You are here

Oanh vàng vang bóng

Tác giả: 
Thảo Duyên

Nghệ sĩ Ưu tú Kim Oanh

Cả một đời cống hiến cho âm nhạc, gia tài quý nhất mà NSƯT Kim Oanh có được là sự yêu mến của khán thính giả cả nước. Hàng trăm lá thư từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về cho nghệ sĩ Kim Oanh bày tỏ sự mến mộ cùng lời chia sẻ, yêu thương. Ngày ấy, khi Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc bình chọn ca sĩ được yêu thích nhất thì bà cùng với NSND Quý Dương, NSND Thương Huyền, NSND Quốc Hương là 4 nghệ sĩ nhận được nhiều thư bình chọn nhất...

Cùng với các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trần Khánh, NSND Quý Dương, nhạc sĩ Phạm Tuyên...; NSƯT Kim Oanh thuộc thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhắc tới bà, nhiều khán thính giả vẫn nhớ tới giọng hát trong veo, truyền cảm, từng làm rung động hàng triệu khán giả trên mọi miền Tổ quốc, hàng vạn chiến sĩ trên các mặt trận, giọng hát gắn liền với những ca khúc nổi tiếng như "Quảng Bình quê ta ơi" (Hoàng Vân), "Đường chúng ta đi" (Huy Du), "Những cô gái quan họ" (Phó Đức Phương)...

Như một nghệ sĩ đã hoàn thành sứ mệnh, giờ đây bà sống ẩn mình giữa cuộc sống nhộn nhịp, chỉ có những ca khúc bà thể hiện vẫn có mặt trên các trang web âm nhạc, trên sóng phát thanh, đặc biệt vẫn son sắt tươi nguyên trong tâm hồn khán giả mấy chục năm qua.

Khi chúng tôi gọi điện cho NSƯT Tuyết Thanh - người từng công tác tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam - ngỏ lời muốn xin số điện thoại của NSƯT Kim Oanh thì đầu dây bên kia, NSƯT Tuyết Thanh hào hứng: "Cô Kim Oanh "Quảng Bình quê ta ơi" phải không cháu". Hóa ra, những nghệ sĩ thời ấy luôn được đồng nghiệp, khán giả yêu quý gọi tên gắn liền với ca khúc thể hiện thành công như nhắc tới NSND Trần Khánh là nhắc tới "Tôi là người thợ lò", nhắc tới NSND Quốc Hương là nhắc tới "Tình ca" hay NSƯT Tuyết Thanh là "Câu hò trên đất Nghệ An"…

Đường chúng ta đi - (Huy Du) - Kim Oanh

Gõ tên NSƯT Kim Oanh trên mạng, thông tin hầu như không có gì ngoài những ca khúc làm nên tên tuổi của bà. Những nghệ sĩ thế hệ trước thường vậy, tất cả tình cảm, tâm huyết của họ đều dồn vào tác phẩm chứ không phải đo đếm bằng số lần xuất hiện trước truyền thông, báo chí như nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay. Hỏi ra chúng tôi mới biết, gần đây, sức khỏe không tốt, nghệ sĩ Kim Oanh phải vào điều trị tại Khoa Tim mạch của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Nằm trên giường bệnh, bà vẫn hóm hỉnh: "Lẽ ra tôi được ra viện rồi đấy chứ. Thế mà chả hiểu sao, lúc hai mẹ con đang làm thủ tục xuất viện thì tôi chả biết gì nữa. Đến khi tỉnh dậy lại thấy mình nằm đúng cái phòng này, đúng cái giường này".

Dù nằm viện nhưng khi trò chuyện về âm nhạc, về kỷ niệm trong những tháng ngày hoạt động âm nhạc sôi nổi, NSƯT Kim Oanh dường như quên hết cả mệt mỏi. Cách nói chuyện của bà khiến ngay cả những bệnh nhân có mặt trong phòng đều bị cuốn hút vào.

Sinh năm 1933, NSƯT Kim Oanh là con gái Hà Nội gốc, nhà ở phố Hàng Trống. Ngay từ nhỏ, Kim Oanh đã có năng khiếu âm nhạc dù trong nhà không có ai theo nghề này. Chỉ cần nghe bài hát một lần, Kim Oanh đã thuộc lòng từ ca từ đến giai điệu.

Ngay gần nhà có phòng trà, buổi tối sau khi học bài xong, Kim Oanh thường trốn bố mẹ sang đó nghe hát. Không muốn con gái đi theo nghiệp cầm ca, nên mỗi khi bị người nhà gọi về, Kim Oanh đều đã thấy mẹ đợi sẵn ở cửa đánh đòn. Nhưng mẹ đánh đòn hôm trước, hôm sau những thanh âm quyến rũ từ phòng trà lại dẫn dụ bước chân cô. Đầu óc Kim Oanh lúc nào cũng bảng lảng một giai điệu nào đó đến mức có khi mẹ sai đưa lọ muối, Kim Oanh lại đưa lọ tăm. Dù gia đình ngăn cấm nhưng không cản được tình yêu Kim Oanh dành cho âm nhạc, năm 1954, dù cả Đoàn Ca múa Trung ương, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị cùng tuyển dụng nhưng Kim Oanh đã quyết định gắn bó với Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cả quãng đời hoạt động nghệ thuật tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam với NSƯT Kim Oanh là những năm tháng đầy ắp kỷ niệm. Chính ở mái nhà này, Kim Oanh được nhạc sĩ Trần Chung dạy cho những nốt xướng âm đầu tiên, được là người đầu tiên hát những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Huy Du, Hoàng Vân, Phó Đức Phương…Một câu chuyện xúc động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường được kể là trong suốt hơn 1.500 ngày Đại tướng nằm điều trị tại Bệnh viện Quan đội 108 thì chị em điều dưỡng viên thường mở cho Đại tướng nghe ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân do NSƯT Kim Oanh thể hiện. Mà mỗi lần nghe, Đại tướng đều rơm rớm nước mắt.

NSƯT Kim Oanh nhớ lại, ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác năm 1964, trong một lần đi xâm nhập thực tế tại tuyến lửa Quảng Bình. Khi nhạc sĩ Hoàng Vân đưa cho Kim Oanh ca khúc này, thấy giai điệu bài hát mang đậm âm hưởng dân ca Quảng Bình, Kim Oanh e dè: "Em nghĩ, anh đưa cho chị nào quê Quảng Bình hát sẽ hợp hơn em". Nhạc sĩ Hoàng Vân ôn tồn: "Bạn không phải nhắc mình. Mình đã đưa rồi nhưng các chị ấy hát chưa ra". Kim Oanh mạnh dạn: "Vậy thì em sẽ hát theo cách người Hà Nội hát về Quảng Bình, hiểu màu sắc âm nhạc, hiểu tinh thần chiến đấu của người Quảng Bình nhé!".

Nhạc sĩ Hoàng Vân mừng rỡ: "Đúng rồi, ý của mình chính là như vậy". "Quảng Bình quê ta ơi" được NSƯT Kim Oanh và tốp ca nam nữ thể hiện lần đầu trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã lập tức nhận được sự yêu mến của thính giả. Giờ đây, nhiều cựu chiến binh Quảng Bình vẫn kể lại câu chuyện thời ấy, có những chàng trai mười tám đôi mươi, nghe tiếng hát tha thiết của nghệ sĩ Kim Oanh đã chích máu viết đơn xung phong nhập ngũ.

Sau này, nhiều nghệ sĩ tên tuổi cũng hát ca khúc này nhưng "Quảng Bình quê ta ơi" do nghệ sĩ Kim Oanh thể hiện có một giá trị lịch sử không thể thay thế, ghi dấu một thời hào hùng không thể nào quên của Quảng Bình. Nghệ sĩ Kim Oanh tiết lộ thực ra, ca khúc này hơi cao so với chất giọng của bà. Có lần, trước khi thu âm, Kim Oanh nói với nhạc công đánh thấp một chút cho phù hợp. Những tưởng nhạc sĩ Hoàng Vân không biết điều này, ai ngờ, nghe xong ông quay sang đùa: "Bạn hát "ăn gian" nhé, xuống “tông” một chút đúng không".

Không chỉ có "Quảng Bình quê ta ơi" mà NSƯT Kim Oanh còn là người đầu tiên mang ca khúc "Những cô gái quan họ" của nhạc sĩ Phó Đức Phương đến với khán giả. Ngày ấy, nhạc sĩ Phó Đức Vạn, anh trai nhạc sĩ Phó Đức Phương là đồng nghiệp của nghệ sĩ Kim Oanh tại Đài. Cầm trên tay ca khúc, Kim Oanh thích ngay dù bà tự nhận mình là gái Hà Nội chưa bao giờ biết đến cấy cày. Ở ca khúc này, thử thách với người ca sĩ nằm ngay ở câu đầu tiên: "Trên quê hương quan họ (i)/ Một làn nắng cũng mang điệu dân ca".

Cái khó là từ mang dấu nặng ở vị trí chữ "điệu" nếu người hát không để ý sẽ dễ chuyển thành dấu khác. Nhưng Kim Oanh đã kiên trì tập luyện để hát rõ lời, giữ nguyên được sự độc đáo trong ngữ điệu tiếng Việt. Ca khúc phát sóng được nhiều người yêu mến và đến nay vẫn là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi nhạc sĩ Phó Đức Phương. Sau này, nhiều người nói đùa: "Nhạc sĩ Phó Đức Phương nổi tiếng nhờ Kim Oanh hát ca khúc đầu tiên". Mỗi lần nghe vậy bà đều khiêm tốn: "Tôi là người may mắn được các nhạc sĩ gửi gắm những ca khúc hay."

Là một trong số những giọng hát solist của Đoàn Ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm cương vị Đội trưởng Đội ca nhưng - như NSƯT Kim Oanh chia sẻ, bà chưa từng trải qua một khóa học nhạc bài bản nào. Những thành công bà có được là bởi năng khiếu, sự tinh tế bẩm sinh và quan trọng hơn là tình yêu, sự đam mê với âm nhạc. Bà tự nhận mình không phải có giọng hát quá xuất sắc nhưng mỗi khi thể hiện bài hát bà luôn tìm hiểu, cảm nhận những điều nhạc sĩ gửi gắm bằng cả trái tim, tâm hồn mình. Bà luôn chau chuốt và không đánh mất của nhạc sĩ một từ, một chữ nào.

Hát bằng tâm thế ấy nên qua tiếng hát của nghệ sĩ Kim Oanh, ca khúc "Đường chúng ta đi" vốn là một chương trong tổ khúc của nhạc sĩ Huy Du đã trở thành một tác phẩm độc lập được mọi người yêu mến. Cũng như một loạt ca khúc làm nên tên tuổi bà như “Bài ca phụ nữ Việt Nam” , “Vui đón mùa về”, “Cô gái Thái Bình”...

Rời xa phòng thu, xa sân khấu biểu diễn đã 25 năm, nhưng khi ngồi trò chuyện với chúng tôi, những kỷ niệm in dấu trong tâm hồn nghệ sĩ Kim Oanh như vừa mới đâu đây. Ký ức trong bà là những buổi biểu diễn bên sông Hiền Lương mà mỗi nghệ sĩ khi ấy đều trở thành một chiến sĩ, là những lần trực chiến hát mừng chiến công... Là tai nạn nghề nghiệp sau lần cắt amidan, bác sĩ dặn phải sau 3 tháng mới được hát. Nhưng mới chỉ được 1 tháng thì tình cờ, đoàn đi biểu diễn đúng địa điểm Kim Oanh đang nghỉ ngơi.

Nhớ nghề quá, Kim Oanh năn nỉ được hát cùng mọi người. Vừa lĩnh xướng xong, bất ngờ Kim Oanh gục ngay trên sân khấu. Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi ấy là đoàn trưởng đứng biểu diễn ở tốp nam ngay phía sau nhanh tay đỡ Kim Oanh rồi đưa vào cánh gà cấp cứu trong sự lo lắng thót tim của cả đoàn.

Cả một đời cống hiến cho âm nhạc, gia tài quý nhất mà NSƯT Kim Oanh có được là sự yêu mến của khán thính giả cả nước. Hàng trăm lá thư từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về cho nghệ sĩ Kim Oanh bày tỏ sự mến mộ cùng lời chia sẻ, yêu thương. Ngày ấy, khi Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc bình chọn ca sĩ được yêu thích nhất thì bà cùng với NSND Quý Dương, NSND Thương Huyền, NSND Quốc Hương là 4 nghệ sĩ nhận được nhiều thư bình chọn nhất. Thậm chí, mê giọng hát của Kim Oanh, có anh bộ đội tranh thủ nghỉ phép đến tận Đài xin được gặp mặt…

Là một trong những ca sĩ nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam được cả nước biết tới nhưng NSƯT Kim Oanh tự nhận mình là người rụt rè, nhút nhát và chỉ thật sự tự tin là mình nhất khi thả hồn vào bản nhạc trong phòng thu. Thế nên, nhiều bạn bè cho rằng bà thiệt thòi hơn so với đồng nghiệp khi bà không được đi nước ngoài biểu diễn, được phong danh hiệu NSƯT muộn màng vì những hạn chế trong suy nghĩ một thời nhưng bà chưa một lần muộn phiền vì điều ấy. Với bà, cứ được hát là hạnh phúc..

(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.