thanh để gửi tác phẩm vì họ là Trưởng, Phó Ban biên tạp âm nhạc ở cơ quan này.

Tôi nhớ mãi khoảng năm 1967, một lần từ nơi sơ tán trên Thái Nguyên, qua đường bưu điện, tôi gửi một ca khúc mới sáng tác về cho Lê Lôi nhờ ông duyệt để nếu được thì cho thu thanh. Ông lập tức hồi âm với mấy trang thư dài nhận xét, góp ý về tác phẩm của tôi. Tuy lần ấy không được ông chấp nhận sử dụng nhưng tôi rất vui vì được một nhạc sỹ nổi tiếng tận tình chỉ bảo. Tôi chưa kịp gửi thư về Hà Nội để cảm ơn ông thì đã lại nhận được lá thư thứ hai của ông. Vẫn nội dung góp ý bài hát đó của tôi. Hóa ra ông quên bẵng là trước đó đã làm việc này với tôi. Sau đó, kể chuyện này cho nhiều nhạc sỹ nghe, ai cũng cười thú vị và còn kể nhiều chuyện tương tự về sự đãng trí độc đáo của Lê Lôi.

Sinh năm 1920, quê ở huyện Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), mất năm 1999, nhạc sỹ Lê Lôi được truy tặng Gỉải thưởng Nhà nước về VHNT. Với những ca khúc đặc sắc viết về nông thôn, nông dân, lại dạt dào âm hưởng đồng quê trong các ca khúc, cùng với những nhạc sỹ khác như Văn Chung, Nguyễn Văn Tý, Thái Cơ, ông được coi là nhạc sỹ của nông thôn. Những tác phẩm của ông cả thanh nhạc lẫn khi nhạc như đã kể trên rất được công chúng, đặc biệt là nông dân và lớp người có tuổi ở thế kỷ trước yêu thích và có sức sống lâu bền theo thời gian.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.