You are here

Quang Hào - từ ca sĩ đến giám đốc

Tác giả: 
N.M.HÀ

Quang Hào từ khi làm Giám đốc Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) có vẻ hơi xao lãng vai trò ca sĩ. Mới đây anh lại nổi lên trong vai trò Phó Ban tổ chức (BTC) cuộc thi Giọng hát hay Đà Nẵng Mở rộng. Đêm chung kết 30/11, trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Đà Nẵng.

Quang Hào

Lần đầu tiên một nhà hát địa phương tổ chức cuộc thi quy mô cấp quốc gia, BTC gặp khó khăn gì?

Đầu tiên rất lo làm sao hút thí sinh. Đây là chương trình làm hoàn toàn bằng ngân sách thành phố, nên vẫn còn hạn chế về tài chính. Nhà hát đã nỗ lực rất nhiều để có một sân khấu xứng đáng và đón tiếp thí sinh chu đáo.

Trong quá trình chấm bán kết, không ngờ thí sinh quá mạnh. Cuối cùng thay vì 10, BTC và Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) quyết định lựa 15 trong số 100 thí sinh bán kết để vào chung kết.

Ca sĩ Quang Hào chơi môn thể thao đạp xe từ 2 năm nay Ảnh: NVCC

Cuộc thi cho phép thí sinh thoải mái lựa chọn dòng nhạc, liệu có chuyện thí sinh hát bolero bị lép vế so với thính phòng?

Tiêu chí chấm thi không nặng quá về kỹ thuật. BTC cố gắng lựa chọn HĐNT đủ trình độ chuyên môn cũng như trình độ thẩm định để đánh giá nghệ sĩ đó đứng trên sân khấu đã thể hiện được trọn vẹn ca khúc đó chạm đến trái tim của khán giả hay không. Đặc biệt BTC nhắm đến sự sáng tạo, đổi mới, không bị lặp lại những cuộc thi khác. Sự cởi mở về dòng nhạc cũng tạo nên một sự hấp dẫn điểm nhấn riêng cho cuộc thi.

Ngoài Đà Nẵng, địa phương nào có lượng thí sinh tham gia đông nhất?

Chiếm tỷ lệ cao nhất là thí sinh từ Bắc vào, tới 35%. Các bạn vào chung kết đa số là từ Hà Nội.

Trở lại thời điểm 3 năm trước, vì sao Quang Hào quyết định rời Hà Nội về Đà Nẵng?

Cũng là cái duyên khi ở Hà Nội gặp lãnh đạo thành phố, người ta cũng rất nhã ý muốn tôi về Đà Nẵng cống hiến cho quê hương. Lúc đó đang đeo quân hàm quân đội, nghĩ thôi về quê hương cũng là cái hay. Đà Nẵng là nơi dễ chịu, một thành phố ôn hòa, nhẹ nhàng, hợp với tính cách con người mình. Tất nhiên thời gian đầu rất nhiều khó khăn. Sau khi về, hoạt động nghệ thuật được sự ghi nhận của lãnh đạo thành phố cũng như mọi người, tôi quyết định dự thi chức giám đốc của Nhà hát.

Nhà hát khởi sắc như thế nào từ khi có giám đốc mới?

Chất lượng nghệ thuật nâng cao. Năm ngoái lần đầu tiên sau 20 năm, Nhà hát tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc được Huy chương Vàng. Hàng năm, chúng tôi thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo của chuyên gia trong ngoài nước cho diễn viên. Nhà hát cũng dự nhiều sự kiện lớn như Tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC, Lễ hội Pháo hoa, các chương trình âm nhạc giải trí lớn của thành phố và cả nước. Hầu như các sự kiện chính trị của thành phố nhà hát đều tham gia. Trước đây nếu tham gia thì chỉ các chương trình chính trị thôi, giải trí ít.

Đội ngũ lãnh đạo của nhà hát và diễn viên tương đối trẻ. Đặc biệt mấy năm nay một số ca sĩ thành danh ở TP.HCM, Hà Nội hoặc một số bạn thủ khoa các trường nghệ thuật cũng về đầu quân cho nhà hát.

Cơ cấu hạ tầng tại Nhà hát được sửa chữa chỉnh trang lại xanh sạch đẹp hơn. Nhà hát được đầu tư hệ thống âm thanh ánh sáng tương đối hiện đại. Phong cách tiếp đón dịch vụ cũng được quan tâm để làm hài lòng khách hàng và khán giả. Đó là mấu chốt của một đơn vị vừa phục vụ chính trị vừa làm giải trí.

Hình như con người giám đốc có phần lấn lướt phần ca sĩ trong Quang Hào?

Đôi khi mình cũng phải hy sinh việc riêng, ví dụ khi đi diễn trùng vào lịch họp rất quan trọng của sở hoặc lịch họp của nhà hát. Hoặc công việc nhiều quá, vào phòng thu không hát được luôn. Nhưng gần đây, bộ máy của nhà hát được kiện toàn dần, anh em cũng hỗ trợ, nên có thời gian chuẩn bị những dự án âm nhạc riêng cho mình. Đó cũng là nòng cốt để tạo nên một thương hiệu Quang Hào ngày hôm nay, không thể nào thờ ơ được.

Quyết định về Đà Nẵng công tác như thế là rất sáng suốt?

Cuộc đời không ai nói trước được điều gì, nhưng cho đến giờ tôi thấy những quyết định của mình cũng phù hợp, đúng với mong muốn sáng tạo nghệ thuật từ tuổi thơ. Công tác chỉ đạo nghệ thuật có tính sáng tạo cao. Tôi rất yêu công việc hiện tại. Tất nhiên rất áp lực, nhiều khi nản nhưng nghĩ đi nghĩ lại còn 70 con người đang ở đây. Nhà hát Trưng Vương là một trong những đơn vị nghệ thuật đầu tiên xã hội hóa 100% kể từ 2020.

Thường xuyên đạp xe đường trường, vì sao Hào chọn môn thể thao này?

Càng căng thẳng, mình càng phải chơi thể thao và giữ sức khỏe. Đặc biệt môn này đưa mình đến nơi này nơi khác, thưởng ngoạn được những cảnh đẹp của Đà Nẵng và vùng xung quanh, không những giúp mình khỏe mà còn thêm cảm hứng sáng tạo.

Quãng đường đạp xe xa nhất mà Quang Hào đã chinh phục? Qua đèo Hải Vân liệu có phải dắt xe?! 

Xa nhất là 180km về A Lưới (Quảng Trị) và trở về. Đạp hết chứ ai lại dắt. Hải Vân ăn thua gì, như tập thể dục bình thường thôi. Sáu con đèo A Lưới mới ghê, mà chúng tôi vẫn đạp qua hết.

(Nguồn: https://www.tienphong.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.