You are here

Peter Ilyich Tchaikovsky – Giao hưởng số 6 "Bi thương"

Tác giả: 
Mai Hạnh

Nỗi buồn cuối đời nhà soạn nhạc

Giao hưởng số 6 Si thứ là tác phẩm cuối cùng của Tchaikovsky ở thể loại giao hưởng. Đây cũng là một trong những sáng tác đỉnh cao, khẳng định tài năng của Tchaikovsky, chứa đựng năng lượng cảm xúc nồng nhiệt đặc trưng cho phong cách Nga. Chỉ ít ngày sau buổi công diễn, Tchaikovsky cũng qua đời, để lại những tâm tư cuối cùng của mình trong tác phẩm.

Tác phẩm được soạn trong khoảng từ tháng 2 đến cuối tháng 8 năm 1893. Tác giả đã đặt tiêu đề Патетическая (Pateticheskaya) cho bản giao hưởng, có nghĩa là "đam mê" hoặc "xúc động", không phải để “lay động niềm thương cảm”, nhưng đó cũng là một từ có hàm nghĩa “đau khổ”. Sau đó tác phẩm được dịch sang tiếng Pháp thành 'Pathétique', và ở Việt Nam gọi là “Bi thương”.

Năm 1893, Tchaikovsky phải trải qua tình trạng suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy vậy ông vẫn cố gắng gạt bỏ trở ngại để tiếp tục sáng tác. Trong một bức thư gửi cho em trai, Tchaikovsky viết:

“Giờ anh đang bận dồn hết cho tác phẩm mới... và thật khó dứt ra được. Anh tin rằng bản này sẽ là hay nhất trong các tác phẩm của anh.(…) Anh đã bảo em rằng anh đã hoàn thành một bản giao hưởng, mà bỗng anh thấy không hài lòng, anh xé rồi. Bây giờ anh đã sáng tác một bản giao hưởng mới, chắc chắn là anh không rời mắt nổi”.

Sau khi hoàn thành bản Giao hưởng số 6 vào tháng 8 năm ấy, Tchaikovsky lấy lại được tinh thần phấn khởi. Dù khi diễn tập, tác phẩm không được các nhạc công hào hứng, nhưng khi công diễn, bản nhạc đã được khán giả hưởng ứng bằng tràng pháo tay nhiệt liệt.

Bản Giao hưởng số 6 gồm 4 chương:

Chương đầu tiên chứa đựng rất nhiều phân đoạn mang nhịp độ và điệu tính phụ khác nhau, quá trình này dẫn tới sự thay đổi trạng thái cảm xúc của người nghe liên tục: mở đầu Adagio chậm rãi là bè bassoon trầm lặng lẽ; phần trình bày Allegro non troppo không quá nhanh đưa ra hai chủ đề: chủ đề một do viola dẫn vào chính là phiên bản biến tấu nét nhạc mở đầu ở tốc độ sinh động hơn, và chủ đề hai tương phản bởi giọng trưởng tươi sáng hơn nữa.

Khác với lệ thường ở các giao hưởng khác, bản số 6 của Tchaikovsky có chương 1 khép lại ở cường độ rất khẽ. Từ đây, chương 2 Allegro con grazia - nhanh mà duyên dáng - bừng lên không khí vũ hội cung đình. Thoạt nghe, có thể khán giả sẽ nghĩ đây là điệu valse với cách đánh nhịp 3/4 điển hình (mạnh-nhẹ-nhẹ) nhưng thực chất Tchaikovsky để nhịp 5/4: mạnh-nhẹ-nhẹ-nhẹ-nhẹ, tức là sau chu kỳ 3/4 kia có thêm hai phách nhẹ nữa rồi mới trở về phách mạnh. Như vậy, người nghe vừa có cảm giác rất rõ những bước chuyển của điệu valse, vừa có cảm giác nấn ná, chập chừng chờ đợi trước khi “bắt” được trọng âm kế tiếp. Thế nên, người ta còn gọi chương 2 của bản Giao hưởng số 6 này là điệu valse “khập khiễng”, hay “thiếu nhịp”. Sự bất ổn về nhịp điệu kết hợp cùng đường nét giai điệu uyển chuyển đặc trưng của Tchaikovsky đã khiến cho chương nhạc ghi một dấu ấn đặc biệt với khán giả: đó là thứ cảm giác xa xôi, thiếu vắng, bởi âm nhạc như diễn tả nỗi lòng của một người trông đợi điều gì.

Chương 3 Allegro molto vivace - nhanh sống động - là một sonatina không có phần phát triển, bố cục chỉ còn hai phần: phần trình bày có chủ đề 1 nhanh, sôi nổi do dàn dây thể hiện ở nhịp 12/8, chủ đề 2 bắt đầu từ khi clarinet chơi độc tấu còn dàn dây làm nền đệm; phần tái hiện nhắc lại hai chủ đề, lần này chủ đề 2 mang màu sắc mới bởi điệu trưởng và âm điệu gần như hành khúc. Kết chương là một coda tráng lệ như khúc khải hoàn.

Chương 4 được đề Adagio lamentoso – chậm thê lương, là chương nhạc cuốn mọi cảm xúc của người nghe vào một thế giới âm thanh u sầu. Bắt đầu với phần chủ đề chính A có giai điệu chơi bởi bè violin, chương nhạc tiếp nối bằng một đoạn chen có giai điệu tương phản, sau đó chủ đề chính trở lại – quá trình này lặp lại tạo thành bố cục rondo (A-B-A-C-A-B).

Đoạn chen B có bè kèn đồng và bộ gõ hỗ trợ cả dàn nhạc, tạo khối âm thanh dày và vững chắc ở giọng trưởng, sau đó chủ đề A trở lại trong trạng thái ảm đạm. Đoạn chen C ở giữa chương có vai trò phát triển. Tiếp đến, trong lần xuất hiện cuối cùng của chủ đề A, khán giả nghe tiếng cồng khẽ ngân, gợi dẫn tới đoạn hành khúc tang lễ bằng những hồi kèn trombone và tuba.

Cuối chương, cũng là cuối tác phẩm, giai điệu được chia cho các bè trầm của cello, contrebass, bassoon và kết thúc lặng lẽ. Cái kết chất chứa đầy nỗi buồn này thể hiện rõ chất “Bi thương” mà Tchaikovsky đã đặt tiêu đề.

Giao hưởng số 6 – “Bi thương” của Tchaikovsky được nhạc trưởng Honna Tetsuji và VNSO trình diễn trong đêm 1/10/2022.

Nghe tác phẩm: https://youtu.be/EHgHgbZ8YB8

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.