You are here

Petrushka: Từ khóa cho chủ nghĩa âm nhạc hiện đại

Tác giả: 
Ngọc Tú

Chỉ trong khoảng thời gian hơn ba năm, Stravinsky đã viết cho đoàn Ballets Russes của ông bầu Sergei Diaghilev tại Paris âm nhạc của ba vở ballet và đã biến tên tuổi mình thành một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Ivan Vasiliev trong vai Petrushka. Nina Kaptsova vai Ballerina. Nguồn: Damir Yusupov/Bolshoi Theatre.

Mọi việc bắt đầu với thành công của tác phẩm đầu tiên Con chim lửa vào năm 1910. Sau đó, Stravinsky mong muốn sáng tác một bản nhạc nhẹ nhàng hơn cho dàn nhạc trước khi tham gia vào một dự án ballet tiếp theo của Diaghilev (chính là Lễ bái xuân sau này). Trong khi nghỉ hè ở Laussane, Thụy Sĩ, Stravinsky đã hoàn thành một tác phẩm cho piano và dàn nhạc, “một loại Konzertstück” như ông viết trong tự truyện. Stravinsky diễn giải thêm: “Khi sáng tác, tôi nghĩ đến hình ảnh một con rối khác biệt, đột nhiên được ban tặng sự sống, khiêu khích sự kiên nhẫn của dàn nhạc với những hợp âm rải độc ác như thác đổ. Khi đến lượt mình, dàn nhạc trả đũa bằng những tiếng trumpet đầy đe dọa. Hậu quả là một tiếng động khủng khiếp lên đến đỉnh điểm và rồi kết thúc trong sự sụp đổ đau buồn và cáu kỉnh của con rối tội nghiệp… Một ngày kia tôi nhảy cẫng lên vì vui sướng. Tôi thực sự đã tìm thấy tên gọi cho nó, Petrushka, người anh hùng bất tử và bất hạnh”. Đó chính khởi đầu cho sự ra đời của tác phẩm Petrushka. Khi Diaghilev đến thăm Stravinsky vào cuối mùa hè năm đó, với hi vọng được nhìn thấy chút gì đó của Lễ bái xuân, ông đã rất ngạc nhiên và có chút lo lắng khi thấy Stravinsky đang thực hiện một kế hoạch khác. Nhưng khi Stravinsky chơi một phần bản nhạc cho Diaghilev nghe, chính Diaghilev đã nhiệt tình khuyên Stravinsky chuyển tác phẩm thành một vở ballet.

Nếu Con chim lửa được viết theo phong cách hậu lãng mạn lộng lẫy khiến nó trở thành tác phẩm dễ tiếp cận và phổ biến nhất của Stravinsky (ông đã gọi tác phẩm là “chiếc kẹo mút tuyệt vời dành cho khán giả”) thì Lễ bái xuân, được sáng tác năm 1913, theo đúng nghĩa đen đã gây ra một trong những sự kiện chấn động nhất trong lịch sử âm nhạc và ngay lập tức trở thành biểu tượng của phong trào “chủ nghĩa hiện đại” trong nghệ thuật, tượng trưng cho những thử nghiệm phá cách nhất thời bấy giờ. Và ở giữa, cả về thời gian lẫn phong cách thì Petrushka sử dụng nhiều thủ pháp sáng tác hiện đại hơn Con chim lửa nhưng không hoàn toàn phá cách và dễ nghe hơn hẳn Lễ bái xuân, do đó người nghe dễ chấp nhận hơn.

Petrushka là một nhân vật điển hình trong múa rối của dân gian Nga, nó rất quen thuộc với Stravinsky khi thường xuất hiện tại các hội chợ khi ông còn nhỏ. Mặc dù bắt nguồn từ Ý trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 19, Petrushka được du nhập vào Nga. Nhân vật này đã sớm được biến đổi và mang những nét đặc trưng riêng. Petrushka thường được sử dụng trong rối dây và rối tay. Petrushka rất dễ nhận biết với mũ có chóp nhọn và áo dài màu đỏ, thường có mũi dài. Ý tưởng về Petrushka là của riêng Stravinsky. Trong một bức thư viết cho mẹ mình, Stravinsky đã kể: “Petrushka của con mỗi ngày một khác và có những tính cách bất đồng, nhưng nó làm con thích thú vì nó không đạo đức giả”. Với sự hợp tác của nhà thiết kế sân khấu Alexandre Benois, Stravinsky đã lên kịch bản cho vở ballet của mình. Biên đạo múa là Michel Fokine. Cả ba đều đã hợp tác với nhau trước đó trong Con chim lửa. Đầu năm 1911, Stravinsky đã hoàn thành sáng tác của mình và chuyển nó cho Fokine. Nhân vật chính do nghệ sĩ ballet Vaslav Nijinsky đảm nhiệm. Chỉ huy dàn nhạc là Pierre Monteux. Tất cả đã sẵn sàng cho đêm diễn ra mắt tại Théâtre du Châtelet, Paris vào ngày 13/6/1911.

Nhà soạn nhạc Stravinsky và nghệ sĩ ballet huyền thoại Vaslav Nijinsky, người đóng vai Petrushka trên sân khấu Paris. Nguồn: Wikipedia.

Thành công vang dội của Petrushka đã mang lại bất ngờ ngay đối với những người tạo ra nó. Mạnh mẽ, táo bạo, thú vị và hiện đại là những từ ngữ được nhắc đến nhiều nhất, trong đó không nghi ngờ gì nữa, phần âm nhạc của Stravinsky là tâm điểm. Cho đến hai năm tiếp theo, khi sự xuất hiện của Lễ bái xuân thổi bùng lên một cuộc tranh cãi nảy lửa, Petrushka là từ khóa mới nhất cho chủ nghĩa âm nhạc hiện đại.

Khác với Con chim lửa trước đó, Petrushka là một bước tiến quan trọng so với nguyên mẫu âm nhạc thời kỳ Lãng mạn. Stravinsky quay lưng lại với các hình thức âm nhạc truyền thống, thay vào đó, ông tạo ra sự tương phản bằng các khối âm thanh đậm đặc, một kỹ thuật trở thành dấu ấn trong phong cách của ông. Bố cục trong âm nhạc của Stravinsky được ví như các tác phẩm hội họa của Georges Braque hay Pablo Piccaso, khi các hình ảnh và cảnh vật bị bóp méo và trừu tượng hóa, một vật được vẽ từ các khối màu có liên quan lỏng lẻo với nhau. Đúng như vậy, Stravinsky đã khám phá nhịp điệu và màu sắc trong âm nhạc mình theo đúng những cách đó. Ông sử dụng các nhóm nhịp điệu không cân bằng. Ông chia nhỏ các giai điệu. Ông khai thác khả năng của dàn nhạc bằng cách tạo các dải âm thanh đậm đà, tươi sáng mang đến sự lấp lánh của màu sắc rực rỡ - chắc chắn điều này ảnh hưởng từ thầy giáo của ông là nhà soạn nhạc Nikolai Rimsky-Korsakov. Stravinsky đã sử dụng các dải màu sắc này theo cái cách mà những nhà soạn nhạc trước đó áp dụng cho các chủ đề âm nhạc, dùng những khối âm thanh này thay cho giai điệu.

Tác phẩm được chia làm bốn hoạt cảnh. Hoạt cảnh đầu tiên mô tả hội chợ Shrovetide, một lễ hội trước mùa chay ở Saint Petersburg vào những năm 1830. Âm nhạc mở đầu rộn rã, tươi vui dựa trên một bài hát dân ca Nga Ding-a-ling, ding-a-ling được Rimsky-Korsakov sưu tầm trong tập 100 giai điệu dân ca Nga, Op. 24, No. 47. Âm nhạc dân gian Nga chưa bao giờ thiếu vắng trong các tác phẩm của Stravinsky, nhưng đặc biệt dày đặc trong Petrushka. Bức tranh toàn cảnh của lễ hội mở ra với những tay trống, ảo thuật gia, vũ công đường phố, người bán hàng và rất nhiều trò chơi. Nhịp điệu và hòa âm được thay đổi liên tục. Bè flute, clarinet và triangle chơi những giai điệu dựa trên bài hát La jambe en bois của Emile Spencer tạo nên bữa tiệc đường phố đầy màu sắc. Tiếng snare drum và tenor drum vang lên, nhà ảo thuật (hay còn được gọi là Charlatan) xuất hiện với những tiếng rầm rì thần bí từ bassoon và contrabassoon. Tiếng flute độc tấu vang lên, nhà ảo thuật lần lượt giới thiệu ba con rối của mình: chú hề Petrushka, cô vũ nữ ballet xinh đẹp và Moor “Đen”. Nhà ảo thuật đánh thức ba con rối và một vũ điệu của ba nhân vật diễn ra thật tưng bừng. Trong điệu nhảy dựa trên dân ca Nga này, Petrushka rõ ràng dành tình yêu của mình cho Ballerina nhưng cô chỉ mải ngắm nhìn Moor.

Nhà ảo thuật tống Petrushka vào căn phòng nhỏ bé, chật chội của mình trong hoạt cảnh hai. Căn phòng có chân dung của nhà ảo thuật, như một lời nhắc nhở cho sự áp bức mãi mãi. Petrushka nức nở trong tiếng clarinet, bassoon, trumpet chơi tắt tiếng và nổi cơn thịnh nộ khi nhớ lại những gì Ballerina đã làm trước đó. Âm thanh chát chúa của dàn nhạc vang lên. Tất cả đều được thực hiện trên những âm rải của piano, như miêu tả cho khát vọng tự do của Petrushka. Đây chính là đoạn nhạc mà Stravinsky đã chơi cho Diaghilev nghe thử ở Laussane. Cũng trong phần này, lần đầu chúng ta nghe thấy “hợp âm Petrushka” nổi tiếng, được chơi trên clarinet, hai hợp âm 3 nốt Đô trưởng và Pha thăng trưởng được chơi đồng thời, tạo ra ví dụ ban đầu về kỹ thuật hiện đại được gọi là đa âm, sau này được sử dụng rộng rãi. Thứ âm nhạc nghịch tai này nhằm vào hình ảnh hay bị lăng mạ của Petrushka, tạo ra sự tương phản với âm nhạc thuận tai hơn của đám đông. Ballerina xuất hiện, một màn song ca giữa kèn gỗ và piano. Petrushka ngỏ lời nhưng Ballerina ghê sợ sự đáng thương hại của anh và bỏ đi. Tức giận, Petrushka ném mình vào tường trong thất vọng. Âm nhạc trở nên chát chúa, chói tai.

Hoạt cảnh ba diễn ra trong phòng của Moor. Không giống như Petrushka, phòng của Moor rộng rãi, tươi sáng, đẹp mắt và thoải mái hơn nhiều. Moor đẹp trai nhưng lười biếng, kiêu ngạo và ngu ngốc. Kèn đồng với những hợp âm rải của piano càu nhàu, sự tầm thường của Moor còn được thể hiện qua tiếng clarinet, bass clarinet và English horn. Ballerina bước vào khi Moor đang thư giãn và thưởng thức trái cây. Bị vẻ đẹp trai của Moor cuốn hút, Ballerina tán tỉnh anh bằng một màn khiêu vũ, trompet độc tấu vang lên rộn ràng, hứng khởi (trong bản gốc năm 1911, vai trò này được dành cho cornet). Cả hai hòa vào một điệu waltz của cornet, flute và harp, được lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Joseph Lanner (Op. 165 và Op. 200). Petrushka bước vào với tiếng trombone chơi tắt tiếng. Cả ba cãi nhau, Ballerina ngất xỉu và Petrushka chạy trốn sự đuổi bắt của Moor.

Hoạt cảnh bốn đưa chúng ta trở lại với hội chợ Shrovetide, lần này là vào buổi tối. Lại là các vũ điệu đầy màu sắc, âm nhạc dân gian được Stravinsky khai thác triệt để. Những nhạc cụ độc tấu minh họa cho những nhân vật xuất hiện như hai cô bảo mẫu (oboe, horn và flute), bác nông dân (clarinet) dẫn theo một chú gấu (tuba). Tất cả đều nhảy múa vui vẻ. Khi sự cuồng nhiệt đạt tới đỉnh điểm, một tiếng kêu vang ra từ rạp múa rối. Petrushka chạy trốn với Moor điên cuồng đuổi theo sau, tiếp đó nữa là Ballerina. Moor đuổi kịp và đâm chết Petrushka với tiếng đập tambourine vang lên. Moor chạy trốn cùng Ballerina. Piccolo và flute rên rỉ những lời cuối của Petrushka. Cảnh sát triệu tập nhà ảo thuật, ông cầm xác Petrushka lên và lắc để mọi người thấy đó chỉ là một con rối được làm bằng mùn cưa. Màn đêm buông xuống, mọi người ra về. Nhà ảo thuật chợt thấy hồn ma Petrushka xuất hiện, giọng nói thách thức qua tiếng trumpet vang lên, giễu cợt đám khán giả nhẹ dạ từ nóc rạp múa rối, nhà ảo thuật chạy trốn trong hoảng sợ. “Hợp âm Petrushka” xuất hiện trong tiếng cười cuối cùng. Câu chuyện kết thúc với một câu hỏi bỏ ngỏ - ai có thật và ai không?

Theo Stravinsky “đây mới là Petrushka thật và sự xuất hiện trong phần cuối cho thấy trước đó chỉ đóng vai trò là con rối”. Hợp âm Petrushka ở hai giọng khác nhau như để khắc họa hình tượng hai vai của Petrushka, vừa là con rối vừa là con người. Sự thành công của Petrushka đã tiếp thêm động lực cho Stravinsky: “Thành công đối với tôi rất tốt, ở chỗ nó cho tôi niềm tin tuyệt đối vào tai mình ngay khi tôi bắt đầu Lễ bái xuân”. Nhà âm nhạc học Stephen Walsh đã nhận xét trong cuốn Âm nhạc của Stravinsky: “Chắc chắn Petrushka tiêu biểu cho tín ngưỡng nghệ thuật mới… tín ngưỡng về màu sắc, chuyển động và ảo ảnh… một tâm trạng mới của nghệ thuật mà trong đó sự tự hấp thụ và đau khổ của chủ nghĩa lãng mạn và biểu hiện bắt đầu bị tính khách quan hướng ngoại háo hức tham gia vào niềm vui của sự tồn tại phản đối”.

Cuối năm 1946, thời điểm mà Petrushka đã được coi là một tác phẩm kinh điển dành cho ballet, Stravinsky đã sửa lại tác phẩm của mình theo hướng rút gọn quy mô của dàn nhạc và tinh chỉnh theo hướng thiên về biểu diễn hòa nhạc hơn là phong cách mô tả của sân khấu ballet. Phiên bản này được biết đến với tên gọi phiên bản 1947 và ngày nay thường được biểu diễn nhiều hơn phiên bản gốc năm 1911. Năm 1921, Stravinsky sáng tác tác phẩm Ba chương nhạc từ Petrushka dành tặng cho nghệ sĩ piano vĩ đại Arthur Rubinstein, một người bạn thân của ông. Theo Stravinsky, tác phẩm mới này không phải là bản sao từ vở ballet. Ông không cố gắng tái tạo lại âm thanh của dàn nhạc mà muốn tạo ra một tác phẩm mới dành cho piano lấy chất liệu âm nhạc từ Petrushka. Bản nhạc dành cho piano nổi tiếng với những thách thức về mặt kỹ thuật nhưng rất được yêu thích và biểu diễn rộng rãi trên toàn thế giới.

Petrushka

Tác giả: Igor Stravinsky.

Thời gian sáng tác: Năm 1911. Stravinsky có chỉnh sửa lại vào năm 1947.

Công diễn lần đầu: Ngày 13/6/1911 tại Théâtre du Châtelet, Paris với Pierre Monteux chỉ huy dàn nhạc. Thành phần dàn nhạc:

- Phiên bản năm 1911: 4 flute (flute 3 và 4 kiêm picollo 1, 2), 4 oboe (oboe 4 kiêm English horn), 4 clarinet (clarinet 4 kiêm bass clarinet), 4 bassoon (bassoon 4 kiêm contrabassoon), 4 horn, 2 trumpet, 2 cornet, 3 trombone, tuba, timpani, triangle, cymbal, bass drum, snare drum, tambourine, tam-tam, glockenspiel, xylophone, celesta, piano, 2 harp và dàn dây. Ngoài ra còn có 1 snare drum và tenor drum bên ngoài sân khấu.

- Phiên bản năm 1947: 3 flute (flute 3 kiêm piccolo), 2 oboe, English horn, 3 clarinet (clarinet 3 kiêm bass clarinet), 2 bassoon, contrabassoon, 4 horn, 3 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, bass drum, cymbal, snare drum, tambourine, triangle, tam-tam, xylophone, piano, celesta, harp và dàn dây.

Tác phẩm có 4 hoạt cảnh:
Hoạt cảnh 1: Hội chợ Shrovetide
Hoạt cảnh 2: Phòng của Petrushka
Hoạt cảnh 3: Phòng của Moor
Hoạt cảnh 4: Trở lại hội chợ Shrovetide

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.