You are here

Overture Cây sáo thần - W.A.Mozart

Tác giả: 
Mai Hạnh

Vở opera Cây sáo thần được Mozart đích thân chỉ huy trong buổi công diễn lần đầu tại Vienna năm 1791, chỉ trước khi ông qua đời 2 tháng sau đó. Tác phẩm đã trở thành kinh điển cho thể loại opera trên sân khấu thế giới, bởi cốt truyện đặc sắc cùng phần âm nhạc đỉnh cao. Trong buổi hoà nhạc đặt vé trước số 143 (15/7/2022), Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ trình diễn khúc overture mở màn cho vở opera này.

Khúc overture của vở cũng như trong nhiều tác phẩm khác, cũng mang tính dẫn dắt, chuẩn bị cho khán giả bầu không khí của câu chuyện sắp diễn ra. Vào thời của Mozart, các khúc overture không phải lúc nào cũng có âm điệu gần với phần nhạc trong vở kịch, nhưng với Cây sáo thần, Mozart đã liên kết tất cả âm điệu của cả overture và phần nhạc trong vở với nhau, đặc biệt bằng một motif nổi bật gồm ba hợp âm. Đã có nhiều nhà nghiên cứu liên hệ mô - típ ba nốt này với con số 3 là biểu tượng của hội Tam Điểm. Motif này vang lên ở ngay mở đầu khúc nhạc, sau đó được nhắc đi nhắc lại trong cả khúc overture và xuyên suốt vở kịch, là điểm nhấn cho những phân cảnh quan trọng.

Về hình thức, Overture vở Cây sáo thần mang cấu trúc sonata cổ điển, gồm ba phần: phần đầu tiên trình bày 2 chủ đề; một phần phát triển ở giữa, nơi các chủ đề biến hóa đa dạng; và phần tái hiện cuối cùng nhắc lại các chủ đề chính. Bạn có nghe thấy đoạn dẫn nhập adagio chậm rãi, trang nghiêm mà Mozart sử dụng để mở đầu cho khúc overture không ? Phần giới thiệu này báo trước bầu không khí buổi lễ và lời cầu nguyện trang trọng của vị linh mục sẽ xuất hiện sau đó trong vở opera.

Sau phần giới thiệu chậm, bạn có thể nghe thấy một chủ đề allegro nhanh nhẹn bắt đầu ở cường độ vừa khẽ, và sau đó xây dựng với cường độ mạnh ? Đó là cách Mozart gợi ý những khía cạnh hài hước, tinh nghịch và tươi sáng của vở opera. Tiếp đến, bạn có thể nghe thấy chủ đề thứ hai, tương phản được vang lên như những lời hỏi – đáp giữa các cây kèn gỗ.

Nếu để ý, ta có thể thấy những manh mối để nhận biết phần phát triển nổi tiếp sau đó: đó là khi âm nhạc thay đổi bầu không khí bằng ba hợp âm vang lên trang trọng từng xuất hiện, rồi lại thấy những chủ đề chính trở lại ở những dáng hình mới, ở những điệu tính mới - chúng được Mozart triển khai với nhiều cách khác nhau, đa dạng và phong phú. Cuối cùng, phần tái hiện khẳng định lại lần nữa những chủ đề ấy ở điệu tính chính ban đầu – Mi giáng trưởng.

Cách triển khai cấu trúc này là đặc điểm của hình thức sonata, thường được Mozart sử dụng cho những bản overture sau này của ông.

Về âm sắc, khán giả có thể nhận ra những cây đàn góp mặt trong khúc overuture đều thuộc biên chế cơ bản của dàn nhạc giao hưởng thời Cổ điển: nguyên dàn dây gồm violin, viola, cello và contrebass; các nhạc cụ bộ gỗ gồm sáo flute, kèn oboe, clarinet, bassoon và bộ đồng có kèn cor, trumpet, trombone và trống timpani thuộc bộ gõ.

Khúc Overture đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa nhiều yếu tố đối lập: nhịp độ có khu vực chậm trang trọng, có khu vực lại tươi tắn linh hoạt; có khi như thầm thì đưa chuyện, có khi bùng nổ cường độ đến độ sảng khoái, có thắt rồi lại mở nút… Pha trộn tất cả vào thành một khối mà vẫn quyện, vẫn sánh và duyên dáng dí dỏm – làm được điều này đúng là trên đời chỉ có Mozart mới là bậc thầy!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.