You are here

Đêm nhạc “Romance, Impromptu – Đôi cánh diệu kỳ”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Tối 28 tháng 11 năm 2020, tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã diễn ra buổi hòa nhạc thính phòng “Romance, Impromptu – Đôi cánh diệu kỳ” của TS, nhạc sĩ Doãn Nho – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức.

Đến dự có PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ lão thành: GS Chu Minh, nhạc sĩ La Thăng, nhạc sĩ Lân Cường – Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, và đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực: đào tạo, sáng tác, lý luận phê bình, biểu diễn...

Chương trình hòa nhạc gồm 2 phần Romance và Impromptu, lấy cảm hứng từ thơ; Piano: NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó GS.TS Nguyễn Huy Phương; giới thiệu và dẫn chương trình: Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu; đạo diễn nghệ thuật: nhạc sĩ, NSƯT Doãn Nguyên. Các tác phẩm mới của người nhạc sĩ lão thành 87 tuổi đã mang lại nhiều cảm xúc và bất ngờ cho người nghe.

Phần I, là chùm 5 ca khúc Romance được các nghệ sĩ thể hiện với các trạng thái khác nhau:

“Lời khẩn cầu của gió”, biểu diễn: NSND Quốc Hưng, piano: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Vợ lính”, thơ: Dương Thúy Mỹ, nhạc: Doãn Nho, biểu diễn: ca sĩ Phúc Tiệp, piano: PGS.TS Huy Phương

“Hoa lộc vừng Hồ Gươm”, thơ: Hiền Mạc Chất, nhạc; Doãn Nho, biểu diễn: ca sĩ Phương Uyên, piano: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Có hai người”, thơ: Khang Vại (dân tộc Lự), dịch: Cẩm Giang, nhạc: Doãn Nho, biểu diễn: ca sĩ Lê Xuân Hảo, piano: NSND Phạm Ngọc Khôi

“Lời thề quyết tử”, thơ: Vũ Tâm, nhạc: Doãn Nho, biểu diễn: ca sĩ Phúc Tiệp, piano: PGS.TS Huy Phương

Phần II, là 5 bản Impromptu viết cho piano, được các nghệ sĩ thể hiện với kỹ thuật điêu luyện:

Bản Impromptu số 1, được viết từ cảm xúc khi đọc tập thơ “Tị nạn chiều” của nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thái, biểu diễn: nghệ sĩ Mai Anh Vũ

Bản Impromptu số 2, được viết từ cảm xúc khi đọc lời thơ mang tính tuyên ngôn của Hoàng Đế Quang Trung: “Đánh cho chúng biết nước Nam có chủ!”, biểu diễn: nghệ sĩ Mai Anh Vũ

Bản Impromptu số 3, được viết từ cảm xúc khi đọc bài thơ “Vịnh quả mít” của nhà thơ Hồ Xuân Hương, biểu diễn: nghệ sĩ Mai Anh Vũ

Bản Impromptu số 4, được viết từ cảm xúc khi đọc bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, biểu diễn: NSƯT Trần Ngọc Bích

Bản Impromptu số 5, được viết từ cảm xúc khi đọc bài thơ “Những giọt mưa đồng hành” của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, biểu diễn: NSƯT Trần Ngọc Bích

Cuối buổi hòa nhạc, đã có nhiều các ý kiến chia sẻ như một buổi tọa đàm về âm nhạc:

Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ cảm xúc vô cùng xúc động sau khi nghe những tác phẩm mới của nhạc sĩ Doãn Nho và đặc biệt là tác phẩm lấy cảm hứng từ tập thơ của bà “Tị nạn chiều”: cái khó nhất của thơ là cái phi vật thể, mà lần đầu tiên nhìn thấy thơ được chuyển sang một thứ âm thanh cực kỳ lạ tai, khi nghe nó, trái tim tôi đập theo nhịp đó, và đó là sự gặp gỡ đẹp nhất của thứ phi vật thể giữa thơ và vật thể là âm thanh trong một thể loại mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy những vần thơ tình yêu của tôi trong các nốt nhạc của nhạc sĩ Doãn Nho. Vô cùng thán phục tài nghệ của nhạc sĩ Doãn Nho.

Nhạc sĩ La Thăng: “Tôi rất mừng và vui được gặp lại ông bạn đồng đội năm xưa, giờ đây đã 87 tuổi. Cảm xúc của người nhạc sĩ đã có tuổi nhưng mạnh mẽ. Rất xúc động, những bản nhạc rất sáng tạo có chất nghề, cả thanh nhạc và khí nhạc, hay và sáng tạo về ngôn ngữ, âm nhạc thể hiện tính dân tộc, chất Việt Nam mà vẫn sáng tạo, chất cổ điển mẫu mực. Mừng nhạc sĩ đã có phần sáng tạo giúp cho xã hội, phần thanh nhạc có nhiều cảm xúc, rất đáng khen và rất đáng yêu, ngôn ngữ của âm nhạc thẩm mỹ đẹp. Tác giả đã gợi cho tôi thêm nhiều cảm hứng sáng tác”.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Đây là hồng phúc của đất nước, nhạc sĩ Doãn Nho hôm nay đã làm được một việc là tạo cho chúng ta một bữa tiệc đặc biệt về âm nhạc, phần mà tôi được thăng hoa, ngẫu hứng, và đặc biệt quan trọng ở nhạc sĩ Doãn Nho là có một sự thống nhất, luôn chung thủy với bút pháp của mình. Nhạc sĩ kiệm lời nhưng đã làm được việc lớn”.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Một cuộc biểu diễn các tác phẩm thính phòng của nhạc sĩ Doãn Nho, có các nhạc sĩ lão thành, các chuyên gia về âm nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội...

Đây là buổi biểu diễn đặc biệt, đầu tiên xuất phát từ ý định của tác giả muốn giới thiệu 5 tác phẩm Romance mới và 5 bản Impromptu cho đàn piano. Tôi đã trao đổi với nhạc sĩ Doãn Nho: nếu như chúng ta chỉ biểu diễn như một buổi biểu diễn đơn thuần thì có nhiều đối tượng khán, thính giả có thói quen thưởng thức âm nhạc khác nhau, khi đến không gian này cần biến buổi hòa nhạc trở thành buổi biểu diễn – tọa đàm. Nhưng thực tế rất vui mừng vì sau buổi biểu diễn thì tất cả các ý kiến trao đổi như của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhạc sĩ lão thành La Thăng, rồi đến nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha... thì đều mang tính khoa học, không những chỉ là cảm xúc mà còn là những phân tính của những người trong nghề và những người trong giới văn học nghệ thuật, buổi hòa nhạc rất đạt và thành công. Mục đích của chúng ta đã đạt được trong một buổi hòa nhạc thính phòng – tọa đàm kép, chính là niềm vui thành công nhân lên gấp đôi, chúng ta đã thu lượm được những tác phẩm hay, đặc biệt là Impromptu 5 được viết từ cảm xúc bài thơ “Những giọt mưa đồng hành” của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, ở đấy có sự hòa đồng giữa thơ và nhạc, hòa đồng giữa âm nhạc đã vẽ được hình tượng, âm thanh đi vào lòng khán giả, chính là những giọng nói, đặc biệt là NSƯT Trần Ngọc Bích đã đánh đàn như là hát, nghệ thuật hát bằng phím đàn, thì tất cả điều đó hôm nay được biểu diễn với trình độ chuyên môn cao, vì vậy ý nghĩa của buổi hòa nhạc hôm nay rất ý nghĩa, và cần phải đưa nó trở thành hình thức sinh hoạt nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật đích thực, nghệ thuật bác học đỉnh cao, mục đích để có được nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Ở đây, có cả sinh viên, các nhà lý luận, thầy giáo dạy piano, thanh nhạc, nhưng khán giả được cọ sát với âm thanh thực vang lên từ đàn piano và giọng hát không phóng thanh, vì như thế chúng ta đã được thưởng thức một không gian âm nhạc đích thực đó là từ trái tim người nghệ sĩ đến trái tim của khán giả, thính giả và thông qua một mắt xích tự nhiên, đó cũng là điểm mới, cần duy trì hình thức này; và tôi cho rằng với không gian này và số lượng khán giả khoảng 100 người, thì đây chính là nơi rất lý tưởng để chúng ta tiếp tục thực hiện các buổi biểu diễn. Xin chúc các nhạc sĩ lão thành nhiều sức khỏe và tiếp tục là ngọn đuốc soi sáng trên con đường âm nhạc dân tộc hiện đại và là những tấm gương cho các thế hệ đàn con, đàn cháu đi theo bằng chính những tác phẩm của mình, để âm nhạc đích thực, âm nhạc Việt Nam lan tỏa tới bạn bè trên thế giới”.

Nhạc sĩ Doãn Nho bày tỏ niềm hạnh phúc, sự xúc động vui mừng sau buổi hòa nhạc. Ông cho rằng các thế hệ nhạc sĩ có bổn phận nối tiếp và vượt lên chúng tôi.

Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam là người dẫn chương trình.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.