You are here

Nguyễn Đức Toàn - Nghệ thuật tạo bản ngã

Tác giả: 
Minh Anh

Kỷ niệm 90 năm ngày sinh họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929 - 2019), Hội Mỹ thuật Việt Nam, gia đình và giám tuyển độc lập (đại diện bộ sưu tập tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Toàn), tổ chức triển lãm tranh và giới thiệu sách của ông (7/2019). Đây là sự kiện tri ân những đóng góp của họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đối nền nghệ thuật nước nhà.

Những giai điệu vẽ bằng màu sắc

60 tác phẩm được lựa chọn giới thiệu trong triển lãm “Những giai điệu vẽ bằng màu sắc” được sắp xếp theo hệ thống, song nổi bật vẫn là yếu tố con người. Nhà phê bình Quang Việt, giám tuyển độc lập của bộ sưu tập tranh Nguyễn Đức Toàn cho rằng: “Con người dù trực tiếp hay gián tiếp trong các tác phẩm, đều là chủ đề chính để tác giả thể hiện suy nghĩ và đời sống tình cảm của mình. Trong hội họa, Nguyễn Đức Toàn sử dụng nhiều chất liệu từ khắc gỗ, giấy dó, bột màu, màu nước, sơn mài, lụa… và đặc biệt, ông biết chọn đề tài phù hợp như: vẽ phong cảnh, tĩnh vật bằng sơn dầu, khi một bè, khi nhiều bè, với các tầng nhạc đệm phong phú. Ông vẽ phong cảnh bằng sơn mài, tranh thiếu nữ trên nền lụa, với những nốt nhạc du dương, huyền ảo, lắm khi chỉ như bản vẽ phác mà vẫn gây hiệu quả hoàn thiện. Hay khi ông bố cục một bức vẽ trừu tượng hoặc bán trừu tượng, ông sử dụng đầy mảng màu, đường nét chuyển động “thoát - đuổi” linh động...”.

Từ những năm 1980, Nguyễn Đức Toàn vẽ nhiều, vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài... Con trai họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là nhạc sĩ Nguyễn Chính Nghĩa, cho biết: “Bố tôi là người yêu thích hội họa, cần cù và sáng tạo nghệ thuật. Những năm 1980, hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ, vừa để thỏa lòng say mê, những ước vọng về hội họa ấp ủ đã lâu, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn. Ông vẽ rất nhiều, vẽ bằng đủ các chất liệu. Thậm chí, vẽ sơn mài thiếu vóc, ông tự làm lấy vóc để làm tranh sơn mài”.

Bộ sưu tập chỉ với 60 tác phẩm, nhưng đã bao quát đầy đủ bút pháp, chất liệu, phong cách mà Nguyễn Đức Toàn sử dụng. Điển hình là ba bức sơn dầu: Làng em (2010), Mẹ 1000 năm Thăng Long (2010), Cuộc hành quân chân  đất (1999 -  2000), được giới trong nghề đánh giá ở độ bền màu và giá trị nghệ thuật. Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt, giám tuyển độc lập của bộ sưu tập cho rằng: “Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có 3 nhạc sĩ coi vẽ như nghề - nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thực sự là những họa sĩ”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là người tiếp năng lượng cho cả một thế hệ cầm súng. Tâm hồn ông là của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Là người có hai sự nghiệp song trùng, Nguyễn Đức Toàn thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông. Chất lính trong con người ông có thể xuề xòa, bất cần ở ngoài đời, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật”.

Một hồn nhạc dung dị, thấm đẫm tình quê

Nhạc sĩ - Họa sĩ  Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10.3.1929 tại Hà Nội. Ông từng học vẽ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng lại ghi dấu ấn trong lòng công chúng bằng những tác phẩm nổi tiếng trong cả lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc.

 Tháng 8/1945, bài hát đầu tiên ông viết là Ca ngợi đời sống mới. Năm 1946, ông tham gia Đoàn kịch Sao Vàng cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận và giữ cương vị Phó đoàn Đoàn Văn công Việt Bắc. Ca khúc Quê em, ông viết trong kháng chiến chống Pháp, được vang lên trên sóng của Đài TNVN từ trong vùng tạm chiến.

Những năm kháng chiến, cùng với việc chỉ đạo nghệ thuật và tham gia diễn kịch ở Đoàn kịch Sao Vàng, ông còn vẽ minh hoạ, trình bày báo, sáng tác âm nhạc, ca cảnh. Sau năm 1954, bài hát Mời anh đến thăm quê tôi, đánh dấu bước chuyển trong sáng tác âm nhạc của ông. Thời kỳ này, ông sáng tác một loạt tác phẩm về các liệt sĩ như: Noi gương Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi, và đặc biệt là ca khúc: Biết ơn chị Võ Thị Sáu. 

Những năm 1968 - 1970, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Kiev (Ukraina). Thời gian này ông viết Sonate viết cho violon đã từng được dàn dựng và biểu diễn ở Moscow;  Tổ khúc giao hưởng Tổ quốc do dàn nhạc Novosibirk trình tấu. Về nước, ông viết hợp xướng: Bài ca xây dựng,Tiếng hát buổi bình minh, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi, Bài ca chiến thắng… rồi hàng loạt ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ như: Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng, Hà Nội một trái tim hồng, Câu chuyện tình yêu…

Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (cho sáu tác phẩm tiêu biểu: Quê em, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Đào công sự, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng, ông còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn mất ngày 7/10/2016.

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Doãn Nho kể: “Những năm kháng chiến, chúng tôi đã hát vang những bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Ông là người có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông sáng tác cả khí nhạc đặc biệt tổ khúc hợp xướng, ca cảnh múa Trở lại Điện Biên. Là lớp nhạc sĩ đàn anh, ông có một ngôn ngữ sáng tác riêng, tiên phong khi chuyển từ sáng tác kinh điển qua sáng tác nhạc nhẹ. Chúng tôi nể phục, học hỏi, ngưỡng mộ và nhớ mãi những tác phẩm bất hủ của ông”.

Với các tác phẩm âm nhạc được nhiều người biết đến đã không chỉ tạo cho hội họa Nguyễn Đức Toàn những khoảng cách cần thiết đầy chất hiện thực. Âm nhạc cũng đã giúp ông tiếp cận được với “hiện thực nhiệm màu của hội họa”, tạo cho ông một năng lực “nghe” hình - màu mà không phải họa sĩ nào cũng có.

Về mình, Nguyễn Đức Toàn đã viết “... Bởi trí tuệ và tài năng quá khiêm tốn, lại trong một môi trường văn hóa còn chưa phát triển, đặc biệt là âm nhạc, thì dẫu rằng có sống trăm tuổi, cũng chỉ có thể là một nhạc sĩ viết ca khúc với một số bài hát được yêu thích. Thế là đủ!”. 

Xúc động trong Lễ cắt băng Khai mạc triển lãm: “Nguyễn Đức Toàn - Những giai điệu vẽ bằng màu sắc”, PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: “Trong âm nhạc, Nguyễn Đức Toàn dường như không cầu kỳ ở giai điệu hay tiết tấu, mà chú trọng đến thủ pháp sáng tác - đó là việc vận dụng chất liệu âm nhạc dân gian, kết hợp với tiết tấu hiện đại. Âm nhạc của ông có rất nhiều màu sắc, cũng như tranh của ông vậy. Tâm hồn Nguyễn Đức Toàn là tâm hồn của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Chất lính trong con người ông có thể “xuề xòa,” “bất cần” ở ngoài đời, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật”.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.