You are here

NSƯT Hoàng Anh: Người tiên phong dạy sáo trúc qua mạng

Tác giả: 
Ngô Khiêm

Có thể nói, Hoàng Anh là người tiên phong trong việc đưa sáo trúc lên dạy trên mạng và với những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh mà nhiều học viên đã có thể tiếp cận, để rồi thích thú, say mê với cây sáo trúc truyền thống của dân tộc. Đó cũng là cách để anh "kéo" công chúng đương đại và nhất là giới trẻ đến gần hơn với âm nhạc dân tộc trước sự du nhập và phát triển của nhiều dòng nhạc mới...

Là giảng viên sáo trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) 8X Hoàng Anh luôn đau đáu với việc đem kiến thức của bộ môn này đến với đông đảo học viên ở trong và ngoài nước. Hơn nữa, sớm nhận thức được việc trong thế giới công nghệ như hiện nay thì việc giảng dạy trực tuyến qua Internet cũng là một xu thế mà vào năm 2017, anh đã quyết định dạy sáo online qua trang hocthoisao.vn (hoặc hocthoisao.com).

Quê gốc ở Quảng Bình nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, NSƯT Hoàng Anh có nhiều lợi thế khi đến với sáo trúc, bởi trong gia đình anh có người cha rất đam mê âm nhạc dân tộc. Ngay từ khi còn rất nhỏ anh đã thường xuyên tham gia thổi sáo trong các chương trình "Bông hoa nhỏ" của Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện nay, bước vào tuổi 37, anh đang tràn đầy nhiệt huyết để đến với công việc gìn giữ và phát triển sáo dân tộc. Năm 2019, anh là một trong số những nghệ sĩ trẻ nhất được Nhà nước phong danh hiệu cao quý NSƯT.

Nói về trang web học sáo trực tuyến, nghệ sĩ Hoàng Anh cho biết, anh đã thiết kế 8 khóa học và trên 100 bài giảng khác nhau. Sau 3 năm triển khai giảng dạy trực tuyến, lớp học của anh đã thu hút hơn 6.000 thành viên theo học các khóa học từ cơ bản, dân gian đến hiện đại, quốc tế, trong đó trung bình mỗi tháng có khoảng 30.000 lượt truy cập. Có thể nói, học sáo trúc online là cách có thể lan tỏa kiến thức đến với nhiều người ở bất kỳ đâu, nhưng nó cũng tồn tại những hạn chế, bất cập.

Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Anh say sưa với cây sáo trúc tại phòng thu.

Anh bảo, tất nhiên nếu có thể thì học trực tiếp tại lớp là biện pháp tốt nhất, khi đó thầy và trò có thể tương tác tốt hơn, nghe rõ hơn, nhìn rõ hơn, uốn nắn tay các bạn tốt hơn, còn học online phải có đường truyền tốt. Anh nhận thấy chỉ có Facetime thì chất lượng âm thanh hình ảnh mới tốt, sau đó tới Zalo, cuối cùng thì mới là Facebook Messenger. Một số lỗi nhỏ nếu nghe tiếng sáo qua video một số trường hợp sẽ không có độ to nhỏ, tương phản do âm thanh thu vào một số điện thoại đã được nén lên mức to nhất, thế nên khi trả bài online thì thầy hầu như không nghe rõ được sự tương phản, to nhỏ trong câu cú xử lý tác phẩm của các em rõ ràng, đó là điểm hạn chế.

Chính vì vậy anh đã tạo thêm một nhóm Facebook để các bạn ngoài thời gian trả bài trực tiếp thì post lên những video với chất lượng tốt nhất để thầy nghe. Do đó việc học online sẽ hạn chế hơn do phụ thuộc vào chất lượng điện thoại, chất lượng mạng, chất lượng phần mềm sử dụng và cách sử dụng.

Ngoài việc dạy sáo trúc qua mạng, anh cũng là người thường xuyên đưa những tiết mục biểu diễn sáo trúc lên kênh YouTube "Sáo trúc Hoàng Anh Flute". Đối với những tiết mục được đăng tải trên mạng anh rất chú trọng đến việc hòa âm phối khí mang hơi thở thời đại, có sự tiếp nối, pha trộn giữa cái mới và cái cũ để dễ dàng tiếp cận với người nghe.

Theo anh, đây là cách để thu hút người nghe hướng về nhạc cụ dân tộc chứ không phải đi theo các nhu cầu thị hiếu người nghe mà làm mất bản sắc. Do nắm bắt được sở thích đa dạng của người nghe, anh đã biểu diễn nhiều dòng nhạc trên kênh của mình và hiện đã có hơn 500.000 người đăng ký. Fanpage "Sáo trúc Hoàng Anh" của anh hiện cũng đã có trên 100.000 thành viên. Đó là những con số ấn tượng cho thấy sức ảnh hưởng của Hoàng Anh trong cộng đồng sáo trúc hiện nay. Như anh chia sẻ thì đây là hai kênh mà anh có thể gặp gỡ giao lưu với các fans.

Tại đây, các bạn cũng có nhiều yêu cầu anh chơi nhiều bài nhạc và nhiều thể loại nhạc khác nhau, trong đó có thể nói chia thành 2 đối tượng chính là nhóm các bạn yêu thích nhạc trẻ và nhóm các bạn yêu thích nhạc dân ca quê hương trữ tình. Vì vậy, anh luôn cố gắng cân đối giữa chơi 2 loại thể loại nhạc này. Nhạc quê hương trữ tình thì không thể thiếu, nhất là nhạc cụ dân tộc như sáo trúc.

Lý giải về việc anh luôn cố gắng cân bằng nhiều dòng nhạc trên kênh của mình, nghệ sĩ Hoàng Anh chia sẻ, một bản nhạc mang tính dân tộc có thể làm các bạn nghe đi nghe lại, từ năm này qua năm khác, trong khi đó nhạc trẻ, nhạc quốc tế lại theo trends, nghĩa là xu hướng và thường rất ngắn.

Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Anh biểu diễn chương trình "Bữa trưa vui vẻ".

Thường các bạn chỉ nghe nhiều nhất một năm đổ lại, trung bình tầm một tháng là hết trends thì các bạn sẽ ít quan tâm. Tuy nhiên nhạc trẻ hay nhạc quốc tế lại được đông đảo các bạn trẻ yêu mến hơn cả. Mà nếu muốn nhiều bạn bè quốc tế và những bạn trẻ ở nước ta biết đến sáo trúc thì nhạc trẻ, nhạc quốc tế lại hiệu quả hơn khi muốn quảng bá sáo trúc tới nhiều người hơn.

Cùng với đó, anh rất muốn hòa âm phối khí lại ca khúc khi cover, vì chỉ có như vậy mới tạo nên được sự mới mẻ cho các bạn khi nghe. Một số bản anh tự phối khí lại như bài "Đi học", "Về quê" cũng tạo được hiệu ứng rất tốt hay một số bản nhạc trẻ anh làm theo hướng khác như phiên bản "Sóng Gió" của Jack, K-ICM theo phong cách kiếm hiệp cổ trang, hay bản nhạc quốc tế Shape of you trên nền đàn T'rưng Tây Nguyên.

Là một giảng viên sáo trúc, anh cũng trăn trở về số lượng tác phẩm viết cho sáo trúc nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung hiện nay. Anh thẳng thắn nhìn nhận, hầu hết các bộ môn nhạc cụ dân tộc hiện đang thiếu những bài mới, các tác phẩm mới, các bản phối mới. Anh đã tìm hiểu về chương trình giảng dạy tác phẩm nhạc dân tộc ở Trung Quốc và nhận thấy đây là công trình cực kỳ đồ sộ, học sinh học không hết bài, sách, tác phẩm rất nhiều để học sinh có thể tìm hiểu, nghiên cứu. Còn ở nước ta có lẽ chưa được chú trọng tới việc sáng tác các tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc. Theo anh, muốn phát triển hơn thì bài vở cho nhạc cụ dân tộc cần được phong phú hơn.

Cùng với đó, việc xác định tư tưởng học của phụ huynh cũng như học sinh để đến với con đường chuyên nghiệp cũng còn nhiều đáng nói. Anh băn khoăn, hiện tại các bạn học sinh phải tập trung và bị chi phối quá nhiều thứ, nhiều bạn không thể có thời gian nhiều để tập sáo do phải dành thời gian để học thêm, học văn hóa, và nhiều môn phụ khác. Nhiều bạn bố mẹ đưa đi học thêm văn hóa, cả ngày chỉ còn 30 phút mỗi buổi chiều để trả bài thầy, chưa nói tới thời gian tập cũng chỉ lác đác gần 30 phút một ngày tập. Như vậy là không đủ, không thể gọi là chuyên nghiệp.

Là chủ nhiệm một lớp học online với số lượng học sinh khá lớn từ khắp mọi nơi, vì thế mỗi năm anh thường tổ chức 3, 4 lần gặp mặt. Anh vui mừng cho biết, có những buổi gặp mặt xong được 1, 2 tháng các bạn lại nhớ, lại đòi gặp nhau, lại hô hào tổ chức tiếp. "Anh em vào một lớp rất đoàn kết và cực kỳ vui. Nói về những buổi gặp gỡ offline như vậy thì không thể thiếu màn biểu diễn giao lưu được, mỗi bạn mang một bộ sáo đi, chuẩn bị beat nhạc đầy đủ, lên sân khấu và biểu diễn cho các bạn khác xem.

Mình cũng vậy, mỗi lần như vậy thì được các bạn yêu cầu chơi rất nhiều bài. Tất nhiên là có cả trao đổi về kỹ năng, kinh nghiệm xử lý kỹ thuật sáo trúc nữa. Mỗi buổi offline xong là cả lớp về lại post ảnh, bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm", nghệ sĩ Hoàng Anh chia sẻ.

Có thể nói, Hoàng Anh là người tiên phong trong việc đưa sáo trúc lên dạy trên mạng và với những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh mà nhiều học viên đã có thể tiếp cận, để rồi thích thú, say mê với cây sáo trúc truyền thống của dân tộc. Đó cũng là cách để anh "kéo" công chúng đương đại và nhất là giới trẻ đến gần hơn với âm nhạc dân tộc trước sự du nhập và phát triển của nhiều dòng nhạc mới.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.