You are here

Những thuật ngữ âm nhạc dễ nhầm lẫn

Tác giả: 
Trần Mạnh Hùng

Phối khí - Orchestration (hay còn gọi là phối khí dàn nhạc)

Nôm na nó là một kỹ năng của nghề soạn nhạc (composer), là việc tuỳ theo biên chế của một dàn nhạc cụ thể nào đó mà người soạn nhạc (bằng hiểu biết về tính năng nhạc cụ) lựa chọn các nhạc cụ thích hợp để chơi toàn bộ bản nhạc (bao gồm toàn bộ những nốt nhạc đã có sẵn của một tác giả nào đó đã sáng tác đầy đủ các tuyến bè âm nhạc từ trước).

Do đó, thuật ngữ phối khí được hiểu rằng, người làm việc này hầu như không viết thêm âm nhạc vào đó, họ chỉ dùng cái biên chế dàn nhạc cụ thể nào đó để làm vang lên tinh thần gốc của một tác phẩm (thường là ở dạng viết cho piano) trên một âm hưởng của một nhóm đông đảo nhạc cụ (dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc kèn, dàn nhạc pha trộn nhiều loại nhạc cụ hỗn hợp...)

Ví dụ: Bài hát Serenade của F. Schubert nếu được phối cho dàn nhạc để đệm cho ca sĩ hát, thì người ta sẽ dựa vào toàn bộ các tuyến bè âm nhạc đã có sẵn ở trong phần đệm piano của tác giả, mà phân bổ cho các nhạc cụ của một dàn nhạc. Sự khác biệt, nếu có, thực chất chỉ là sự thay đổi cách chơi khi chuyển đổi cái tinh thần của piano sang cho dàn nhạc, bởi có những hạn chế của piano sẽ được khắc phục trên dàn nhạc, hoặc có những sở trường của piano thì phải biến đổi khi chuyển qua dàn nhạc.

Do vậy, hầu hết các ca khúc của Việt Nam đều không có phần đệm gốc cho piano của tác giả viết, nên khi nó được đệm bởi dàn nhạc giao hưởng, KHÔNG THỂ DÙNG THUẬT NGỮ PHỐI KHÍ!

Hòa âm - Harmonization

Chắc chắn là thuật ngữ này thì đã quá quen thuộc với tất cả những ai đã từng học nhạc ở các trường chuyên nghiệp. Bởi khác với phối khí (môn học chỉ dành riêng cho những sinh viên sáng tác, chỉ huy và lý luận), ở nước ta, hoà âm là môn học được phổ biến cho tất cả các đối tượng sinh viên học nhạc chuyên nghiệp của các chuyên ngành khác nhau.

Tuy vậy, trong bài này, tôi chỉ nhắc tới thuật ngữ "hoà âm" ở dạng động từ, và khoanh vùng nó trong giới hạn của phạm vi phần đệm trong ca khúc phổ thông ở Việt Nam.

Có một khác biệt lớn nhất giữa âm nhạc phổ thông (PT) và âm nhạc thính phòng giao hưởng nhạc kịch (TPGHNK). Các tác phẩm âm nhạc TPGHNK luôn được ghi lại dưới dạng tổng phổ đầy đủ và chi tiết. Khi trình diễn tác phẩm, từ độc tấu cho đến hoà tấu, các nghệ sĩ biểu diễn sẽ chơi đúng theo thông tin cụ thể của tổng phổ và phân phổ của tác giả. Đối với nhạc PT, tổng phổ đầy đủ và chi tiết chỉ xuất hiện khi phải dùng đến những loại dàn nhạc lớn. Trong trường hợp chỉ có một hoặc một nhóm nhạc cụ tiết tấu (cái mà chúng ta thường gọi là ban nhạc nhẹ) - Rhythm Section Group (bao gồm drum set, percussion, bass, guitar, piano, keyboard, nhạc cụ solo), người ta chỉ cần có một văn bản (thường chỉ 1 dòng) mà ở đó có giai điệu, hoà âm, câu dạo nhạc, chỉ dẫn về tốc độ và style nhạc... trong đó các chỉ dẫn về hợp âm là quan trọng nhất. Thực tế, khi ban nhạc này chơi, các nghệ sĩ biểu diễn hầu như không cần bản nhạc phải cung cấp các nốt nhạc chi tiết, họ sẽ ứng tấu dựa trên 2 yếu tố chính là hoà âm và phong cách của nhịp điệu (mỗi bản nhạc phổ thông luôn gắn liền với một điệu nhảy nào đó ví dụ như slow, cha cha, swing, disco, funk, salsa...), đây là đặc trưng và chắc chắn cũng là cái thú vị của thể loại âm nhạc này. Do vậy, trong nhạc PT (trừ trường hợp dùng dàn nhạc lớn), khi một ban nhạc nhẹ đệm cho một ca sĩ hát một bài hát, sẽ KHÔNG CÓ AI LÀM NHIỆM VỤ PHỐI KHÍ cả.

Đúng vậy, nếu khi chúng ta nhìn vào phòng thu âm hoặc nhìn lên sân khấu biểu diễn mà chỉ thấy có một ban nhạc nhẹ với cỡ nhỏ gọn khoảng từ 5 đến 7 người đang đệm hát cho một ca sĩ, thì chắc chắn rằng công việc của người viết văn bản cho ban nhạc đó chơi chính là HOÀ ÂM. Đây là một công việc phổ biến ở thị trường âm nhạc Việt Nam, bởi có rất nhiều ca khúc được viết ra không có hoà âm của tác giả kèm theo.

Theo cá nhân tôi quan sát, các băng đĩa của khu vực phía Nam từ trước luôn gọi công việc này là Hoà âm, các bạn có thể đọc được ở phía sau CD những thông tin ví dụ như thế này: "Hoà âm: Quốc Dũng, Bảo Chấn, Đức Trí, Hoài Sa"...
Sau này phía Nam cũng dần dần bị ảnh hưởng cách dùng thuật ngữ "phối khí" của phía Bắc.

Chuyển soạn - Arrangement (hay còn gọi là chuyển thể, cải soạn...)

Ở đây tôi chỉ khoanh vùng phạm vi của arrangement trong việc soạn phần nhạc đệm dàn nhạc cho một ca khúc.

Như chúng ta biết, có rất nhiều bài hát Việt Nam không có phần đệm piano bởi, đương nhiên rồi, đó là những ca khúc phổ thông thì không cần có phần đệm theo cách của romance hay aria... Nhưng khi các ca khúc này cần biểu diễn hoặc thu âm với phần đệm của dàn nhạc lớn, mà ở đó, có nhiều nhóm nhạc cụ cần có phân phổ chi tiết để chơi, chứ không chơi theo lối nhìn hợp âm rồi ứng tấu như nhóm Rhythm section (ví dụ như khi trong dàn nhạc có một nhóm đàn dây vĩ kéo, hoặc/và một dàn kèn, hoặc/và một nhóm ca sĩ hát bè phụ họa, hay dàn hợp xướng...thậm chí là cả một dàn nhạc giao hưởng) thì cần có bản tổng phổ đầy đủ cho nhạc trưởng và những bản phân phổ chi tiết cho riêng từng nhóm nhạc cụ đó chơi. Tóm lại là khi dàn nhạc có những nhóm nhạc cụ cần có nốt chính xác để chơi chứ không nhìn ký hiệu hợp âm để ứng tấu, thì người ta cần phải soạn ra các đường tuyến bè bối âm nhạc chi tiết cho những nhóm nhạc cụ (hoặc cả giọng ca) này chơi.

Trong âm nhạc chủ điệu, loại nhạc có một giai điệu chính và phần đệm hoà âm, giai điệu phía trên có thể chuyển động qua nhiều nốt, nhiều ô nhịp, với chỉ một hoặc vài hợp âm tương ứng ở phía dưới. Vậy phải làm gì với các hợp âm? Không lẽ chúng chỉ ngân dài, hoặc liên tục được nhắc lại với một chu kỳ tiết tấu nào đó thôi sao? Thực tế trong các tác phẩm, sẽ có nhiều tuyến âm nhạc vận động theo các chức năng khác nhau được người soạn nhạc viết ra dựa trên cái khung hoà âm của nó.

Đây là một môn học của một số nước tiên tiến trong khối Tây Âu và Mỹ, nó chưa từng được giảng dạy cho sinh viên trong các nhạc viện của Việt Nam, cho đến tận một vài năm gần đây nó mới được đưa vào giảng dạy thử nghiệm cho đối tượng sinh viên theo học chuyên ngành sáng tác tại nơi tôi hiện đang công tác, môn học đó có tên là Arrangement - Chuyển soạn. Arrangement là một môn học thường dành cho các nhà soạn nhạc tương lai, từ một giai điệu đơn tuyến như bài hát dân ca, bài hát phổ thông, hoặc một tác phẩm viết cho nhạc cụ đơn tuyến như flute hay violin..., sinh viên sẽ được hướng dẫn cách viết ra các tuyến âm nhạc phụ hoạ hoặc hoạt động độc lập so với giai điệu chính, như bè nền, bè giữa, bè trầm, bè trang trí, bè đuổi, bè tự do...cho đến các việc phối hợp âm nhạc chủ điệu với 2, 3, 4, 5 đường tuyến vận động xung quanh giai điệu chính để tạo ra một bản nhạc chủ điệu thực thụ với đầy đủ các sự vận động âm nhạc trong đó. Do vậy, từ cái giai điệu đơn tuyến ban đầu, sinh viên sẽ chuyển soạn nó sang thành một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh cho piano, tứ tấu, ngũ tấu, cho nhóm thính phòng, hoặc cho dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng. Môn học mới này rất thú vị, nó thường được phân chia ra hai nhánh phong cách chính là Classical Arranging và Jazz Arranging. Trên thực tế giảng dạy của tôi, mỗi khoá học chỉ có được đôi ba sinh viên theo kịp các yêu cầu của giáo trình.

Vậy sự khác nhau giữa hai công việc (mà ở đó người ta cùng phải làm việc với dàn nhạc lớn) Orchestration (phối khí) và Arrangement (chuyển soạn) là ở chỗ nào? Nói một cách ngắn gọn dễ hiểu thì:

- Orchestration là công việc mà người thực hiện nó không phải viết thêm gì mới cho bản nhạc, chủ yếu người làm công việc phối khí chỉ phân bổ các nốt nhạc sẵn có của tác giả (thường là từ phần piano) cho các nhóm nhạc cụ thích hợp của dàn nhạc chơi. 

- Arrangement là công việc buộc người thực hiện phải viết thêm những tuyến bè mới cho một bản nhạc mà lúc đầu nó thường chỉ là một giai điệu đơn tuyến, thực chất (ở mức độ phức tạp nhất) thì nó giống như việc sáng tác phần nhạc đệm cho một giai điệu sẵn có từ trước.

Ví dụ: Nếu cần hát Serenade của F. Schubert với một dàn nhạc lớn, bạn sẽ dùng đến kỹ thuật Orchestration (phối khí). Nhưng nếu cần hát Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn với một dàn nhạc lớn thì bạn sẽ phải sử dụng kỹ thuật Arrangement (chuyển soạn) chứ KHÔNG THỂ GỌI LÀ PHỐI KHÍ.

Tổng kết lại, những thuật ngữ liên quan đến việc chuẩn bị bản nhạc cho band hoặc orchestra đệm cho hát sẽ dựa trên ba thuật ngữ chính là HOÀ ÂM, PHỐI KHÍ, và CHUYỂN SOẠN.

- Khi công việc chỉ chủ yếu là đặt hoà âm cho band chơi thì gọi là Hoà âm.

- Khi bài hát đã có sẵn phần đệm piano (hoặc phần đệm cho một nhóm nhỏ các nhạc cụ như tam, tứ tấu...) của tác giả, thì công việc phải làm là Phối khí.

- Khi band hoặc dàn nhạc lớn có những nhóm nhạc cụ cần ta phải soạn nốt nhạc cho họ chơi (Strings group, Horn section, Vocal background, Choir...) lúc này công việc chính phải làm là Chuyển soạn.

Nếu cùng lúc phải làm từ hai việc trở lên, thì nên lấy cái việc phức tạp nhất trong đó để gọi tên.

Một vài hình ảnh minh họa:

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.