You are here

Những ngón tay thuôn dài

Tác giả: 
Phan Việt Hùng

1. Tất cả chúng ta đều đã biết đến bài hát “Tình ca du mục”, một bài hát Nga sáng tác từ năm 1924 và sau đó nổi tiếng toàn thế giới.

Aleksander Vertinsky (1889-1957) là một trong những ca sĩ thể hiện bài hát này đầu tiên vào giữa thập niên 20 của thế kỷ trước. Ông là nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên tạp kỹ, nhà thơ, được trao giải thưởng Stalin năm 1951.

Nổi danh từ trước Cách mạng tháng Mười, Vertinsky được đông đảo khán giả hâm mộ. Năm 1921, trong một chuyến đi lưu diễn nước ngoài, Vertinsky đã quyết định ở lại và bắt đầu cuộc sống lưu vong của mình suốt hơn 20 năm tại Rumani, Ba Lan, Đức, Pháp, Palestin, Mỹ, Trung Quốc. Ông cho biết ông không có vấn đề gì với chính quyền Xô viết, ra đi không phải lý do chính trị, mà là để thỏa máu chu du tang bồng.

Aleksander Vertinsky

Nửa cuối thập niên 30, Vertinsky đã có một số cuộc tiếp xúc với một số đại diện Liên Xô ở nước ngoài, thể hiện mong muốn được quay về Tổ quốc.

Tháng 6/1941, phát xít Đức nổ súng tấn công Liên Xô. Tháng 3/1943, Vertinsky lại viết thư cho chính phủ Liên Xô xin tình nguyện hồi hương, trong đó có đoạn: “Sống xa Tổ quốc, trong thời điểm đất mẹ đang đổ máu, nhưng không thể làm gì được để giúp đỡ - đó là điều khủng khiếp nhất”.

Tháng 11/1943, Aleksander Vertinsky cùng vợ và con gái 3 tháng tuổi về đến Moskva. Năm sau, họ có tiếp cô con gái thứ hai sẽ nhắc đến ở phần cuối bài viết.

2. Về nước, nam nghệ sĩ từng làm mê mẩn khán giả Đức, Pháp, Mỹ...trên sân khấu cũng như màn ảnh, tình nguyện tham gia phục vụ trên chuyến tàu quân y số 68, có nhiệm vụ cấp cứu vận chuyển thương binh từ các mặt trận về thủ đô.

Đoạn sau là trích từ hồi ký của Aleksander Vertinsky, đã làm cho hàng triệu độc giả hiểu và khâm phục bản lĩnh của người nghệ sĩ có trái tim luôn đập cùng nhịp với Tổ quốc:

“Một lần, người ta chuyển một đại tá bị thương vào khoang của tôi. Các toa tàu khi đó đã chật ních. Bác sĩ quân y trưởng nói với tôi:

- Hãy nhận ông ấy. Tôi không muốn ông ấy chết ở chỗ tôi, còn anh thì thế nào cũng được. Có lẽ ông ấy không sống nổi khi đến Pskov đâu. Cứ “ném” ông ấy xuống đó nhé.

- Ông ấy bị sao?

- Một viên đạn nằm ngay sát tim. Thiếu dụng cụ mổ, chúng tôi không thể lôi nó ra được. Kiểu gì ông ấy cũng chết. Hãy nhận ông ấy, rồi “ném” xuống ở Pskov...

Tôi không thích những lời đó chút nào, sao lại “ném xuống”, sao ông ấy sẽ phải chết, sao lại thế được? Đó là mạng của một con người kia mà. Đoàn tàu chuyển bánh. Bác sĩ duy nhất của đoàn tàu cứu thương Zaidis lắc đầu khi khám: viên đạn đã xuyên qua phần trên bụng và bị tắc lại khi gần đến tim. Vết đạn bắn vào chỉ to hơn lỗ khóa một chút, hầu như không có máu. Zaidis bắt mạch, nghe hơi thở, rồi dùng cồn iode bôi chỗ vết thương, lắc đầu lần nữa, rồi băng lại.

- Sao lại thế? Tôi thốt lên.

- Thế thôi. Chúng ta không thể lấy viên đạn ra được. Không được phẫu thuật ở trên tàu, đã có lệnh cấm. Thêm nữa, tôi không phải là bác sĩ mổ. Chỉ có thể cứu được đại tá trong quân y viện. Nhưng đến chỗ đó phải chiều mai kia. Mà ông ấy không thể qua được đến sáng mai”.

(Hết trích dịch)

Vertinsky bỗng nhớ ra mình có mang theo một chiếc kẹp dài, mảnh, đầu có mấu dẹt. Lần đó, khi đi mua dụng cụ phẫu thuật cho đơn vị ở cửa hàng Shvabe (Moskva), anh bỗng nhìn thấy và thích chiếc kẹp có hình thù hơi kỳ quái này. Vertinsky liền bỏ tiền túi ra mua nó.

...Vertinsky đi đến một quyết định táo bạo. Anh đánh thức y tá Gasov, nói đun nóng nồi hấp khử trùng. Rồi Vertinsky lấy chiếc kẹp ra, hấp khử trùng, rồi rửa bằng cồn. Khi này đã 3 h sáng. Viên đại tá vẫn mê man.

Tiếp nhật ký:

“Tôi cắt băng vết thương, rồi từ từ đưa chiếc kẹp vào lỗ thủng trên bụng. Sau đó một chút, tôi thấy dường như đầu chiếc kẹp chạm vào một vật gì đó. Viên đạn chăng? Bỗng toa tàu rùng mình một cái, nhưng tôi đã tập được cách giữ thăng bằng từ trước đó mà không cần bấu víu vào đâu. Tim tôi cũng đập thình thịch. Khi đã kẹp được ‘chướng ngại vật’, tôi từ từ rút chiếc kẹp ra khỏi thân đại tá. Cuối cùng thì nó cũng đã được đưa ra: chính là viên đạn.

Có ai đó khẽ chạm vào vai tôi. Tôi quay lại, thấy Zaidis đứng ngay phía sau, mặt trắng bệch ra như phấn.

- Người ta có thể đưa cậu ra Tòa án binh mặt trận vì việc này đấy - Ông nói, giọng run run.

Sát trùng vết thương, băng bó lại xong, tôi tiêm cho đại tá một liều long não. Buổi sáng, ông tỉnh lại. Chúng tôi không cho đại tá xuống Pskov như đã được dặn mà chuyển ông về tận Moskva. Chưa bao giờ trong đời tôi cảm thấy mình hạnh phúc như thế”.

Kỳ tích hy hữu của một nghệ sĩ trong tình thế “không còn gì để mất” để cứu đồng đội của mình.

3. Aleksander Vertinsky có những ngón tay thuôn dài, gầy guộc, mảnh mai.

Trong bút ký “Những câu chuyện về cuộc sống”, in trong cuốn “Khởi đầu một thế kỷ vô định”, nhà văn Paustovsky cũng đã viết về Vertynsky đan những ngón tay thuôn dài vào nhau và hát lên khúc ca về những người trẻ vào trận chống lại các băng đảng.

Con gái của ông, nữ nghệ sĩ Anastasya Vertinskaya sau này kể lại, thời chiến tranh có lần bố của cô có việc qua phố Arbat, nơi người ta vận chuyển các thương binh từ mặt trận về. Vertinsky ghé vào, xem có giúp được việc gì không. Một bác sĩ đã chăm chú nhìn anh, rồi gọi vào giúp ông rửa vết thương, băng bó cho bệnh nhân.

- Sao anh lại gọi tôi?

- Vì tôi thích đôi bàn tay của anh. Những ngón tay thuôn dài, mảnh mai như của nghệ sĩ sẽ rất nhạy cảm, không làm cho người khác bị đau.

Vertinsky còn ở lại quân y viện dã chiến nhiều ngày, nhiều đêm sau đó, được các bác sĩ, y tá hướng dẫn tận tình cách cứu chữa vết thương, băng bó cho bệnh nhân. Và sau đó, anh đã trở thành y tá cứu thương trên đoàn tàu quân y số 68.

Trên chuyến tàu số 68, Vertinsky được giao phụ trách cứu chữa chăm sóc các thương binh nặng.

Vào đêm nọ của chiến tranh, một điều kỳ diệu đã xảy ra trên chuyến tàu đó....

4. Aleksander Vertinsky mất năm 1957 tại Moskva và được an táng tại nghĩa trang danh nhân Novodevichie.

NSND Nga Anastasya Vertinskaya - con gái Aleksander Vertinsky

Con gái út của ông, sinh năm 1944 tại Liên Xô một năm sau khi bố mẹ hồi hương, chính là một trong những nữ diễn viên xinh đẹp khả ái nhất của điện ảnh Xô viết.

Cô là Anastasya Vertinskaya, cô gái có đôi mắt xanh biếc như ngọc từng hút hồn khán giả Liên Xô, và cả Việt Nam, qua vai Guttiere trong bộ phim “Người cá” lừng danh. Bộ phim sản xuất năm 1962 đã đứng đầu danh sách ăn khách của điện ảnh Liên Xô cùng năm đó, với 65 triệu khán giả đến rạp.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.